Nhà ảo thuật và thằng học trò

LÊ VĂN NGHĨA 06/06/2014 09:06 GMT+7

TTCT - (Trích truyện dài sắp phát hành: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy)

Minh họa: Bích Khoa

Á Đông đại tửu lầu trên đường Tháp Mười (1) là một nhà hàng nổi tiếng dành cho người giàu, nhất là các “xì thẩu” (2). Ban đêm, đèn đuốc sáng choang, rực rỡ. Các cô chiêu đãi viên người Tàu mặc xường xám đỏ, xẻ lên tận đùi để lộ hai bắp vế trắng hếu đứng đón khách từ cửa ra vào. Những chiếc xe Citroen, Renault... đậu dài dài dọc theo con đường mang tên nhà hiền triết Trung Hoa, có tượng của ông ta đứng từ vườn hoa đối diện nhìn sang tửu lầu một cách buồn bã. Bức tượng thì nhỏ thó còn tửu lầu thì cao năm tầng giống như sự đối chọi không cân xứng giữa triết lý và cái bụng.

Tất cả sự sang trọng, hào nhoáng chỉ rực rỡ vào ban đêm với những thực khách quần là áo lượt, đi ra đi vào trái ngược hẳn với bộ mặt của tửu lầu vào buổi sáng. Vắng lặng, lạnh lẽo và xám ngoét. Thảm đỏ đã được cất dọn. Các cô gái xinh đẹp “hảo lớ”(3) trong bộ xường xám đỏ để lộ đùi trắng chắc còn nằm ngủ đâu đó trong những căn nhà trọ hoặc khách sạn rẻ tiền thuê theo tháng. Chỉ còn lại người gác dan già nua đang ngồi phun những hơi thuốc nhàn tản.

Bù lại, dọc lề đường cạnh bên tửu lầu xuất hiện các “gánh” bán cao đơn hoàn tán có khỉ làm xiếc, có ảo thuật đi kèm đã làm khu vực này náo động rộn ràng, đầy sức sống. Khán giả phần lớn là đàn ông cùng có cách ăn mặc xuềnh xoàng như nhau. Có người thì mặc bộ xá xẩu (4), có người thì diện bộ đồ ngủ nhăn nhúm, có người thì cứ áo thun ba lỗ, quần đùi là xong. Họ chen chúc ngồi chồm hổm hay đứng thành vòng tròn tạo thành một sân khấu lộ thiên. Trong đám khán giả trung thành không thể thiếu những thằng con nít cỡ thằng Ti.

Thằng Ti thấy ông thầy mình là tổ sư bồ đề, không nhà ảo thuật nào qua mặt được. Xem trò ảo thuật nào của các nhà ảo thuật khác nó đều bĩu môi, khi dễ. Một hôm, nó khám phá gần tửu lầu Á Đông vào buổi chiều cũng có một gánh ảo thuật bán cao đơn hoàn tán.

Nhà ảo thuật này lớn tuổi hơn ông thầy của nó, nói năng thều thào không muốn ra hơi, đồ nghề biểu diễn thì chẳng có bao nhiêu nên chỉ diễn những trò cũ rích. Nhờ nhà ảo thuật - thầy nó truyền nghề nên nhìn những trò này thằng Ti biết cách diễn liền. Có lẽ vì vậy mà nhà ảo thuật này chỉ dám diễn vào buổi chiều, mong vớt vát được những khách hàng đi chợ cuối phiên.

Nhà ảo thuật này cũng bán cao đơn hoàn tán trị đủ thứ bệnh hằm-bà-lằng xán cấu, từ đau răng, nhức mỏi đến dưỡng thai như sư phụ nó. Một viên thuốc trị đủ bá bệnh tùy theo người mua muốn trị bệnh gì thì viên thuốc tễ của ông trị bệnh ấy. Nhìn vào những viên thuốc đen đen bốc mùi đường phèn thì thằng Ti biết ngay là thuốc làm bằng cơm nguội, trộn với vỏ quýt cho thơm, đường phèn cho ngọt, uống vào thì cũng chẳng có hại gì.

Thực ra, thuốc này chẳng phải do nhà ảo thuật này “bào chế” mà ổng chỉ là người bán để ăn hoa hồng cho một “dược phòng” nào đó. Muốn bán được thì - cũng giống như ông thầy của nó - diễn ảo thuật để mọi người xúm xít đứng coi, sau đó mới “trước mua vui, sau làm nghĩa - mua thuốc linh đơn về giúp bà con lối xóm hay trị bệnh cho người trong gia đình”.

Thằng Ti thấy không ưa sự lừa gạt của “An xuân đường” mà nhà ảo thuật này là người trực tiếp dụ khị mấy bà nhà quê, mấy ông nông dân. Họ đứng coi ảo thuật để đợi chuyến xe đò chiều, bị lời ngon tiếng ngọt của ông này mua vài hoàn tiên đơn về ngâm rượu hoặc cất phòng thân khi trái gió trở trời. Ông ta lại còn dám giành chỗ diễn riêng của sư phụ nó. Bởi vậy khi nhà ảo thuật này vừa chuẩn bị diễn trò gì là thằng này nói ngay:

- Đó... đó... cục đạn nằm trong tay trái...

- Ông tướng thầy ba gật đầu được là do tay của ổng kéo dây đó...

- Điếu thuốc ổng đang giấu trong túi áo đó...

Hay:

- Đó... đó... ông sắp lấy con rắn nhựa từ trong cái túi ra...

Thằng Ti càng nói thì ảo thuật gia này càng bối rối, lúng túng. Cái tay của ổng trở nên cứng ngắc và luống cuống, không còn mềm dẻo để trò diễn được trơn tru. Ngày một, ngày hai thì không sao nhưng suốt cả tuần thì thằng Ti trở thành khắc tinh của ông ta. Nhìn thấy mặt thằng Ti là nhà ảo thuật này mất ngay khí thế để diễn, giống như con khỉ thấy con ếch là cứng đơ cả người. Riêng thằng Ti khi phát hiện ảo thuật gia này có vẻ bị “cúm” với mình thì rất là hứng chí. Nó vô cùng tự đắc, không ngờ thằng như mình mà dám phá đám một nhà ảo thuật lớn tuổi hơn cả sư phụ của nó. Thỉnh thoảng, muốn lấy le, nó rủ bọn thằng Minh, thằng Chim đi theo để xem nó lật tẩy nhà ảo thuật này. Dầu sao thì nó cũng thuộc loại “chì một cây xanh dờn” chớ có phải đồ bỏ sao!

Buổi chiều nọ, khi nhà ảo thuật đang biểu diễn trò biến giấy trắng thành tiền 5 đồng (5), nó ngứa miệng, nói lớn:

- Ông ngon biến thành tờ 100 đồng đi - Nó nói vậy vì biết nhà ảo thuật già này làm gì có tiền mà biến thành 100 đồng. 10 đồng là hết cỡ.

Đám đông - bữa nay nhà ảo thuật này hên sao mà có rất nhiều người xem - đa số là mấy ông, mấy bà ở lục tỉnh lên mua hàng, đang chờ chuyến xe buổi chiều. Những người này hay mua thuốc cao đơn hoàn tán sau khi được xem những trò ảo thuật vô cùng lạ lùng với họ. Nhiều người nghe thằng Ti kêu như vậy cũng ủng hộ:

- Ờ, phải rồi. Giấy trắng ra 100 đồng!

- 5 đồng thì ai biến chẳng được.

- Thằng nhỏ nói đúng đó, 100 đồng mới hay...

Nhà ảo thuật già đứng lớ ngớ. Ông ta đã bị thằng Ti làm cho sượng. Làm sao ông có thể biến ra tờ 100 đồng khi mà trong túi ông chỉ còn 5 đồng. Ông đang đói bụng. Trưa nay ông phải nhịn ăn ở quán cơm xã hội (6) vì muốn để giành tờ 5 đồng cuối cùng cho màn ảo thuật này, buổi chiều sẽ làm một dĩa cơm sườn no nê sau khi bán được thuốc. Mà không biểu diễn ra tờ 100 đồng thì không thu hút được sự kính nể của họ.

Ông bèn nói trớ - một cách thoát thân hữu hiệu của các nhà ảo thuật cao đơn hoàn tán:

- Diễn ra giấy 100 đồng là đồ bỏ nhưng trước khi biến giấy ra tiền, tui xin giới thiệu ông tướng thầy ba từ núi Tà Lơn (7), có tài đoán bệnh cho các ông các bà. Ông này, chắc lưng ổng đau lắm phải không ông tướng thầy ba...

Nhà ảo thuật già cầm cái tượng đất nhỏ xíu, kéo sợi dây bí mật để điều khiển cái đầu “ông tướng thầy ba” này gật lên, gật xuống. Nhà ảo thuật già kêu lên:

- Đó thấy chưa, ông tướng thầy ba gật đầu rồi đó...

Biết mấy người đàn ông lớn tuổi ở nông thôn, làm ruộng rẫy hay bị đau lưng nên nhà ảo thuật già đã đánh trúng tâm lý của họ bằng “ông tướng thầy ba”. Và thằng Ti cũng biết thóp là nhà ảo thuật này muốn chuyển tiết mục biến giấy ra tiền bằng ông tướng thầy ba nên nó đưa hai tay lên miệng nói lớn:

- Biến giấy ra tờ 100 đồng đi ông ơi...

Mấy người đang đứng xem ảo thuật bèn sực nhớ, cũng kêu lên:

- Ờ... ờ... biến giấy ra tờ 100 đồng coi chơi...

Nhà ảo thuật cao đơn hoàn tán bối rối, ông nói lắp bắp:

- Coi ông tướng thầy ba trước...

- Xem giấy biến ra tiền 100 đồng rồi coi ông tướng thầy ba...

Thằng Ti la lên:

- Ông mà biến được ra tờ 100 đồng là tui cùi, sút móng liền.

Lúc đó, có ông khách đi vào giữa vòng tròn người đến bên cạnh nhà ảo thuật cao đơn hoàn tán nói:

- Tui sẽ đứng bên cạnh để xem ổng hóa phép biến ra giấy 100 được không... Nào ông làm thử tui coi - Nói xong, người khách bắt tay nhà ảo thuật cao đơn hoàn tán để báo hiệu là ông ta đang sẵn sàng chờ coi.

Không hiểu sao, bỗng dưng nhà ảo thuật cao đơn hoàn tán như lên tinh thần, tay cầm tờ giấy trắng lắc nhẹ và tờ giấy đã biến ra tờ 100 đồng, màu xanh mới cứng. Những người đang đứng xem cùng vỗ tay thán phục:

- Hay quá ta... Sao mà ổng giỏi dữ vậy.

- Chắc là ổng có bùa...

- Ông tướng thầy ba phù hộ mà...

Ai cũng ngạc nhiên nhưng chỉ có mình thằng Ti không ngạc nhiên chút nào cả mà còn có chút lo sợ. Nó biết ông khách bắt tay nhà ảo thuật cao đơn hoàn tán đã bí mật chuyển cho ông này tờ giấy 100 đồng. Và ông khách này, không ai khác hơn chính là ông thầy của nó.

- Cha... biến được giấy ra tiền như vầy thì mình khỏi đi làm đồng chi cho nắng nôi mà cực cái thân...

Giọng một bà chanh chua:

- Cái thằng cha này ăn nói bậy bạ không hà...

- Tui nói cái gì mà bậy bạ... không phải đi làm đồng phơi lưng ra nắng thì cực sao...Chỉ có mấy bà ngồi trong mát mới sướng cái...

- Sướng cái gì... thằng cha già dịch...

Mọi người cùng cười ồ lên. Không khí vui vẻ náo nhiệt tạo cơ hội cho nhà ảo thuật bán thuốc trị đau lưng, nhức mỏi, thận hư, khí hư, bổ huyết. Bổ con tỳ, con vị và nói chung là viên thuốc tễ của ông trị đủ mọi thứ bệnh trên đời nhưng trước nhất là nó trị chứng bệnh hết tiền của ông!

Thằng Ti cảm thấy đau nhói vì một bàn tay đang nắm lỗ tai nó kéo ra khỏi đám đông. Khỏi nói, nó cũng biết là ai.

- Sao mầy không ở nhà học bài mà ra đây vậy? - Ông thầy nó hỏi.

- Dạ, con... con...

- Sao mầy lại phá nồi cơm của người ta. Mầy cũng biết ảo thuật, ông kia làm ảo thuật để bán cao đơn hoàn tán để kiếm sống. Mầy với ổng cũng gần như là đồng nghiệp rồi, tại sao mầy lại phá nghề của ổng. Làm như vậy là đâu có nghĩa khí nghề nghiệp gì. Đời người sống phải có cái tình chớ mậy. Khổng Tử có nói... nói... nói cái gì tao quên mẹ nó mất rồi. Đại khái là cùng nghề không được phá nồi cơm của nhau.

Thằng Ti chống chế:

- Dạ, tại con...

- Chắc mầy thấy mầy giỏi quá chứ gì...Chưa đâu con, Khổng Tử có nói “rừng nhu bể thánh khôn dò...”, “cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”, người giỏi còn có người giỏi hơn... Đừng phá người trong nghề với nhau nhớ chưa.

- Dạ, con nhớ rồi...

- Ông Khổng Tử nói: “Tam nhân đồng hành ắt hữu ngã sư”.

- Nghĩa là sao thầy?

- Là ba người đang đi thì chắc chắn trong đó có...

- Ông thầy chùa.

- Ông thầy chùa ở đâu ra vậy mậy?

- Thì vị sư đó... Sư là ông thầy chùa.

- Trật lất rồi mầy ơi. Sư là sư phụ, là ông thầy đó con... Chết mẹ...

- Gì vậy thầy?

- Tao phải gặp thằng chả lấy lại 100 đồng, nãy giờ nói chuyện với mầy tao quên. Tiền của tao đi mượn để chế thêm đồ nghề mới!...

(1): Bây giờ là nhà hàng Á Đông.

(2): Ông chủ.

(3): Tốt, đẹp (tiếng Quảng Đông).

(4): Trang phục của người Hoa, có bâu, hai túi, tay dài, thắt bằng nút vải.

(5): Năm 1966, tiền Sài Gòn có mệnh giá cao nhất là 1.000 đồng. Một USD đổi được 80 đồng và vàng giá 10.400 đồng/lượng. Một ký thịt heo giá 190 đồng, một ký gạo giá 12 đồng, một chai bia con cọp lớn giá 13 đồng, thuốc lá đen một bao giá 8 đồng.

(6): Quán cơm giá rẻ dành cho người nghèo do Nha tổng giám đốc xã hội chánh quyền Sài Gòn thành lập. Mỗi phần ăn giá 5 đồng.

(7): Một ngọn núi ở Campuchia, được xem là linh ứng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận