Những cuộc chiến "châu chấu đá xe"

HẢI MINH 15/08/2010 18:08 GMT+7

TTCT - Hai vụ kiện môi trường ở Ấn Độ và Canada là những trường hợp tiêu biểu cho cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa một bên là những người dân bình thường, thậm chí nghèo khổ, với một bên là các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ, hùng mạnh.


Phóng to
Những nông dân nghèo khổ ít học ở Plachimada đã không thể chiến thắng nếu không có sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội và chính quyền - Ảnh: wimklerkx.nl

Plachimada chống Coca Cola

Tháng 3-2010, cơ sở của Công ty Coca Cola ở Ấn Độ đã bị nhà chức trách yêu cầu bồi thường 2,16 tỉ rupee (48 triệu USD) vì gây ra các thiệt hại về môi trường tại một nhà máy đóng chai ở bang miền nam Kerala. Theo phán quyết của Tòa án tối cao bang Kerala, nhà máy Hindustan Coca Cola đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và xả chất thải ra xung quanh ở khu vực làng Plachimada trong giai đoạn 1999-2004, gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho đời sống người dân.


“Từ ngày khởi kiện, nhiều người nói rằng chúng tôi không thể thắng được các tập đoàn lớn. Nhưng họ đã sai. Tôi hi vọng chiến thắng ở tòa sẽ cho mọi người thấy cách đứng lên và chiến đấu vì công lý” - Diana Wiggins, một trong những nguyên đơn của vụ kiện tập đoàn khai khoáng khổng lồ Vale Inco phải bồi thường 34 triệu USD

Năm 2001, hai năm sau khi hãng nước giải khát khổng lồ có trụ sở tại Atlanta (Mỹ) xây nhà máy trị giá 25 triệu USD ở Kerala, cuộc chiến pháp lý giữa người dân địa phương và Coca Cola bắt đầu. Trong suốt quá trình đó, nhà chức trách môi trường địa phương, các đảng chính trị, tòa án và những nhóm môi trường toàn cầu, bao gồm cả Greenpeace, đều lần lượt bị lôi vào cuộc. Plachimada trở thành một biểu tượng cho cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sống.


Người dân địa phương chỉ bắt đầu cuộc chiến khi những giếng nước của họ khô cạn, trong khi môi trường sống của họ có thể đã xấu đi từ trước đó rất lâu. Tháng 7-2003, một bản tin trên BBC cho biết các thử nghiệm tại Đại học Exeter (Anh) cho thấy các chất thải từ nhà máy gồm những kim loại nặng độc hại, đặc biệt là cadmium và chì, đã thấm vào chuỗi thức ăn của con người và động vật trong vùng. Những chất thải đó cũng không thể sử dụng làm phân bón như lời lừa phỉnh của lãnh đạo nhà máy.

Bản tin của BBC trích lời giáo sư John Henri, một chuyên gia về độc học ở London, cảnh báo “những hệ quả trầm trọng cho đời sống ở khu vực nơi xả chất thải và hàng nghìn người sống dựa vào vụ mùa ngũ cốc trong vùng”. Tháng 8-2003, Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Kerala yêu cầu nhà máy ngừng xả thải ra khu sản xuất nông nghiệp, nhưng bỗng nhiên quan chức đứng đầu ủy ban, K.V. Indulal, lại ra một tuyên bố cho rằng nồng độ các chất độc “không vượt quá giới hạn chịu đựng được”. Những lời cáo buộc tham nhũng và hối lộ rộ lên. Indulal phải ra trình diện Cục Chống tham nhũng bang, cơ quan đã lục soát nhà và các tài sản của ông tại ba thành phố ở Kerala vào năm 2005.

Cuộc chiến ở tòa án cũng đầy gay cấn. Ngày 16-12-2003, Tòa án tối cao Kerala ra lệnh cho Coca Cola ngừng hút nước ngầm bằng các giếng khoan sâu, nhưng ngày 7-4-2005, cũng tòa này lại cho phép Coca Cola hút 500.000 lít nước ngầm, một quyết định khiến các nhà hoạt động môi trường và người dân phẫn nộ, gây ra nhiều vụ đụng độ. Nhà máy đã mở cửa hoạt động trở lại được mười ngày, nhưng trước sức ép quá lớn từ dư luận, nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 8-2005.

Said Veerendrakumar, nghị sĩ quốc hội và biên tập viên báo Mathrubhumi, nói với Hãng tin IPS: “Sự thật là nước ngầm đã được bơm lên miễn phí, đóng chai và bán cho người dân, giúp các công ty nước giải khát thu về bộn tiền và hủy hoại môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng”. Sunita Narain, người đứng đầu cơ quan điều tra của Trung tâm Khoa học và môi trường Ấn Độ (CSE), nói với IPS rằng cuộc đấu tranh của Plachimada cho thấy “chính những cộng đồng địa phương đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ môi trường nơi họ sống”.

Quyết định buộc Coca Cola bồi thường 48 triệu USD được chào đón khá tích cực, nhưng các nhóm hoạt động địa phương ở Kerala cho rằng chỉ tiền thôi chưa đủ. “Bồi thường không phải là giải pháp, chỉ là sự an ủi với người dân địa phương. Những thiệt hại là không thể tính hết, chúng tôi muốn chính quyền xử lý hình sự và truy tố Coca Cola” - R. Ajayan, người đứng đầu Ủy ban Đoàn kết Plachimada, nói với Wall Street Journal.

Port Colborne: Một thập kỷ tìm công lý

Gần mười năm sau khi Wilfried Pearson - một tài xế xe tải về hưu ở Port Colborne, Ontario (Canada) - ký tên vào bản danh sách các nguyên đơn trong vụ kiện môi trường lớn nhất lịch sử Canada, phán quyết cuối cùng đã được đưa ra. Phần thắng thuộc về những người dân sống trong khu đất bị ô nhiễm, còn tập đoàn khai khoáng khổng lồ Vale Inco sẽ phải trả khoản bồi thường kỷ lục 36 triệu CAD (34 triệu USD). Đầu tháng 7-2010, thẩm phán tòa án tối cao Ontario Joseph Henderson đã kết luận tập đoàn khai khoáng này phải chịu trách nhiệm vì đã thải nickel ra môi trường từ một nhà máy tinh chế quặng ở Port Colborne.

“Đó là mười năm rất dài. Từ ngày khởi kiện, nhiều người nói rằng chúng tôi không thể thắng được các tập đoàn lớn. Nhưng họ đã sai. Tôi hi vọng chiến thắng ở tòa sẽ cho mọi người thấy cách đứng lên và chiến đấu vì công lý” - Diana Wiggins, một trong những nguyên đơn đã lên tiếng yêu cầu Hiệp hội Luật môi trường Canada vào cuộc, nói trên tờ The Dominion.

Ngay từ đầu, vào năm 2001, Wiggins và Ellen Smith, hai bà mẹ sống ở Port Colborne, đã lập nên Hội Láng giềng giúp láng giềng. Những tổ chức làng xóm kiểu đó đóng vai trò rất quan trọng trong việc cố kết người dân để họ cùng duy trì quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng. Ước tính 20.000 tấn nickel dioxide, hóa chất bị luật Canada xếp vào loại có khả năng gây ung thư, đã được Vale Inco thải ra Port Colborne trong quá trình vận hành nhà máy. Mẫu phân tích ở một số vùng cho thấy lượng nickel vượt quá 20.000 phần triệu.

Smith, có hai con, viết vào năm 2003: “Tôi vẫn thường xem con mình chơi xe đồ chơi, làm đường và cầu bằng đất và hi vọng một ngày nào đó chúng sẽ trở thành kỹ sư. Chúng tôi cũng có nhiều sân bóng chày tuyệt đẹp và trải qua những ngày hè ở đó. Giờ đây sân chơi của trẻ nhỏ đã bị hạn chế vì lo sợ chất thải độc hại. Những rào chắn được dựng lên, sân bóng chày bị đóng cửa”.

Wiggins nhớ lại: “Khoảng năm 2000, các con tôi thường về nhà than phiền bị nhức đầu hay đau bụng và nổi mẩn khắp người”. Wiggins trao đổi với nhiều chuyên gia y tế, môi trường và bà buộc phải cho con mình thôi học ở Trường Humberstone, nơi hàm lượng nickel cao hơn mức cho phép hàng trăm lần. Sau đó, các bà mẹ và nhà trường đạt được một thỏa thuận tạm thời: các em đi học trở lại nhưng không được chơi ở các bãi cỏ, phải rửa tay trước khi vào trường, cửa sổ ở các phòng học bị đóng chặt. Rốt cuộc, Trường Humberstone phải đóng cửa vào năm 2003 và bị phá hủy hoàn toàn năm 2008.

Hành trình đòi công lý bắt đầu từ tháng 2-2001 khi Pearson trở thành nguyên đơn đại diện cho hơn 8.000 nguyên đơn khác đòi khoản bồi thường 750 triệu USD cho những tổn hại về sức khỏe, giá trị bất động sản và chất lượng cuộc sống do nhà máy của Vale Inco gây ra. Năm 2002, lá đơn bị hai tòa án sơ thẩm từ chối, nhưng ngày 18-11-2005, một tòa án phúc thẩm ở Ontario đã đảo ngược phán quyết đó và thụ lý đơn kiện. Tháng 6-2006, Vale Inco buộc phải chấm dứt những nỗ lực ngăn chặn người dân tiếp tục cuộc chiến pháp lý bởi một phán quyết của Tòa án tối cao Canada, và vụ việc được đưa ra xét xử ở Tòa án tối cao Ontario từ tháng 10-2009.

“Chúng tôi hài lòng với kết quả này. Đó là số tiền bồi thường thiệt hại hợp lý” - Eric Gillespie, một luật sư đại diện cho các cư dân ở Port Colborne, nói trên Bloomberg. Thẩm phán Henderson chia khoản bồi thường thiệt hại ra làm ba phần: 9 triệu CAD cho cư dân ở khu vực đường Rodney tại Port Colborne, gần nhà máy nhất. Tính ra mỗi hộ gia đình ở khu vực này sẽ nhận 23.000 CAD, theo lời Gillespie. Cư dân ở khu đông thị trấn được bồi thường 15 triệu CAD (7.500 CAD/hộ), còn ở khu phía tây là 12 triệu CAD (2.500 CAD/hộ).

“Một công ty kiếm lợi, vì mục đích thương mại đã làm ô nhiễm khu đất của cộng đồng. Điều dễ hiểu là kẻ gây ô nhiễm phải trả giá cho những vấn đề mà họ gây ra” - Kirk Baert, một luật sư của người dân ở Port Colborne, nói trước tòa tối cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận