TTCT - Nói “buôn giáo án” nghe phàm tục như buôn một món hàng mà người tiêu dùng cần mua. Tất nhiên có cung mới có cầu. Vì sao trước đây năm, mười năm không hề có hiện tượng này? Phóng to Lại là “bệnh” thi đua Một thực tế đáng buồn đã xảy ra chỗ này chỗ khác là mối quan hệ giữa các thầy cô giáo trong trường bị sự chi phối của đồng tiền. Tại trường X, thầy cô nào không thuê thầy T., phụ trách phòng tin học của trường, soạn bài thì y như rằng tiết dạy đó gặp trở ngại. Các thầy cô chẳng thể nào hiểu được vì sao khi kiểm tra thì mọi việc suôn sẻ, nhưng khi trình chiếu trước học sinh thì âm thanh, hình ảnh biến mất, bài dạy giảm giá trị lập tức. Muốn như ý chỉ cần chi tiền, thầy T. sẽ làm vừa lòng “thượng đế”. Lý giải đầu tiên cho cơ sự này là bây giờ áp lực công việc của nhà giáo quá nặng nề, phần lớn trong đó là những việc hành chính, sự vụ. Nào là thu tiền học, bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, vận động học sinh ra lớp, vận động quỹ khuyến học… và muôn vàn phong trào mà mỗi phong trào đều là nhiệm vụ trên giao, có liên quan tới thi đua dù sau một năm cật lực tiền thưởng chưa bao giờ vượt quá 200.000 đồng. Bên cạnh đó, cấp trên yêu cầu mỗi năm mỗi soạn lại giáo án. Ở nhiều nơi, để được sử dụng một giáo án cũ thường người thầy có ba năm dạy liên tục phân môn đó, phải được cấp trên kiểm tra, đánh giá chất lượng và kết luận đồng ý. Tuy vậy, người dạy phải (lại phải) có một giáo án bổ sung cập nhật bên cạnh giáo án cũ, thế nên soạn lại giáo án mới là an toàn nhất, đỡ mất công chờ đợi duyệt tới duyệt lui. Khắt khe như vậy nhưng dễ dàng vì người dạy chỉ cần viết lại nguyên xi, chỉ thay đổi ngày tháng, tiết thực hiện cho đúng thời gian năm học mới là xong. Chỉ tính số buổi hội họp, số tiết dự giờ, thao giảng, dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chấm bài, vào sổ điểm, ghi sổ liên lạc, họp chủ nhiệm, họp phụ huynh, thăm học sinh, học nghị quyết, họp hội đồng, họp đoàn thể, hoạt động TDTT, văn nghệ… thì giáo viên còn được bao nhiêu thời gian để soạn bài? Bài soạn giờ đây gần như để trình diễn, rất nhiều giáo viên có trong tay hai và nhiều hơn nữa giáo án giảng dạy. Một bộ mang theo dạy trên lớp, bộ còn lại rất sạch, đẹp để nộp cho cấp trên kiểm tra, đánh giá mỗi học kỳ cập nhật đúng ngày tháng của năm học. Hai bộ có nội dung chẳng khác gì nhau. Hiện nay giáo án tham khảo trên mạng rất nhiều, giúp người dạy trong soạn giảng hằng ngày. Tất nhiên cũng có những giáo án chưa hoàn chỉnh, việc áp dụng như thế nào tùy năng lực mỗi người. Người bận bịu quá hoặc có hạn chế trong soạn giảng thì chép “nguyên con”, người có năng lực, quỹ thời gian rộng hơn thì sửa chữa, bổ sung kiến thức, kỹ năng làm bài giảng hấp dẫn hơn. Việc này cũng không có gì sai sót, có điều khi kiểm tra nếu giống trăm phần trăm đoàn thanh tra sẽ phê bình là cái chắc! Đồng tiền có chỗ “lên mặt” Từ quy định về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, mỗi giáo viên phải thực hiện một số tiết dạy giáo án điện tử trong năm cũng là tiêu chuẩn thi đua của cá nhân, một loại hình kinh doanh mới ra đời: soạn giáo án điện tử thuê. Thực tế không phải giáo viên nào cũng sử dụng thành thạo máy vi tính và biết ứng dụng các phần mềm trong soạn giảng, biết cách tải thông tin, hình ảnh, lồng nhạc hay các đoạn phim vào bài. Hơn nữa với một số thầy cô lớn tuổi, việc ngồi vào máy vài giờ là quá sức nên rất cần dịch vụ soạn bài hộ. Thông thường giá một bài soạn giáo án điện tử là 60.000 đồng. Người soạn làm theo yêu cầu của người thuê, đảm bảo có đủ các hiệu ứng màu sắc, âm thanh, font chữ... Người thuê chỉ việc chép vào USB mang về, đến giờ dạy kết nối vào máy là xong. Cả tiết học, người thầy chỉ làm mỗi việc nhấp chuột từng phát một đến kết thúc bài là hoàn thành nhiệm vụ. Đáng nói, người soạn đâu thể biết hết các môn nên có những tình huống dở khóc dở cười. Ví như hình ảnh núi non trong bài địa lý, soạn giả tô màu xanh biển, đồng bằng được “mặc áo” màu ngói mới tươi roi rói. Có tiết sử, học sinh cười ồ khiến thầy giáo cũng cười theo khi thấy hai chú voi của Hai Bà Trưng sao giống các chú voi trong phim hoạt hình quá. Có lúc nhạc được lồng vào không ăn nhập với tình tiết trong bài. Lỗi chính tả nhiều không thể nói, khi chiếu lên màn hình thầy cô mới phát hiện thì sự đã rồi. Cải thiện cuộc sống bằng tay nghề của mình là điều đáng quý, nhưng để mối quan hệ giữa những người thầy bị đồng tiền chi phối nhiều như thế là điều không tốt. Mặt khác, các nhà quản lý chuyên môn cần xem lại các quy định về soạn giảng, đừng để những điều vô lý, gây tốn kém và đưa giáo viên tới chỗ thiếu trung thực, nặng về đối phó như hiện nay. Tags: Nhà giáoMưu sinhBuôn giáo ánBệnh thi đua
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.