TTCT - “Năm 2012, sản lượng lương thực có hạt (lúa, ngô) đạt 48,5 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người trên 546kg (tăng 9,8kg). Đặc biệt, năm 2012 VN đã đạt kỷ lục mới về sản lượng lúa (43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2011) và lượng gạo xuất khẩu (trên 8 triệu tấn), đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia...”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng vui mừng thông báo như vậy tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp cuối năm qua. Phóng to Tranh: Bích Khoa Rất nhiều con số và kỷ lục đã được nêu. Nhưng khó mà hình dung được cụ thể gương mặt và cuộc sống, chưa nói tương lai, của người nông dân qua những con số đó. Chúng cũng không che khuất được hiện thực là đa số nông dân không hưởng được mấy lợi ích từ thành tích này. Cũng không che khuất được thực tế nhiều nông dân nuôi trồng thủy sản đang khốn đốn “treo ao” vì không bán được sản phẩm, nhiều nông dân trồng khoai theo hợp đồng với thương lái Trung Quốc lao đao vì bị bỏ rơi... Vẫn những con số cho hay chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp năm 2012 chỉ tăng 1,05% mà giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2012 leo lên mức tăng 9,04% so với năm trước. “Bấp bênh” là từ duy nhất đúng để nói về cả sản xuất và cuộc sống của nông dân - tác giả chính của thành tích về nông nghiệp rất nhiều năm qua. Con số tăng trưởng GDP mới quan trọng, bao trùm làm sao! Mục tiêu “dân giàu nước mạnh” - vế đầu trong mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” - dường như được đo lường chủ yếu qua con số đó. Báo cáo hằng năm của Chính phủ, thậm chí của chính quyền cấp tỉnh thành, quận huyện xoay quanh con số đó. Và bao giờ mục tiêu tăng trưởng GDP năm sau cũng được đặt cao hơn năm trước. Khi GDP giảm thì cả bộ máy nhà nước, cả xã hội báo động. Thế nhưng, tổng GDP có thể tăng, GDP bình quân đầu người có thể tăng mà đa số dân cư vẫn nghèo khi phần lớn lợi tức đi vào túi một thiểu số, còn đa số không hưởng được lợi ích từ sự tăng trưởng ấy là bao. Đó là chưa nói vế sau “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” - đo lường được còn khó hơn nhiều. Những con số là cần. Thống kê là cần. Thống kê cho ta bức tranh tổng thể, khái quát về một thực trạng và tiết lộ những xu hướng. Phân tích thống kê mang lại những hiểu biết mang tính quy luật và bản chất về một hiện tượng, giúp các nhà hoạch định, quản lý ở cấp vĩ mô đề ra những chính sách, chủ trương sát, đúng với thực tiễn. Nhưng những con số cũng có khi dẫn đến lầm lạc. Những con số sai lạc do thu thập không đúng phương pháp hoặc cố tình được nhào nặn nhằm làm đẹp báo cáo; những thống kê bị bóp méo nhằm minh họa cho một chủ đích, một ý đồ có sẵn lại là mầm mống của tai họa khi nó che mắt nhà quản lý (lẫn những người được quản lý) trước thực tế không mấy sáng sủa. Quan trọng hơn, nó che lấp những số phận con người, những con người thật, những số phận thật. Lại nghĩ đến những người con của nông dân, nam và nữ. Nếu sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nếu cuộc sống nông thôn hứa hẹn một tương lai tươi sáng, hẳn bao nhiêu nam thanh niên đã không bỏ ruộng vườn mà lên thành phố mưu sinh qua ngày, bao nhiêu cô gái nông thôn đã không liều nhắm mắt đưa chân lấy chồng nước ngoài không vì tình yêu mà để đổi đời về cuộc sống vật chất, có khi chỉ để trả nợ, để đỡ đần cha mẹ và không ít trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Với công nhân, chỉ cần đến các khu nhà trọ, chỉ cần nhìn bữa ăn hằng ngày của họ là đủ biết còn lâu họ mới chạm vào được những gì mà các con số đẹp trên báo cáo hứa hẹn. Họ đang phải để cho các nhà máy, các khu công nghiệp vắt cạn sức. Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thụy Diễm Hương (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho thấy đời sống tinh thần và vật chất của người công nhân nhập cư đang ở mức “rất thấp”. 58% công nhân thu nhập từ 2-3 triệu đồng, gần 40% thu nhập dưới 2 triệu đồng, trong đó trên 34% chi tiêu ở mức thấp dưới 1 triệu đồng/tháng, trên 40% chi tiêu từ 1-2 triệu đồng/tháng. Trên 70% công nhân sống ở nhà trọ với điều kiện chật hẹp, thiếu ánh sáng, nước sạch... Người ta bảo phải nhìn xa hơn cái riêng để thấy cái chung, nhìn xa hơn cái cụ thể để thấy cái khái quát. Tôi thì nghĩ trong nhiều trường hợp phải làm ngược lại. Phải nhìn xa hơn những con số để thấy những phận người cụ thể. Hạnh phúc nhiều khi không gắn liền với những con số, với tăng trưởng đơn thuần. Và nhiều khi phải biết hoài nghi cả những con số nữa. Ước gì năm sau, năm sau nữa, ta sẽ có cách nhìn mới về hạnh phúc của người dân! Tags: Đoàn Khắc XuyênPhiếm đàm
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris: Ký ức lịch sử của một người phiên dịch ĐINH THÚY NGA 27/01/2023 3890 từ
Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển: Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn HOÀNG LỘC - K.YÊN 23/01/2023 1609 từ
Dịch vụ y tế theo yêu cầu: "Khám giáo sư" và chuyện viện phí đúng, đủ L.ANH - X. MAI - D.LIỄU 23/01/2023 1751 từ
Sử gia Pierre Brocheux: Thực dân hóa là vấn đề các sử gia phải giải quyết NGUYỄN QUANG DIỆU 23/01/2023 3018 từ
Hôm nay 1-2, chính thức vận hành Tuổi Trẻ Sao TUỔI TRẺ ONLINE 01/02/2023 Tuổi Trẻ Sao - một phiên bản của Tuổi Trẻ Online - có nhiều nội dung chuyên biệt như: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe, Tuổi Trẻ Live, đọc nhật báo Tuổi Trẻ phiên bản màu; Giới thiệu tin tức theo dữ liệu người dùng…
Tin tức thế giới 1-2: Mỹ chuyển vũ khí tầm xa cho Ukraine; Pháp cho thêm 12 pháo Caesar TRẦN PHƯƠNG 01/02/2023 Mỹ sẵn sàng gói hỗ trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine; Ukraine tổ chức thượng đỉnh với Liên minh châu Âu (EU) tại Kiev.
Cha vợ của phi công hy sinh vụ rơi máy bay Su-22: 'Con vừa mới vô ăn Tết, nào ngờ…' HÀ THANH - NAM TRẦN 01/02/2023 Nén nỗi đau thương, người cha vẫn không thể tin rằng tin dữ đến với gia đình, bởi mấy ngày trước phi công Duy cùng vợ con còn đón Tết sum vầy bên nhau.
Mời bạn tìm hiểu cách tặng sao và đăng ký Tuổi Trẻ Sao TUỔI TRẺ ONLINE 01/02/2023 Sau một thời gian để bạn đọc trải nghiệm miễn phí phiên bản không quảng cáo hiển thị với nhiều tính năng, Tuổi Trẻ Sao chính thức vận hành từ hôm nay 1-2-2023.
Ông Putin tuyên bố 'bị lừa hoài' nên mới đánh Ukraine NHẬT ĐĂNG 18/01/2023 Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được phát động nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine, sau thời gian dài Matxcơva bị lừa liên tục, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.