TTCT - Vì sao chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, bắt đầu hôm thứ năm tuần rồi, ngay trước cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd, đã trấn an được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, và làm điên đầu EU cùng NATO? Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Ankara hôm thứ năm tuần trước.-Ảnh: AP Đài Nga Russia Today hôm 1-10 đã trích lời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để chạy một tít bày tỏ tình hình bang giao hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khối EU: “EU đã làm chúng tôi mất niềm tin, chúng tôi không cần EU nữa, Erdogan nói”. Ông Erdogan nói rằng đất nước ông đã “dịu được ham muốn” trở thành thành viên EU, sau quá trình đàm phán chông gai kéo dài 12 năm. Ông lên án EU đã “chứa chấp” những kẻ tìm cách làm suy yếu sự cầm quyền của ông, trong đó có cánh của giáo sĩ Gulen (người bị cáo buộc là đã giật dây cuộc đảo chính bất thành năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ) cùng phe người Kurd đòi độc lập. Trước đó một ngày, RT loan một tin khác: “Matxcơva xác nhận đã nhận tiền đặt cọc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ cho việc đặt mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga” kèm kết luận ngắn: “Thỏa thuận được bàn bạc kỹ này có thể báo trước những quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước, cũng như sự nứt rạn ngày càng tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO của mình”. Xe duyên mới Các tin tức trên của RT, phản ánh đúng thực tế, đánh dấu chuyển biến kinh thiên động địa kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952 (cùng Hi Lạp, trước cả Tây Đức năm 1955, và Tây Ban Nha năm 1982). Trong 65 năm qua, thật khó ngờ rằng, đừng nói là nghĩ rằng, có ngày Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn quay lưng lại với liên minh quân sự mà trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có lực lượng quân sự lớn thứ nhì toàn khối, với 640.000 quân, chỉ sau Mỹ, bỏ xa nước thứ ba là Pháp (220.000 quân), thứ tư là Anh (200.000 quân), và thứ năm đồng hạng là Đức, Hi Lạp, Ý (đều có 180.000 quân). Trong suốt hơn 60 năm làm thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí là tiền đồn của NATO ở phía Đông với một quân đội hùng mạnh (bởi thế mới thắng Hi Lạp trong cuộc chiến tranh giành đảo Chypre năm 1974). Cách đây gần hai năm, Thổ Nhĩ Kỳ còn xông xáo đến mức lệnh cho một chiếc F-16 bắn hạ một máy bay Su-22 của Nga vì cho rằng chiếc máy bay này đã vượt qua biên giới. Vậy mà giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ muốn nói lời chia tay với NATO, EU và quay qua bắt tay Nga, lại còn mua S-400 của Nga, tức hợp tác quân sự với Nga. Cơn “địa chấn” mà ông Erdogan tạo ra ở các thủ đô các nước thành viên EU và NATO đã được RT loan tin thật sớm, không khác gì xát muối vào vết thương của mối quan hệ Thổ - EU và NATO. RT trưa 28-9 đưa tin: "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ để gặp đối tác Recep Tayyip Erdogan vào lúc mà mối quan hệ giữa hai quốc gia này tiếp tục tan băng”. Đài này cho biết trước đó “các nhà lãnh đạo đã trò chuyện qua điện thoại hôm thứ hai, thảo luận về Syria, bao gồm vấn đề các khu vực giảm leo thang - một sáng kiến của Nga được Iran và Thổ Nhĩ Kỳ môi giới - và việc giải quyết chính trị của cuộc khủng hoảng này. Các bên đã đồng ý tiếp tục thảo luận về vấn đề Syria trong chuyến thăm của Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ năm này”. Quả là những tin tức phát phiền khi mà mới chỉ trước đó không đầy hai ngày, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng thời là “minh chủ” của Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã dành không ít thời gian để lên án Iran, vậy mà giờ đây RT lại loan tin chính Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã “môi giới một sáng kiến của Nga” cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Chẳng biết từ bao giờ Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO lại liên kết với Iran, trong khi “ông chủ” của NATO đang ra sức công kích Iran. Nhưng thật ra, NATO, trên bề nổi, chưa công kích sự hợp tác quân sự này, mà mới chỉ gián tiếp can, vịn lý do thuần túy kỹ thuật. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói hệ thống phòng không S-400 “sẽ không tương thích với các hệ thống của NATO”. Tất nhiên ai cũng biết rõ sự khác biệt giữa hai hệ thống vũ khí, vậy Bộ trưởng Mattis nhắc lại điều mà ai cũng biết để làm gì? Thật thản nhiên, ông Erdogan trả lời rằng Ankara không có ý định chờ đợi việc NATO bảo vệ các đồng minh: “Quý vị mong chờ điều gì? Chúng tôi có nên chờ quý vị không? Chúng tôi tự chăm sóc an ninh của chúng tôi thôi”. Ông Erdogan nói thêm: “Họ (tức NATO) đã phát điên bởi vì chúng tôi đã xong thỏa thuận S-400”. “Nhận tiền cọc xong, Nga sẽ bắt đầu giao S-400 trong vòng hai năm tới” - Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết thêm. Có thể ngầm hiểu mặt trái của sự kiện này như sau: Đằng sau cơn giận dữ của NATO trước việc Thổ Nhĩ Kỳ sắm hệ thống phòng không S-400 của Nga là... nỗi lo sẽ có ngày Thổ Nhĩ Kỳ chĩa các dàn S-400 này sang phía châu Âu, đặc biệt về phía các nước thành viên NATO, chứ không về phía Nga như từ hơn 60 năm qua. Tức Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ thôi là đồng minh trong khối NATO mà “trở giáo” biến thành đồng minh của Nga... Nguy cơ nữa là, có ngày Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ những hiểu biết của mình về NATO cho Nga, hoặc cho Nga mượn “xem” các vũ khí thuộc hệ thống của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ đang làm chủ, hoặc hơn thế nữa là “hợp tác với Nga” ở Syria. Chung tuyến với Nga tại Syria Nguy cơ sau cùng này đã là sự thật. RT đưa tin về một nội dung thảo luận khác giữa hai ông Putin và Erdogan: “V. Putin đã gọi những tiến bộ trong giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria là “thành công chung” giữa Matxcơva và Ankara sau khi hội đàm với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói các thỏa thuận đã tạo ra những “điều kiện” để chấm dứt cuộc đổ máu ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này”. Giải pháp đó là việc thiết lập các “khu vưc giảm leo thang”, bao gồm khu vực Đông Ghouta, khu vực Homs, Hama, Latakia, khu vực Aleppo và Idlib, cũng như các vùng ở miền Nam Syria. Việc thiết lập bốn khu vực giảm leo thang đã được ký kết bởi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, và được Chính phủ Syria thông qua vào tháng 5-2017 tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Thỏa thuận cuối cùng về khu vực giảm leo thang ở khu vực Idlib đã được ký vào ngày 15-9 vừa qua. Sáng kiến này nhằm mục đích tách các nhóm cực đoan, bao gồm cả những kẻ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Mặt trận Jabhat al-Nusra, khỏi phe đối lập ôn hòa. Thỏa thuận này cũng dự trù một cơ chế theo dõi ngừng bắn ở những khu vực này. Trong sáu tháng sau khi hiệp định từng khu vực có hiệu lực, các lực lượng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo dõi tình hình để giúp duy trì ngừng bắn và chống khủng bố. Trong cuộc họp báo tại thủ đô Ankara sau cuộc gặp ông Erdogan, ông Putin tuyên bố: “Các khu vực giảm leo thang này trong thực tế đã tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc kết thúc cuộc nội chiến ở Syria và cho thất bại chung cuộc của bọn khủng bố, cũng như cho việc người dân Syria quay lại với cuộc sống bình thường”. Ông Putin cũng ca ngợi vai trò mà ông Erdogan đã đóng như là một trong những người đã đề xướng ra thỏa thuận này. Trao đổi được gì? Khúc quẹo mới này đem lại cho ông Erdogan những gì? Trước hết là một đảm bảo trước nguy cơ người Kurd ly khai. Ba ngày trước khi người Kurd trưng cầu dân ý về nền độc lập của mình, hôm 28-9, cả hai ông Putin và Erdogan cùng tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý này là không hợp pháp, rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí rằng sự vẹn toàn lãnh thổ của Iraq và Syria phải được bảo toàn. Trước sự chứng giám của ông Putin, ông Erdogan cảnh cáo người Kurd ở Bắc Iraq đừng phạm thêm những sai lầm to lớn hơn. Đây là vật trao đổi quan trọng nhất mà ông Erdogan mong đợi từ ông Putin ngay trước khi người Kurd ở Bắc Iraq tổ chức trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Bắc Iraq mà ông Putin và ông Erdogan đã “bắn chặn” từ trước như thế phản ánh ước ao của người Kurd đang tha hương ở Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ từ sau thỏa thuận (mang tên hai nhà đàm phán người Anh và Pháp, tên là Sykes và Picot, năm 1916, còn gọi là thỏa thuận Tiểu Á, “chia ba” khu vực này giữa Anh, Pháp và Nga) khiến không còn chỗ dung thân cho hơn 2 triệu người Kurd lúc đó. Nay thì người Kurd, đông đến hơn 30 triệu người vẫn không có “đất cắm dùi” để lập quốc trở lại. Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không thích một viễn tượng độc lập của người Kurd vốn đã mấy lần nổi dậy dưới lá cờ của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) vì như thế đơn giản là phải mất đất, mất chủ quyền. Trong số các trao đổi nhận được từ quan hệ với Nga qua chuyến thăm của ông Putin, cam đoan về vấn đề người Kurd này là rất có ý nghĩa, góp phần vào tính chính đáng của ông Erdogan, mà từ khi bị đảo chính và thoát nạn, đã thanh trừng hàng loạt, sửa đổi hiến pháp... bị bên ngoài, chủ yếu là EU, chỉ trích là độc tài. Những thỏa thuận khác nối lại trao đổi kinh tế, thương mại, thậm chí cả thỏa thuận hạt nhân với Nga... càng củng cố vị thế của ông Erdogan, nhất là sau khi ông đã “giải thích” đủ lý do chán ngán EU và NATO. Trong lúc ông Erdogan muốn nói lời chia ly với EU và NATO, ngược lại, bên phía này cũng dấy lên những ý kiến “đã đến lúc tống cổ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO” vì thấy ông Erdogan hành xử chuyên chế, ngược với những chuẩn mực của khối này. Ông Erdogan chọn Nga vì đây không hề là vấn đề khiến Nga “xét giấy” ông Erdogan. ■ Tags: NATONga thổThổ Nhĩ KìBạn mới bạn cũ
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn NAM TRẦN 23/11/2024 Lễ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã diễn ra vào chiều nay 23-11.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.