TTCT - “Đường đi ấp Cà Bây Ngọp quá xa vời! Chiếc tam bản nhún xuống một cái “ồ” rồi nhảy tới một cái “sạt” theo nhịp chèo hai chèo. Nắng chang chang rắc vàng trên thảm cỏ hoang xanh ngắt. Vài nhánh bình bát gie ra, quất vào bụi sột soạt. Phóng to Tranh: Lê Thiết Cương Xế chiều, cò trắng phất cờ như đón người khách lạ. Trích, cúm núm kêu ré lên. Con rạch thâu hẹp lại. Chiếc tam bản lắc nghiêng như trái dừa khô trên mặt nước đầu sóng gió. Anh Trạo chèo một chèo, nghiêng mình bên hữu, rồi bỗng nhiên anh chụp mỗi tay một cây chèo mà chèo trên đất khô bên bờ rạch. Chiếc tam bản lại lướt nhanh trong lòng nước quá hẹp, vừa đủ lọt bề ngang”. Đó là trích đoạn trong truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam. Truyện kể về cuộc gặp giữa phái viên báo Chim Trời với một độc giả ở một xó xỉnh xa xôi tận miệt Rạch Giá. Thầy phái viên tòa báo đi đòi nợ độc giả để rồi cuối cùng - qua một đêm nằm ngủ chung cùng giường cùng mùng chống muỗi trong căn chòi chật hẹp với con nợ, hai người thi nhau ôn lại từng bài học làm người trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư đã in sâu vào tâm khảm họ từ thuở ấu thơ - không những đã không mở miệng đòi nợ mà còn hứa sẽ tiếp tục gửi báo cho con nợ đọc cho tới lúc nào báo đóng cửa mới thôi. Trong Quốc văn giáo khoa thư xuất bản từ đầu thế kỷ trước cũng như trong Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam xuất bản vào giữa thế kỷ đó không hề có bóng dáng lá cờ Tổ quốc. Có chăng là hình ảnh ”cò trắng phất cờ như đón người khách lạ” trong trích đoạn trên. Ấy vậy mà mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết trong cả cuốn sách giáo khoa lẫn truyện ngắn đề cập đến cuốn sách ấy ở thế kỷ trước đều thắm đượm tình quê hương, nghĩa đồng bào, tưởng như đâu cũng thấy lá cờ của quê hương đất nước. *** Đất nước hẳn đã lớn mạnh hơn nhiều so với những ngày xa xưa ấy. Vậy mà bây giờ, trong những cuốn sách dạy đánh vần, dạy rèn luyện trí thông minh cho trẻ, những người làm sách cho những tâm hồn non trẻ - vốn rất cần được vun trồng tình yêu quê hương đất nước bằng những hình ảnh thắm đượm nét quê hương - lại đưa vào đấy không phải lá cờ của Tổ quốc mình mà lá cờ của một nước khác khiến ngay chính các em phải thắc mắc. Giải thích lý do cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ in hình cổng trường cắm cờ Trung Quốc, giám đốc nhà xuất bản còn biện minh rằng “Ðây là sách dịch, mua bản quyền của đối tác nước ngoài... Chúng tôi đã kiểm tra hợp đồng bản quyền thì thấy các điều khoản trong đó rất chặt chẽ, đơn vị phát hành sách phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi”. Và phải nói thế nào đây khi người làm sách cho trẻ nói tỉnh queo: “Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề”. Còn giải thích lý do cuốn Bé làm quen với chữ cái (không phải của ai khác mà của chính Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm) minh họa chữ cái “C” cũng bằng hình ảnh lá cờ Trung Quốc, người ta bảo đó là do tác giả nhờ người khác làm minh họa và người làm minh họa đã lấy... đại lá cờ Trung Quốc trên mạng để đưa vào (!). Dù thế nào, dù vì nguyên nhân nhận thức hay vì cẩu thả, thiếu trách nhiệm với đất nước và với những tâm hồn non trẻ thì như ông Nguyễn An Tiêm, phó vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản, nói: “Những sai phạm như ra sách học cho trẻ em có cờ Trung Quốc thay cho cờ Tổ quốc là không thể chấp nhận được. Giám đốc nhà xuất bản, biên tập viên quyển sách đó đã không có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Lương tâm ngành xuất bản không cho phép làm nhiệm vụ như thế. Chúng ta phải có trách nhiệm nặng nề với hậu thế”. Phải, đó là vấn đề lương tâm nói chung và lương tâm, trách nhiệm với hậu thế nói riêng. Lương tâm, trách nhiệm với hậu thế - đó chính là sự khác biệt giữa những nhà sư phạm đích thực, những tác giả của Quốc văn giáo khoa thư, của Tình nghĩa giáo khoa thư với những tay lái chữ, lái sách thời nay. Vì tiền, người ta không ngại làm ẩu. Thế thì vì tiền, người ta còn có thể làm gì nữa đây? Tags: Đoàn Khắc XuyênPhiếm đàmLái chữ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Cuối năm, phạt loạt doanh nghiệp 'ém', công bố thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán BÔNG MAI 18/12/2024 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tiếp phạt loạt doanh nghiệp vi phạm trong công bố thông tin, nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và củng cố lòng tin thị trường.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.