Nhân trí học và trường học Waldorf: Câu chuyện của một cựu học sinh

JULIAN HUESMANN (*) 13/03/2019 04:03 GMT+7

Tôi đã từng bị hỏi "Em có biết múa ra tên của mình không?"

====================================================================================

Tôi luôn biết bản thân hơi “khác” so với đa số thanh niên cùng thế hệ. Ý tôi là không chỉ về tính cách, mà ngày trước khi có người hỏi tôi học ở đâu, tên trường học là gì, khi trả lời, tôi đã biết tôi khác và trường của tôi khá “đặc biệt”. Người ta thường gật đầu hoặc chỉ “ồ” hay “à”. Nhiều người không dám hỏi thêm về trường tôi học, còn những người hỏi thêm thì luôn hỏi cùng một câu: “Em có biết múa ra tên của mình không?”.

Ngay từ lớp 1 tôi đã theo học “Trường Waldorf Tự Do” (tiếng Đức: Freie Waldorfschule) tại một thành phố trung bình ở Đức. Nhưng vì sao trường học này “khác” và “đặc biệt” so với hầu hết các trường học khác?

Lý do chính là vì quan niệm về con người và sư phạm của các trường Waldorf dựa vào một triết lý đã hình thành ở Đức gần 100 năm trước, gọi là triết lý “nhân trí học” hay “linh trí học”, tiếng Đức là “Anthroposophie”(có gốc từ tiếng Hi Lạp: “anthropos” là con người và “sophia” là trí tuệ). Người sáng lập trường phái triết lý này là một người Áo tên là Rudolf Steiner (1861-1925).

Triết gia, nhà cải cách giáo dục người Áo Rudolf Steiner.
Triết gia, nhà cải cách giáo dục người Áo Rudolf Steiner.

Ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hai dòng phái triết học khai sáng (Philosophie der Aufklärung) và chủ nghĩa duy tâm (Idealismus) cùng phong trào lãng mạn (Romantik) trong văn học và nghệ thuật đạt đến đỉnh cao ở châu Âu.

Steiner lớn lên cùng các tác phẩm của những triết gia vĩ đại như Kant, Fichte, Nietzsche và văn hào Goethe. Những nhà đại tư tưởng đó một mặt nhấn mạnh rằng lý trí của con người chính là nơi xuất phát hiểu biết về thế giới, mặt khác cho thấy khát vọng tự do của cá nhân cùng loài người là rất mạnh mẽ, đạt đến cực điểm trong thời đại Cách mạng Pháp 1789 và các cuộc cách mạng khắp châu Âu từ năm 1848.

Về sau, Steiner lấy tinh thần tự do của con người làm nền tảng cho tư tưởng sư phạm mới của ông.

Làm thợ thủ công và nông dân ở Waldorf

Tôi theo học ở Trường Waldorf suốt 13 năm. Trong thời gian ở trường, tôi không hiểu chính xác trường học Waldorf là gì, hoạt động theo mô hình và nguyên tắc giáo dục thế nào. Các giáo viên ít khi dạy về lý thuyết giáo dục Waldorf, vì đối với họ trải nghiệm thực tiễn của mỗi học sinh là trên hết và học sinh không cần thiết phải hiểu về lý thuyết.

Lúc đấy, tôi nghĩ trường học của mình cũng như những ngôi trường bình thường khác, vì chúng tôi cũng học các giáo trình tương tự với các môn học thông thường. Khác biệt và cũng là đặc điểm nổi bật nhất ở các trường Waldorf - bao gồm cả trường mầm non - có lẽ là sự tập trung giáo dục các môn nghệ thuật, mỹ thuật và văn hóa, tạm có thể gọi là các môn học nhân văn.

Các môn học nhân văn đó thường bao gồm nhiều hoạt động phong phú và đa dạng. Môn thủ công chẳng hạn, đóng vai trò trọng yếu, chứ không phải chỉ là một môn “phụ” như ở Việt Nam, với những hoạt động đa dạng nhất trong các môn học.

Lần đầu tiên tôi tiếp cận với việc khắc gỗ là khi ở cấp tiểu học. Nhờ sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên, tôi học được cách sử dụng công cụ thủ công theo từng giai đoạn để tạo ra một vật dụng gỗ. Ở lớp lớn hơn thì học sinh được học cách tạc đồ đồng như chén bát, lớp cao hơn nữa thì học cách tự làm đồ gốm như tách, chén, tượng...

Một môn thủ công khác là đan len, việc mà xã hội hay cho là của phụ nữ - đối lập với việc khắc gỗ mà người ta cho là việc của đàn ông. Ở trường tôi, giới tính học sinh không phải là yếu tố để phân biệt môn học nên cả lớp tôi, dù nam hay nữ, đều phải học đan len bằng kim móc, thêu dệt vải để làm túi, khăn, gối, vớ, thú bông...

Trong thời gian học phổ thông, tôi còn tham gia các hoạt động như học cách làm ruộng, trồng cây, trồng rau... Như với các môn khác, lý thuyết không quá quan trọng so với trải nghiệm thực tiễn. Trường tôi có hẳn một khu vườn khá rộng cho học sinh thực tập, trường cũng tuyển dụng các bạn khuyết tật làm việc trong vườn và khuôn viên trường.

Tuy tôi không học nhiều về các lý thuyết, nhưng bù lại tôi nhớ tất cả kiến thức có được nhờ hoạt động thực tiễn, ví dụ như chúng tôi không sử dụng phân bón, hóa chất hay bất cứ thuốc hóa học nào khác để trồng cây hay làm ruộng, không sử dụng máy móc tốn tiền để cày, cấy...

Nói cách khác, về bề ngoài, hoạt động thực tập trong vườn chỉ giúp học sinh học được một vài kỹ năng cơ bản của nông nghiệp truyền thống, tự nhiên và hữu cơ, nhưng thực chất mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Người ngoài đôi khi nghĩ rằng tại sao các em học sinh không tiếp thu kiến thức qua sách giáo khoa mà lại phải chịu cực để làm công việc khó nhọc của những kẻ chân lấm tay bùn.

Suy nghĩ này dường như có lý trong một thế giới hiện đại công nghệ cao, nhưng lẽ ra chúng ta phải hiểu ích lợi của việc học về nông nghiệp. Suốt lịch sử nhân loại đến ngày hôm nay, nông nghiệp là nền tảng của mỗi nền văn hóa, văn minh lớn, mà nông dân chính là người làm ra lương thực cho xã hội. Phải chăng nghề nông là một trong những nghề lương thiện và đáng tôn trọng nhất trên Trái đất? Vậy tại sao ta lại coi thường nghề nông? Tại sao chúng ta không thể học về nó?

Có lẽ đối với học sinh thì những hoạt động kể trên thường không mang ý nghĩa gì, nhưng việc bản thân học sinh có hiểu mục đích sâu xa của việc mình làm hay không không quá quan trọng. Đối với riêng tôi, đó là quá trình chủ động tiếp cận một điều mới, học được cách vận dụng kỹ năng và chính sự phát triển não bộ cùng với năng khiếu của mình vào một mục đích rõ ràng.

Đối với tư tưởng nhân trí học, không có bất kỳ lý do nào để phân biệt các học sinh với nhau theo bất cứ yếu tố nào, nên có học sinh xuất sắc, sáng dạ, học nhanh và học sinh học chậm, cần môi trường và phương pháp học tập đặc biệt; nói tắt ai cũng học chung một lớp được.

Đóng kịch và múa ở Waldorf

Lớp 8 và lớp 12 là hai cấp độ mang ý nghĩa đặc biệt trong giáo trình của Trường Waldorf vì theo nhân trí học, đây là hai độ tuổi quan trọng cho việc phát triển tính cách học sinh trong tương lai. Vì lý do đó, cả lớp phải diễn một vở kịch, trong đó mỗi học sinh được giáo viên khuyến khích đóng vai tích cực và quan trọng, một thử thách lớn, nhưng rất tốt cho việc phát triển khả năng sáng tạo và tính cách mỗi em.

Các vở kịch thường được dàn dựng rất công phu, tỉ mỉ và dịp tốt nhất để biểu diễn một vở kịch ngắn, trình diễn nhạc cụ, ca hát, ngâm thơ... là “Lễ hội của tháng” (Monatsfeier) được tổ chức trong một hội trường lớn. Khi bây giờ nhìn lại thời đó, tôi phải thừa nhận rằng việc đóng kịch có lẽ đã giúp bản thân tôi phát triển tính cách và ứng xử tự tin hơn trong cuộc sống, bởi tôi đã học được cách thể hiện chính mình thông qua vai diễn trong từng vở kịch.

Vở kịch của lớp tôi ở lớp 8 được giáo viên chủ nhiệm soạn dựa trên một tiểu thuyết về Cách mạng Pháp. Vở kịch này khác những vở kịch trước, vì lần đó được xem là một hoạt động đặc biệt. Cả lớp được phép không học các môn học thông thường và dành hẳn 3-4 tuần tập trung chuẩn bị cho vở kịch, cống hiến toàn bộ thời gian và công sức cho vai diễn của mình. Chúng tôi trình diễn vở kịch nhiều lần trong một tuần dưới sự tham dự của toàn trường, toàn thể giáo viên và lớp học, đặc biệt hơn còn có sự hiện diện của người dân ở thành phố mà tôi theo học. Họ biết đến hoạt động này thông qua các trang báo địa phương và được mời xem miễn phí.

Vở kịch của lớp 12 thường được xem là một sự kiện văn nghệ xuất sắc trong trường. Lớp tôi biểu diễn vở của Eugène Ionesco tên là Con tê giác (Rhinocéros). Ra mắt từ năm 1959, đây là một vở kịch ngụ ngôn về sự trỗi dậy của chế độ toàn trị như chế độ Đức quốc xã những năm 1930. Vở kịch thành công ngoài dự kiến với tôi và lớp tôi. Đó là một sự kiện đã để lại ảnh hưởng lớn với tôi đến tận ngày nay.

Còn chuyện “múa ra tên” là sao? Trong nhân trí học, có một nghệ thuật múa được gọi là Eurythmie, tạm dịch là “chuyển động đẹp” (schöne Bewegung). Loại hình múa này thậm chí có cả một hệ chữ cái mà người múa có thể biểu diễn bằng những chuyển động vòng tay. Kiểu múa Eurythmie này thường bị chế giễu trong xã hội. Đa số người không biết nhiều về mô hình giáo dục Waldorf, mà chỉ nghe nói về Eurythmie và thích mỉa mai nó.

Vậy Eurythmie là gì và nhằm mục đích gì? Nghệ thuật múa này bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 và hai người nghĩ ra Eurythmie chính là ông Rudolf Steiner và bà Marie von Sivers (vợ thứ hai của Steiner). Từ phong trào cải cách nghệ thuật múa truyền thống ở châu Âu mang màu sắc chủ nghĩa biểu hiện (Expressionismus), Eurythmie đã trở thành một môn đặc biệt và xuất sắc của các trường học Waldorf nói riêng và nhân trí học nói chung.

Nội dung của nó thiên về sự biểu hiện bản chất ngôn ngữ và âm nhạc, cùng mục đích chính là biểu hiện cảm tính tinh thần của tâm hồn con người. Thông thường nhất trong một cuộc biểu diễn Eurythmie có một hay một nhóm người mặc một loại áo dài mượt mà, rực rỡ màu sắc (để thể hiện tâm trạng - tâm lý của màn biểu diễn) và biểu diễn theo vũ đạo (Choreographie) trên nền nhạc kinh điển.

Ở lớp lớn hơn, học sinh thường tự nghĩ ra vũ đạo hòa hợp với một bản nhạc cụ thể nào đó, còn tôi đã sáng tạo ra vũ đạo cho cả nhạc kinh điển lẫn nhạc đương đại như rock, pop. Điều quan trọng là sự tư duy sáng tạo, tự suy nghĩ về một ca khúc và chuyển động phù hợp cho nó.

Điệu múa mô phỏng vũ điệu châu Phi ở một trường Waldorf tại Mỹ. Ảnh: waldorfgarden.org
Điệu múa mô phỏng vũ điệu châu Phi ở một trường Waldorf tại Mỹ. Ảnh: waldorfgarden.org

Nguyên tắc sư phạm nhân trí học

Mô hình sư phạm này có tinh thần cốt lõi là ban cho con người sự tự do và xem tự do là điểm xuất phát của giáo dục. Ngay từ lớp 1, giáo trình đã nhắm tới mục đích chính là giúp học sinh phát triển tự do nội tâm và phương pháp hiệu quả nhất là giáo dục văn hóa, nghệ thuật bằng việc tập trung giúp học sinh trải nghiệm thực tế nhằm phát triển óc sáng tạo cá nhân, đồng nghĩa với việc giáo dục lý thuyết chỉ là thứ yếu.

"Đi bộ với lồng đèn" - tranh của Martinamas, lớp 3 Trường Waldorf Atlanta, Mỹ. Ảnh: pinterest

Sau mỗi năm học, mỗi học sinh nhận được giấy chứng nhận, trên giấy không hề có điểm số hay xếp hạng, chỉ liệt kê những thành tựu mà học sinh đã đạt được. Bằng cách đó, giáo viên sẽ cho học sinh nhận thấy những điểm mạnh cũng như năng khiếu của mình, đồng thời đưa ra các khó khăn cần được khắc phục. 

Cho nên một nguyên tắc chính trong hệ thống giáo dục này là khuyến khích học sinh học tập, nhưng trên tinh thần tự do cố gắng, khiến học sinh có hứng thú và thích học hỏi, tránh ép buộc một cách độc đoán. Điều đó đồng nghĩa với việc trường không hề có chính sách lưu ban với học sinh có kết quả kém.

Một người bạn thân từng nói với tôi: “Không tạo áp lực hay ép học sinh học thì làm sao họ đạt điểm tốt được?”. Thực ra quan điểm này khá phổ biến ở khắp mọi nơi, chính vì các trường học nhà nước tạo áp lực cho học sinh cố gắng học nên điều này được xem là bình thường, nếu thành tích không tốt thì sẽ phải học lại. Theo tôi, điều đó giống như bị xã hội bỏ rơi, vì mỗi người có nhu cầu cơ bản cần được tôn trọng, bất kể năng lực của họ và nhu cầu cơ bản nhất ở đây chính là được một cộng đồng công nhận và là một phần tử của cộng đồng đó. Đó còn là sự an toàn; tôi gọi đó là “an toàn” vì việc một cá nhân bị “đày”, coi thường, bỏ rơi và lãng quên ở nhà trường chính là nguồn gốc của rất nhiều vấn nạn xã hội sau này. Đây là một đặc điểm tôi muốn nhấn mạnh và rất trân trọng đến tận hôm nay.

Một mô hình giáo dục thực sự công bằng, văn minh và đoàn kết làm sao có thể bỏ rơi bất kỳ ai chỉ vì một, hai môn học đạt điểm không tốt? Con người vốn có khát vọng và nhu cầu học hỏi, cũng như tìm hiểu về thế giới lạ lùng xung quanh và cái gọi là “đời”.

Cho nên theo mô hình sư phạm Waldorf, “giáo dục là một nghệ thuật” chỉ thực hiện được trong không gian tự do và nhân bản, trong đó sự ép buộc không chỉ không bảo đảm thành tựu thỏa mãn mà còn ngăn cản sự phát triển của học sinh, thậm chí gây tác hại lâu dài cho cá nhân và cả xã hội. Nếu chúng ta hiểu và nhận thấy những khác biệt giữa mỗi người thì không có lý do để loại bỏ, phân biệt hay bỏ rơi bất cứ học sinh nào. Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến thành tích kém, nên ta khó lòng có thể nói đó nhất định là lỗi của học sinh.

Như đã được xác nhận bởi nhiều nhà giáo dục, lần đầu tiên sự bình đẳng đích thực trong giáo dục đã được thực hiện là tại chính các trường Waldorf. Khi một trường học muốn tạo điều kiện và không gian thuận lợi cho sự phát triển của từng học sinh thì phải tuyệt đối đoàn kết để khiến cho học sinh có niềm tin, đồng thời góp phần tích cực xây dựng một nền xã hội văn minh, ôn hòa và công bằng hơn.■

(*): Tác giả là người Đức, viết bằng tiếng Việt, là sinh viên thạc sĩ ngành Việt Nam học ở Đại học Hamburg, Đức.

Qua quá trình lịch sử, đặc biệt ở phương Tây, nhân trí học thường bị phớt lờ, coi thường và chế giễu vì được cho là không khoa học, không thúc đẩy tính cạnh tranh, lạ lùng, thậm chí là mê tín. Vào thời kỳ kinh khủng và tối tăm nhất của Đức và châu Âu, hầu hết các trường học Waldorf ở châu Âu bị Đức quốc xã bắt ngưng hoạt động. Nhưng sau Thế chiến 2, giáo dục sư phạm độc đoán kiểu cũ được cải cách, có thể nói là “nhân bản hóa”. Dù nhân trí học luôn bị xem là kỳ lạ và đặc biệt, chúng ta phải công nhận rằng triết lý này đã phát triển rất nhanh và rất mạnh. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1.100 trường học Waldorf và hơn 2.000 trường mầm non Waldorf (bao gồm ở Việt Nam). Vì vậy, mô hình giáo dục Waldorf cũng đã tự xưng là “phong trào trường học tự do lớn nhất thế giới”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận