Những khoảng sân chung

TATYANA TOLSTAYA 18/01/2025 03:25 GMT+7

TTCT - Tôi muốn viết một truyện ngắn, nhưng chưa biết chính xác nó là gì.

Tôi muốn viết một truyện ngắn, nhưng chưa biết chính xác nó là gì. Có thứ gì đó mơ hồ xuất hiện, lóe lên như con cá lớn trong làn nước rồi biến mất. Chỉ có cái tên được nhìn thấy rõ ràng: "Những khoảng sân chung".

Một truyện ngắn như thế về St. Petersburg, màu vàng và bong tróc, giống những mảng tường của những khoảng sân này. Với những cánh cổng, vũng nước, cánh cửa màu nâu dẫn ra cổng hậu - sau cánh cửa có dàn tản nhiệt nóng hổi và mùi chuột. Và chuột có mùi thơm nếu bạn là mèo.

Những khoảng sân chung - Ảnh 1.

“Sân nhỏ, vũng nước”- V. Kachanov.

Và chữ "C" của từ "chung" này giống như một cửa ngõ, một vòm cổng. Những tầng một, những cửa sổ có song sắt, kính bẩn - chúng tôi không sống ở Hà Lan - màn tuyn còi cọc, lô hội trồng trong chậu xanh, có thể là bức tượng trắng nhỏ một nữ diễn viên ba lê - hay có vẻ như vậy? Đằng kia một phụ nữ mặc áo choàng hồng đang hút thuốc bên cửa sổ, nhìn mông lung, mắt cô đầy bão tố; còn đây một bà già tựa vào bệ cửa sổ mỉm cười - hết rồi, đam mê đã lắng xuống, răng đã rụng, có thể uống chút trà với bánh mì giòn nếu nhúng qua nước.

Và những bậc thang này dẫn tới tầng hầm, cả những bậc thang kia nữa. Ở đây họ đã đào đất lên mà không rào lại bằng bất cứ thứ gì - một đống nhựa đường vỡ và một ụ đất sét, khéo kẻo rơi xuống địa ngục, trúng vào những người khom lưng mặc quần yếm. Trời tối, cần nhanh chóng ra đường, lên xe điện: trời tối và bạn không thể thấy mặt của những người bạn gặp; cứ như thế, thiên thần có đi ngang qua bạn cũng không nhận biết; trời tối dần, nhưng cốt truyện không ra đời, không xuất hiện, chìm lỉm, tắt ngúm.

Những sân chung, St. Petersburg, nỗi buồn, cổng vào. Những sân chung, đó là khi bạn đi ngang qua mà không dừng lại, không bấu víu bất cứ thứ gì, không níu kéo, không yêu thương, không hy vọng, bạn cứ đi, cứ đi.

Không, cốt truyện không xuất hiện. Cần phải đợi. Có lẽ nên đi ngủ, mơ những giấc điệp mơ hồ và nhìn vào bóng tối của những vòm cổng.

Thế rồi họ bảo tôi: hãy nói chuyện với Yandex chat, đây là một thứ mới, trí tuệ nhân tạo, nó sẽ sớm phát triển và thay thế các bạn, những nhà văn. Hãy nói chuyện với nó, có thể nó sẽ mách cho bạn gì đó. Tôi bèn trò chuyện.

***

Tôi: Chat, chat à, nghĩ ra cốt truyện cho ta.

CHAT: "Hành trình vào thế giới tự nhiên: Tôi đã trải qua mùa hè bên hồ như thế nào"

Tôi: Ồ, không! Coi kìa; vui lắm à? Nhầm ta với du khách chắc? Nghĩ ra cho ta cốt truyện đi.

CHAT: Bạn có thể vui lòng làm rõ yêu cầu của mình không?

Tôi: Tiêu đề: "Những khoảng sân chung". Chủ đề: "sân chung". Ta cần cốt truyện.

CHAT: Sân chung là những địa điểm trong thành phố có nhiều tòa nhà kết nối với nhau. Chúng thường được sử dụng để tiếp cận các con đường hoặc khu vực khác. Nhưng sân chung đó có thể là những con hẻm thông thường hoặc những không gian kín chỉ dành cho một số người nhất định.

Lịch sử của sân chung bắt đầu từ Thế giới cổ đại. Ở Rome, chúng được sử dụng làm nơi lưu trữ hàng hóa và bảo vệ khỏi các cuộc tấn công. Ở châu Âu thời Trung cổ, những khoảng sân chung rất phổ biến đối với thị dân, những người sử dụng chúng để nhanh chóng đến nhà và cửa hàng của họ.

Ngày nay, sân chung là một phần kiến trúc của nhiều thành phố. Chúng mang lại cho thành phố màu sắc và bầu không khí đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều trong số đó đang trong tình trạng xuống cấp và cần được cải tạo.

Tôi: Vâng, ta biết sân chung là gì. Nhưng mi đã xạo về Rome đấy nhé. Nghĩ ra một câu chuyện về chủ đề này theo phong cách của Tatyana Tolstaya đi.

CHAT: "Những sân chung: Bí ẩn và cơ mầu"

Tôi: Cũng được. Vậy câu chuyện nói về cái gì? Cốt truyện là gì?

CHAT: Truyện "Bụi tử đinh hương" của A. I. Kuprin kể về cuộc gặp gỡ của nhân vật chính, sĩ quan trẻ Alexei, với Zhenya yêu dấu của mình. Cuộc gặp diễn ra tại ngôi nhà gỗ nơi Alexei trải qua kỳ nghỉ hè.

Chủ đề chính của câu chuyện là tình yêu, những biểu hiện và ảnh hưởng của nó đối với cuộc đời con người. Cốt truyện tập trung vào mối quan hệ giữa các nhân vật, cảm xúc và trải nghiệm của họ. Câu chuyện còn đặt ra vấn đề phải lựa chọn giữa sự nghiệp và tình yêu mà Alexei phải đối mặt.

Do đó, câu chuyện "Bụi tử đinh hương" cho thấy tình yêu đích thực có thể thay đổi cuộc sống con người tốt đẹp hơn, khiến trái tim anh ta tràn ngập niềm vui và cảm hứng.

Tôi: Này, cả Alexei và Zhenechka đều không có ở đó... Mi lấy cái này từ đâu vậy? Ta kiểm tra nó rồi, và mi cũng có thể kiểm tra lại. Trong truyện đó là sĩ quan Almazov và vợ ông ta là Verochka nhé... Mà thôi, những cái sân thì liên quan gì đến chuyện này?

CHAT: Sân có thể liên quan đến ngữ cảnh của câu hỏi theo nhiều nghĩa khác nhau:

Những khoảng sân chung - Ảnh 2.

“Những khoảng sân tuổi thơ của chúng tôi” - V. Paroshin.

1. "Sân như một phần của không gian". Ở một số thành phố, sân là một phần của khu vực chung và chúng có thể quan trọng đối với người dân. Ví dụ, cư dân có thể dành thời gian trong sân, chơi trò chơi, tổ chức tiệc nướng hoặc đơn giản là thư giãn ngoài trời.

2. "Sân theo nghĩa nhóm". Trong ngữ cảnh của một số ngôn ngữ, như tiếng Nga hoặc tiếng Ukraina, từ "sân" có thể có nghĩa là một nhóm người tập hợp lại nhờ một số hoạt động hoặc sở thích chung.

3. "Sử dụng từ "sân" như một thuật ngữ lóng. Trong văn nói, từ "sân" có thể được sử dụng như một từ lóng để biểu thị thông tin hoặc kiến thức mật mà chỉ một số ít người biết được.

Tôi: Vậy Kuprin thì liên quan gì đến chuyện này?

CHAT: Trong văn bản nói về tình yêu và niềm đam mê cũng như cách chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của một con người. Alexander Kuprin là tác giả của câu chuyện "Vòng tay thạch lựu", kể về tình yêu đơn phương của một người đàn ông dành cho một phụ nữ.

Tôi: Ê, mi trật rơ đi đâu vậy? Nhưng ta không cần Kuprin. Nghĩ ra một câu chuyện theo phong cách của Tatyana Tolstaya đi.

CHAT: Ngày xửa ngày xưa có một phụ nữ tên Tatyana. Cô là một nhà văn và rất tài năng. Nhưng cô có một vấn đề: cô không thể nghĩ ra tựa đề cho cuốn tiểu thuyết mới của mình. Cô ngồi ở bàn làm việc, nhìn chằm chằm vào tờ giấy trắng. Cô nghĩ đi nghĩ lại nhưng chẳng có gì xuất hiện trong đầu. Đột nhiên cô nghe thấy tiếng cửa mở và nhìn thấy chồng mình, người vừa đi làm về.

"Chào em! - anh vừa nói vừa hôn lên má cô - Ngày hôm nay của em thế nào?".

"Em không biết", Tatyana trả lời, nhún vai. "Em không thể nghĩ ra tựa đề cho cuốn tiểu thuyết mới của mình".

Người chồng mỉm cười và ngồi xuống cạnh cô. "Cuốn tiểu thuyết của em viết về cái gì?", anh ấy hỏi.

Tatyana bắt đầu kể cho anh nghe về cuốn sách của cô, về các nhân vật và cốt truyện của nó. Người chồng chăm chú lắng nghe cô nói, đột nhiên mắt anh sáng lên.

"Này", anh ta nói, "tại sao em không đặt tên cuốn tiểu thuyết theo tên cuốn sách yêu thích của em?".

Tatyana suy nghĩ một lúc. "Anh có nghĩ đây là một ý hay không?", cô hỏi.

Người chồng gật đầu. "Ừ, anh nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời", anh nói. "Cuốn sách em yêu thích chính là chìa khóa cho những gì em muốn nói trong cuốn tiểu thuyết của mình. Đặt tên sách theo nó và mọi người sẽ biết rằng đây là cuốn sách có ý nghĩa rất lớn đối với em".

Tatyana mỉm cười và gật đầu. "Anh nói đúng", cô nói. "Em sẽ đặt tên cuốn tiểu thuyết của mình theo cuốn sách yêu thích của em".

Và vì vậy Tatyana Tolstaya đã nghĩ ra tên cho cuốn tiểu thuyết của mình - "Anna Karenina".

Tôi: Không. Mi làm sao vậy! Mi đã miêu tả hai kẻ ngốc... Mi có quyền truy cập toàn bộ Internet. Và còn có đủ tư liệu: có rất nhiều văn bản của ta trên Internet, người dùng đánh cắp chúng một cách không thương tiếc, bất kể bản quyền. Mi phải nghĩ ra ngay đi chứ. Một lần nữa: hãy viết một truyện ngắn theo phong cách Tatyana Tolstaya.

CHAT: Tại một thị trấn nhỏ, nơi thời gian dường như đứng yên, có một gia đình khác thường. Gia đình Petrov khác thường đến mức ngay cả bản thân Tatyana Tolstaya cũng không thể nghĩ ra những nhân vật thú vị và đầy màu sắc hơn.

Đứng đầu gia đình là Pyotr Petrovich - một người đàn ông tròn trịa nhỏ nhắn với bộ ria mép khổng lồ và đôi mắt luôn tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt nào đó. Ông là người đứng đầu gia đình và là người gìn giữ những truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh ông luôn là người vợ, Maria Ivanovna, một phụ nữ cao ráo, trang nghiêm với mái tóc dài và ánh mắt xuyên thấu. Bà là một người nội trợ thực thụ, biết cách tạo ra sự thoải mái và ấm áp trong bất kỳ môi trường nào.

Họ có hai con - con trai Ivan và con gái Anna. Ivan là một thanh niên cao, mảnh khảnh với mái tóc dài và vẻ ngoài mơ màng. Anh là một nghệ sĩ và nhìn thế giới qua lăng kính sáng tạo của mình. Anna là một cô gái nhỏ nhắn, mong manh với đôi mắt to tròn và nụ cười có thể thắp sáng cả thế giới. Cô là một thi sĩ viết những bài thơ về tình yêu và cuộc sống.

Cả gia đình này khác thường đến mức ngay cả ngôi nhà của họ cũng đặc biệt. Nó trông giống một lâu đài nhỏ nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố. Ngôi nhà này luôn ấm cúng và thoải mái, mùi bánh nướng và trà tràn ngập trong đó vào mỗi tối.

Và rồi một ngày nọ, khi cả gia đình quây quần bên bàn ăn mừng sinh nhật của Pyotr Petrovich, họ quyết định đi du lịch. Họ thu dọn đồ đạc, lên một chiếc ô tô cũ và khởi hành.

Họ lái xe dọc những con đường dẫn họ đến những nơi chưa biết, nhưng họ tin chắc rằng một điều gì đó mới mẻ và thú vị đang chờ đợi họ. Và thế là, sau vài ngày du hành, họ thấy mình đang ở một thành phố nơi có những người khác thường khác sinh sống.

Tại đây họ gặp những nghệ sĩ, nhà thơ và nhạc sĩ sống trong những ngôi nhà nhỏ bên bờ sông. Họ dành cả buổi tối để nói chuyện về cuộc sống và nghệ thuật, còn buổi sáng họ đi dạo quanh thành phố.

Nhưng điều quan trọng nhất họ tìm thấy ở đây là tình yêu. Pyotr Petrovich đã gặp một người phụ nữ trở thành một nửa kia của ông, Ivan và Anna đã tìm được bạn đời của mình. Và vì vậy, khi trở về nhà, họ không còn chỉ là một gia đình mà là một vũ trụ nhỏ thực sự sống theo những quy luật và lề lối riêng. Và cứ thế trong nhiều năm, cho đến một ngày Pyotr Petrovich về cõi vĩnh hằng, để lại chức vụ chủ gia đình cho vợ là Maria Ivanovna. Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn tiếp tục cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và tận hưởng sự ấm áp, thoải mái vốn luôn có trong mái ấm của mình.

Và thế là họ sống, khác thường và tươi sáng, tạo ra thế giới của riêng mình, tràn ngập tình yêu, sự sáng tạo và ấm áp. Và ngay cả Tatyana Tolstaya cũng không thể nghĩ ra một câu chuyện thú vị và hấp dẫn hơn.

Tôi: Chà, đây là láo xược. Cụm từ cuối cùng của mi thật xấc láo! Mi coi ta là ai?! Nhân tiện, Pyotr Petrovich đã tìm thấy nửa kia của mình, vậy ông ta bỏ nửa kia đầu tiên của mình đi đâu? Maria Ivanovna với mái tóc dài và đôi mắt xuyên thấu?! Thế nên... Reset, cài đặt lại đi... Hãy viết một câu chuyện buồn đi…■

Phan Xuân Loan (trích dịch từ tuyển tập "Can thiệp cơ học")

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận