Những chuyện vui văn học Sài Gòn: Cơm cháy của Nguyễn Thụy Long và Nguyễn Đức Sơn

LÊ VĂN NGHĨA 13/05/2020 03:05 GMT+7

TTCT - “Bữa cơm nầy không phải tớ đãi cậu do tiền bạc mà do rút kinh nghiệm phương pháp chống đói. Con heo mất một miếng cơm cháy cũng chẳng thể đói hơn được. Nó đói thì nó la, chủ nó phải lo cám cho nó, Người dưng nước lã không bỗng dưng phải lo cho nhau. Con heo gầy bán mất giá, chủ nó phải vỗ béo để bán cho được nhiều tiền hơn. Mi, tao béo gầy thì đời cũng mặc mẹ, chết mặc xác…”

Khi Nguyễn Thụy Long sống lang thang, không nhà không cửa, phải ngủ ở vỉa hè thì gặp được Nguyễn Đức Sơn - “thằng người Quảng điên điên khùng khùng thường hay đang thơ trên Sáng tạo, Văn nghệ, Quan điểm” - thuộc loại chuyên gia ngủ ở khách sạn “ngàn sao”.

Sơn lạc quan nói với Long đang trong cơn ốm đói  “…Mình rong chơi, rong chơi mà no đủ kìa, tiền tiêu có thể là không có, nhưng no đấy, ngày hai bữa đựơc không?”.

Tất nhiên là Nguyễn Thụy Long thấy không được mà là…quá được. Và đây là hành trình ngày hai bữa cơm mà Nguyễn Đức Sơn chăm lo cho Nguyễn Thụy Long.

Buổi trưa, Nguyễn Đức Sơn đưa Nguyễn Thụy Long đến quán cơm Anh Vũ ở đường Bùi Viện. Quán cơm bán ban ngày ban đêm là phòng trà Anh Vũ do KTS Vũ Đức Diên thành lập.

Xin được mở ngoặc nói thêm một chút về quán Anh Vũ, một địa điểm sinh hoạt văn nghệ được nhắc đến nhiều. Bên cạnh đó, Anh Vũ còn là một quán cơm xã hội, bán giá thật bình dân 5 đồng cho một bữa ăn gồm ba món canh, xào và mặn. Riêng cơm thì bao bụng.

Quán Anh Vũ xưa. (Ảnh tư liệu)

Khi cả hai bước chân vào cửa, quán đang đông khách, hầu hết là học sinh sinh viên. Hai người ngồi xuống một bàn trống. Những người khác ra quầy mua phiếu rồi ra một bàn khác tự dọn thức ăn. Giỏ cần xé cơm gần đó, ai muốn xúc bao nhiêu thì xúc.

Nguyễn Thụy Long không thấy Nguyễn Đức Sơn mua phiếu chi cả mà thấy anh ta lấy cây tăm cắm lên miệng và giục “Long lấy cây tăm xỉa răng đi”. Sau đó, Nguyễn Đức Sơn dẫn Nguyễn Thụy Long đi vào bếp. Những người nấu cơm đang dùng cái xẻng lớn cậy những về cơm cháy còn nóng vất vào những cái thùng to. Có những người chạy đến bẻ một miếng cơm cháy. Nguyễn Đức Sơn cũng bẻ một miếng và hối Nguyễn Thụy  Long: “Mi bẻ lấy một miếng đi, mình ăn cơm rồi, bây giờ đét xe miếng cơm cháy cho thơm miệng”.

Sau khi lấy cơm cháy xong, cả hai đàng hoàng ngồi vào bàn ăn, rắc muối tiêu, xịt nước tương vào miếng cháy. Ăn cơm cháy xong, cả hai ra uống trà đá là no căng bụng.

Ăn xong Nguyễn Đức Sơn lý luận: “Bữa cơm nầy không phải tớ đãi cậu do tiền bạc mà do rút kinh nghiệm phương pháp chống đói. Con heo mất một miếng cơm cháy cũng chẳng thể đói hơn được. Nó đói thì nó la, chủ nó phải lo cám cho nó, Người dưng nước lã không bỗng dưng phải lo cho nhau. Con heo gầy bán mất giá, chủ nó phải vỗ béo để bán cho được nhiều tiền hơn. Mi, tao béo gầy thì đời cũng mặc mẹ, chết mặc xác…”

Không biết thấm cái  lý luận ấy của Nguyễn Đức Sơn đến đâu mà chiều đó, Nguyễn Thụy Long tiếp tục đến quán Anh Vũ, cắm một chiếc tăm lên miệng và đi xuống bếp.

“Tôi không quên bữa sớm mai. Nhất quyết phải no bụng, nếu để bụng đói mà chết là làm nhục miền nam no ấm tự do. Dưới sự lãnh đạo anh minh của chí sĩ Ngô Đình Diệm. Người ta nói thế nhiều rồi. Tôi bực bội. Toàn một lũ kinh doanh khẩu hiệu tuyên truyền. Chính nghĩa và tà thuyết là vàng thau lẫn lộn. Một số người có quyền lực sống bằng mấy thứ lặt vặt đó.” (Thuở mơ làm văn sĩ, trang 160)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận