Nhà văn Minh Tran Huy: Viết để tái tạo và vượt lên căn cước

ÁNH PHƯƠNG 15/01/2023 05:04 GMT+7

TTCT - Trò chuyện với nhà văn Minh Tran Huy nhân dịp tiểu thuyết Những kẻ tuyệt vọng xuất bản ở Việt Nam.


"Tôi cố chuyển những đau đớn, thất bại, thương tổn thường thấy trong cuộc sống thành tác phẩm văn chương - như thể nghệ thuật không phải để chữa chạy hay an ủi, mà ít ra là tìm được một cái gì đó đẹp đẽ và ý nghĩa từ những thứ đã tưởng như uổng phí".

Minh Tran Huy

Tôi rất thích câu chuyện, cấu trúc, ngôn ngữ và các nhân vật trong tiểu thuyết Những kẻ tuyệt vọng (*) của chị, đặc biệt nhân vật nữ chính. Cô ấy say mê, mạnh mẽ và luôn khiến tôi kinh ngạc. Nhưng thiếu nữ lai da trắng đó khó có thể là chị vì ai cũng biết cha mẹ chị đều là người gốc Việt. Phải chăng, với chị, viết là một cách không chỉ để tìm lại nguồn cội mà còn sáng tạo thêm căn cước của mình?

- Cảm ơn bạn về những lời khen khiến tôi rất cảm động. Thực ra mới đầu tôi đã để cha mẹ của nhân vật chính đều là người Việt, nhưng sau đó tôi quyết định chuyển mẹ cô ấy thành người Pháp vì tôi có cảm giác như thế sẽ hợp hơn với tinh thần chung của Những kẻ tuyệt vọng - một tiểu thuyết trong đó vấn đề lai tạp được thể hiện ở mọi phương diện: nó kết hợp nhiều tầng lớp xã hội, nhiều thể loại văn học (trinh thám, diễm tình, cổ kính huyền ảo kiểu Charlotte Bronte…) và thể loại cổ tích (Pháp và Việt).

Tôi đã xoay đổi một số chi tiết trong tiểu sử của chính mình để xây dựng nhân vật nữ chính. Việc này tôi từng làm nhiều lần ở các tác phẩm trước. Tôi thích lồng vào các tiểu thuyết của mình những mảnh vỡ của ký ức gia đình hoặc những trải nghiệm của cá nhân tôi, phần còn lại thuộc về hư cấu.

Tôi không rõ viết có giúp tôi tìm được cội nguồn không nhưng chắc chắn nó cho phép tôi tái tạo và vượt lên căn cước, vượt lên những trải nghiệm của một con người (tha hương, sự im lặng, tính bất truyền, ký ức, thất tình, hố sâu chia cắt cha mẹ và con cái …) để mang lại cho chúng, tôi hy vọng thế, một kích thước toàn cầu (tôi không nghĩ mình là kẻ duy nhất đã trải qua tất cả những điều này !).

Cùng lúc đó, tôi muốn lôi cuốn độc giả bởi một câu chuyện hấp dẫn, trong một ngôn ngữ trau chuốt, một cấu trúc độc đáo qua những góc nhìn và tầm mắt khác nhau. Tôi cố chuyển những đau đớn, thất bại, thương tổn thường thấy trong cuộc sống thành tác phẩm văn chương - như thể nghệ thuật không phải để chữa chạy hay an ủi, mà ít ra là tìm được một cái gì đó đẹp đẽ và ý nghĩa từ những thứ đã tưởng như uổng phí.

Nhà văn Minh Tran Huy: Viết để tái tạo và vượt lên căn cước - Ảnh 2.

Trần Minh Huy. Ảnh: Jean-Luc Bertini

Bút danh Minh Tran Huy có ít nhiều ảnh hưởng đến các độc giả phần lớn là người Pháp của chị không? Có khi nào chị chợt nghĩ rằng nhờ cái phần hương xa đó trong con người chị mà người Pháp thích đọc chị?

- Tôi cho rằng bút danh này có hại hơn là có lợi cho tôi: với người Pháp, đó là một cái tên phức tạp rất khó nhớ và viết đúng; các hiệu sách cho tới giờ vẫn không biết xếp tác phẩm của tôi ở quầy nào cho chính xác, nên lúc thì xếp vào quầy văn học Pháp ngữ, lúc thì vào quầy văn học Pháp.

Tất nhiên, những ai quan tâm đến châu Á và Việt Nam sẽ bị cuốn hút hay tò mò khi đứng trước sách của tôi, nhưng họ chỉ là thiểu số. Có lẽ tình hình sẽ khác đi nếu tôi là người gốc Algeria hay Morocco.

Với người Pháp đương đại, Việt Nam đã trở nên quá xa, trong cả không gian lẫn thời gian. Bút danh của tôi có thể mang cho độc giả ban đầu một chút thích thú, một chút hứa hẹn về những hương xa này nọ, nhưng nói chung đó là một bất lợi hơn là một lợi thế.

Do vậy, Nhà xuất bản Actes Sud đã ít nhiều lo lắng khi thấy tiểu thuyết đầu tay của tôi, Công chúa và chàng đánh cá, ra đời với bút danh Minh Tran Huy thật chẳng giống ai (may mà cuối cùng nó đã bán rất chạy). Điều này cũng tương tự với các bài báo mà tôi viết: lẽ ra tôi nên lấy một bút danh khác cho đơn giản và tiện dụng.

Chuyển đổi giai cấp là một chủ đề quá quen thuộc của văn chương, nhưng nó đã được làm mới một cách duyên dáng và độc đáo trong Những kẻ tuyệt vọng. Chị nghĩ sao nếu ai đó nói rằng có những nét chung nhất định giữa tác phẩm của chị và của Annie Ernaux, chủ nhân giải Nobel 2022, người khi trẻ đã tuyên bố "sẽ viết để báo thù cho giai cấp của mình"?

- Một cô bạn tôi đã khuyên tôi gửi Những kẻ tuyệt vọng cho Annie Ernaux và tôi đã nghe theo cô ấy. Annie Ernaux là tác giả duy nhất tôi tặng sách tuy không quen biết ngoài đời. Trên thực tế, tôi muốn thiết lập một hội thoại văn chương. Những cuốn sách mà chúng ta viết bao giờ cũng để đáp lại những cuốn mà người khác đã viết. Đó có thể là sự tiếp nối, kéo dài hay đổi hướng.

Về mặt nội dung, tiểu thuyết này của tôi là nhằm bổ sung câu chuyện của Annie Ernaux bằng cách đặt vấn đề lưu vong văn hóa lên trên lưu vong xã hội. Về mặt hình thức, Annie Ernaux đề cao cách viết không rườm rà, cố tình trung tính, để không phản bội thêm lần nữa giai cấp nguồn cội của mình.

Tôi thì ngược lại, tôi đề cập tới các chủ đề khá gần với bà nhưng sử dụng một văn phong cầu kỳ, nhiều ẩn dụ và quy chiếu văn chương, với một cấu trúc phức tạp, gần như baroque, để kể một câu chuyện tầng tầng lớp lớp như mê đạo, tạo nên một căn phòng gương.

Annie Ernaux đã đọc rất nhanh Những kẻ tuyệt vọng và hồi âm cho tôi một bức thư vô cùng minh triết, trong đó bà nói rằng bà thấy tác phẩm này của tôi "tuyệt vời", rằng độc giả có thể bước thẳng vào trinh thám và hoang đường trong khi hiện thực vẫn không ngừng được mổ xẻ và phân tích.

Bà đã hoàn toàn nắm được ý đồ của Những kẻ tuyệt vọng: thử sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai phản đề chính yếu. Việc này cho tôi thấy Annie Ernaux không chỉ là một nhà văn lớn, mà còn là một quý bà vô cùng hào phóng. Chúng tôi không hề quen biết nhau, nhưng tôi luôn dành cho bà niềm quý trọng và ngưỡng mộ.

Nhà văn Minh Tran Huy: Viết để tái tạo và vượt lên căn cước - Ảnh 3.

Đó có phải là một tác giả mà chị ít nhiều nhận ảnh hưởng?

- Rất có thể là tôi đã không viết Những kẻ tuyệt vọng nếu không đọc Annie Ernaux. Bà đã giúp tôi viết ra được cái hội chứng dối trá mà tôi nhiều hơn một lần từng cảm nhận - trong tư cách một phụ nữ gốc nước ngoài lúc đầu chưa nắm được quy tắc của giai cấp xã hội và nghề nghiệp của mình.

Tôi không phải con ông cháu cha, cha mẹ tôi không làm việc trong giới văn chương, tôi không có ô dù nào che chở. Tôi chỉ may mắn, chịu khó lao động và những bài báo, những cuốn sách tôi viết đã được độc giả yêu thích; và đó không phải là những việc dễ.

Khi đọc Annie Ernaux (và những tác phẩm như Trở về thành Reims của Didier Eribon hay Cảm giác dối trá của Belinda Cannone), tôi thấy mình bớt đơn độc và tôi đã phá bỏ được những gì tôi từng trải qua - ví dụ, tại sao thỉnh thoảng tôi tự thấy mình bất ngờ có lỗi, như thể tôi không có quyền ở vào vị trí mà tôi đang có hiện nay.

Tương tự, bà cũng giúp tôi hiểu ra những cơ chế của nỗi thù nghịch mà đôi khi người ta tỏ ra với tôi. Cuối cùng, tôi vô cùng biết ơn bà đã dũng cảm nói lên những điều mà người khác không dám, như khi bà kể về việc bà đã phá thai lúc trẻ trong tác phẩm Sự kiện (L'Événement). Với một lòng can đảm vô song, bà đã góp phần vào việc đập tan những cấm kỵ, thám hiểm những phần chưa được biết đến của hiện thực mà đặc biệt là hiện thực nữ giới.

Với tôi, đó là một trong các vai trò của nhà văn: phát biểu những gì bị che giấu, quên lãng, xóa mờ, những gì thiếu vắng, khó khăn, đã mất, và biến chuyển thế giới quan thông thường.

Chị thấy những chỉ trích chĩa vào Annie Ernaux từ ngày bà được trao giải Nobel có chính đáng hay bà là nạn nhân của tư tưởng nam quyền vẫn còn trong giới văn chương Pháp?

- Người ta có thể không đồng tình với những quan điểm chính trị của Annie Ernaux, cũng có thể không thích các tác phẩm của bà - cuộc đời này có biết bao sở thích - nhưng sự thô bạo của những vụ tấn công về phía bà thật kinh hoàng, chúng thực sự để lộ nạn phân biệt giới tính và tư tưởng nam quyền vẫn còn hừng hực.

Bản thân đã từng đương đầu với hai tệ nạn này - mà không chỉ từ phía đàn ông đâu nhé - cộng một chút phân biệt chủng tộc cho thêm dậy mùi, tôi có thể nói rằng mình cũng không bị bất ngờ lắm khi chứng kiến vụ việc xảy ra với Annie Ernaux. Một lần nữa để thấy rằng đó là một nhà văn lớn và một quý bà vô cùng kiên cường.

Xin chân thành cảm ơn chị. Tôi mong được tiếp tục đọc chị trong ngôn ngữ của tổ tiên chị. Chúc chị có thêm nhiều tác phẩm thú vị. ■

(*) Thuận dịch, Phuong Nam Book và Nhà xuất bản Phụ Nữ. Nhà văn Thuận đã kết nối và dịch giúp buổi hội thoại này.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận