TTCT - Tại VN nói chung và TP.HCM nói riêng, các co-working space (không gian làm việc chung) vẫn đang nở rộ và bắt đầu tiếp đón sự tham gia của nhiều tay chơi lớn trong lĩnh vực này. Không gian làm việc chung được thiết kế gần gũi với thiên nhiên tại Toong. Ảnh: TRỌNG NHÂN Tháng 8 vừa rồi, The Executive Center khai trương văn phòng đầu tiên tại TP.HCM. Thương hiệu co-working này hiện có 130 văn phòng tại 30 thành phố trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giờ bắt đầu tìm vào Việt Nam, hướng đến phân khúc cao cấp (premium). Dù giá cả thuộc hàng top đầu hiện nay nhưng chỉ sau một tháng mở cửa, The Executive Center VN đã đạt khoảng 40% công suất. Bà Yvonne Lim, giám đốc điều hành The Executive Center khu vực Đông Nam Á, tỏ ra hài lòng: “Đây là thời điểm thích hợp để vào thị trường VN”. Tiện lợi và tiết kiệm Ngay sau khai trương của The Executive Center một ngày, một đơn vị “có tiếng tăm” khác trên thị trường văn phòng chia sẻ thế giới là WeWork tổ chức một sự kiện để các doanh nhân, nhà khởi nghiệp... tụ họp và loan báo về bước chân xâm nhập thị trường Việt Nam của mình ngay trong năm nay. Trong 8 năm qua, đơn vị này đã phát triển hơn 280 văn phòng ở 90 thành phố trên thế giới... Ngoài hai đơn vị trên, những co-working trong nước cũng đang ráo riết mở rộng và quảng bá thương hiệu để đón đầu cơ hội: Dreamplex đang chuẩn bị cho ra mắt Dreamplex 4 dự kiến vào cuối tháng 10, Toong chuẩn bị khánh thành thêm hai không gian tại TP.HCM... Ông Park Woo Beom, CEO start-up Wishket ở Hàn Quốc, hơn một tuần nay đã khảo sát nhiều co-working tại TP.HCM nhằm so sánh lợi thế của từng đơn vị trước khi đầu tư vào VN. “Lợi ích đầu tiên của mô hình chia sẻ không gian làm việc chính là chi phí thuê mặt bằng. Một start-up (khởi nghiệp) nhỏ 2-3 người nếu thuê mặt bằng tầm trung sẽ có mức giá dao động ít nhất 15-20 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản tiền điện, nước, mạng Internet. Nhưng trung bình một chỗ ngồi ở co-working tại các quận trung tâm chỉ dao động 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, đầy đủ tiện ích” - ông so sánh. Chưa kể, nếu thuê mặt bằng bên ngoài còn phải tốn tiền đặt cọc, tiền sửa sang, trang trí hoặc mua sắm trang thiết bị nội thất... Với nhiều người nước ngoài muốn đầu tư vào VN, co-working khá được ưa thích. “Co-working giúp việc start-up trở nên dễ dàng hơn. Nếu đến đây lần đầu, người nước ngoài chỉ việc đến Dreamplex hay Circo, họ (các co-working) có đội ngũ nhân viên rất đông, dễ tìm cho bạn một chỗ làm việc và có thể bắt đầu ngay hôm sau” - James Bairstow, đồng sáng lập Công ty Metasource chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào VN, chia sẻ. Còn theo Jinook Seong - người sở hữu một văn phòng chia sẻ diện tích nhỏ ở Hàn Quốc, co-working còn có ý nghĩa rất lớn về sự kết nối, hợp tác giữa các thành viên trong một văn phòng với nhau vì các cá nhân hay các công ty thường theo đuổi những công việc khác nhau như IT, bất động sản, truyền thông... “Nếu cần tổ chức một sự kiện hay quảng cáo trong phạm vi nhỏ, các công ty có thể thực hiện ngay trong co-working” - ông Seong nói. Sự kiện truyền thông của WeWork vừa qua tại TP.HCM. Ảnh: TRỌNG NHÂN Khó xây dựng văn hóa công ty Tuy nhiên, theo nhiều người từng sử dụng co-working, mô hình này cũng đầy những bất tiện. Đầu tiên là thời gian đóng - mở cửa thường theo giờ hoạt động của tòa nhà. Trên địa bàn TP.HCM rất ít co-working có dịch vụ hoạt động 24/7 và chỉ dành cho đối tượng là các studio (phòng), mà không dành cho cá nhân. “Điều này bất tiện khi bạn có dự án phải hoàn thành gấp hoặc cần họp với đối tác nước ngoài giữa hai múi giờ lệch nhau” - ông Lee Seung Hwan, người Hàn Quốc, đang là thành viên một co-working ở Q.1, nói. Các khu vực làm việc chung của các co-working có hai mặt: người quảng giao sẽ thấy đây là một nơi tuyệt vời để giao lưu kết nối, nhưng người muốn yên tĩnh, nhất là vào những ngày đông đúc, sẽ không thể thích ứng, thậm chí khó chịu và căng thẳng. Ông Lê Trường Vĩnh Phú, giám đốc Knorex (Singapore) tại VN, cho biết công ty ông đang muốn chuyển địa điểm làm việc từ một văn phòng riêng sang co-working với sức chứa 40 người và dự kiến sau hai năm tăng lên 70-100 người. Trước đây, các co-working ở VN thường có diện tích khá nhỏ, dưới 1.000m2 và hầu như không có studio cho những nhóm nhiều người, nhưng thị trường giờ đây gần như đủ loại. Điều ông Phú quan tâm là co-working có thể cung cấp được phòng họp cần thiết cho số lượng người khá lớn của công ty. “Mỗi tầng chỉ có 1-2 phòng họp, trong khi số lượng công ty nhiều nên thường không đáp ứng nhu cầu. Họp trong studio không ổn vì không gian khá hẹp, nếu ra hành lang thì mất đi sự riêng tư” - ông Phú e dè. Hiện nay, hầu như các co-working đều cho phép các công ty sử dụng phòng họp miễn phí, tùy theo các gói hợp đồng, nhưng phải đặt trước. Các cuộc họp đột xuất là bất khả. Việc một start-up chọn co-working là nơi gầy dựng đội ngũ khá phổ biến. Khi số lượng tăng, họ thường thuê thêm chỗ hoặc di chuyển studio ở co-working, nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ông Ngô Quốc Bảo, trưởng bộ phận marketing của không gian làm việc chung CirCo, cho hay qua khảo sát, vấn đề hàng đầu mà khách hàng quan ngại chính là liệu có studio phù hợp khi công ty mở rộng. “CirCo cố gắng sắp xếp không gian các phòng sao cho ổn thỏa nhất nhưng khi không gian đã không còn phù hợp với nhu cầu công ty, họ thường phải chuyển sang văn phòng riêng” - ông Bảo nói. Start-up Shop Back (Singapore) là một trường hợp như vậy. Với chiến lược dùng co-working là nơi gầy dựng đội ngũ, đơn vị này từng ba lần chuyển đổi studio trong không gian làm việc chung trước khi tách hẳn ra văn phòng riêng. Khi đã “an cư”, ông Hoàng Văn Tuấn, chuyên viên nhân sự của Shop Back, cho biết một trong những bất lợi khi ở co-working là rất khó xây dựng văn hóa cho công ty vì không gian còn rất nhiều đơn vị khác. “Nhân viên có nhiều lựa chọn, có thể ngồi trong studio hoặc trong khu tập thể bên ngoài. Vả lại studio cũng chỉ là một nơi làm việc, không phải có khu vực sinh hoạt chung trong nội bộ để gắn kết các thành viên” - ông Tuấn cho biết. Theo CBRE, kể từ khi mô hình co- working được giới thiệu tại Việt Nam năm 2012, tỉ lệ tăng trưởng trung bình của khu vực này là 58%. Sự tăng trưởng này thoạt đầu có được là nhờ bám vào làn sóng khởi nghiệp ào ạt, nhưng sau đó có sự chuyển hóa kịp thời để thích ứng với những lựa chọn linh hoạt hơn của các công ty vốn đang tìm kiếm một không gian làm việc sáng tạo, tiện nghi và nhất là tiết giảm chi phí. ■ Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 4 - 2018, có 19 co-working ở Hà Nội và 15 ở TP. HCM, với hơn 23 nhà điều hành, bao gồm hai nhà điều hành co-working quốc tế. Số lượng này đã tăng 62% trăm so với năm 2017 và đạt mức tăng trưởng 55%/ năm trong 5 năm qua. CBRE dự báo, số lượng co-working sẽ tăng lên 45 vào cuối năm 2018, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm lần lượt 56% và 44% thị phần. Cũng theo CBRE Việt Nam, 91% người sử dụng các co-working ở độ tuổi dưới 35, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 67%, phản ảnh một lực lượng lao động trẻ và do vậy là một nguồn cung dồi dào cho thị trường co-working về lâu dài. Năm 2017, CBRE ước tính 54% người dùng co-working ở Hà Nội và TP.HCM là người khởi nghiệp hoặc nhân viên khởi nghiệp, cùng khoảng 14% là người làm nghề tự do và tự làm chủ. Hơn 55% người dùng làm việc trong ngành công nghiệp CNTT, phần còn lại bao gồm du lịch, tài chính ngân hàng, giáo dục, tiếp thị và bất động sản. Tăng theo chuỗi Các co-working cũng đang bắt đầu phát triển và mở rộng theo mô hình chuỗi, tương tự chuỗi cửa hàng tiện lợi. Ông Nguyễn Cao Nghi, giám đốc điều hành Toong Coworking Space khu vực phía Nam, cho biết Toong là một trong những chuỗi co-working đầu tiên ở VN. Từ không gian đầu tiên rộng 800m2 ở Tràng Thi (Hà Nội), cuối năm nay đơn vị này có khoảng 8 co-working trong nước, riêng TP.HCM có 5 điểm. Họ cũng sẽ có thêm 2 co-working ở Lào và Campuchia. “Về chiến lược dài hạn, ngoài việc bỏ tiền hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư xây dựng các không gian mới, Toong sẽ hợp tác với một chủ đầu tư sẵn sàng góp tiền và địa điểm có sẵn, chúng tôi đóng góp bộ máy vận hành và thương hiệu" - ông Nghi nói. Tags: Không gian làm việc chungCo working
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Đội hình tuyển Việt Nam đấu Singapore: Xuân Son, Hoàng Đức đá chính HOÀNG TÙNG 29/12/2024 Trong đội hình tuyển Việt Nam đấu Singapore ở bán kết lượt về, HLV Kim Sang Sik tung ra sân những nhân sự tốt nhất là Xuân Son, Hoàng Đức, Hai Long.
Tăng mức phạt giao thông, cảnh sát sẽ ưu tiên xử lý bằng hệ thống camera HỒNG QUANG 29/12/2024 "Cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết.
Hé lộ 6 phút trước 'thảm họa' máy bay Jeju Air THANH HIỀN 29/12/2024 Máy bay Jeju Air gặp nạn sáng 29-12 đã nhận được cảnh báo nguy cơ va chạm với chim và phi công cũng đã phát tín hiệu báo nguy.
Đông nghẹt cổ động viên đổ về sân Việt Trì cổ vũ tuyển Việt Nam đấu Singapore NGUYÊN KHÔI 29/12/2024 Hơn ba tiếng trước trận bán kết lượt về ASEAN Cup 2024, đông đảo người hâm mộ đã đổ dồn về sân Việt Trì để cổ vũ cho tuyển Việt Nam đấu Singapore