TTCT - Trà nóng, cạn dần từng chén, Hà Nội vào đông, bà thong thả chuyện trò về một thứ thanh âm đang chìm dần trong đô thị ồn ào, vội vã. Bà Lê Thị Yến - người đã có gần 28 năm gắn bó với đồng hồ Bưu điện Hà Nội -Trần Anh Bà là Lê Thị Yến, người phụ nữ đã xem cái đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội như một thực thể sống động gắn bó thân thiết với đời mình, với thành phố. Bàn tay bà tiếp quản từng chi tiết của hệ thống đồng hồ này ngay từ khi nhóm chuyên gia chuyển giao. Bà kể do thời gian vận chuyển trên biển khá dài, nhiều thiết bị bị hoen gỉ, nhóm thợ của bà phải đánh bóng lại, mạ lại từng cuộn dây, rơle, ốc vít... Rồi chính bà tập “đánh ban” toàn diện hệ thống vận hành đồng hồ này. Tức là khi nắm rõ nguyên lý vận hành của đồng hồ, bà và các cộng sự phải soạn ra các kịch bản mà đồng hồ có thể hỏng, hỏng ở khâu nào, cách sửa ra sao, thuần thục tập dượt trước để nếu có sự cố nhóm sẽ ứng biến nhanh, đảm bảo đồng hồ không nghỉ chạy quá lâu. Năm 1976, chiếc đồng hồ bốn mặt sừng sững được dựng lên trên nóc tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Bà Yến hoan hỉ đứng dưới phố Đinh Tiên Hoàng nhìn lên tháp đồng hồ, quên hết những ngày mệt nhoài cùng các chuyên gia lắp đặt hệ thống này, quên hết những đêm thức trắng, vã mồ hôi vẽ lại sơ đồ vận hành của đồng hồ để đối chiếu với chuyên gia trước khi họ về nước. Chỉ còn niềm vui. “Lần đầu tiên nghe tiếng chuông vang lên thấy sung sướng lắm” - bà mỉm cười nhớ lại. Bưu điện Hà Nội Trên nóc tòa nhà cao nhất Hà Nội lúc bấy giờ, chiếc đồng hồ có bốn mặt, mỗi mặt rộng 4,5m, kim giờ dài 1,35m, kim phút dài 1,65m. Để đồng hồ sáng lên giữa thành phố về đêm, bên trong được lắp gần 100 đèn huỳnh quang. Dàn âm thanh được khuếch đại bởi 16 chiếc loa hướng về bốn hướng. Vậy nên khi chuông, nhạc vang lên, dân ở vùng ngoại ô của Hà Nội cũng nghe rõ. Thời ấy, vì là tổ trưởng tổ đồng hồ của Bưu điện Hà Nội, mỗi ngày bà Yến leo tháp ít nhất hai lần kiểm tra chi tiết của hệ thống đồng hồ. Cả Hà Nội ngóng tiếng chuông báo giờ được đánh từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Cư dân ở chợ Mơ nghe rõ 12 tiếng chuông biết đã chính ngọ. Người ở hồ Tây, ngược gió cũng không mất đi 6 tiếng chuông sáng sớm khởi một ngày. Gần bờ hồ Hoàn Kiếm, cư dân phố cổ một thời thu vén thời gian rõ ràng nhất qua tiếng chuông đồng hồ này. Lắng lại trong tâm tưởng bà Yến là tiếng chuông đêm giao thừa nơi thủ đô ngàn năm. Một phút cho tiếng nhạc, rồi 24 tiếng chuông trong đêm giao thừa làm thành một thứ chuẩn mực thăm thẳm linh thiêng và gần gụi. “Những đêm ba mươi, khi đứng trên nóc nhà, tôi nhìn xuống phố thấy người dân đi đón giao thừa tấp nập, rồi người ta ngửa mặt nhìn lên đồng hồ bưu điện chờ đợi, lắng nghe” - bà Yến nói. Tiếng chuông, tiếng nhạc ấy như đã thành âm thanh linh hồn của một thành phố, như một tiếng gọi rõ ràng từ xưa cũ trong muôn nẻo đổi dời của hôm nay. Đêm ba mươi Tết, cả kíp trực của bà Yến vừa phải lo chu đáo việc cúng gia tiên ở nhà, vừa phải cắt cử người đánh chuông lúc giao thừa. Nhưng người đảm trách hầu hết việc này trong nhiều đêm giao thừa vẫn là bà Yến. Khi đồng hồ ngừng tiếng chuông cuối cùng, xung quanh hồ Gươm rực rỡ pháo hoa. Thời khắc ấy bà nhìn ra phố, thấy cả mùa xuân đang làm vui lòng người. Dành 28 năm theo sát sự vận hành của đồng hồ bưu điện, bà Yến giờ vẫn lắng nghe chính xác tiếng chuông được mặc định đánh vào các thời khắc khác nhau của ngày. Màu thời gian dồn lại trên sợi tóc ngả bạc của bà, nén chặt vào một vùng tâm thức có tiếng chuông ngân vang. Về hưu rồi, tiếng chuông và nhạc ấy có còn văng vẳng trong tâm trí của bà? Vẫn còn. Vẫn nhớ. 68 tuổi, hằng đêm bà Yến vẫn ngồi bán nước mía ở một ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên. Dư âm những tháng năm gắn bó với đồng hồ Bưu điện Hà Nội chợt lóe lên những nét vui trên khóe mắt khi có ai hỏi chuyện bà về kỷ vật này. Bà Yến giờ chỉ còn tiếc cho một Hà Nội không đủ vắng lặng để người ta trân quý tiếng chuông đồng hồ báo từng thời khắc lắng đọng của cuộc sống. Tiếng chuông ngân báo thời gian một thuở đã tắt lịm trong dày đặc âm thanh khác của thành phố này. Nhưng không chỉ bà ấp ủ âm thanh ấy, những người sống trong phố cổ như bà cũng vẫn nghe được trong hồn dư âm nhạc, chuông vang lên từ km số 0. Một thợ vẽ truyền thần lâu năm ở phố Hàng Ngang, kiên nhẫn và tài hoa trên các bức vẽ, đôi khi ngồi yên trên ghế để bút pháp rơi vào mê lộ, nhưng đôi tai vẫn ngóng tiếng chuông đồng hồ. Ông thích một thứ thân thuộc, gợi nhắc sự dịch chuyển. Một người thợ sửa đồng hồ có tiếng vẫn nhiều lần để tai mình thu âm tiếng chuông đồng hồ bưu điện để phân biệt với các loại đồng hồ của các hãng đang treo trên tường nhà mình. Ông nghe tiếng chuông bằng đôi tai có nghề. Thứ âm thanh vàng son một thuở ấy đã nối kết họ.■ Tags: Giao thừaBưu điện Bờ HồBà Lê Thị YếnĐồng hồ Bưu điện Hà Nội
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 THANH HIỀN 13/12/2024 Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế, thu hút sự quan tâm của các phái đoàn thường trực và quan sát viên tại LHQ.
Người đàn ông kể lại giây phút 'thót tim' cứu em nhỏ khỏi điểm mù xe tải HỒNG QUANG 13/12/2024 Dù nhiều người gọi là "người hùng", anh Tiến Anh chỉ cho rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy, bởi "đơn giản là dành sự quan tâm đặc biệt với trẻ em".
Xúc phạm chồng, một phụ nữ tại Quảng Bình bị phạt 7,5 triệu đồng QUỐC NAM 13/12/2024 Vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng, bà T.T.M.H. tại TP Đồng Hới, Quảng Bình bị xử phạt hành chính mức 7,5 triệu đồng.
Khởi tố, bắt tạm giam bị can đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở quận 4 MINH HÒA 13/12/2024 Ngày 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa về tội cố ý gây thương tích vì đánh cô gái sau va quẹt giao thông ở quận 4.