TTCT - Nhìn lại một năm với nhiều biến cố, đổi thay và thách thức đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khô hạn ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Tấn TháiNhững biểu hiện bất thường về nướcNăm qua, chuyện nước ở ĐBSCL có những biểu hiện dồn dập đầy nghịch lý. Ngay đầu mùa lũ, mực nước sông Mekong đã xuống thấp kỷ lục so với khoảng nửa thế kỷ trước. Nguyên nhân chính là từ đầu năm đến tháng 9, El Nino diễn ra trên lưu vực Mekong làm cho lượng mưa phía bắc Lào và Trung Quốc ít, khiến mực nước sông Mekong rất thấp.Trong khi đó, một đợt mưa lớn xảy ra ở phía nam Lào hồi tháng 8, làm nước sông Mekong dâng nhanh ở đoạn đó, tràn về Campuchia và ĐBSCL. Nước về tràn đồng khiến người dân đồng bằng vui mừng đón mùa nước nổi. Nhưng trong lúc đó, mực nước từ Paksé trở lên phía bắc vẫn giảm liên tục. “Mùa nước nổi” vì vậy bị “hụt hơi”, qua nhanh vì không được hỗ trợ bởi lượng mưa từ phía bắc Lào xuống.Đầu tháng 9, khi mùa nước nổi bắt đầu rút, thì cuối tháng 9, nhiều đô thị lại chìm trong nước. Và trớ trêu, ngay trong cảnh ngập đó, nỗi lo hạn mặn vẫn còn nguyên.Với chuyện ngập đô thị, cần đặt trong bối cảnh thủy triều ở vùng giữa đồng bằng, với hàng loạt nguyên nhân. Vào lúc đó, thủy triều phía Biển Đông dâng cao vào kỳ nước rong (đợt 30-8 âm lịch), gặp nước sông Mekong di chuyển xuống dội lại làm tăng mực nước ở dải đất từ Hậu Giang qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Tất cả xảy ra trong bối cảnh nước biển dâng vẫn liên tục tăng, dù chỉ khoảng 3-4 mm/năm, nhưng do tích lũy nhiều năm nên thành đáng kể.Vì thế, với cùng một mức triều, tình trạng ngập các đô thị bây giờ trầm trọng hơn mấy mươi năm trước. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan trong giai đoạn 1991 - 2015, trung bình toàn ĐBSCL đã lún tích lũy 18cm và đang lún với tốc độ trung bình 1,1cm/năm.Khi nước lũ và thủy triều đụng nhau ở vùng giữa đồng bằng thì nước có rất ít không gian vì hiện nay vùng miệt vườn đê bao khép kín khắp nơi. Nước chỉ chảy trong sông rạch, không vào vườn ruộng được nên phải tìm không gian ở các đô thị gây ngập.Sạt lở gia tăng, ứng phó lúng túngTừ khoảng năm 2005 đến nay, ở ĐBSCL sạt lở bắt đầu nhiều hơn bồi tụ. Nguyên nhân chính là sự thiếu hụt phù sa và cát, nguyên nhân đằng sau là các đập thủy điện lưu giữ phù sa và khai thác cát dọc theo sông Mekong ở tất cả các quốc gia, nhiều nhất là ở Campuchia và ĐBSCL.Trong xu thế đó, năm qua sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL vẫn tiếp diễn, điển hình là vụ sạt lở quốc lộ 91 ở An Giang. Đến nay, Chính phủ đã chi nhiều ngàn tỉ đồng cho các địa phương để ứng phó nhưng nhìn chung các biện pháp vẫn chưa hiệu quả. Điều này dễ hiểu, bởi vì có rất ít giải pháp nội tại ở đồng bằng có thể ngăn chặn khuynh hướng sạt lở, dù công trình hay phi công trình vì chúng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là sự thiếu hụt phù sa và cát.Giảm thâm canhNăm qua một khuynh hướng mới đã xuất hiện ở ĐBSCL: Sau một thời gian dài canh tác thâm canh ba vụ, người dân ở nhiều vùng canh tác thâm canh đã bắt đầu bỏ lúa vụ ba. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An đã mở vài chục ngàn hecta để đón lũ vào đồng. Khuynh hướng giảm thâm canh này sẽ là tất yếu, do tình hình giá lúa gạo, nhu cầu thị trường thay đổi, và do canh tác thâm canh liên tục nhiều năm làm đất đai cạn kiệt, chi phí tăng nhanh, không bền vững.Tình hình sắp tới và hướng đi nào cho ĐBSCLVới tình hình lượng nước sông Mekong thấp kỷ lục như năm nay, có thể thấy mùa khô sau tết, đỉnh điểm hạn mặn tháng 3-4 năm 2020 có thể sẽ gay gắt. Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan.Việc dùng công trình để ngăn mặn khó hiệu quả vì ở những vùng đất mặn thì mặn từ trong đất ra. Khi bên trong thiếu nước thì ngăn mặn từ bên ngoài vào cũng ít tác dụng. Do đó, đối với những năm cực đoan, tốt nhất là cảnh báo sớm và né hơn là đương đầu.Tháng 10, đập Xayaburi là đập đầu tiên và tháng 11, đập Don Sahong là đập thứ hai trong chuỗi 11 đập dòng chính ở Lào đã vận hành chính thức. Trong tương lai, khi có thêm các đập dòng chính Mekong thì năm nào ở Lào lượng mưa ít, nước sông Mekong thấp thì các đập sẽ làm chậm đường nước đi, khô hạn trở nên gay gắt hơn.Cùng với việc gia tăng số đập thủy điện, lượng bùn cát về ĐBSCL sẽ ngày càng ít đi, sạt lở sẽ vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng. Khi nguyên nhân gây sạt lở (thiếu hụt phù sa, cát) vẫn còn nguyên, hệ quả sạt lở sẽ vẫn sẽ tiếp diễn.Do đó, vấn đề không phải là thiếu kinh phí, vì dù Chính phủ có chi ra bao nhiêu tiền thì vẫn luôn không đủ để chạy theo sạt lở. Vấn đề chính hiện nay là sự lúng túng khi ứng phó với các vụ sạt lở, dẫn đến những quyết định kém hiệu quả, gây lãng phí.Do đó, cần một khung hướng dẫn ra quyết định để ứng phó sạt lở một cách hiệu quả về chi phí và lợi ích: khi nào, nơi nào nên và có thể làm công trình, khi nào nên chấp nhận sạt lở, rút lui, tái định cư sớm, ổn định sinh kế người dân. Khai thác cát cần được quản lý theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông phía dưới và bờ biển.Trong tình hình khai thác nước ngầm vẫn tiếp tục gây sụt lún giữa bối cảnh nước biển dâng, sông ngòi thiếu không gian vì đê bao khắp nơi, các đô thị vùng giữa đồng bằng vẫn sẽ “đến hẹn lại ngập” vào kỳ nước rong gần ngày 30-8 âm lịch hằng năm.Trước mắt ở các đô thị có thể nghĩ tới các công trình ngăn triều cường, nhưng về lâu dài thì gốc rễ vấn đề cần được giải quyết là giảm sụt lún và tạo không gian cho nước trên bình diện đồng bằng. Muốn giảm sụt lún thì phải bớt sử dụng nước ngầm, phục hồi sông ngòi, chuyển hướng nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu mà sông ngòi phải gánh.Tinh thần nghị quyết 120 của Chính phủ xoay trục từ ưu tiên lúa sang thủy sản, xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên đã mở ra hướng đi mới cho đồng bằng. Một khi đã giảm thâm canh lúa, vùng ven biển chuyển đổi thuận theo mùa mặn ngọt thì các công trình ngăn sông, biển sẽ ít cần thiết. Sông ngòi ít bị cản trở, thông thoáng hơn sẽ giảm ô nhiễm và phục hồi.Năm qua cũng đánh dấu nhiều nỗ lực của Chính phủ đối với ĐBSCL. Tháng 6, Chính phủ đã sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết 120 giữa sự sốt ruột của nhiều đại biểu về việc chưa rõ những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, một nghị quyết với những định hướng chiến lược tầm cao như vậy, cần những chiến lược, chương trình để cụ thể hóa và thời gian để soạn thảo.Theo đó, Bộ KH-ĐT đang triển khai việc soạn thảo quy hoạch tích hợp cho ĐBSCL theo Luật quy hoạch mới 2017 và Bộ NN&PTNT đang soạn thảo chương trình tổng thể nông nghiệp ĐBSCL. Điều quan trọng là các chiến lược, chương trình này cần được gắn kết, ăn khớp với nhau thành một tổng thể hài hòa mới có thể giải quyết được những thách thức và tận dụng những cơ hội cho sự phát triển bền vững ĐBSCL.■Tổng quan về thủy văn sông MekongVới một năm trung bình, sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng nước mưa tại chỗ ở ĐBSCL và từ Tây Nguyên chỉ chiếm 11%. Do đó, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về. Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau tết.Lưu vực Mekong có thể chia làm 2 đoạn gồm thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển ĐBSCL. Ở đoạn thượng lưu vực, sông Mekong được gọi là Lan Thương Giang.Phần thượng lưu vực, với nguồn nước chủ yếu là từ tuyết tan ở cao nguyên Tây Tạng, đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16%, và Myanmar đóng góp 2%, còn lại 82% lượng nước Mekong là do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia, và ở tại chỗ ĐBSCL.Do đó, có thể nói, lượng mưa ở phần hạ lưu và tại chỗ là yếu tố quyết định lớn nhất đối với mực nước ĐBSCL. Trong 82% đó, lượng mưa ở phía tả ngạn, tức phía Lào đóng góp đến 35% tổng lượng nước. Phần lưu vực từ Thái Lan và Campuchia phía hữu ngạn đóng góp 18% mỗi nơi.Lượng nước mưa ở vùng hạ lưu vực lại phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong đó quan trọng là chu kỳ El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2-7 năm. Hiểu ngắn gọn, năm nào có El Nino thì năm đó mưa ít, El Nino càng mạnh thì mưa càng ít và ngược lại năm nào có La Nina trong lưu vực thì mưa nhiều. Tags: ĐBSCLChuyện nước ĐBSCLSạt lở gia tăngSông Mekong
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
7 chiếc tiêm kích Su30-MK2 bay trên bầu trời Hà Nội NAM TRẦN 25/11/2024 Trưa 25-11, bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2 cùng nhiều trực thăng Mi bay tập trên bầu trời quanh sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ông Trump sẽ dàn xếp chiến sự Ukraine, Israel ra sao? TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Để chứng minh mình là nhà lãnh đạo mong mỏi hòa bình và khác biệt chính quyền Biden, ông Trump đang tìm cách tạo ra một thế giới ổn định.