Những nạn nhân châu Á

HẢI MINH 29/02/2012 02:02 GMT+7

TTCT - Không chỉ các cầu thủ bóng đá da đen ở Anh, các ngôi sao châu Á đang hành nghề tại những cường quốc thể thao phương Tây cũng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc ở các mức độ khác nhau.

Phóng to
Các CĐV nhại tiếng khỉ trong một trận bóng đá ở Anh - Ảnh: Guardian.co.uk

Ngày 19-2, Hãng truyền hình ESPN đã tuyên bố sa thải một bình luận viên và tạm ngưng chức một người khác vì những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc nhằm vào Jeremy Lin, cầu thủ bóng rổ gốc Đài Loan của đội New York Knicks (xem TTCT số 7, ngày 19-2-2012). Cả hai đã dùng từ “chink”, một từ tiếng Mỹ có ý phân biệt chủng tộc và xúc phạm với người châu Á.

Theo Guardian, hầu hết cổ động viên cho rằng phải mất ít nhất năm năm một cầu thủ gốc Á mới có thể hòa nhập được với Premier League.

ESPN viết trong tuyên bố của họ: “Một lần nữa chúng tôi xin lỗi, đặc biệt là với anh Lin. Thành công của anh là niềm tự hào của cộng đồng người Mỹ - Á, bao gồm những nhân viên Mỹ - Á của ESPN. Với việc tự kiểm tra, cải thiện công tác biên tập và kiểm soát, cũng như đáp lại những phê bình xây dựng, chúng tôi sẽ làm tốt hơn trong tương lai”.

Một nhân viên của đài đã sử dụng từ “chink” trong tít một bản tin dùng cho điện thoại sau khi đội Knicks để thua đội New Orleans Hornets ngày 17-2. Đoạn tít được đưa lên khoảng 30 phút thì bị gỡ xuống. Quỹ bảo vệ quyền và giáo dục hợp pháp cho người Mỹ - Á ngày 18-2 đã ra tuyên bố gọi những bình luận của ESPN là “phân biệt chủng tộc và không thể tha thứ”. Vụ việc của Lin gây chú ý không chỉ bởi anh là một ngôi sao bóng rổ, mà còn vì anh sinh ra ở Mỹ, thậm chí có bằng cử nhân của Đại học Harvard.

Sự phân biệt đối xử có thể tệ hơn rất nhiều với những cầu thủ châu Á lập nghiệp ở phương Tây. Siêu sao bóng rổ Yao Ming là một trường hợp. Năm 2003 khi trả lời phỏng vấn, ngôi sao Shaquille O’Neal của đội Los Angeles Lakers đã bình luận: “Hãy nói với Yao Ming là ching chong yang wah ah soh”. Shaq không hề biết tiếng Trung Quốc, đó chỉ là một loạt âm thanh nhại tiếng vô nghĩa mang tính phân biệt chủng tộc với một cầu thủ vừa chân ướt chân ráo rời Thượng Hải tới Mỹ.

Trước đó, Shaq cũng từng nói sẽ thử xem Yao mạnh mẽ đến đâu “bằng một cú cùi chỏ vào mặt anh ta theo kiểu phim kung fu”. Có một điều khác biệt trường hợp của Lin: trong vụ của Yao không ai bị trừng phạt và hầu như mọi tờ báo ở Mỹ đều im lặng.

Ở châu Âu những vụ phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ bóng đá cũng khá phổ biến. Ki Sung Yueng, tuyển thủ Hàn Quốc từng chơi cho Celtic (Scotland), bị CĐV đội đối thủ St Johnstone xúc phạm bằng những động tác và âm thanh giả khỉ cũng như giả chó trên khán đài. Thật ra hầu như mọi cầu thủ châu Á chơi bóng ở châu Âu, kể cả những ngôi sao lớn nhất từ Shunsuke Nakamura tới Park Ji Sung, đều từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc cách này hay cách khác.

Nakamura khẳng định đây là vấn đề lớn trong sự nghiệp kéo dài gần 10 năm của anh ở châu Âu, từ Reggina (Ý) đến Celtic và Espanyol (Tây Ban Nha). Trong một phỏng vấn của trang mạng Uefa.com, Nakamura nói: “Rất khó cho một cầu thủ Nhật đến chơi bóng ở châu Âu. Có quá nhiều sự khác biệt, từ phong cách chơi bóng tới văn hóa. Đôi khi bạn còn bị phân biệt chủng tộc. Điều đó giải thích tại sao các cầu thủ Nhật hiếm khi đến chơi bóng ở Ý”.

Rào cản chủng tộc rất lớn không chỉ với những người đến từ châu Á, mà với cả chính dân châu Á bản địa. Một cuộc thăm dò của Ủy ban Bình đẳng chủng tộc ở Anh tiến hành năm 2004 cho thấy ở mùa giải 2003-2004, chỉ khoảng 0,8% cầu thủ dưới 16 tuổi ở các học viện bóng đá trẻ của những đội Premier League là dân châu Á, so với 10% cầu thủ da đen và khoảng 5% dân số là người gốc Á khi đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận