TTCT - Bên những bàn cà phê chiều cuối năm là những cuộc trò chuyện chất lượng nhất (mà bạn có nhận ra rằng bất cứ chiều cuối năm nào chúng ta cũng khởi lên một mong muốn trò chuyện bên bàn cà phê không?) Một cô gái ngồi trên xe buýt và mở hộp đồ ăn nhanh ra thưởng thức ngon lành. Người đàn ông trung niên ngồi kế góp ý: "Cô không nên ăn đồ ăn nhanh, nhất là đồ chiên rán ngập dầu mỡ như thế. Nó sẽ rút ngắn tuổi thọ của cô đấy".- Ông nội cháu sống đến tận 102 tuổi cơ - cô gái nhún vai.- Mặc dù ông ấy ăn nhiều đồ ăn nhanh à?- Không ạ. Cơ bản vì ông cháu không xen vào chuyện của người khác.Đó là một mẩu truyện cười được giới trẻ yêu thích, với những biến thể như "Độ bền chắc của răng tỉ lệ nghịch với cường độ hoạt động của lưỡi".NOYB (non of your business - Không phải việc của bạn, đừng xía vào) là phương châm sống của khá nhiều người trẻ đương đại. Để chúng tôi được yên - họ nói. Nhưng ẩn sâu trong họ lại là mong muốn được kết nối tột cùng.Tôi và mẹ bắt đầu cao giọng trong cuộc nói chuyện bên mâm cơm. Chuyện không đầu không cuối, tôi cũng không nhớ chủ đề là gì nữa, nhưng cả hai bắt đầu liên tục ngắt lời nhau bằng cách nói lớn dần lên. Con trai tôi xua xua tay, thôi bố và bà tranh luận thì cũng được, nhưng mà từng người một. Rồi sau khi thấy cả bố lẫn bà im bặt, nó an ủi, ai cũng thế, không ai nghe ai cả, ai cũng chỉ muốn nói thôi.Sau bữa cơm, tôi vỗ vai con, con nói đúng, nhưng bố sợ rằng bây giờ bố chỉ còn đủ kiên nhẫn với mỗi mình con.Tôi có đủ kiên nhẫn với con mình, vì hai bố con chỉ gặp nhau vào cuối tuần. Có thể khao khát trò chuyện với con khiến tôi luôn có đủ kiên nhẫn, dù đó là những bi bô tấm bé hay hàng mớ thuật ngữ lóng tuổi teen. "Con tôi là người thày kiên nhẫn nhất, để dạy tôi về sự kiên nhẫn lắng nghe" - tôi viết trong một cuốn sách của mình.Nhưng không phải cha mẹ nào cũng chỉ gặp con vào cuối tuần. Những cuộc gặp hằng ngày tạo thành một hệ quả trái ngược. Một mặt, họ luôn cảm thấy vẫn gần gũi với người thân mỗi ngày. Một mặt, những vết nứt gãy trong kết nối cứ lan mãi ra, như đi trên băng mỏng, có khi đổ sụp. Nhưng thường thì mọi người đều cố tránh những vết nứt đó đi, coi như không thấy. Một bà mẹ sau khi mắng con té tát, thậm chí đập máy tính, thu điện thoại thì luôn kết luận rằng mẹ đã quá nuông chiều con. Rồi sập cửa. Khi cánh cửa đóng sầm lại thì có một cánh cửa khác cũng đóng theo - trong lòng đứa trẻ - mà người mẹ không biết.Những đứa trẻ không kết nối theo cách mà chúng ta thường làm, hoặc cho là đúng. Hôm nay ở trường có chuyện gì không? Điểm số ra sao?... Những câu hỏi ấy không mang lại những cuộc nói chuyện chất lượng. Có lẽ bởi vì ngay sự lặp lại nhàm chán đã thể hiện tính hình thức.Trong những ông bố bà mẹ mà tôi biết (đủ thân để có cái nhìn tương đối toàn cảnh mà vẫn khách quan), rất hiếm người thấy ổn thỏa trong kết nối với con. Trường hợp nghiêm trọng nhất, sự nứt dẫn tới sự gãy kết nối, và đứa trẻ mới 14 tuổi lựa chọn quay lưng không chỉ với thế giới, mà với tất cả người thân. Nó rút về thế giới trên mạng, và chỉ chấp nhận bút đàm qua khe cửa.Ngày hôm nay của con thế nào? Không có tờ giấy nào đưa ra sau câu hỏi ấy.- Em có ngạc nhiên khi chị hẹn ra cà phê?- Em không - tôi cười, nhìn vào mắt người bạn vốn chủ yếu chỉ giao lưu qua mạng xã hội - Nhưng em biết chúng ta ai cũng có nhu cầu trò chuyện.Rất thường xuyên vào ban đêm, mọi người muốn chat với tôi. Những câu chuyện không đầu không cuối, mà cũng không cần đầu hay cuối. Tâm sự vụn vặt, một cảm hứng lóe lên, một nỗi buồn sâu kín, hay một chuyện vui nho nhỏ. Có khi là một vài câu, cũng thường xuyên kéo dài cả giờ. Ưu điểm lớn nhất của tôi không phải là khả năng lắng nghe, gợi chuyện hay đưa ra những lời khuyên. Cũng có thể vì tôi kín miệng, chuyện ở đây mãi mãi ở đây, không cần dặn dò rào đón. Hoặc giả, vì tôi không phán xét, chỉ nghe thôi.Có lẽ bởi nhu cầu trò chuyện, nên câu cửa miệng của chúng ta là: "Hôm nào cà phê nhé". Mặc dù ai cũng biết, "hôm nào" đó có thể là rất lâu, thậm chí chẳng bao giờ. Nhưng quả thật là có manh nha một cái khung cảnh tâm tình, chỉ có điều nó thiếu cơ sở đến mức, hầu hết đều không có cuộc trò chuyện nào triển khai sau đó, dù chỉ là qua mạng xã hội.- Cậu có bao nhiêu cuộc trò chuyện chất lượng mỗi ngày? - Tôi hỏi một người bạn là chủ quán cà phê.- Nhiều đấy, ngày nào cũng vài ba cuộc. Tôi học được rất nhiều từ những cuộc trò chuyện với khách hàng…- Không, đó là giao tiếp. Tôi muốn hỏi về những cuộc trò chuyện dễ chịu, cả hai bên không cần chứng tỏ mình, thấu hiểu và lắng nghe nhau.- Ừ thế thì không nhiều đâu - bạn tôi ngẫm nghĩ - Khoảng 1-2 lần mỗi tuần? Có thể là chỉ 1-2 lần trong tháng thôi…Đó là con số của một chủ quán cà phê, người tiếp hàng trăm khách mỗi ngày, quen biết đủ mọi thành phần, lứa tuổi và giới tính.Trong bài báo có tựa đề "Khi có nhu cầu nói chuyện, một số người không giữ trong lòng" (When they have the urge to talk, some people don't keep it to themselves), John Kelly - cây viết của tờ The Washington Post - giương một khẩu hiệu thú vị: "Những người thích bắt chuyện với mọi người, hãy đoàn kết lại. Các bạn không có gì để mất ngoài xiềng xích". Luôn có những người sẵn sàng bắt chuyện, dù luôn có những người cực kỳ e ngại chia sẻ tâm tư bộn bề.Cô đơn có thể là một lựa chọn, nhưng đứt gãy kết nối thì không. Một nghiên cứu tâm thần học gần đây cho thấy chỉ cần trò chuyện một lần mỗi ngày với người khác cũng giúp tăng cường hạnh phúc và giảm mức độ căng thẳng. Gặp trực tiếp tốt hơn là qua video, điện thoại hoặc tin nhắn (www.psychologytoday.com). Vấn đề là mọi thứ đều phải bắt đầu từ những bước rất nhỏ, như sẵn sàng mặc quần áo vào và bước ra khỏi nhà.Tôi đã đến một cuộc cà phê với một người bạn sơ giao qua mạng với một chút hồi hộp. Chúng tôi tạm biệt nhau, với sự ấm áp dễ chịu mà cả hai đều cảm thấy, không nén nụ cười.Chỉ có không quá 5 người, mà dù trong tâm trạng thế nào tôi cũng luôn sẵn sàng trò chuyện. Cho đến lúc này thì chỉ còn lại 4, và 3 người trong số đó không phải ruột thịt của tôi.Chú Tuấn ngồi trên gác 2 gian trong, ban công nhìn xuống ngõ vào, mở ra một mảnh sân chung xanh mát dưới giếng trời. Thi thoảng khi tiện đường, hoặc cũng có khi là thèm được nói chuyện, tôi tìm tới nhà chú. Không cần gọi điện hẹn trước, ông già luôn ở đó như là chờ đợi.Am hiểu sâu nhiều lĩnh vực cộng thêm một cuộc đời từng trải, chú Tuấn giữ được sự khiêm cung bất chấp tuổi tác. Không phán xét, ít răn dạy và chủ động tự giễu bản thân, ông già U70 khiến ngay cả những thanh niên mới ngoài hai mươi cũng muốn trải lòng.Những cuộc trò chuyện với chú Tuấn cho tôi một bài học giá trị mà đơn giản, đó là bớt định kiến và đừng sợ hãi với con người. Bởi vì định kiến sinh ra từ sự dè chừng, và càng dè chừng người ta càng định kiến.Bên những bàn cà phê chiều cuối năm là những cuộc trò chuyện chất lượng nhất (mà bạn có nhận ra rằng bất cứ chiều cuối năm nào chúng ta cũng khởi lên một mong muốn trò chuyện bên bàn cà phê không?). Tổng hợp những gì đã qua trong 365 ngày, đã đành, mà phần lớn hơn là trong cuộc đó con người chấp nhận nhau hơn bởi chính những mệt nhọc đã vượt qua được của bản thân. Tôi thấy gần bạn hơn, vì bạn đã gần tôi, cởi mở và cảm thông với tôi trong suốt năm qua. Những lúc như thế, bọn trẻ không còn phản ứng kiểu NOYB, mà người lớn cũng bớt răn dạy giáo điều.- Năm qua, anh hài lòng nhất với chuyện gì? Cô gái bàn bên hỏi bạn trai.- Vẫn có em ngồi đây - Chàng trai đáp. Và câu sau rầm rì, tôi không nghe rõ nữa… Tags: Tản vănTếtChuyện trò
Dịch cúm xuất hiện ở nhiều nước, TP.HCM yêu cầu đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế THU HIẾN 09/02/2025 Tại TP.HCM, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng trong năm 2024.
Sức khỏe các nạn nhân vụ tai nạn xe khách ở Phú Yên đã ổn định MINH CHIẾN 09/02/2025 Các nạn nhân được điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế hai tỉnh Bình Định, Phú Yên đã ổn định, nhiều trường hợp dự kiến xuất viện sớm.
Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ mang màu sắc Trump DUY LINH 09/02/2025 Chưa đầy 3 tuần sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã khuấy đảo nhiều nước bằng các phát ngôn của mình.
Làm một chiều đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện có giảm kẹt xe? THU DUNG 09/02/2025 Nhiều bạn đọc ủng hộ đề xuất tổ chức một chiều đường Cộng Hòa và Phan Thúc Duyện nối dài (quận Tân Bình, TP.HCM) để giảm kẹt xe.