Nhà văn Võ Hồng với báo Tuổi Trẻ: Một thâm tình tương kính

NGUYỄN TRỌNG CHỨC (*) 21/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Một nhà văn mà mỗi dòng chữ của ông đều gửi gắm biết bao là tình yêu quê nhà, lòng nhân ái cùng sự khoan dung. Rất nhiều trang viết của ông là những bài học sâu sắc cho nhiều thế hệ hôm nay.

 
Một số tác phẩm của nhà văn Võ Hồng (Ảnh tư liệu: Nguyễn Trọng Chức)

 Sau 30-4-1975, một trong những tờ báo mà nhà văn Võ Hồng gửi đăng nhiều sáng tác và bài viết của ông là Tuổi Trẻ (TT), đặc biệt là Tuổi Trẻ Chủ Nhật (TTCN - tuần san của báo TT lúc đó còn xuất bản định kỳ ba số mỗi tuần; sau khi TT trở thành nhật báo vào năm 2006, TTCN đổi tên thành Tuổi Trẻ Cuối Tuần). Bài viết đầu tiên Võ Hồng gửi TTCN là truyện ngắn Thơm ngát hương cau ký bút danh Võ An Thạch. 

Trước đó, ngày 25-12-1989, Võ Hồng gửi thư cho tôi, lời lẽ thật trịnh trọng: “Thưa ông, trước đây mươi ngày tôi có gửi đến ông một truyện ngắn. Thơm ngát hương cau ký tên Võ An Thạch”. Nhận được truyện và ngay sau đó là thư của Võ Hồng, tôi thật sự vui mừng, cảm động vì tờ TTCN được ông tin cậy, gửi gắm. Tôi vốn đã “ghiền” tác phẩm Võ Hồng từ những năm trung học ở Sài Gòn, đã đọc không chỉ một lần những Hoa bươm bướm, Hoài cố nhân, Nhánh rong phiêu bạt, Trong vùng rêu im lặng, Người về đầu non… 

Thơm ngát hương cau là tự truyện của Võ Hồng, kể lại một quãng đời của ông những năm chiến tranh chống Pháp. Ngày đó nhà giáo trẻ Võ Hồng là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Phú Yên. Khi quân Pháp “mở chiến dịch Atlante, đưa quân vượt đèo Cả, tiến chiếm Phú Yên”, ông đã phải rời xa gia đình nhỏ của mình vào những ngày cận Tết Bính Ngọ 1954 để lưu lạc đến xóm nhỏ Gò Cau, Bồng Sơn (Bình Định). Ở đó, ông giấu tông tích, học nghề cắt tóc sống qua ngày. 

Truyện kể hài hước khi ông giáo trẻ làm nghề cúp tóc, hết cúp “ca rê” đến cúp “bom bê” cho bọn trẻ địa phương. Rồi ông bị lộ tông tích, phải thú thật với gia đình người đã cho ông tá túc với nghề cắt tóc ở Gò Cau. Quân Pháp rút khỏi Phú Yên, thầy giáo Võ Hồng trở về nhà, nhưng ông đã mãi mãi để lại thoáng tơ vương với một thiếu phụ trẻ ở Gò Cau, như ông viết “Vượt lên trên, còn lắng lại, mãi mãi không rời là Huấn, là Trần Thị Huấn mà trong nhật ký sau đó tôi phải ghi trại là Trần Huấn, anh Trần Huấn”, vì “sợ biết sự thật, vợ tôi có thể nghĩ ngợi”. Thật ra, đó chỉ là một thoáng hương thơm, khi cô Huấn mua giúp “anh thợ cúp tóc” Võ Hồng mấy quả trứng gà, lúc trao cô “lúng túng khiến có mấy cái trứng sắp rơi. Tôi vội đưa tay nâng bàn tay cô và vụt nhiên một cảm giác ấm, mềm mại khiến tôi không muốn rút tay lại. Và cô cũng để yên hai bàn tay trong tay tôi. Hai bàn tay trắng nõn, ngón thon dưới ánh trăng. Tôi nhìn sang cô. Đôi mắt đen chăm chăm nhìn lại tôi. Cô nói “Thôi, em về”. Giọng nghèn nghẹn”.

 
 Truyện ngắn Thơm ngát hương cau" của Võ Hồng đăng trên TTCT số tháng 3-1990

 Thơm ngát hương cau đã đăng trên TTCN số tháng 3-1990 với bút danh tác giả là Võ An Thạch, song ở cuối bài tòa soạn có dòng chú thích ngắn “Võ An Thạch là một bút hiệu khác của nhà văn Võ Hồng”. Đó cũng là cách chúng tôi muốn bạn đọc, nhất là những người đã đọc và yêu mến văn chương Võ Hồng từ lâu, biết nhà văn nổi tiếng đã “đến” với tờ báo. 

Thư ngày 5-3-1990 gửi cho tôi, Võ Hồng viết: “Bữa nay thật quá trễ để nói lời cảm tạ anh. Cái truyện Thơm ngát hương cau, đã vì cảm tình mà anh ghi thêm ở cuối “Võ An Thạch là một bút hiệu khác của…”. Bị anh “bật mí”, thiệt ác, làm tôi lại phải kiếm thêm bút hiệu nữa cho những tiểu phẩm rải rác. Nhưng, đúng như câu phương ngôn mà tôi hay mượn để an ủi mấy bạn trẻ của tôi “A quelquechose malheure est bon” (“Điều không may cũng có cái hay”, “Tái ông mất ngựa” - chú thích của người viết), cái lời ghi chú của anh khiến tôi nhận được những bức thư, cho đến nay thì toàn là chia xẻ cảm tình (sợ nhất là thư của… chồng cô Huấn!)”…

Không ngờ với cách giới thiệu như thế đã khởi đầu một giai đoạn đáng nhớ - gần 10 năm Võ Hồng gắn bó với báo. Sau Thơm ngát hương cau, ông viết nhiều và đều hơn cho TTCN. Từ đó, tòa soạn mời ông làm cộng tác viên thường xuyên, đăng tên ông trên báo và có “chế độ cộng tác viên” hằng tháng đối với ông (mỗi tháng chúng tôi gửi đến ông một khoản hiện kim tượng trưng là 300.000 đồng, Tết và các dịp lễ lớn gửi quà biếu…). 

Trong gần 10 năm cộng tác, Võ Hồng đã gửi cho tòa soạn khoảng 50 bài, từ truyện ngắn đến tùy bút, tạp bút, nhận định văn chương và vài tiểu phẩm vui.

 
 

 TTCN đã đăng nhiều truyện ngắn và bút ký văn học của ông. Đi trong bóng lá là truyện thứ hai (TTCN số 48-1991) sau Thơm ngát hương cau; Trường xưa (TTCN số 32-1991); Nói với hư vô (TTCN số 51-1993); Thầy, ngôi sao khiêm tốn của tôi (TTCN số 46-1993). 

Một số truyện được chọn đăng trên các số báo đặc biệt: Hoa hồng, tình yêu và hận thù (TTCN số tất niên Tết Tân Mùi 1991); Chuyện khỉ khôn (TTCN số Tết Nhâm Thân 1992); Những lớp tuồng chồng chất (TTCN số đầu năm 1996); Luôn luôn có một kẽ hở (TTCN số đầu năm 1997): Lại chuyện cái lưỡi (TTCN số Tết Mậu Dần 1998).

TTCN còn giới thiệu thơ Võ Hồng (số 45-1996). Bài thơ Ba mươi năm sau là tự sự của tác giả về hoàn cảnh sống “gà trống nuôi con” của mình, khi người vợ yêu thương của ông sớm rời bỏ trần gian, để lại ba đứa con thơ:

 Nhờ đất cho món ăn/ Nhờ nước đưa thức uống/ Hô hấp nhờ khí trời/ Mà cây đầy sức sống. Cũng vậy ba đứa con/ Truyền cho cha sinh lực/ Lao khổ dẫu sớm hôm/ Cô đơn dù nhức buốt/ Nhưng nhìn con lớn khôn/ Cha quên mọi cơ cực. Đứa út vừa lên ba/ Biết mẹ qua tấm ảnh/ Miệng chỉ quen gọi cha/ Khi đói và khi lạnh… Nay các con nên người/ Mỗi đứa đi một ngả/ Mình cha căn nhà xưa/ Trông vừa quen vừa lạ. Không còn ngày gian khổ/ Chỉ dư ngày tiêu điều/ Vắng con như cây cỏ/ Héo úa giữa quạnh hiu….

Ông còn ghi lại những kỷ niệm với các thi nhân. Bài Nhớ nữ sĩ Tương Phố ông viết khi tác giả Giọt lệ thu qua đời (TTCN số 26-1991). Cuối năm 1992, khi nhà thơ Quách Tấn tạ thế, Võ Hồng gửi bài Nhớ anh Quách Tấn (TTCN số tân niên 1993). Nhân kỷ niệm 100 năm ngày nhà bác học Alexandre Yersin lần đầu tiên đặt chân lên đất Nha Trang, ông dịch và viết giới thiệu bài Khảo sát cao nguyên Lâm Viên của “Ông Năm Yersin” (TTCN số 16-1991). Mục Tạp bút của TTCN cũng đăng nhiều đoản văn đặc sắc của Võ Hồng.

Nhìn lại những trang viết của Võ Hồng trong suốt những năm cộng tác với báo, theo tôi, các bài viết giàu cảm xúc, thấm đẫm lòng nhân ái của ông về người cha, người mẹ, người thầy, về lòng hiếu thảo, tình thầy trò là những tuyệt tác, gây nhiều xúc động cho bạn đọc. Đó là Một bông hồng cho cha (TTCN số 24-1990); Viết về cha (TTCN số 14-1998); Nghĩ về mẹ (TTCN số 35-1990); Một cách báo hiếu (TTCN số 15-1999); Tay cầm viên phấn (TTCN số 45-1992); Mồng ba tết thầy (TT Xuân 1993); Hãy viết về thầy cô (TTCN số 45-1997)…

Những trang viết của nhà giáo Võ Hồng còn đưa người đọc hôm nay về với mái trường quê nghèo thôn lấm của nhiều thập niên về trước, dưới mái trường đó là những lứa học trò giỏi bởi theo lời người thầy, “làm sao chẳng học giỏi khi suốt ngày chỉ biết có học? Không rạp xinê, múa hát, đá banh. Không xổ số kiến thiết, không hàng bánh trái dẫy đầy dàn ra khắp các ngả đường. Không rađiô, tivi. Gần như không báo chí, tiểu thuyết. Bưu điện cũng không nên khỏi tốn thì giờ viết thư. Bờ ao, rẫy sắn, cây keo, con chim chóp mào… không hùng biện dụ dỗ học sinh bỏ học. Sách vở dạy gì làm nấy. Thầy giáo dặn sao nghe vậy. Học hành kiểu đó thì khi ra đời, tệ nhất cũng phải bằng thầy giáo mình”. Và người thầy sau bốn mươi năm vẫn nhớ một màu xanh: “Rất ân cần, rất chu đáo, thời gian không bỏ sót một ai, rắc màu trắng lên tóc của mọi người học trò cũ. Từ một cậu trai rụt rè, một cô gái bẽn lẽn, nay đã thành một bà ngoại mực thước, một ông nội nghiêm trang. Tôi chợt thèm được về thăm trường cũ, được ngồi cạnh đám cây lá lốt mọc dưới chân đồi của nhóm lớp 5A, 6A… Trong hồi ức ngậm ngùi nhìn mọi vật quanh mình đều thay đổi, tôi hy vọng họa chăng chỉ những đám cây lá lốt này là vẫn còn giữ được hình dáng cũ như xưa. (Tay cầm viên phấn). 

Võ Hồng gửi những bài viết cuối cùng cho báo năm 1999, khi ông đã cận kề tuổi 80. Từ ngày tôi viết thư gửi Võ Hồng ngay sau khi nhận được Thơm ngát hương cau và lá thư hồi đáp trịnh trọng của ông cho tới sau này, tôi đã may mắn được làm một người bạn vong niên của ông.

 
 Võ Hồng trên gác nhà 51 Hồng Bàng (Ảnh tư liệu: Nguyễn Trọng Chức)

  Lần đầu đến nhà 51 Hồng Bàng, tôi vừa bước lên thang gác dẫn đến phòng ông, đã thấy ông đứng đón. Trong một bài ngắn về ngôi nhà 51 Hồng Bàng, tôi đã viết: “Tôi đã nhiều lần đến ngôi nhà ấy, gần như vào mỗi dịp ra Nha Trang, kể từ ngày có duyên may quen biết ông - nhà văn Võ Hồng. Hồi đó nhà ông chưa gắn chuông điện, mỗi bận đến thăm ông, khách quen lại kéo cái khoen dây kẽm cạnh tấm thiếc nhỏ ghi: “Kéo dây gọi Võ Hồng”. Ông ở trên gác. Có lẽ có một quả chuông nhỏ nối vào đường dây dẫn tới cái khoen ấy. Có khi ông xuống tận nơi đón khách, đó là lúc ông khỏe trong người và khỏe cả đôi mắt mà có hồi đã phải vào Sài Gòn để phẫu thuật. Nhưng thường thì một người bà con của ông ở tầng trệt nhà số 51 Hồng Bàng ra mở cổng. Khách đi qua một lối hẹp đến cầu thang lên gác. Võ Hồng đứng đón, niềm nở đôn hậu khi nhận ra người thân quen nơi xa đến. Cũng có lúc ông mệt, nằm trên chiếc ghế mây chờ khách, song bao giờ ông cũng thân mật, chân tình. Võ Hồng không biết và chẳng bao giờ nói những lời khách sáo, đãi bôi. Như văn chương của ông vậy. Tôi tin rằng không ai không được Võ Hồng chào đón với tất cả tấm lòng rộng mở của ông khi họ tìm đến ngôi nhà số 51 Hồng Bàng. Và bất kỳ ai cũng sẽ nhớ nhiều, nhớ lâu nếu có lần được ngồi bên ông trên căn gác trong một chiều tà của thành phố biển, giữa những bề bộn sách vở, bản thảo và những thứ lỉnh kỉnh khác của một cuộc sống hiu quạnh tuổi già xế bóng; giữa những đồ vật quê kệch đã gắn bó bao nhiêu năm trời với một nhà văn mà mỗi dòng chữ của ông đều gửi gắm biết bao là tình yêu quê nhà, lòng nhân ái cùng sự khoan dung. Rất nhiều trang viết của ông là những bài học sâu sắc cho nhiều thế hệ hôm nay; và tôi tin còn được lưu giữ cho những thế hệ tương lai, nhất là những bản văn đẹp đẽ và thật xúc động của ông về người cha, người mẹ, người thầy…”. ■

(*) nguyên thư ký tòa soạn TTCN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận