Những bài báo mang sức nặng cuộc sống

BẢO TRUNG 02/09/2013 17:09 GMT+7

TTCT - Không giống như những bộ sưu tập thường thấy trong thú vui sưu tập ở các lĩnh vực khác, trang báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật trước đây và Tuổi Trẻ Cuối Tuần bây giờ được lưu giữ cẩn thận trong thư phòng nhỏ của linh mục Gioan Võ Đình Đệ ở Tòa giám mục Quy Nhơn để phục vụ việc rao giảng cho giới trẻ.

LTS: Ngày 2-9-2013, Tuổi Trẻ kỷ niệm lần thứ 38 ngày thành lập, riêng Tuổi Trẻ Cuối Tuần (TTCT) năm nay cũng tròn 30 tuổi. Kỷ niệm chặng đường trưởng thành này, TTCT giới thiệu hai chuyên mục mới (Thế giới ảo & thực trang 18-19 và Sách trong tháng trang 34-35), đồng thời dành trọn bốn trang cho bạn đọc và các góp ý của độc giả cho TTCT như một lời tri ân trân trọng nhất.

Đó có thể là những câu chuyện đời thường đầy tình người, hay một lời kể về tình mẫu tử đậm màu nhân văn...

Phóng to
Hơn 20 năm, cha Đệ vẫn đều đặn lựa chọn và sưu tập những bài báo hay trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần - Ảnh: Trần Hoa Khá

“Nhiều chuyên mục rất hay, rất nhân văn thể hiện bằng những câu chuyện mộc mạc, giản dị, tôi tập hợp thành tài liệu phục vụ cho những bài giảng dành cho thanh niên, sinh viên và các chủng sinh, tu sĩ hàng chục năm qua” - linh mục Đệ bộc bạch.

Chất liệu cuộc sống

“Tôi là tu sĩ, tôi quý trọng và nâng niu những bài báo hay trên TTCT suốt hàng chục năm qua. Những bài báo ấy có một sức sống mãnh liệt và chuyển tải những thông điệp yêu thương, bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách tuổi trẻ. Nó sẽ tồn tại mãi trong thư phòng của tôi và chuyển đến tay từng bạn trẻ ghé qua mỗi ngày. Đó cũng là một sự mầu nhiệm của cuộc sống” - cha Đệ đánh giá.

Bài giảng hôm ấy của cha Đệ với học sinh, sinh viên mang chủ đề “Tình mẹ”. Câu chuyện bắt đầu từ bài viết “Chiều chở mẹ đi chơi” (TTCT ra ngày 17-3) và “Tháng bảy lạnh trùng” (TTCT ra ngày 25-8).

Học sinh ngồi từng nhóm nói chuyện riêng ồn ào, nhưng rồi tất cả im phăng phắc khi nghe cha Đệ kể: “Rằm tháng 7 năm ngoái, khi sư cô chùa Kim Sơn cài lên ngực áo tôi đóa hồng trắng muốt, tôi chợt lặng người, rúng động. Gần năm mươi, bầm giập, ngang tàng, sắt đá, mà rồi nước mắt cứ giàn giụa không cầm được như trẻ lên mười. Đứng trước cha mẹ, con cái không bao giờ có tuổi trưởng thành là vậy”...

Câu chuyện của một người con nhớ người mẹ đã ra đi vào những ngày tháng mình không thể ở bên cạnh... cũng bình thường, không phải quá ngang trái như những tình huống éo le khác nhưng sao mà lay động lòng người. Cha Đệ tâm tình: “Những câu chuyện thấm đẫm nhân văn ấy tưới tắm vào tâm hồn trẻ thơ sẽ đánh thức cảm xúc từ sâu thẳm tâm hồn các em như một phép mầu và các em tự thay đổi lối sống, lối nghĩ và hành động tích cực hơn”.

Tuần trước, cha Đệ đã dành mấy ngày để giảng cho các bà mẹ có con chuẩn bị tựu trường. Cha đã đọc cho các bà mẹ nghe bài “Khi trẻ con học” và “Xe kéo gạch” trên TTCT. Trước đó, cha Đệ dành một buổi giảng cho sinh viên đi học xa nhà câu chuyện mưu sinh, sự phân chia giàu nghèo trong xã hội và cách đối nhân xử thế qua những bài viết như “Thị dân nửa mùa” và “Con chó của chị bán cá hấp” (TTCT ngày 7-7-2013).

Những hiện thực cuộc sống ngồn ngộn hiện ra trên trang báo trở thành những bài giáo dục không hề khô khan và dễ đi vào lòng người. Cha Đệ nói những câu chuyện mộc mạc, giản dị xúc động và nhân bản, từng ngày qua các bài giảng sẽ nhóm lên cho người nghe ngọn lửa lung linh về tình yêu thương con người, yêu thương muôn loài và ý thức mãnh liệt về những giá trị cao đẹp.

“Ngọn lửa yêu thương ấy sẽ luôn là hành trang soi sáng cuộc đời thơ trẻ của các em, giúp các em vượt qua những cám dỗ, cạm bẫy của đời sống” - vị linh mục tin tưởng.

Chiến sĩ hải quân trên tàu HQ936 tranh thủ giải trí với tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần trên đường hành quân từ đất liền ra quần đảo Trường Sa tháng 12-2009 - Ảnh: Thuận Thắng

Tiếp tục sưu tầm

Từ hơn 20 năm trước, linh mục Đệ đã lặng lẽ sưu tập Tuổi Trẻ Chủ Nhật, lúc còn ở nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An, Phú Yên). “Hồi đó, ở huyện Tuy An ít có báo nên có dịp chạy vô thành phố Tuy Hòa, việc đầu tiên là tôi tìm mua tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tờ nào không mua kịp thì tìm xin qua bạn bè, anh em.

Tôi thích nhất hai chuyên mục “Nghệ thuật sống” và “Hoa ý tưởng”. Những danh ngôn được trích dẫn trong mục “Hoa ý tưởng” nhiều câu dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng cha Đệ vẫn thuộc lòng. Những câu chuyện xúc động trong mục “Nghệ thuật sống” thường trở thành những ví dụ sống động trong bài giảng của vị linh mục này.

Công việc sưu tập “tài liệu” từ TTCT bây giờ của cha Đệ vẫn tiếp diễn như với Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày xưa. Trong thư phòng nhỏ chất đầy sách nghe rõ tiếng sột soạt lật từng trang báo của cha Đệ, chọn lọc rồi cẩn thận cắt ép vào cuốn album khổ lớn. Theo cha Đệ, TTCT bây giờ tuy không còn những chuyên mục cha thích như chục năm về trước, nhưng xuất hiện nhiều chuyên mục mới hay và chẳng kém ý nghĩa giáo dục như “Phiếm đàm”, “Nhật ký thành phố”, “Mắt ảnh”, “Tạp bút”...

“Mình biết báo chí hiện đại phải liên tục thay đổi và “tuổi thọ” của từng chuyên mục cũng có giới hạn của nó. Những bài báo thời sự để đọc qua, nắm bắt chuyện gì đang xảy ra trên đất nước và thế giới, còn những bài báo mang tính giáo dục trên các chuyên mục mà mình thích sẽ vẫn tồn tại rất lâu” - cha Đệ nói.

Hàng tuần trôi qua, bộ sưu tập của cha Đệ, những cuốn album chứa thêm nhiều bài báo hay trên các chuyên mục mà cha Đệ chắt lọc, trưng bày lại dày thêm.

“Tôi cảm ơn và chia sẻ với TTCT đã có những bài báo tốt, những bài báo gieo mầm nhân ái, yêu thương con người, yêu thương thiên nhiên, kêu gọi con người sống hài hòa yêu thương nhau, sống hài hòa với thiên nhiên và muôn loài, tất cả đã đồng hành với tôi, với các bạn trẻ, với nhiều thế hệ chủng sinh hàng chục năm” - cha Đệ tâm sự.

Tăng phản biện

Là một độc giả của TTCT từ khi bước vào cấp II, tôi thật sự trân trọng những gì TTCT đã và đang thực hiện thời gian qua. Trong tình hình báo lá cải tràn lan, việc có một tờ báo đăng tải những thông tin bổ ích, đa dạng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa - xã hội đã giúp độc giả mở rộng tầm nhìn. TTCT đã cân bằng giữa yếu tố giải trí thông qua các mục Văn hóa & giải trí hay Thư giãn và yếu tố nghiên cứu thông qua các chuyên đề chọn lựa mỗi tuần, qua mục Vấn đề & sự kiện và Quốc tế.

Giữa xu thế phát triển vũ bão của báo mạng như hiện nay, người đọc trẻ chúng tôi có chiều hướng bị bội thực về thông tin nhưng cảm giác kiến thức lại chưa đủ sâu để phản biện, suy xét. Vì vậy TTCT cần tăng tính tương tác, cùng độc giả trẻ thảo luận, nhận định các vấn đề ở các chuyên mục về chính trị, xã hội hoặc tin tức quốc tế. Cần đăng tải nhiều hơn phản hồi của bạn đọc về các vấn đề chính trị hay những sự kiện quốc tế.

Tôi nhấn mạnh yếu tố chính trị vì trình độ tri thức của một xã hội được đánh giá dựa trên sự quan tâm đối với chính trị của người dân trong xã hội đó. Nếu có thể gợi lên sự quan tâm về chính trị trong lòng bạn đọc, TTCT sẽ củng cố được vị thế của mình trong lòng bạn đọc. Bên cạnh đó, cách viết của TTCT cần “trẻ” hơn (đơn giản và sinh động hơn) để tạo sức hấp dẫn.

Ngoài ra, mảng văn hóa nghệ thuật cần phải “nhanh” (nóng) hơn nữa. Cần nhiều hơn những bài bình luận về sách, phim, nhạc mới... giúp giới trẻ có sự lựa chọn tốt hơn loại hình giải trí cho mình trong điều kiện sân chơi tuy hỗn độn nhưng cũng khá eo sèo hiện nay.

Thời gian qua, TTCT đã có một số mục cho giới trẻ như Câu chuyện cuộc sống, Nhật ký thành phố nhưng cảm giác của tôi là vẫn chưa đủ trẻ. Có lẽ TTCT cần tăng cường thông tin về thế giới mạng, bởi đó là một cuộc sống nữa của giới trẻ, dù muốn hay không muốn.

Hi vọng TTCT sẽ ngày một lớn mạnh, trở thành một tờ báo có giá trị học thuật lớn trong lòng người đọc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận