Nguy cơ lây nhiễm kép lao- đái tháo đường

BS LÊ TUYẾT HOA 05/11/2015 02:11 GMT+7

TTCT - Tỉ lệ người đái tháo đường (ĐTĐ) bị lao phổi tại các phòng khám đang có xu hướng tăng những năm gần đây. Bệnh ĐTĐ làm tăng khả năng nhiễm trùng nói chung và bệnh lao nói riêng, nhất là khi không kiểm soát tốt đường máu.

Thể dục thể thao thường xuyên là biện pháp phòng bệnh tốt nhất -N.C.T.
Thể dục thể thao thường xuyên là biện pháp phòng bệnh tốt nhất -N.C.T.

Thế giới có hàng triệu ca nhiễm lao mới trong mấy năm gần đây, 80% số này thuộc về 22 nước được xếp vào nhóm tỉ lệ bệnh lao cao, trong đó có Việt Nam. Trong lúc đó, nước ta còn là một quốc gia đang phát triển, quá nhiều thay đổi về lối sống khiến tỉ lệ bệnh ĐTĐ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua.

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy ở mức độ cộng đồng, bệnh ĐTĐ chưa được phát hiện sớm để có biện pháp điều trị tối ưu cho tất cả bệnh nhân, làm nỗi lo về nguy cơ mắc lao và tử vong do lao là có thật. Như vậy gánh nặng kép ĐTĐ - lao ở nước ta có thể làm công tác khống chế lao không đạt hiệu quả như mong đợi.

Một người bệnh lao thường trải qua các giai đoạn: có sẵn những yếu tố đặc thù khiến dễ nhiễm lao, tiến đến lao tiềm ẩn, rồi nhiễm lao rõ (bệnh lao hoạt động), cuối cùng là hồi phục lao. ĐTĐ không kiểm soát tốt đường máu dễ thúc đẩy tiến triển của tất cả các giai đoạn: tăng nhiễm tiềm ẩn chuyển sang bệnh hoạt tính, tăng tái phát sau khi ngừng điều trị, tăng nguy cơ kháng thuốc lao cũng như tăng tử vong ở người lao hoạt động.

Ở nước ta, điều trị lao thường tách riêng với ĐTĐ. Đa số bác sĩ chăm chút điều trị dứt điểm lao cho bệnh nhân mà ít chú ý đến ảnh hưởng của ĐTĐ trên sự lây truyền lao. Dự phòng bệnh ĐTĐ và hoặc kiểm soát tốt đường máu sẽ cải thiện tỉ lệ kiểm soát lao, cải thiện kết cục điều trị cho người bệnh lao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm cần thoát khỏi ranh giới riêng của mình, nên phối hợp hành động nhằm đối phó với cả lao và ĐTĐ. Chiến lược chống lao toàn cầu sau năm 2015 đã đề cập bệnh ĐTĐ trong dự phòng lao nhưng nhiều nước vẫn không có sự phối hợp giữa chương trình lao và chương trình phòng chống ĐTĐ quốc gia.

Mô hình động về lây truyền lao được thực hiện ở 13 quốc gia có tỉ lệ nhiễm lao cao nhằm đánh giá ảnh hưởng của tỉ lệ lưu hành bệnh ĐTĐ đến tình hình dịch lao hiện tại và tương lai. Kết quả cho thấy chỉ một mình ĐTĐ đã có thể tác động đến biến chứng và tử vong do lao trong vòng 20 năm tới.

Nếu bệnh ĐTĐ tiếp tục tăng và sự can thiệp lao như hiện nay (tức tập trung điều trị bệnh lao thể hoạt động) thì đến năm 2035 chỉ giảm được 8,8% những trường hợp lao mới và giảm 34% tử vong ở 13 quốc gia này.

Điều trị lao như vậy chỉ giảm lây truyền gần (mới), trong khi còn rất nhiều người nhiễm lao tiềm ẩn ở các nước trên và chính họ mới làm tỉ lệ lao tăng trong vài chục năm tới bởi tăng tái hoạt nội sinh. Dự phòng ĐTĐ là nhắm đến giảm sự tái hoạt nội sinh ở đối tượng lao ẩn và hỗ trợ tích cực cho chiến lược kiểm soát lao cộng đồng.

Như vậy, để có thể giảm tỉ lệ lao mới phải: giảm mắc ĐTĐ, điều trị ĐTĐ tích cực cho người ĐTĐ bị lao và theo dõi họ sau khi hoàn tất điều trị lao để giảm tử vong, giảm tái phát và ngăn chặn lây truyền lao; sàng lọc lao tiềm ẩn ở người ĐTĐ và điều trị sớm để giảm chuyển sang thể hoạt động. Xu hướng gia tăng bệnh ĐTĐ trong những năm tới và tỉ lệ hiện mắc lao thay đổi theo thời gian cần được giới hữu trách tính đến khi lập kế hoạch ứng phó với bệnh lao. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận