Nhìn lại 10 năm đổi mới giáo dục

GIÁP VĂN DƯƠNG 09/01/2024 08:09 GMT+7

TTCT - Trong 10 năm qua, việc đổi mới giáo dục và đào tạo đã tiến được những bước nào?

Nhìn lại 10 năm đổi mới giáo dục- Ảnh 1.

Mười năm là tính từ ngày 4-11-2013, khi nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI được ban hành, chính thức khởi động "Chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

VUI

Năm năm sau, nghị quyết 29 được cụ thể hóa vào Chương trình giáo dục 2018. Chương trình 2018 đã từng bước được đưa vào giáo dục, chủ yếu thông qua việc xây dựng các bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Đến nay, các bộ SGK này đã sắp hoàn thành theo kế hoạch, đến năm học 2024-2025, SGK mới sẽ phủ kín tất cả các bậc học.

Tuy các bộ SGK mới còn nhiều sạn và cần tiếp tục chỉnh lý nhưng về đại thể, các bộ SGK mới tốt hơn bộ SGK cũ của Chương trình giáo dục 2000. Không chỉ hơn về chất lượng mà thẩm mỹ cũng tốt hơn. 

Cầm SGK mới trên tay không còn cảm giác ngán ngẩm vì sách quá xấu, đặc biệt là khi so với các dòng sách thiếu nhi đang bán trên thị trường. Điều này rất quan trọng với trẻ nhỏ, vì trẻ chưa biết phân tích lập luận về tính hữu ích của sách nên về hình thức, sách phải đủ đẹp thì trẻ mới có hứng thú tiếp nhận.

Điểm sáng lớn nhất của Chương trình giáo dục 2018 là đã đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực. Chỉ bốn chữ "phát triển năng lực" đó thôi cũng đủ tạo ra một làn gió mới trong giáo dục.

Vì sao? Vì nó tạo ra lý do chính đáng cho việc đi sâu hơn, xa hơn những nội dung được trình bày trong SGK. Nó cho thấy SGK chỉ là phương tiện, là học liệu quan trọng của giáo dục chứ không phải là toàn bộ những gì nền giáo dục hướng tới.

Đặc biệt, nó trực tiếp trả lời cho câu hỏi "Học để làm gì?", một câu hỏi quan trọng, hiển nhiên nhưng nhức nhối mà tiếp cận nội dung không thể trả lời.

Với tiếp cận phát triển năng lực, câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này đã hiển lộ tương đối tường minh: Học để phát triển năng lực.

Khoan hãy bàn đến chi tiết xem năng lực nào là quan trọng và phát triển năng lực có phải là mục tiêu tối hậu của giáo dục không, thì việc có một câu trả lời tương đối rõ ràng như vậy cũng tốt hơn cho đại thể rất nhiều.

Với bậc học phổ thông, chính nhờ sự rõ ràng trong câu trả lời này mà các hoạt động dạy và học có tính mục tiêu cao hơn, đồng thời cũng thoáng đạt hơn so với trước. Nhà trường có nhiều không gian hơn trong việc xây dựng chương trình nhà trường. Thầy và trò có nhiều cách hơn trong dạy và học theo tiếp cận phát triển năng lực so với tiếp cận nội dung trước đây.

Chưa kể, trên cơ sở đó mỗi cơ sở giáo dục đều có thêm các chương trình bồi dưỡng, phát triển năng lực đặc thù dựa trên lựa chọn của học sinh, gia đình và nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ...

Nhìn lại 10 năm đổi mới giáo dục- Ảnh 2.

Nếu có gì còn lo lắng thì đó là việc triển khai Chương trình 2018 vẫn còn nhiều hạng mục mang tính nửa vời, cả trong các nội dung của SGK và trong triển khai thực tiễn.

Ví dụ, việc dạy học tích hợp đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế. Khó khăn đến không chỉ từ nhận thức về thế nào là dạy học tích hợp, mà còn từ thực tế các giáo viên hiện nay đều chỉ được đào tạo để dạy các môn học riêng biệt như lý, hóa, sinh, sử, địa... 

Vì thế, khi phải dạy học tích hợp, nhà trường lại chia các môn học tích hợp như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thành nhiều modul không tích hợp để giáo viên dạy cho quen và cho đúng chuyên môn được đào tạo.

Việc tổ chức nội dung của các môn cần dạy học tích hợp điển hình như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội cũng không đúng với tinh thần của dạy học tích hợp mà đơn thuần chỉ là ghép nối cơ học. Hệ quả là chủ trương dạy học tích hợp tuy đúng nhưng được triển khai không thực sự tới, vì thế không thu được kết quả như mong đợi.

Chính điều đó đã dẫn đến sự nghi ngại của không ít giáo viên và của xã hội, dẫn đến những đề nghị trở lại với tinh thần giáo dục cũ, mà điển hình là đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra làm một bộ SGK riêng, tức gián tiếp trở lại chủ trương "một chương trình, một bộ SGK" của Chương trình 2000.

Tuy nhiên, giải pháp không phải là trở lại điểm xuất phát, mà phải đi tiếp, đến nơi đến chốn, nhất là ở những hạng mục có thể làm đến tận cùng, như "một chương trình, nhiều bộ SGK" và kiên định với dạy học tích hợp.

Ở bậc đại học, trong 10 năm qua, những chuyển động lớn nhất trong khu vực này mang tính thực dụng hơn rất nhiều.

Chỉ tiêu tuyển sinh của bậc đại học đã gần bằng tổng số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học. Điều này tạo ra áp lực tuyển sinh cho các trường, dẫn đến chạy đua tuyển sinh giữa các trường và sự ra đời của nhiều phương thức tuyển sinh mới, như xét học bạ, đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên điểm SAT, IELTS… thay vì chờ đến khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT rồi mới xét như trước đây.

Chuyển động lớn thứ hai là nhiều trường đại học đã chuyển sang tự chủ, trong đó nổi bật là tự chủ về tài chính. Những trường lớn, có truyền thống, có thương hiệu đã bắt nhịp khá tốt, thể hiện qua số lượng tuyển sinh và doanh số tăng mạnh. Nhưng điều này cũng mở cánh cửa cho cơn lốc thị trường đi thẳng vào các giảng đường đại học.

Chuyển động lớn thứ ba là một số trường được nâng cấp từ trường đại học thành đại học, tạo cơ sở pháp lý để hình thành các trường con như mô hình đại học quốc gia hoặc đại học vùng. 

Với một số trường lớn, mô hình này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Đến nay, tuy chưa thể đánh giá hiệu quả thực tế nhưng có lẽ sẽ không tệ hơn so với việc ghép cơ học một số trường nhỏ thành trường lớn như các đại học vùng, đại học quốc gia trước đây, đồng thời trực tiếp cạnh tranh cả về vị thế pháp lý lẫn vị thế thị trường đối với các đại học này.

BUỒN

Điều đáng buồn nổi bật trong bức tranh giáo dục 10 năm qua là có quá nhiều hoen ố trong lĩnh vực giáo dục, thể hiện cụ thể qua việc có quá nhiều quan chức ngành giáo dục bị truy tố và quá nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, đạo đức học đường.

Nhìn bề ngoài, có thể đó chỉ là hoen ố hình ảnh của người thầy, của nhà trường và ngành giáo dục. Nhưng nhìn bên trong thì đó là một sự mục ruỗng đáng lo ngại.

Khác với các lĩnh vực khác, một nền giáo dục muốn vận hành tốt đòi hỏi sự tin tưởng và từng bước đạt đến sự tin yêu của xã hội. Không có sự tin tưởng thì không có cách nào để dạy học trò. Với học trò, không có sự tin tưởng thì chỉ còn lại sự đối phó. Thầy dạy cho xong việc. Trò học cho xong bài.

Ở mức độ sâu sắc hơn, không có sự tin yêu vào con người, vào nghề nghiệp, vào sứ mệnh của người thầy, của các nhà giáo dành cho xã hội và xã hội dành cho ngành giáo dục thì thầy không thể dạy tốt, ngành giáo dục cũng không thể vận hành tốt được. Vì lẽ đó, bí quyết của người thầy giỏi không phải là giỏi chuyên môn, luyện thi tốt mà là yêu trẻ, yêu nghề, yêu cuộc đời.

Nếu không tin, bạn cứ thử nhìn lại việc dạy con trong gia đình mình. Bạn sẽ thấy việc đầu tiên bạn cần làm là tạo ra sự tin tưởng của con đối với bạn. Nếu con đã không tin, bạn không có cách nào để dạy con mình. Và đến lượt bạn, điều cần thiết nhất để dạy con lại không phải là kiến thức, mà là sự tin yêu mà bạn dành cho con.

Nếu không có được sự tin tưởng và tin yêu, bạn sẽ làm gì để kiểm soát và thúc đẩy việc học của con? Chắc hẳn bạn sẽ dùng các kỹ năng quản lý, giám sát, thành tích thi cử, chuẩn đầu ra… để đánh giá và đốc thúc. Con bạn vẫn có thể tuân thủ nhưng từ trong sâu thẳm, bạn biết đó không phải là giáo dục. Bạn cũng biết điều đó sẽ gây hại cho con mình như thế nào.

Nhìn lại 10 năm đổi mới giáo dục- Ảnh 3.

Nhưng nếu bạn là giáo viên hay nhà quản lý giáo dục, bạn dạy con trẻ không phải với tư cách người làm cha làm mẹ, mà chỉ đơn thuần là thực hiện một công việc được cấp trên giao, có báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hằng ngày, bạn sẽ làm gì? 

Tất nhiên, bạn sẽ điềm nhiên thực hiện mà bỏ qua tất cả các rủi ro mà bạn sẽ không làm khi dạy con mình. Bạn chỉ đang thực hiện bổn phận của mình và đó không phải là con bạn. Tất cả đều diễn ra trong tình trạng "khuất mắt trông coi", nên bạn hy vọng những bất cập trong giáo dục sẽ chừa con mình ra.

Nhưng chạy trời không khỏi nắng. Việc hình ảnh của ngành giáo dục bị hoen ố qua sự việc các quan chức ngành giáo dục bị truy tố hay đạo đức học đường xuống cấp đã làm xói mòn niềm tin của con trẻ và toàn xã hội vào giáo dục. Sẽ rất khó để thuyết phục xã hội tin tưởng ngành giáo dục khi những người vài tháng trước còn đến rao giảng đạo lý, đánh trống khai trường, vài tháng sau đã bị truy tố, bỏ tù.

Trong 10 năm qua đã có những chuyển động rất đáng ghi nhận về mặt nhận thức đối với giáo dục, nhất là sự chuyển đổi từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực và phẩm chất. Nhưng kết quả trên thực tế còn cách xa kỳ vọng, nên có sự nghi ngại trong giới chuyên môn và dư luận xã hội dẫn đến những đề xuất có thể tạo ra sự thụt lùi cho giáo dục. Đây là điều phải hết sức tránh nếu muốn đi vững chắc trên lộ trình mới này.

Bên cạnh đó, không thể không nhìn lại mối nguy từ việc cơn lốc thị trường đã xộc thẳng vào từng giảng đường, lớp học. Dưới tác động của cơn lốc đó, giáo dục đã bắt đầu tha hóa và có nguy cơ tha hóa sâu hơn, trở thành chuyện mua bán trục lợi ở một số khâu, một số nơi. Đây cũng là một nguồn cơn gây hoen ố cho giáo dục trong 10 năm qua và là một thách thức lớn cần giải quyết trong 10 năm tới.

Việc thị trường hóa quá đáng trong một số hoạt động hoặc dịch vụ giáo dục, đặc biệt là các chương trình liên kết được triển khai rầm rộ trong khối giáo dục công lập, cũng là một mối lo khác. Nhìn bề ngoài thì các chương trình này là tự nguyện, được thiết kế để hỗ trợ, bổ sung cho chương trình của nhà trường nhưng khi triển khai thực tế, chương trinh liên kết có thể biến tướng thành các phi vụ làm ăn mà ở đó, mục tiêu giáo dục chỉ là lý do để hợp lý hóa việc thu lời của một số người.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận