Những bộ óc về phe Thanos

TRÚC ANH 04/03/2023 05:24 GMT+7

TTCT - Một giáo sư Đại học Yale, một đạo diễn lừng danh, những kinh tế gia sống ở nhiều thời, đều phần nào chia sẻ ý tưởng "quét sạch" một nửa nhân loại để cứu Trái đất.

Diễn viên Robert Downey Jr (Iron Man), giáo sư Yusuke Narita và Thanos. Ảnh: DailyO

Diễn viên Robert Downey Jr (Iron Man), giáo sư Yusuke Narita và Thanos. Ảnh: DailyO

Tiến sĩ Yusuke Narita, trợ giáo sư (assistant professor) kinh tế học Đại học Yale, không giống như hình dung thông thường về một giáo sư đại học. Ông thường xuất hiện trên các chương trình trực tuyến của quê nhà Nhật Bản, vận áo thun, khoác áo có mũ trùm đầu, và không thể thiếu cặp kính trứ danh một tròng vuông và một tròng tròn.

Dù không nổi bật lắm trong giới học thuật Mỹ, nhưng ở Nhật, Narita hiện diện thường xuyên trên nhiều nền tảng Internet, truyền hình, bìa tạp chí, chương trình hài kịch, thậm chí đóng quảng cáo cho nước tăng lực.

Điều khiến ông có "fan" là thường xuyên phát ngôn khiêu khích, không ngại chạm đến những điều cấm kỵ của xã hội. Phần tự giới thiệu trên Twitter của ông viết: "Những điều bạn được bảo không được phép nói thường là sự thật".

Vị giáo sư đại học thuộc nhóm Ivy League danh tiếng còn thường xuyên xuất hiện với Hiroyuki Nishimura, một doanh nhân nổi tiếng và chủ mạng 4chan - nơi thường sinh ra những ý tưởng độc hại, và Takafumi Horie - một doanh nhân từng vào tù vì gian lận chứng khoán.

Tương xứng với phong cách kỳ quặc đó, các phát ngôn của Narita cũng thường gây tranh cãi. Cuối năm 2021, trong một chương trình trực tuyến, ông cho rằng cách duy nhất để giải quyết gánh nặng của xã hội già đi nhanh chóng của Nhật Bản là để người già "tự sát hàng loạt" và "mổ bụng tập thể". Vào những lúc khác, Narita thích nói về đề tài an tử, tin rằng trong tương lai người ta sẽ sớm bàn về chuyện để "cái chết êm ái" là bắt buộc.

Chuyện xưa bị "đào mộ", Narita phân trần với tờ New York Times hôm 12-2 rằng phát ngôn của ông bị đưa ra ngoài ngữ cảnh, rằng thì ông chỉ nói ẩn dụ về cách xử lý chuyện người già cố cựu ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị, không nhường chỗ cho thế hệ nối tiếp. Narita nói lẽ ra phải cẩn thận với các ẩn dụ có hàm ý tiêu cực đó và đã không nói vậy nữa từ năm ngoái.

Người ta có thể tin hoặc không tin lời phân trần này, nhưng các phát ngôn của Narita nhạy cảm vì đặc trưng quốc gia quê hương ông. Xã hội Nhật có tỉ lệ sinh thấp, nợ công cao (có thể ảnh hưởng việc chi trả lương hưu), và số người già phải vật lộn với sa sút trí tuệ hoặc sống một mình ngày càng tăng. 

Tất cả đều là những vấn đề nhức nhối, và ý tưởng để người già phải "hy sinh" trước tiên không phải bây giờ mới có. Năm 2012, bộ trưởng tài chính Nhật lúc đó là Taro Aso từng cho rằng người già cần "chết mau đi". 

Năm 2022, Nhật phát hành bộ phim phản địa đàng Plan 75, với các nhân viên vui vẻ dụ người về hưu tham gia chương trình an tử do chính phủ tài trợ. Văn hóa dân gian Nhật cũng có câu chuyện cõng người lớn tuổi lên núi hay rừng hoang vu rồi để họ ở đó đến chết.

Với Narita, người ta so sánh ông với nhân vật truyện tranh Marvel: cách ăn mặc thì giống Iron Man, còn tư tưởng thì như Thanos - nhân vật siêu phản diện tin rằng quét sạch một nửa con người trên Trái đất là cách tốt nhất để cứu hành tinh này khỏi quá tải cư dân. Điều này gợi nhớ đến trào lưu "Thanos chẳng làm gì sai" hồi những năm 2018 - 2019, nơi dân mạng cho rằng có lẽ Thanos đã đúng.

Mà không chỉ dân mạng. Trong phỏng vấn với tạp chí Time ngày 16-2, đạo diễn lừng danh James Cameron cho rằng mình đồng cảm với quyết định của Thanos, rằng có lẽ tay ác nhân vũ trụ này "đã tìm ra một giải pháp khá khả thi". Vấn đề là sẽ không ai tự nguyện trở thành một nửa phải biến mất.

Lo ngại về Trái đất với tài nguyên cạn kiệt mà dân số tăng mãi sẽ đến lúc không chịu được đã xuất hiện ít nhất từ cách đây hơn 2 thế kỷ, khi nhà nhân khẩu học và kinh tế học người Anh Thomas Malthus xuất bản bài viết cảnh báo dân số toàn cầu sẽ chết đói vì không đủ thức ăn năm 1798. 

Năm 1968, vợ chồng nhà sinh vật học Paul và Anne Ehrlich viết quyển Quả bom dân số, cảnh báo nạn đói rộng khắp cũng vì quá tải dân số. Gần nhất, trong một bài viết năm 2013, Malcolm Potts, giáo sư Đại học California (Berkeley), cho rằng Sahel, một trong những nơi khô hạn nhất châu Phi, có thể là nơi đầu tiên trên hành tinh phải hứng chịu nạn đói quy mô lớn và xung đột leo thang vì "dân số ngày càng tăng, vượt xa nguồn tài nguyên thiên nhiên đang suy giảm".

Cho tới lúc này, khi dân số Trái đất đã 8 tỉ người, điều các nhà tiên tri bi quan này lo sợ đã chưa xảy ra. Có lẽ cũng chưa cần tính đến giải pháp quét sạch một nửa nhân loại hay loại bỏ người già. Khi trào lưu "Thanos chẳng làm gì sai" xuất hiện, giới khoa học cũng tham gia bằng cách chứng minh… hắn sai.

Nói ngắn gọn thì điểm mấu chốt là không phải dân số quá đông mà tiêu thụ quá mức và ô nhiễm mới gây hại cho môi trường. Dân số sẽ còn tăng, nhưng con người vẫn sống bền vững được nếu có thể cắt giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm ô nhiễm.

Thực tế đó là điều chúng ta vẫn làm trong những năm qua, thứ mà Malthus hồi cuối thế kỷ 18 có lẽ chưa ngờ tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận