Người VN có quyền mang 2 quốc tịch?

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 24/02/2008 21:02 GMT+7

TTCT - “Luật quốc tịch 1998 được xây dựng lúc tư duy chúng ta còn cảnh giác, sợ rằng cho nhập quốc tịch VN thì người ta sẽ làm gián điệp. Tư duy đó cũ rồi. Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước nắm đằng chuôi. Nếu Nhà nước làm luật sơ hở thì Nhà nước phải chịu”.

Phóng to

Ngày càng có nhiều Việt kiều muốn được công nhận hai quốc tịch. Trong ảnh là hai nhà khoa học Việt kiều Mỹ Đàm Thanh Sơn (trái) và Nguyễn Trọng Hiền (phải) trao đổi với nhau ở Hà Nội

TTCT - “Luật quốc tịch 1998 được xây dựng lúc tư duy chúng ta còn cảnh giác, sợ rằng cho nhập quốc tịch VN thì người ta sẽ làm gián điệp. Tư duy đó cũ rồi. Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước nắm đằng chuôi. Nếu Nhà nước làm luật sơ hở thì Nhà nước phải chịu”.

TS Trần Thất (vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp) nói như vậy với Tuổi Trẻ cuối tuần về việc sắp sửa đổi một số qui định của Luật quốc tịch liên quan đến vấn đề công nhận quốc tịch đối với Việt kiều, tình trạng trẻ em có hai quốc tịch, thủ tục nhập, thôi quốc tịch.

* Bà con Việt kiều đang rất trông đợi VN sẽ công nhận thế nào đối với những người đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch VN, trong khi luật VN hiện hành chỉ công nhận công dân VN nếu chỉ có một quốc tịch VN?

- Luật quốc tịch năm 1998 qui định một quốc tịch triệt để. Nhưng qui định như thế là chưa tính đến luật pháp về quốc tịch của các nước, chỉ mới biết về phía mình chứ không thể can thiệp vào pháp luật của các nước. Trên thực tế, người VN định cư ở nước ngoài đại đa số đều có hai quốc tịch, một của nước sở tại, một của VN vì họ chưa thôi quốc tịch VN, và ở những nước họ đang định cư người ta không yêu cầu thôi quốc tịch VN.

Tình trạng một Việt kiều có hai quốc tịch dẫn đến những vướng mắc là khi xảy ra tranh chấp VN không thể phán quyết thế này, thế kia được vì không thể bỏ qua luật pháp nước mà họ cũng đang là công dân. Chẳng hạn một người VN nhập quốc tịch Hoa Kỳ nhưng chưa thôi quốc tịch VN, giờ về VN lấy vợ thì ghi vào quyết định công nhận kết hôn là quốc tịch nào? Nếu ghi quốc tịch VN thì Hoa Kỳ không chấp nhận, hôn nhân đó trở thành bất hợp pháp. Nếu ghi quốc tịch Hoa Kỳ thì vô tình mình từ bỏ chủ quyền của Nhà nước VN đối với công dân đó. Còn nếu ghi cả hai quốc tịch thì không đúng vì mình chỉ công nhận một quốc tịch.

Một trong những yêu cầu và mục tiêu của việc sửa đổi Luật quốc tịch là nhằm thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế. Chúng ta sửa luật không những tạo điều kiện cho bà con Việt kiều được hưởng quyền lợi như người ở trong nước, mà còn bảo đảm được cơ sở pháp lý để chúng ta bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài.

* Như vậy VN sẽ công nhận hai quốc tịch đối với Việt kiều?

- Bà con Việt kiều khi sống ở nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau buộc phải nhập quốc tịch nước đó để thuận tiện cho cuộc sống, nhưng họ vẫn muốn giữ quốc tịch VN. Nếu chúng ta xử lý không khéo thì họ được lợi đường này song lại hại đường khác. Khi sửa luật chúng tôi đặt mục tiêu bảo đảm tối đa quyền lợi cho bà con nhưng cũng phải lường trước hậu quả có thể xảy ra.

Chúng tôi dự định Luật quốc tịch vẫn giữ qui định một quốc tịch nhưng trong những trường hợp cụ thể sẽ qui định mềm dẻo. Ví dụ công dân sống trên lãnh thổ VN thì công nhận một quốc tịch VN. Người nước ngoài muốn nhập quốc tịch VN thì phải thôi quốc tịch nước ngoài vì nguyên tắc của mình là một quốc tịch. Các nước trên thế giới cũng khuyến nghị nên theo nguyên tắc một quốc tịch để rõ ràng. Nhưng chúng ta sẽ qui định mềm dẻo ở chỗ nếu công dân VN sống ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch VN mà nước đó cho phép nhập quốc tịch không bắt buộc phải thôi quốc tịch VN thì chúng ta không phủ nhận quốc tịch đó, tức là họ sẽ có hai quốc tịch. Tất nhiên qui định thế nào phải căn cứ vào thực tiễn vì đằng sau vấn đề quốc tịch là chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Việt kiều, làm sao để bảo hộ tối đa quyền lợi của bà con.

* Ông đánh giá thế nào về quyền lợi của Việt kiều khi họ được mang hai quốc tịch?

- Quyền lợi của họ sẽ tăng lên đáng kể khi họ về VN. VN đang được coi là một địa chỉ đầu tư rất hấp dẫn, nên nguyện vọng của bà con Việt kiều vẫn muốn giữ quốc tịch VN để khi về nước họ được đối xử như tất cả công dân khác. Nhưng tôi nghĩ họ muốn giữ quốc tịch VN không phải nhằm quyền lợi, mà trước hết là họ vẫn muốn được công nhận là người VN với đầy đủ tư cách pháp lý. Đấy là nguyện vọng chính đáng.

Phóng to

TS Trần Thất

* Việt kiều có quốc tịch VN liệu có được tham gia ứng cử, bầu cử ở trong nước như những công dân VN sở tại không?

- Những vấn đề đó sẽ do các luật cụ thể qui định. Đúng là việc công nhận hai quốc tịch sẽ có một số hệ quả tiếp theo như quyền ứng cử, bầu cử nhưng như tôi đã nói, chúng ta sẽ qui định mềm dẻo.

* Còn nghĩa vụ với đất nước thì sao, thưa ông?

- Chúng ta phải chấp nhận thực tế công dân định cư ở nước ngoài không thể làm nghĩa vụ bình đẳng như công dân trong nước, và đừng đặt qui định máy móc buộc họ phải về nước làm nghĩa vụ. Chỉ khi nào họ về VN thì lúc đó mới yêu cầu họ làm nghĩa vụ, và qui định trong những trường hợp cụ thể chứ không phải làm nghĩa vụ thường xuyên. Ví dụ họ được mua đất ở VN thì vẫn phải làm nghĩa vụ đóng thuế nhưng không có nghĩa là có thể bắt họ phải làm nghĩa vụ quân sự.

* Chúng ta sẽ xử lý thế nào khi xảy ra tranh chấp trong các giao dịch đối với những công dân có hai quốc tịch?

- Trong các giao dịch dân sự, hành chính, họ giao dịch với tư cách công dân nước nào, xuất trình hộ chiếu nước nào thì ta đối xử với họ với tư cách công dân nước đó. Nếu xuất trình cả hai hộ chiếu thì không chấp nhận. Trong giao dịch cụ thể thì không thể nước đôi. Những vấn đề cụ thể như thế này sẽ được qui định trong các văn bản dưới luật.

* Hiện nay có nhiều nước qui định bất kỳ trẻ nào sinh ra trên lãnh thổ của họ thì được mang quốc tịch nước đó. VN sẽ qui định vấn đề này thế nào trong lần sửa đổi tới?

- Chúng ta qui định quốc tịch trẻ em trước hết theo nguyên tắc huyết thống, tức là cha mẹ là người VN dù sinh con ra ở đâu thì đứa trẻ đó cũng có quốc tịch VN. Nếu cha mẹ khác quốc tịch và một trong hai người có quốc tịch VN thì cha mẹ có thể thỏa thuận chọn quốc tịch VN cho con. Do theo quan hệ huyết thống nên đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ VN mà cả cha và mẹ là người nước ngoài thì đứa trẻ đó không có quốc tịch VN. Trong trường hợp không xác định được cha mẹ thì chúng ta mới theo nguyên tắc lãnh thổ, tức là một đứa trẻ bị bỏ rơi trên lãnh thổ VN thì có quốc tịch VN. Hay trong vấn đề con nuôi quốc tế thì VN qui định trẻ em VN đi làm con nuôi người nước ngoài vẫn có quốc tịch VN đến khi đủ 18 tuổi thì có quyền đứng ra lựa chọn quốc tịch.

* Nhiều ý kiến cho rằng thủ tục giải quyết liên quan đến quốc tịch của VN vẫn còn rất phức tạp?

- Tới đây sẽ có nhiều sửa đổi vì trước đây chúng ta qui định cho thôi hoặc nhập quốc tịch với tư duy lạc hậu. Bây giờ hội nhập thì tư duy phải khác. Phải xem chuyện một công dân ngày mai xin thôi quốc tịch VN, nhập quốc tịch nước khác là quyền chính đáng của họ, miễn là họ hành xử theo đúng pháp luật. Việc an ninh thì an ninh vẫn cứ làm, còn quyền của người dân được xin thôi quốc tịch thì vẫn phải giải quyết nhanh chóng.

* Các điều kiện liên quan đến quốc tịch cũng không đơn giản chút nào?

- Trước đây chúng ta quên mất rằng ngay trên lãnh thổ VN cũng có hàng vạn người từ các nước sang định cư mấy đời nay vẫn chưa có quốc tịch VN. Luật qui định các điều kiện như biết tiếng Việt đủ để hòa nhập, có chứng chỉ công nhận trình độ tiếng Việt... là quá nhiêu khê. Hay như việc họ định cư ở VN lâu rồi mà bắt họ nộp lý lịch tư pháp chứng nhận có hay không có tiền án là vô lý. Những qui định như thế chỉ mang tính lý thuyết, không phù hợp thực tế nên tới đây phải sửa.

* Thưa ông, việc sửa đổi Luật quốc tịch lần này có lấy ý kiến nhân dân không?

- Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện, bằng các phương thức như hội thảo, đưa lên mạng để lấy ý kiến của người dân, đặc biệt phần liên quan đến người VN định cư ở nước ngoài để kỳ họp Quốc hội cuối năm nay thông qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận