TTCT - “Đây là lúc phải nói thật, toàn bộ sự thật, thẳng thắn và can đảm. Chúng ta không thể trốn tránh việc đối diện với các hiện trạng của đất nước ngày hôm nay... Cái duy nhất chúng ta phải hãi sợ chính là bản thân nỗi sợ hãi - những mối đe dọa không tên, vô lý, thiếu cơ sở đang làm tê liệt các nỗ lực cần thiết để biến bước lùi thành bước tiến. Trong mỗi giờ phút tối tăm của lịch sử quốc gia, một phong cách lãnh đạo thẳng thắn và mạnh mẽ luôn được đáp lại bằng sự chia sẻ và ủng hộ của công chúng và đó là mấu chốt để thắng lợi.." Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển có nhiều tiềm năng và được nhìn nhận có nhiều nền tảng tốt để phát triển (Trong ảnh: một góc TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam) - Ảnh: Minh ĐứcĐó là phát biểu của tân tổng thống Mỹ F.Roosevelt vào cuối mùa đông giá lạnh năm 1933.Không có gì phải sợ ngoài chính nỗi sợ hãi vô hìnhVào lúc đó, nước Mỹ đã trải qua hơn ba năm của cuộc “đại khủng hoảng”: sản lượng công nghiệp giảm 46%, thương mại quốc tế giảm 70%, thất nghiệp tăng 607%. Đã có hơn 11.000 ngân hàng trong số 24.000 ngân hàng của Mỹ phá sản và hơn 20% (cao điểm lên tới 25%) người lao động Mỹ mất việc làm, hàng triệu gia đình bị lâm vào cảnh thiếu đói.Trong phát biểu nhậm chức, Roosevelt đã nhắm vào việc khôi phục lòng tin của công chúng vào khả năng vượt qua khủng hoảng: “Cái duy nhất chúng ta phải hãi sợ chính là bản thân nỗi sợ hãi”. Ông chỉ ra bản chất của cuộc khủng hoảng là do sự thất bại của loài người trong việc điều tiết nhu cầu và phân bổ nguồn lực, do tham lam quá độ, do chạy theo vật chất, do ích kỷ, và do lãng quên các giá trị cơ bản của loài người. Và lòng tin chỉ có thể trường tồn dựa trên sự trung thực, tự trọng, tính thiêng liêng của tinh thần nghĩa vụ, sự bảo vệ trung thành, và sự phấn đấu không ích kỷ.Chính sách “New Deal” được ban hành sau đó với hàng loạt chương trình của chính phủ được thiết kế để tạo công ăn việc làm cho người dân, khôi phục kinh tế và cải tổ hàng loạt thị trường như ngân hàng, tài chính và vận tải. Nhiều đứa con tinh thần của chính sách này ngày nay vẫn tồn tại như Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) - là cơ quan giám sát thị trường tài chính Mỹ, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và chế độ an sinh xã hội.Hai nỗ lực của Roosevelt - khôi phục lòng tin và sử dụng sức mạnh của nhà nước để đẩy nền kinh tế ra khỏi suy thoái - đã kết hợp hoàn hảo với nhau. Các chính sách của nhà nước được công chúng hỗ trợ gần như tuyệt đối và vì thế nó phát huy sức mạnh. Kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại rất nhanh trong giai đoạn 1933-1937.Đi lên từ một Liên Xô tan rã, nước Nga ngày nay đang khẳng định lại vị thế của mình. Lạm phát đã giảm sáu lần, từ 36,5% năm 1999 xuống còn hơn 6,1% của năm nay. GDP/đầu người ở Nga đã tăng gần gấp đôi, nợ của nhà nước tính theo GDP đã giảm 10 lần, từ hơn 120% GDP xuống còn hơn 10% GDP. Năm 2012, trên nền kinh tế ảm đạm thế giới, nước Nga đã đạt tăng trưởng GDP (tính đến tháng 10) là 3,7%; mức thất nghiệp từ 6,6% đầu năm giảm còn 5,4% - một trong những tỉ lệ khả quan nhất của các nền kinh tế phát triển.Trong thông điệp liên bang đầu tiên (ngày 12-12) sau khi tái cử tổng thống, ông Putin đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần hồi sinh nếp đạo đức, thoát khỏi chủ nghĩa vị kỷ cực độ”, nhắc nhở rằng đất nước đang cần đến một hệ tư tưởng quốc gia cũng như xây dựng một nền kinh tế độc lập và hiện đại.Ông Putin không quên vấn đề về niềm tin để đưa ra lời hứa sẽ “cứng rắn và liên tục” trong việc làm trong sạch và đổi mới chính quyền, nhấn mạnh các quan chức phải sẵn sàng trước sự kiểm soát nghiêm ngặt của xã hội: “Niềm tin ở đâu cho một quan chức hay chính khách, người nói những lời to tát về lợi ích của nước Nga trong khi tìm mọi cách đưa tài sản, tiền bạc của mình ra nước ngoài?”. Chỉ trong năm ngoái, ở Nga có tới 800.000 người bị truy tố vì tham nhũng, trong đó phần lớn là những người “có chức vụ quan trọng”, hoặc là quan chức, hoặc là đại biểu (quốc hội hoặc HĐND), hoặc là nhân viên cơ quan hành pháp.Khó nhưng không phải không có lời giảiTính đến cuối năm 2012, VN đã trải qua năm năm nền kinh tế rơi vào khó khăn. Dù tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao (trên 5%/năm kể từ năm 2008) và thất nghiệp chính thức vẫn ở mức thấp dưới 4% nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và thất nghiệp đang có xu hướng nhích lên.Đáng lo ngại hơn, lạm phát trong nhiều năm ở mức hai con số, đe dọa trực tiếp đời sống của tầng lớp trung lưu và người nghèo. Trong vòng năm năm trở lại đây, năm 2008 lạm phát của VN là trên 20%, năm 2011 cũng xấp xỉ 20%, năm 2010 là trên 10%, chỉ có năm 2009 và 2012 là ở mức một con số do các nỗ lực thắt chặt tiền tệ của năm liền trước đem lại.Từ năm 2011 trở lại đây, VN còn trải qua nhiều diễn biến đáng lo ngại hơn nữa. Hàng loạt ngành của VN đang rơi vào chu kỳ dư thừa công suất, từ sắt thép, ximăng, dược phẩm đến bất động sản, chứng khoán, ngân hàng..., nghiêm trọng nhất là bất động sản. Việc dư thừa công suất này bắt nguồn từ chính sách tín dụng dễ dãi trong nhiều năm khiến phần lớn doanh nghiệp nội địa, kể cả tư nhân và nhà nước, đã lạm dụng nguồn tín dụng ngắn hạn rẻ để đầu tư vào các dự án dài hạn. Đưa VN ra khỏi tình trạng hiện nay không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Ngược lại, tất cả các vấn đề này đều có lời giải. Khủng hoảng kinh tế không phải là một câu chuyện xa lạ, nó đã xảy ra nhiều, ở khắp nơi trên thế giới, trong mọi hình thái kinh tế mà loài người đã trải qua. VN không phải là ngoại lệ. Thực tế là các lời giải đã được bàn đến nhiều, trong giới chuyên gia, trong các cơ quan tư vấn, từ các tổ chức hỗ trợ quốc tế tới các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.Kết cục là từ năm 2011 trở lại đây, khi thị trường đầu ra khó khăn và tín dụng bị thắt chặt, việc trả nợ ngân hàng của hầu hết doanh nghiệp trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Các khoản nợ xấu ngày càng chồng chất làm tê liệt dần hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, quá trình “giảm nợ” bắt buộc của hệ thống doanh nghiệp khiến tăng trưởng tự nhiên của nó không còn được như trước, đẩy mạnh hơn đà giảm tăng trưởng và gia tăng thất nghiệp.Thế nhưng bức tranh kinh tế của VN, dù không tươi sáng như hồi năm năm trước, vẫn không phải là một bức tranh đầy màu tối. VN vẫn là một quốc gia đang phát triển có nhiều tiềm năng và được thế giới nhìn nhận là có nhiều nền tảng tốt để phát triển. VN vẫn có nhiều ngành nghề có sức cạnh tranh cao, đặc biệt là các ngành liên quan đến nông nghiệp và thủy hải sản. Năm 2012 là năm khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đã đạt 104 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2011. Nhiều hãng sản xuất lớn và các quỹ đầu tư thị trường mới nổi vẫn coi VN là một điểm đến sáng giá.Lịch sử VN đã trải qua nhiều thời kỳ cam go hơn rất nhiều lần so với hiện nay. Chỉ tính trong vòng 100 năm trở lại đây, VN từng đi qua những giai đoạn đất nước bị xâm lược và đô hộ bởi ngoại bang, kinh tế kiệt quệ dẫn tới hàng triệu người bị chết đói, những thời kỳ chiến tranh triền miên... tới giai đoạn đầu của cải cách đổi mới với lạm phát phi mã lên tới 300-400% trong vòng nhiều năm liền.Trải qua nhiều thách thức như vậy, dân tộc VN vẫn vượt qua, tồn tại, hồi sinh và thịnh vượng. Những thách thức liên tục trong lịch sử đã định hình dân tộc VN với tư cách là một dân tộc không chịu khuất phục trước sự đe dọa, trước bạo lực, trước bất công, trước sự chèn lấn của ngoại bang... VN không phải là một dân tộc run rẩy trước sợ hãi, dù đó là nỗi sợ vô hình hay có thật. Các giá trị này vẫn còn đó, dù trong những khoảnh khắc nhất định của lịch sử, nó có thể bị phủ mờ đi bởi các lớp bụi của lòng tham ngắn hạn, của các hạn chế về hiểu biết, hoặc của những sai lầm.Nói như Roosevelt 80 năm trước, những thách thức về kinh tế của hôm nay là những thách thức do chính chúng ta tạo ra, từ những sai lầm của chính chúng ta, dù “chúng ta” được hiểu là Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, hay bất kỳ một cá nhân nào.Những sai lầm này có thể nhỏ như thiếu quan tâm giáo dục con cái về giá trị và lối sống khiến lớp trẻ dễ lạc lối trong một thế giới toàn cầu, ném rác xuống đường góp phần gây ngập lụt đô thị, đánh cá bằng chích điện làm môi trường bị tàn phá, sử dụng quá mức thuốc trừ sâu khiến sản phẩm nông nghiệp của quốc gia bị coi rẻ, bất chấp Luật giao thông khiến tai nạn ở VN cao nhất nhì thế giới, đến những việc tày đình hơn như chặt phá hủy hoại rừng đầu nguồn của các doanh nghiệp làm gỗ, xây thủy điện tràn lan và thiếu chất lượng của các doanh nghiệp năng lượng, lợi dụng kẽ hở quản lý để đầu cơ, ăn cắp tiền của giới tài chính - ngân hàng, rút ruột công trình của giới xây lắp, kinh doanh quy hoạch và chạy dự án của giới bất động sản, tham nhũng và sách nhiễu của quan chức nhà nước...Danh sách này có thể viết dài.Uy tín chính trị, hành động quyết đoánThế nhưng, cũng theo cách nói của Roosevelt, vì chúng là các lỗi lầm của chúng ta, bản thân chúng ta có thể khắc phục được nếu có lòng tin và sự quyết đoán chính sách. Lòng tin vào tính khả thi của thay đổi theo hướng tốt hơn sẽ làm chúng ta không rơi vào bi quan, tiêu cực, hoặc các hành vi cơ hội, trục lợi và đánh bài chuồn. Lòng tin vào tính khả thi của thay đổi theo hướng tốt hơn cũng làm chúng ta có thêm nhiệt tình, quyết tâm và nỗ lực hơn để tạo ra sự thay đổi đó. Nói cho cùng, khoa học kinh tế hiện đại ngày nay cũng cho rằng kỳ vọng của người tham gia thị trường sẽ dẫn tới kết quả tương ứng của nó. Kỳ vọng thay đổi làm cho kết quả thay đổi theo.Để biến các giải pháp thành hiện thực, Roosevelt không chỉ có “New Deal” để đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc “đại khủng hoảng” hồi năm 1933, mà còn có một uy tín chính trị lớn lao để đứng trong vai trò là người dẫn dắt, thuyết phục cả xã hội đi theo. Để thống nhất được các nhóm lợi ích. Để tạo sự đồng thuận cần thiết trong hệ thống chính trị nhằm biến các giải pháp thành chính sách và từ chính sách đi vào đời sống để xoay chuyển hiện thực.Phát biểu tại hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nguy cơ khi lòng tin của công chúng đối với Đảng và Nhà nước đang bị xói mòn. Uy tín chính trị bị xói mòn sẽ làm giảm khả năng của Nhà nước trong việc tạo ra các xoay chuyển cần thiết trong đời sống xã hội. Uy tín này chỉ được khôi phục khi người dân nhìn thấy các động thái quyết đoán của Đảng và Nhà nước liên quan đến cái nhìn viễn kiến của bộ máy lãnh đạo, tư cách, trình độ, đạo đức, phẩm chất, tính chuyên nghiệp, tinh thần phụng sự đất nước của những người thực thi.Từ đây mới có thể vực dậy lòng tin của người dân về tính khả thi của sự đổi thay tích cực. Đi kèm với lòng tin này phải có các quyết sách thực tế của Nhà nước nhằm thẳng vào các vấn đề gai góc nhất đang tồn tại mới có thể giúp VN vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ. Tags: Khủng hoảngLao độngThất nghiệpLòng tin
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.