Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa: Người chép sử hay kẻ bị cầm tù trong văn chương?

ZÉT NGUYỄN 16/04/2019 17:04 GMT+7

Độc giả phương Tây và cả độc giả Việt Nam tìm gì và tìm thấy gì ở Diêm Liên Khoa, qua những tác phẩm phơi bày hiện thực ở trạng thái nguyên thô nhất? Ông đã tự kiểm duyệt và nói gì về những tác phẩm văn chương bị kiểm duyệt của mình?

Nhà văn Diêm Liên Khoa. Ảnh: zét nguyễn
Nhà văn Diêm Liên Khoa. Ảnh: Zét Nguyễn

Năm 2014, một nhà văn châu Á thứ 2, sau Haruki Murakami, được trao Giải Franz Kafka của Cộng hòa Czech (và là người đầu tiên được nhận giải ở ngay lần đề cử đầu tiên): Diêm Liên Khoa của Trung Quốc.

Nhà văn sinh năm 1958 trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) này, khi khởi sự cầm bút viết văn, chỉ mong được “ăn no bụng và trốn thoát khỏi đồng ruộng”. Nhiều năm trôi qua, người lính viết văn năm xưa giờ đây đã trở thành tác giả nổi tiếng thế giới có tác phẩm được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

Bà giám đốc Hội Franz Kafka, Markéta Mališová, khi chia sẻ về người thắng giải năm ấy đã nói: “Diêm Liên Khoa đã viết hơn 20 cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn, phần lớn tập trung vào lịch sử Trung Quốc hiện đại từ những năm 1960 trở về sau. Ông đã được trao những giải thưởng văn chương cao quý nhất ở Trung Quốc nhưng đồng thời một vài tác phẩm của ông cũng bị cấm trong nước. Trong các tác phẩm của mình, ông miêu tả hiện thực đời sống ở Trung Quốc, dựa vào chính trải nghiệm riêng, và ông luôn tập trung vào mặt tối”.

Lời tóm tắt ngắn ngủi trên có hầu hết từ khóa quan trọng về Diêm Liên Khoa mà độc giả có thể dễ dàng đọc thấy qua những bài giới thiệu của chính nhà xuất bản nơi các bản dịch tiếng Anh tác phẩm của ông được phát hành, tới hàng loạt các bài phê bình trên báo chí phương Tây: phê phán xã hội, lịch sử Trung Quốc hiện đại, bị cấm, mặt tối hiện thực.

Nhà xuất bản Grove Atlantic viết: “Ông khẳng định mình gần như không được đọc trên chính tổ quốc” và coi ông là “ngọn cờ đầu của văn học phản kháng”. Tờ Financial Times gọi Diêm Liên Khoa là “tác giả được tụng ca đồng thời bị cấm nhiều nhất ở Trung Hoa”.

Trong bài phỏng vấn của tờ Guardian, ông được coi là “người chép sử nổi tiếng của Trung Quốc hiện đại”, người phỏng vấn còn nêu rõ giới phê bình Anh coi Nhật tức (tác phẩm được dịch sang tiếng Anh mới nhất của ông, in năm 2018) không chỉ là một phê bình xã hội mà còn là chính trị, về “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

The New York Times Book Review nhận xét tiểu thuyết của ông “đả kích những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử Trung Quốc”. Ngay cả chính dịch giả Carlos Rojas của ông, cũng nhận định “nhiều tác phẩm của ông đều tập trung vào mặt tối của việc phát triển nhanh của Trung Quốc”.

Quả thật, Diêm Liên Khoa gặp rất nhiều trục trặc khi in sách ở trong nước: từ phải tự phê bình kiểm thảo khi viết Hạ nhật lạc, đến phải ra khỏi quân đội (một cách ép uổng) do tiểu thuyết Thụ hoạt, đến sách bị cấm như Vì nhân dân phục vụ (bản dịch tiếng Việt: Người tình phu nhân sư trưởng) và Đinh Trang mộng.

Và quả có thật, các tác phẩm của ông đều xoáy sâu miêu tả và khai thác những khía cạnh đen tối trong lịch sử xã hội Trung Quốc hiện đại.

Kiên ngạnh như thủyVì nhân dân phục vụ tập trung vào giai đoạn Cách mạng văn hóa.

Đinh Trang mộng là câu chuyện về nạn bán máu ở tỉnh Hà Nam gây ra đại dịch AIDS ở Trung Quốc (bản in Đinh Trang mộng xuất bản ở Việt Nam là bản đầy đủ, còn ở Trung Quốc là bản cắt).

Tứ thư kể về trại lao động thời Mao Trạch Đông trong giai đoạn Đại nhảy vọt nơi các trí thức, được gọi là nhà văn, học giả, nhà thần học, nghệ sĩ dương cầm..., bị cho đi cải tạo ở trại do một người lính phục viên, một đứa trẻ Con Trời, đứng đầu. Dưới sự cai trị dã man và độc tài, nơi sách vở bị tịch thu, các trí thức phải lao động quần quật để đạt tới các chỉ tiêu về sản lượng mạch và thép, và đói khát diễn ra triền miên.

Độc giả phương Tây và cả độc giả Việt Nam tìm gì và tìm thấy gì ở Diêm Liên Khoa, qua những tác phẩm phơi bày hiện thực ở trạng thái nguyên thô nhất? Liệu ông có vượt thoát được khỏi chính những diễn giải, mà ông thường xuyên được ngợi ca với tư cách là người chép sử bởi phương Tây, đã trở nên quá phổ biến? Liệu chính những trang viết tập trung quá sâu vào chế giễu sự phát triển của Trung Hoa hiện đại, góp phần không nhỏ cho sự đón chào ông nhiệt liệt trên thế giới, cùng với sự kích thích không ngừng của khẩu hiệu sách cấm, sẽ được coi là văn chương vĩ đại, hay chính là cái vòng càng khuôn hẹp ông lại, khiến các sự đọc chỉ càng chú ý vào nội dung phê phán xã hội và chính trị?

Trong bối cảnh phê bình và tiếp nhận Diêm Liên Khoa như vậy, bài phỏng vấn với tác giả sau đây là nơi ông bộc bạch về chính mình. Những chia sẻ của các tác giả, nói chung, đều luôn là nguồn soi rọi cho việc đọc tác phẩm của họ, tạo một nhịp cầu giúp độc giả hiểu sâu thêm về những ý tưởng, mục đích, biện pháp, mà tác giả nung nấu và thực hiện trong tác phẩm của mình.

Song, độc giả, dĩ nhiên không cần đợi đến Roland Barthes, người đã tuyên bố về cái chết của tác giả vào năm 1967, giải phóng văn bản đọc khỏi mọi ràng buộc với người sinh thành ra nó, từ lâu đã luôn tạo vô số trường diễn giải về tác phẩm. ■

Bia sách
 

 DIÊM LIÊN KHOA: MONG MUỐN ĐƯỢC VIẾT " "TIỂU THUYẾT KHÔNG GIỐNG TIỂU THUYẾT"

Độc giả nhiều nước biết đến ông như một nhà viết sử chuyên về mặt tối của Trung Quốc qua những tác phẩm của mình. Ông có hài lòng với cách nhìn này không và có chủ định làm người chép sử như thế không?

Tôi cho rằng nói như vậy là rất giản đơn và phiến diện. Tôi không hề nói rằng sáng tác phải phản ánh mặt đen tối của xã hội Trung Quốc, mà cần nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối. Văn học vô cùng đa dạng phong phú, nhưng văn học càng phức tạp, càng sâu sắc phải viết được thứ ánh sáng trong bóng tối, cái thiện và tình yêu thương trong sự đen tối, điều tốt đẹp trong sự đen tối. Tôi nghĩ nếu chỉ đơn thuần hiểu là đen tối thì đó là cách hiểu vô cùng đơn giản về văn học, hoặc là hiểu lầm về tôi. Tôi chắc chắn không đồng ý với cách nói này. Tôi nghĩ tôi là một nhà văn khá phong phú, chứ không giản đơn như mọi người nói. Đương nhiên, mỗi nhà văn đều có thể bị hiểu nhầm. Người đọc hiểu thế nào đó là chuyện của người đọc, nhưng cùng với sự thay đổi của thời gian, đọc tác phẩm của tôi nhiều hơn, tôi nghĩ họ sẽ không có cái nhìn như thế nữa.

Các tác phẩm của ông thường tập trung vào những câu chuyện điên rồ và phi lý mà theo ông là để miêu tả sự thật?  Sự thật ở đây là gì? Nước Trung Quốc hiện đại, theo ông, có thể mô tả như thế nào?

Tôi cho rằng, Trung Quốc là một Trung Quốc cực kỳ phức tạp, “Trung Quốc” mà mỗi người nhìn thấy chỉ là một phần của Trung Quốc. Thế giới cũng là một thế giới cực kỳ phức tạp, “thế giới” mà mỗi nhà văn nhìn thấy cũng đều chỉ là một phần của thế giới. Chỉ nhà văn vĩ đại và khác biệt mới có thể nhìn thấy phần thuộc riêng về anh ta, chứ không phải là nhìn thấy phần mà người khác nhìn thấy.

Tôi nghĩ tôi tiếp cận sự thật của Trung Quốc theo cách của riêng tôi, đó là con đường rất riêng của tôi. Tôi không hy vọng thứ tôi nhìn thấy, người khác cũng nhìn thấy, thứ người khác nhìn thấy, tôi cũng có thể nhìn thấy. Tôi nghĩ cách tiếp cận riêng nhất về bản chất của hiện thực chắc chắn là cách tiếp cận nghệ thuật nhất, và cách tiếp cận nghệ thuật nhất cũng chính là cách tiếp cận cá tính nhất.

Ông có sợ mình bị đóng khung trong những cách đọc hạn hẹp, coi văn chương của ông chủ yếu là một tác phẩm phê phán chính trị và xã hội đơn thuần thôi?

Tôi nghĩ đây là một số người đọc ít kinh nghiệm đọc, hoặc khi đọc một cuốn tiểu thuyết chỉ nhìn thấy những thứ bề mặt, những thứ giản đơn, mà không nhìn thấy những thứ ở tầng sâu của văn học, vì nếu nhìn thấy họ sẽ không nghĩ như thế. Tôi quan tâm không phải là chính trị hay phê phán quyền lực, mà quan tâm đến bản thân con người, quan tâm đến hoàn cảnh sinh tồn khó khăn của nhân tính, quan tâm đến quan hệ mâu thuẫn và căng thẳng giữa con người và thế giới này. Cách nhìn này rất đơn giản. Thật ra sự phê phán này không nhiều như mọi người vẫn nghĩ. Ví như ở châu Âu và Mỹ người ta không nhìn nhận như vậy. Họ xem xét nhiều hơn về mặt nghệ thuật trong tác phẩm của anh. Ví như kể chuyện, câu chuyện của anh có nội dung gì, nhưng đối với tôi phương pháp kể chuyện quan trọng hơn. Âu Mỹ cũng nhìn thấy điểm này.

Trong các tác phẩm đã viết, tự bản thân ông đánh giá cao nhất cuốn nào?

Tôi nghĩ mỗi thời kỳ đều khác nhau. Cho dù ở Trung Quốc, cũng không có một nhà phê bình hay bạn đọc nào nói đồng ý Kiên ngạnh như thủy của Diêm Liên Khoa là hay nhất, Đinh Trang mộng hay nhất, Nhật quang lưu niên hay nhất, Thụ hoạt hay nhất. Mọi người luôn có sự bất đồng ý kiến rất lớn. Tôi là một trường hợp đặc biệt như vậy đấy, khi bàn luận về tác phẩm kinh điển nhất của Diêm Liên Khoa, ý kiến của mọi người đều không nhất trí. Tôi lại thấy kiêu hãnh vì điều này.

Nếu mỗi người trên thế giới này đều trả lời được tác phẩm hay nhất của mình là cuốn nào, thì đối với tôi, có nghĩa là sáng tác của tôi quá giản đơn. Tôi hy vọng sáng tác ở mỗi giai đoạn có sự thay đổi. Ví như Đinh Trang mộng, Nhật quang lưu niên, Kiên ngạnh như thủy, Thụ hoạt, Tứ thư, Tạc liệt chí, Nhật tức đều là những tác phẩm tôi hài lòng trong quá trình sáng tác. Vì sao? Vì phương thức ngôn ngữ, câu chuyện, nhân vật, phương pháp kể chuyện, nhịp điệu kể chuyện… của mỗi tác phẩm đều có sự thay đổi rất lớn. Đối với tôi, nếu cuốn truyện dài này và cuốn truyện dài kia giống nhau, có nhiều điểm tương tự, tôi sẽ rất không hài lòng với sáng tác của mình. Tôi tương đối hài lòng với những tác phẩm kể trên.    

Thế nào là một tác phẩm văn chương lý tưởng đối với ông? Ông đã viết được một tác phẩm như thế chưa?

Thật ra tôi cho rằng các tác phẩm thời kỳ đầu của tôi rất đơn giản, đều thuộc thể loại tả thực. Đến lúc khá lớn tuổi rồi tôi mới hiểu rằng tác phẩm lý tưởng của tôi, tác phẩm lý tưởng trên toàn thế giới nên là viết ra một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không phải tiểu thuyết, tiểu thuyết không giống tiểu thuyết. Tôi hiểu điều này khá muộn. Nếu có một ngày tôi viết một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không phải tiểu thuyết, khiến người đọc đánh giá: Đây mà là tiểu thuyết sao? Nhưng nó chính là tiểu thuyết. Khi ấy tôi sẽ thấy hài lòng. Tôi cho rằng tôi vẫn chưa viết ra được tác phẩm như vậy. Hằng ngày tôi đều đang nghiền ngẫm vấn đề này. Nếu một ngày kia tôi viết ra được tác phẩm như vậy, tôi sẽ rất hài lòng với toàn bộ sáng tác của mình.

Ông nghĩ thế nào về việc độc giả thế giới tiếp xúc tác phẩm của ông đầu tiên là vì yếu tố cấm kỵ trước đã, vì họ thường coi ông là “tác giả được tụng ca đồng thời bị cấm nhiều nhất ở Trung Quốc?”

Phải thừa nhận rằng nhiều độc giả bắt đầu tìm hiểu sách của tôi vì sách bị cấm do những điều bàn luận trong sách. Tôi muốn nói một vấn đề: tiểu thuyết hay, tiểu thuyết nghệ thuật không đồng nghĩa với sách cấm. Tôi từng bàn về vấn đề này ở khắp nơi trên thế giới. Sách cấm không đồng nghĩa với sách hay. Đương nhiên như ban nãy vừa nói tôi ghét nhất việc hạn chế/cấm sách. Nhưng không phải vì bị cấm mà chúng ta liền cho rằng cuốn sách đó hay, điều này phải phân biệt rạch ròi. Tôi nghĩ bảo rằng tôi là tác giả có sách cấm nhiều nhất ở Trung Quốc, thì đấy là chiêu trò của nhà xuất bản để bán sách, điều này không có nghĩa là tác phẩm của mình hay, tôi nhất định phải chờ người đọc nói rằng cho dù ông ấy có bao nhiêu sách bị cấm, ông ấy chính là một nhà văn tài giỏi, ông ấy viết ra những tác phẩm tuyệt vời nhất, đó là điều tôi mong muốn nhìn thấy. Tôi cho rằng các nhà xuất bản vẫn luôn lấy việc này PR để bán sách, thật ra đó là gây tổn hại cho sách của tôi, khiến người đọc sinh ra nhiều hiểu nhầm về sách của tôi.

Ông cho biết đã tự kiểm duyệt mình nhiều khi viết Đinh Trang mộng và rất ân hận vì điều đó, cụ thể là tự kiểm duyệt như thế nào?

Về Đinh Trang mộng, vì đã đến thăm thôn trang đó mười mấy lần, tôi từng lập kế hoạch phải viết một cuốn sách phi hư cấu hoàn toàn, ghi chép sự thực về bệnh AIDS ở Trung Quốc, do tự kiểm duyệt nên tôi không viết được, bởi vậy tôi rất tiếc nuối. Nhưng hôm nay nhìn lại, tuy tôi rất tiếc nuối với Đinh Trang mộng, ngược lại trên phạm vi toàn thế giới mọi người đều cho rằng cuốn sách này đọc vào nhất, giàu tưởng tượng nhất, cũng sâu sắc, phức tạp nhất. Về điều này thực ra tôi rất mâu thuẫn. Một mặt tôi tự kiểm duyệt, mặt khác người đọc có được cuốn sách mà họ dễ chấp nhận nhất, cho nên tôi rất mâu thuẫn. Nhưng tôi rất tiếc nuối vì mình không viết ra cuốn sách phi hư cấu hoàn toàn ghi chép sự thực về bệnh AIDS, nhiệt tình sáng tác trong quá khứ đã không còn nữa. Tôi cho rằng đây là cuốn sách mình đã đánh mất do tự kiểm duyệt.

Theo ông, sự nguy hại của kiểm duyệt là ở điểm nào? Ông từng nói trong sáng tác cần có tự do nội tâm, vậy làm thế nào để có được điều đó?

 Đương nhiên kiểm duyệt là điều vô cùng tệ hại. Trong một nhà văn, văn hóa, nhân cách, nội tâm mạnh mẽ hoặc yếu đuối cấu thành quan hệ đối ứng.  Vì dù sao Trung Quốc hiện nay đã không phải là Trung Quốc của ngày hôm qua, đặc biệt là chúng tôi viết tiểu thuyết, viết những thứ hư cấu, do bạn có một nội tâm mạnh mẽ, viết không hoàn toàn vì độc giả, viết chỉ cho nội tâm mình, thì bạn có thể muốn viết thế nào thì viết. Ví dụ như Tứ thư, Đinh Trang mộng… anh muốn viết thế nào thì viết.

Những người nội tâm không mạnh mẽ lắm, viết chủ yếu để xuất bản thì sẽ hy vọng được kiểm duyệt nhiều hơn. Tôi nghĩ do độ tuổi và trạng thái sống, tôi đã đi qua giai đoạn đó rồi. Giờ đây tôi không còn sáng tác vì xuất bản, mà chỉ sáng tác vì thế giới nội tâm mình. Có bao nhiêu người đọc, có bao nhiêu tiền, bán được bao nhiêu bản, kiếm được bao nhiêu nhuận bút, đó là những thứ tôi không cần suy xét quá nhiều.

Xin cảm ơn ông!    

 (*) Với sự giúp đỡ phiên dịch của cô Nguyễn Vinh Chi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận