Những chân dung của một thời

NGUYỆT CẦM 18/12/2010 16:12 GMT+7

TTCT - Với họa sĩ Bùi Quang Ngọc, tranh chân dung là một mảng sáng tác quan trọng và thành công nhất trong sự nghiệp hội họa hơn nửa thế kỷ của ông. Khoảng 20 tranh chân dung các nhân vật của Bùi Quang Ngọc được triển lãm tại phòng tranh 43 Tràng Tiền (Hà Nội, từ ngày 16 đến 25-12) cho thấy điều đó.

Phóng to

Bùi Quang Ngọc - chân dung tự họa

Một tranh chân dung đẹp - theo định nghĩa thông thường - khi thể hiện chiều sâu tâm hồn của nhân vật được vẽ chứ không chỉ là vẽ sao cho thật giống nhân vật. Điều ấy thật ra đã được Aristotle khẳng định từ thời cổ đại khi ông bàn về nghệ thuật nói chung: “Mục đích của nghệ thuật không chỉ là phô bày vẻ ngoài của sự vật mà là nội hàm bên trong sự vật, bởi chính cái ẩn giấu bên trong mới cấu thành thực tại”. So với định nghĩa thông thường, tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc còn “đẹp” hơn nhiều.

Nếu nhà văn Tô Hoài qua các tác phẩm Chiều chiều, Cát bụi chân ai đã “vẽ” nên chân dung các nhà văn, nghệ sĩ cùng thời với ông, để trở thành những tư liệu sống mãi với thời gian thì Bùi Quang Ngọc cũng để lại cho đời những tranh chân dung quý giá khó họa sĩ nào có thể thực hiện được như ông đã làm hàng chục năm qua. Đó là chân dung các tác giả lớn trong nhiều lĩnh vực văn hóa văn nghệ: nhà nghiên cứu triết học Trần Đức Thảo; các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân...; các nhà văn, nhà thơ Hữu Loan, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Đoàn Phú Tứ, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán...; nhạc sĩ Văn Cao; nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân; nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo...

Tất cả nhân vật trong tranh đều là những người ông không chỉ thân quen mà còn hiểu biết sâu sắc tính cách, tâm hồn của họ, như ông từng phát biểu: “Vẽ chân dung phải thể hiện được cả tâm hồn con người qua nét mặt. Người vẽ phải nắm bắt thật tinh tế cái thần và nét tính cách của nguyên mẫu”. Nhân vật trong tranh Bùi Quang Ngọc còn là “những người có nhân cách đẹp và bản thân họ cũng mang vẻ đẹp của hội họa”.

Không những thế, phần nhiều nhân vật của ông đã phải chịu đựng những tổn thương, mất mát, bất hạnh của một thời nhiều biến động mà chính ông cũng từng chịu nhiều hệ lụy không đáng có. Nên trong những nỗi buồn có khi thật mênh mang trên nhiều tranh chân dung, có cả nỗi niềm của tác giả.

Bùi Quang Ngọc không chỉ vẽ chân dung mà ông đã mời những “người muôn năm cũ” (chữ của Nguyễn Quân) trở về với ngày hôm nay, hội tụ trong phòng tranh của ông ở Hà Nội những ngày cuối năm và kể về cuộc đời của mình.

Phóng to

Nhà nghiên cứu triết học Trần Đức Thảo

Phóng to
Nhạc sĩ Văn Cao
Phóng to
Họa sĩ Nguyễn Sáng
Phóng to
Nhà thơ Quang Dũng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận