Những khoảnh khắc "khai sáng"

CÁT KHUÊ GHI 03/02/2014 00:02 GMT+7

TTCT - Có khoảnh khắc nào đó trong đời ta được “khai sáng” nhờ vài cuốn sách, một câu nói, những suy tưởng... Một trong những câu chuyện trước thềm năm mới Giáp Ngọ của TTCT với một số nghệ sĩ trẻ là về những khoảnh khắc ấy...

Phan Ý Ly: Kiên nhẫn hơn với mọi người, bao dung hơn với bản thân...

Phóng to
Phan Ý Ly - Ảnh nhân vật cung cấp

Phan Ý Ly là người sáng lập Sân khấu Nháp và gây dấu ấn với một số vở diễn thể nghiệm từng lưu diễn tại Thái Lan, Anh và Xứ Wales. Cô đang là giám đốc nghệ thuật của BlackBox, một không gian độc lập hỗ trợ nghệ thuật biểu diễn tại Hà Nội.

Đó là thời điểm cuối năm 2011, tôi bị trầm cảm nặng vì áp lực công việc, thấy mình cô độc và quá tải nên phải đọc sách rồi tìm hiểu các vấn đề xem tại sao mình ra nông nỗi đấy. Và tôi gặp Đạo đức kinh.

Bản tiếng Anh dễ hiểu hơn tiếng Việt, ngay từ đầu sách đã nói luôn là nếu cái lý thuyết sách đề cập mà thành hình hài cụ thể được thì chả phải là sách. Mọi thứ rất mông lung mơ hồ, phải tự trải nghiệm mà hiểu. Nhưng trong suốt 81 chương, tôi thấy nổi trội lên mấy ý: là sự quân bình và “thuận theo tự nhiên”, rằng mọi thứ trong vũ trụ vận hành rất tinh vi, vượt khỏi điều mình hiểu biết cho nên người khôn thuận theo tự nhiên, uyển chuyển chứ không đối kháng.

Có nhiều đoạn đọc giật mình như “Để cho vạn vật nên mà không cản/ Tạo ra mà không chiếm đoạt/ Làm mà không cậy công...”, “... Ngăn ngừa khi chưa hiện/ Sửa trị khi chưa loạn...”.

Một người muốn ảnh hưởng của mình còn mãi thì khi làm xong việc nên thoái lui, muốn mọi thứ bền và lãnh đạo đúng đắn thì lãnh đạo làm sao để người dân thấy chính họ tạo ra điều đó. Tóm lại càng lu mờ vô hình thì càng bền.

Tôi vốn là con người thích kiểm soát, muốn mọi thứ theo ý mình, phải làm cho bằng được. Trong tình cảm, ví dụ có mâu thuẫn với người yêu thì không chấp thuận cái gì “không biết”, muốn mọi thứ phải rõ ràng, phải trắng đen, câu trả lời phải ngay và luôn. Đọc sách mới ngộ ra mọi thứ có sự phát triển riêng của nó, không phải cái gì cũng nằm trong sự kiểm soát của mình và có những thứ muốn kiểm soát cũng không được.

Có thể những quan điểm của sách đã đối ngược với bản tính chủ động của tôi nhưng đọc xong thì tôi tập chậm lại và mở lòng hơn với “cái không biết”, bình tĩnh đón chờ xem mọi thứ sẽ ra sao. Không xếp cái nọ đặt cái kia, có duyên thì cùng hợp tác, cái nào thuận đà thì theo.

Nếu tôi trước đây ngùn ngụt lao đi bất chấp, gặp hòn đá thì đánh đấm nó đến bầm tay tím mặt, trầm cảm rồi nằm nhà, thì bây giờ tôi quan sát tĩnh lặng nhiều hơn và tận dụng đà tự nhiên nhiều hơn. Tôi bớt can thiệp, đón nhận sự “mông lung” biết rằng mọi thứ không trong tay và nên để cho tự nhiên vận hành quy luật của nó.

Dù thế, tôi thấy mình vẫn chưa hiểu nhiều về Đạo đức kinh, vẫn muốn đọc đi đọc lại và tiếp tục theo hướng này cho đến khi ngộ ra cái gì khác hẳn, nếu có.

Lương Mạnh Hải: Đừng nghĩ mình đau khổ nhất!

Phóng to
Lương Mạnh Hải - Ảnh nhân vật cung cấp

Trước khi nổi tiếng trong vai trò diễn viên điện ảnh (Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc, Đẹp từng centimet, Hot boy nổi loạn hay câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt...), Lương Mạnh Hải từng là một nhà báo.

Rất khó để tìm ra một cuốn sách cụ thể nào đó làm tôi bừng tỉnh rồi trở thành một con người khác về nhận thức... Tôi thích tự truyện, có thể là của các nhân vật nổi tiếng nhưng cũng có thể là những nhân vật cá biệt với những câu chuyện gây xúc động hoặc truyền cảm hứng. Bởi vì tôi thấy mấy chữ “câu chuyện có thật” sao mà nó kích thích mình ghê gớm.

Ngay cả xem phim tôi cũng thích xem những phim “dựa trên câu chuyện có thật” (dù biết 100% rằng dựa trên cái có thật thì cũng không còn thật lắm!). Những chuyện cụ thể của người khác sẽ làm tôi nhìn cuộc sống thật hơn, sinh động hơn rồi sau đó soi ngược lại bản thân mình xem ở vào tình huống đó mình có làm được thế không, có sống sót được không. Nhiều câu chuyện rất kinh hoàng, có thể làm mình bớt mơ mộng ít nhiều nhưng không thể phủ nhận nó khiến tôi trân trọng hơn hạnh phúc hiện tại.

Tôi muốn nói tới loạt ba cuốn tự truyện của tác giả Dave Pelzer: Đứa trẻ lạc loài, Không nơi nương tựa và Đi ra từ bóng tối. Tôi nhớ là mình mua cuốn thứ hai trước, sau đó thấy hấp dẫn quá mới mua tiếp cuốn 1 và cuốn 3. Trường hợp của Dave là một trong những vụ bạo hành con cái tồi tệ nhất ở nước Mỹ. Tự truyện này tác động đến suy nghĩ của tôi rõ nét hơn những cuốn khác.

Tác giả không bao giờ coi mình là một nạn nhân hay một người đang tiết lộ bí mật đen tối của mình để được người khác cảm thông, mà là một người biết kiên cường vượt qua khó khăn thử thách, kể cả thử thách phải gặp lại bà mẹ tàn bạo của mình. Câu chuyện này cho tôi thêm lòng tin về khả năng thay đổi bản thân một cách quyết liệt và mạnh mẽ của con người. Quan trọng hơn là chúng ta đừng bao giờ cho phép bản thân nghĩ rằng mình là người đau khổ nhất.

Hải Đông: Dành thời gian cho yêu thương...

Phóng to
Hải Đông - Ảnh nhân vật cung cấp

Con trai của họa sĩ Nguyễn Hải Chí (họa sĩ Chóe), Hải Đông không chỉ nổi tiếng là một nhiếp ảnh gia mà còn quen mặt qua vai diễn “để đời” trong bộ phim Những cô gái chân dài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

“Cuộc đời thì ngắn ngủi. Thời gian dành cho sự yêu thương còn chưa đủ lấy đâu thời gian cho sự hận thù, ghen ghét...”. Tôi nghe được câu này trong một vở kịch năm 17 tuổi. Tôi không nhớ vở kịch đó tên gì và nội dung ra sao, nhưng câu nói ấy đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều và thay đổi dần con người tôi.

Hồi nhỏ ba tôi bị đi cải tạo nên gia đình rất khó khăn, một mình mẹ tôi đầu tắt mặt tối nuôi bốn miệng ăn và còn phải lo đi thăm nuôi ba tôi nữa. Tôi có ba chị em gái nên nhà chỉ có mình tôi là đàn ông. Có lẽ thế nên tôi hay “xù lông nhím” với mọi người. Ngoài những buổi đi học (may mắn là chúng tôi học khá tốt) thì tôi còn đi buôn đường dài với mẹ thời “ngăn sông cấm chợ”.

Từ Sài Gòn về miền đồng bằng sông Cửu Long, người tôi được quấn toàn thuốc tây để về dưới đó bán kiếm lời. Ngược lại khi lên Sài Gòn, đi xe đò, mẹ tôi quấn trong người đầy gạo, còn người tôi quấn đầy thịt heo để mang về bán.

Không biết có nên đổ lỗi do hoàn cảnh hay không nhưng tôi lúc đó rất hung hăng, kiểu câu trước câu sau là “bụp” liền. Đánh lộn, lêu lổng, đào cọc sắt hàng rào sân bay để bán, gỡ cả mìn ở vành đai sân bay về lấy thuốc đốt chơi, đá gà độ ăn tiền. Tôi nhớ nhiều nhà hàng xóm cấm cửa, đuổi thẳng cổ khi tôi đến gần nhà họ. Ức chế, tôi càng nóng nảy và phá phách hơn.

Mà thiệt lạ, lúc đó như có hai con người khác nhau cùng tồn tại trong tôi. Một thằng là học sinh khá siêng năng và chỉ nghịch ngợm ít thôi khi ở trường. Thằng kia thì ngược lại, vô cùng ngổ ngáo quậy phá ngoài giờ học, nhất là những kỳ nghỉ hè. May là nhóm bạn thân học chung, chơi chung với tôi khác hẳn, họ toàn là học sinh chăm ngoan, giỏi và hay rủ tôi đi xem kịch, phim, cho tôi mượn sách. Một trong những lần như vậy, khi xem một vở kịch mà tôi không nhớ tên đó, câu nói ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi!

Đan Lê: Nếu thượng đế chỉ cho bạn trái chanh thay vì trái táo?

Phóng to
Đan Lê - Ảnh nhân vật cung cấp

Đan Lê từng nổi tiếng với vị trí biên tập viên thời tiết của kênh VTV1. Hiện cô là biên tập viên kênh VTC1, VTCHD của Đài truyền hình kỹ thuật số VN.

Tôi là người dễ xúc động nhưng lại khó bị tác động, hay nặng hơn thì gọi là thủ cựu cũng được. Với một tuổi thơ không mấy êm đềm, tôi hay trách cứ và đổ tại. Cha mẹ ly hôn, chia tay tình yêu đầu, bạn bè chơi xấu... trước mỗi biến cố của cuộc sống tôi chỉ biết “than thân trách phận”, trách số phận một phần, phần lớn tôi giày vò bản thân với hàng vạn câu hỏi “Vì sao?”.

Cuộc sống cứ thế trôi và sau mỗi vấp váp tôi lại càng thu mình vào vỏ ốc, loay hoay đến mức đôi khi hạnh phúc cũng không dám tận hưởng vì sợ một ngày nào đó nó sẽ bỏ đi. Chỉ cho đến một ngày, khi bị dồn đến những bước cuối cùng trên con đường tuyệt vọng, tôi tình cờ bắt gặp câu nói “Nếu Thượng đế chỉ cho bạn một trái chanh thay vì một trái táo?”, tôi biết rằng mình cần phải thay đổi để thôi bất hạnh.

Tôi nghĩ hoàn cảnh tiếp nhận sự giác ngộ rất quan trọng vì sự thật là những câu nói, câu chuyện tương tự như thế đã đến đâu đó trong đời tôi rất nhiều lần, nhưng phải đến thời điểm thích hợp tôi mới được thức tỉnh. Tôi thôi hỏi “tại sao”, thôi phân định “đúng”, “sai” và học cách dung thứ chính bản thân mình.

Mọi câu chuyện đều có lý do của nó và góp phần đưa tôi đến ngày hôm nay. Tôi biết ơn và dám đón nhận tất cả những: khóc, cười, khờ dại, thất bại, thành công... bởi sau nhiều trải nghiệm tôi hiểu rằng hạnh phúc và cả không hạnh phúc mới khiến cuộc đời trở nên đáng sống hơn.

Và “Nếu Thượng đế chỉ cho bạn một trái chanh thay vì một trái táo?”. Chi bằng ta học cách chấp nhận và vui vẻ với trái chanh mình có. Xét cho cùng, hạnh phúc tùy thuộc vào kỳ vọng và cảm nhận của mỗi người nên “Ai mong cầu càng ít, hạnh phúc của họ càng lớn; ai ước vọng càng ít, tự do của họ càng nhiều”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận