Những cô bán sách

HỒ ANH THÁI 15/08/2008 19:08 GMT+7

TTCT - Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc khi mới bắt đầu tiểu học là Hội chợ phù hoa của W. M. Thackeray.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCT - Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc khi mới bắt đầu tiểu học là Hội chợ phù hoa của W. M. Thackeray.

Năm ấy tôi lên tám. Đang ở nơi sơ tán. Máy bay Mỹ cứ nhè vào các thành phố lớn mà ném bom. Dân thành phố phải sơ tán về nông thôn, những vùng xa đô thị. Mang theo được cái gì thiết yếu thì mang. Cha tôi mang theo mấy cuốn sách. Nhưng rồi ông cũng không đọc số sách ấy mà gửi hết ở chỗ mẹ con tôi. Ông là nhà báo phải đi theo cơ quan sơ tán ở vùng khác và phải đi viết bài. Vậy là số sách cha tôi mang khỏi thành phố trở thành những cuốn sách đầu tiên của đời tôi.

Tôi đọc hết, không bỏ sót một cuốn nào. Toàn là sách dày. Đến mức sau này tôi không thích đọc truyện tranh hoặc sách mỏng. Sách mỏng đọc một tí là hết, chán. Phải sách dày đọc mới đã. Sáng, mở mắt ra, đọc. Đi học về, ném cặp sách xuống, đọc. Trước khi ăn, đọc. Sau khi ăn, cũng đọc. Ngay lập tức. Chui vào góc tối mà đọc. Cha tôi bảo thế là phản khoa học, hại mắt hại người. Bảo không được, có đêm tôi vừa mới chìm vào giấc ngủ thì bị cha tôi gọi dậy. Ông bắt tôi bê hết số sách tôi gom góp được chất đống trước sân nhà đòi đốt. Mẹ tôi và chị tôi phải xin hộ, xin mãi mới thoát.

Học hết cấp một, lên lớp năm, tôi xây dựng được tủ sách của riêng mình. Số sách của cha tôi mang đi sơ tán đã đọc hết. Sau đó Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, trở về thành phố tôi ngấu nghiến cả tủ sách của cha. Toàn bộ sách văn học dịch của châu Âu và Mỹ, thêm cả văn học Nga và văn học Xô viết. Rồi tôi tìm đến các hiệu sách. Chỉ để mà ngắm nhìn. Thời chiến thiếu giấy, thiếu nhà in, sách hay chỉ bày một cuốn trên giá sách, mỗi đầu sách chỉ có dăm ba bản để bán. Chỉ một ít trí thức cần nghiên cứu mới được mua. Phải có tem phiếu mới mua được lượng thực phẩm ít ỏi hằng tháng. Sách cũng phải có thẻ đặc biệt mới mua được. Tôi chỉ có cách lân la thường xuyên ở hiệu sách để ngắm nhìn. Dần dần thành ra cô bán sách quen mặt.

Gom góp mãi cũng chỉ đủ tiền mua những cuốn truyện thiếu nhi, chỉ dày hơn 100 trang, giá 2,2 hào. Ô, trong túi tôi chỉ có hai hào. Đấy là phải nhịn ăn bốn bữa sáng. Đang là thời “Ai kem! Ai kem! Kem một hào hai chiếc, một chiếc năm xu, này chú bán kem, có rao thì rao cho khéo, đừng làm huyên náo, điếc tai hành khách đi đường...”. Trẻ con nhà khá giả ăn sáng một hào hoặc hơn. Tôi thì cha mẹ cố gắng lắm chỉ được năm xu mỗi sáng, mua được một cái bánh rán hoặc một nắm xôi nhỏ. Thế mà cố nhịn, chỉ vì nghĩ đến một cuốn sách có thể mang về nhà, có thể sở hữu mãi.

Cô Ngân bán sách thấy tôi tần ngần thì hỏi:

- Cháu có bao nhiêu tiền?

Tôi giơ tờ giấy bạc cho cô thấy:

- Dạ, cháu chỉ có hai hào.

- Đưa cô bán cho.

Tôi nhớ mãi giọng nói dịu dàng và vẻ thùy mị của cô Ngân: “Đưa cô bán cho”.

Từ đó, tôi là đứa bé được cô Ngân ưu tiên, tôi mà thiếu vài ba xu lẻ thì vẫn được cô bán cho cuốn sách. Cô không biết là tôi đã phải nhịn ăn sáng triền miên đến như thế nào, nhịn đến mức sắt cả người, đến mức cha mẹ tôi phải mách thầy chủ nhiệm. Chỉ đơn giản cô là người hiền hậu. Đưa cô bán cho.

Năm 1972, Mỹ ném bom trở lại các thành phố miền Bắc. Gia đình tôi lại đi sơ tán. Phải qua một con sông nhỏ mới đến làng mình sơ tán. Ở nhờ nhà một bác nông dân, mấy mẹ con bác đều làm nghề dệt vải. Không mang được sách theo. Máy bay mà ném bom vào nhà thì nhà cũng chẳng còn nữa là sách. Tôi sống trong căn nhà của bác thợ dệt mà lo nghĩ về tủ sách của mình không sơ tán được.

Một hôm, chị Thơ tôi từ thành phố lên thăm. Tôi đã nhắn chị từ trước tìm cho tôi cuốn Không gia đình tập hai của Hector Malot. Cuốn sách được chia làm ba tập, nhưng tôi mới chỉ có tập một. Đến nơi chị bảo:

- Ở thành phố chưa có Không gia đình tập hai.

Tôi xịu mặt.

Rồi chị nói thêm:

- Ở bến đò bên kia sông, có một hiệu sách. Chỉ có mấy cuốn sách mỏng, chẳng biết em có thích hay không, nên chị không mua.

Nghe nói có hiệu sách, mắt tôi sáng lên. Tôi chạy vụt ra khỏi nhà. Đi bộ gần năm cây số giữa trời nắng. Đường đi có những chỗ trống trải giữa cánh đồng. Những chỗ như thế rất nguy hiểm, máy bay Mỹ có thể xoẹt đến bất cứ lúc nào mà ta lại không kịp tìm được hầm hoặc chỗ nấp. Thế mà tôi đã đi. Rồi lại lên một con đò để qua sông. Cũng rất nguy hiểm. Giữa sông nước, con đò mỏng như chiếc lá, rất dễ bị máy bay Mỹ phát hiện. Tôi qua sông, tìm được hiệu sách ngay trên đỉnh dốc dẫn xuống bến đò. Đắn đo mãi mới chọn tạm một cuốn sách mỏng.

Tôi vội vàng xuống đò trở về ngay. Đường về ngang qua một nhóm mấy người công nhân sửa đường. Thấy tôi cầm cuốn sách đi qua, một anh vẫy tôi lại:

- Cho xem qua một tí nào.

Tôi quay lại, chìa cho anh cuốn sách. Mấy chị công nhân xúm vào giở sách ra đọc lướt. Một chị cười rộ vì tâm đắc với câu văn trong đó: “Nước mắt nó tóa ra”. Không phải nước mắt chảy ra mà là tóa ra. Ô hô, ông ấy dùng từ tóa ra. Không phải nước mắt chảy ra mà là tóa ra. Chú bé miền núi trong truyện Chim họa mi khi khóc đã được nhà văn Ma Văn Kháng dùng một động từ có vẻ rất miền núi, nghe lạ tai.

Ngày hôm sau, bác chủ nhà đi đâu trong làng, về kể lại. Có một cặp vợ chồng trẻ và một đứa con sơ tán ở căn nhà đầu làng. Sáng sớm nay, khi người chồng và gia đình chủ nhà thức dậy thì thấy người vợ đã treo cổ tự tử. Người làng xúm đông xúm đỏ. Người chồng đem ra một bức thư, chìa cho dân làng xem. Thư của người vợ viết cho một người đàn ông nào đó nhưng chưa kịp gửi đi. Anh ta đọc lên những dòng như thế này: “Những giờ phút ngắn ngủi được ở bên anh, bằng cả đời em phải sống cùng với chồng em...”.

Trẻ con, tôi hầu như quên ngay những chuyện như thế trong cái làng này.

Một thời gian sau, cô Thảo của tôi đến thăm. Chen giữa những câu chuyện về thời chiến, đột nhiên cô nói với mẹ tôi:

- Cái Ngân chết thương nhỉ.

- Ngân nào chết?

- Cái Ngân bán sách ấy. Nó chết ngay trong làng này mà.

Hóa ra người treo cổ tự tử là cô Ngân bán sách của tôi.

Gần bốn chục năm rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về cô Ngân. Cô bao giờ cũng đứng sau quầy sách, vẻ thùy mị và giọng nói êm dịu lạ lùng.

***

Làm quen được với những người bán sách là việc quan trọng suốt tuổi thơ tôi. Thực tế là tôi cũng gây được thiện cảm với rất nhiều người.

Một lần tôi tình cờ gặp cô Và. Cô hỏi tôi con ai rồi reo lên khi biết tên cha tôi. Cha tôi là nhà báo, giới sách vở cũng nhiều người biết và cô cũng quen sơ. Cô hỏi tôi thích đọc sách gì. Đọc sách là đề tài tôi hào hứng nhất. Cái kho sách trong đầu tôi làm cô Và ngạc nhiên, bé thế mà đọc toàn truyện người lớn à? Bố không cấm à? Không, tôi kể rằng cha mẹ không cấm tôi đọc tiểu thuyết. Cô Và có vẻ thích thú, cô hẹn tôi đến hiệu sách của cô chơi.

Tôi đến ngay. Thật đúng là chuột sa chĩnh gạo. Mỗi tuần có một đợt sách mới, người ta chở sách mới đến hiệu sách bằng xe xích lô. Chỉ có cô bán sách và ông xích lô khuân những bó sách mới từ trên xe vào trong cửa hàng. Tôi hăng hái chuyển sách giúp cô Và, giống như tôi vẫn thường hăng hái khuân vác giúp các cô bán sách ở những cửa hàng khác. Lẽ tất nhiên, sau đó tôi được phép cắt dây, mở từng bó sách ra. Được là người đầu tiên nhìn bìa sách, hít ngửi mùi giấy mới, mùi mực in, được lật giở và đọc lướt từng cuốn. Cô Và còn ưu tiên bán cho tôi những cuốn sách quý. Nghiễm nhiên tôi có quyền mua sách như một người có thẻ ưu tiên.

Rồi cô Và cho tôi đến nhà. Cô là người gốc Hoa, cha mẹ cô sang Việt Nam từ lâu, sinh ra cô ở Việt Nam. Chồng cô cũng là người gốc Hoa. Thỉnh thoảng hai người lại quay sang nhau, diễn đạt một điều gì đó bằng tiếng Hoa. Nói tiếng Việt lưu loát nhưng phát âm thì vẫn xổng xoảng theo kiểu người Hoa. Con gái cô nấu chè đỗ đen, mang ra cho tôi ăn cùng cả nhà. Chuyện trò rôm rả về những cuốn sách mới đọc. Như một cuộc hội thảo. Quan điểm cũng có khi đến mức căng thẳng. Có lần con gái cô đuối lý, bị mắng, dỗi, bỏ vào nhà trong. Các cuộc thảo luận sách không phải bao giờ cũng kết thúc mỹ mãn.

Mấy năm sau thì có chuyện trên biên giới phía Bắc. Nhiều người gốc Hoa khăn gói rời bỏ nơi họ đã sinh sống hơn nửa thế kỷ, thậm chí có người còn sinh ra ở đây. Năm 1978 tình cờ chị tôi gặp cô Và trước ngày cô ra đi. Cô ôm lấy chị tôi mà khóc:

- Cô không muốn đi, không muốn đi. Cô sinh ra ở đất này, đây là nhà rồi, còn đi đâu nữa...

Nói vậy rồi nhưng cả nhà cô vẫn phải đi.

Bẵng đi lâu lâu. Một lần có anh bạn tôi bảo: Cô Và đã về đến “nước mẹ”, lại còn lên đài phát thanh kể lể vấn nạn khi còn ở bên này.

Dù nguồn tin của anh bạn là chính xác, tôi vẫn không muốn tin.

Cô Và của tôi, bây giờ cô ở đâu? Lên đài trả lời phỏng vấn rồi sau đó có làm cho gia đình cô dễ chịu hơn hay không?

***

Và những cô bán sách khác nữa, mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp gặp lại ai cả.

Ở Đại hội quốc tế nhà văn và dịch giả văn học tại Stockholm, Thụy Điển (đầu tháng 7-2008) tôi được mời tham dự diễn đàn “Hư cấu hóa hồi ức và vấn đề ký ức chung của cộng đồng” (Fictionalizing memory and the collective memory). Một ngày trước diễn đàn có buổi đọc sách trước công chúng với cùng chủ đề “Hư cấu hóa hồi ức”. Tôi đã lựa chọn đọc một truyện mới viết, lấy ra từ hồi ức Những cô bán sách (The lady book - sellers).

Mỗi nhà văn được phép đọc 20 phút, đọc xong thì nhà văn khác lên sân khấu và nối tiếp chương trình. Buổi đọc sách làm tiền đề cho cuộc tọa đàm hôm sau. Cùng trao đổi còn có nữ văn sĩ Restrepo (Colombia) và nhà văn Sasa Stanisic (người Đức gốc Bosnia). Nhà phê bình văn học Thụy Điển Per Svensson dẫn chương trình, khơi gợi để ba tác giả nói về phương pháp sáng tác của mình.

Ký ức chung của một cộng đồng bằng cách nào được bày tỏ trong tác phẩm hư cấu? Nhà văn được tự do đến mức nào trong việc biến những ký ức chung này thành sở hữu của riêng mình? Và trong những tác phẩm như vậy liệu có thể phân biệt rạch ròi thể loại, đâu là phần hồi ức, đâu là chỗ cho kỹ thuật hư cấu?... Với trường hợp của mình, tôi chuyển sự trao đổi về phía thính giả và họ đã sôi nổi tham gia vào câu chuyện Những cô bán sách, coi đó như một tham luận. Ở đó yếu tố hồi ức chính là sự thật một trăm phần trăm, đồng thời liệu có cần viện đến kỹ thuật của hư cấu để xử lý chi tiết? Bàn tay tác giả đưa vào ở mức độ nào để dẫn dắt tình huống và điều khiển nhân vật nhằm tạo hiệu quả văn chương?... Bây giờ tôi xin chuyển văn bản này đến Tuổi Trẻ Cuối Tuần để độc giả phân định thể loại của nó: là hồi ức, truyện ngắn hay đoản văn, tản văn...?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận