Những người chăm mây

TRÚC ANH 11/05/2023 07:38 GMT+7

TTCT - Với những người làm việc ở các trung tâm dữ liệu, "đám mây" không đơn thuần là một thứ cơ sở hạ tầng họ phải bảo dưỡng, mà là một lối sống, một nhân dạng, một văn hóa, với những tiêu chuẩn, nghi thức và ngôn ngữ riêng.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Để vinh danh những anh hùng thầm lặng, ngày đêm giữ không để các dịch vụ online bị gián đoạn nhưng ít được báo chí hay sách vở nhắc tới, Steven Gonzalez Monserrateis, một "nhà nhân học đám mây" (cloud anthropologist), đã dành nhiều năm đến một số trung tâm dữ liệu để mắt thấy tai nghe và kể lại chuyện của những người chăm mây.

Các trung tâm dữ liệu đúng là những tòa nhà lạnh lẽo, với những khay máy chủ xếp chồng chất như núi, giữa những dây nhợ, đèn đóm. Nhưng ở đó còn có những người chăm mây, những con người bằng xương bằng thịt, mà với họ, "đám mây" không đơn thuần là một thứ cơ sở hạ tầng họ phải bảo dưỡng, mà là một lối sống, một nhân dạng, một văn hóa, với những tiêu chuẩn, nghi thức và ngôn ngữ riêng.

Khi có sự cố xảy ra, ta thường khó chịu vì email không gửi được, trang web mở không ra, bộ phim đang stream bị đứng giữa chừng. Những gián đoạn như thế, dù là trong chốc lát, là điều không thể chấp nhận với những người ở "phía bên kia" của đám mây. 

"Họ không coi mình là người máy hay những bánh răng trong một cỗ máy được tối ưu hóa hoàn hảo, mà là những thợ săn, lính cứu hỏa... những người phải tạo, tìm hoặc phát minh ra những cách đáp ứng các đòi hỏi bất khả về một đám mây không được phép nghỉ ngơi" - Monserrateis, hiện đang làm tiến sĩ tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), viết cho tạp chí Aeon.

Với các trung tâm dữ liệu, cái nóng là kẻ thù vô hình và là nguồn cơn của hiểm nguy. "Chúng tôi có đủ thứ mô hình máy tính, cảm biến và thiết bị, nhưng có những chuyện bạn phải tự mình cảm nhận. Bạn có thể nhận ra khi nào nóng đúng không? Và cả nghe được cái nóng nữa - những cái quạt tản nhiệt sẽ rú lên" - Tom, làm việc tại Trung tâm dữ liệu Boston (Massachusetts, Mỹ), nói với Monserrateis khi để cô cùng theo anh xử lý sự cố lúc 3h sáng, một ngày tháng 8-2015.

Với đôi tai của người thường, không có cách nào phân biệt được tiếng quạt quá nhiệt giữa những âm thanh máy móc ồn ào ở trung tâm dữ liệu. Nhưng Tom thì có - anh phân biệt được từng tiếng bíp hay nhịp xung trong bản hợp xướng tiếng ồn đến từ máy lạnh, hệ thống phát điện, máy chủ, thiết bị báo khói, hệ thống phòng cháy. Anh là thợ săn sự cố - phát hiện máy chủ nào đang quá nóng chỉ bằng cách dỏng tai nghe tiếng quạt tản nhiệt.

Tom có nhiệm vụ "bảo vệ sức khỏe" cho trung tâm dữ liệu này, nghĩa là phải ngăn bất kỳ hình thức gián đoạn dịch vụ (downtime) nào. Downtime có thể gây thiệt hại hàng ngàn USD/phút hoặc hơn, vì thế Tom phải luôn cảnh giác. Với anh, downtime đồng nghĩa với thất bại, không chỉ theo nghĩa kỹ thuật mà còn trách nhiệm cá nhân.

Trong một trung tâm dữ liệu của Microsoft. Ảnh: Microsoft

Trong một trung tâm dữ liệu của Microsoft. Ảnh: Microsoft

Tom mô tả công việc của mình như một nhà hàng hải - quan sát một vùng biển với thủy triều, các dòng đối lưu và bề mặt nước để phát hiện những đợt nhiệt bất thường. Baldur, đồng nghiệp của Tom tại một trung tâm dữ liệu ở Iceland, lại cho rằng nghề này như lính cứu hỏa: ngăn các "đám cháy" - tức sự cố - xảy ra bằng mọi giá, hoặc dập ngay trước khi chúng lan rộng.

Baldur còn nghĩ xa hơn về công việc của mình. Anh cho rằng vận hành tốt một trung tâm dữ liệu sẽ góp phần đặt nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau của Iceland, khi đất nước họ, mà như anh nói, vốn "chỉ là một tảng đá ở giữa Bắc Đại Tây Dương", không chỉ làm du lịch mà còn trở thành một thiên đường để đặt trung tâm dữ liệu nhờ tài nguyên thiên nhiên và cả con người.

Tài nguyên thiên nhiên của Iceland thì đã rõ: nhiệt độ mát lạnh quanh năm chính là hệ thống tản nhiệt bền vững, thân thiện môi trường và miễn phí, còn năng lượng tái tạo (thủy điện và địa nhiệt) thì dồi dào. Nhưng còn con người? 

Baldur giải thích đó là sự háo hức "học cách thực hiện mọi nhiệm vụ với tinh thần của lính cứu hỏa" của người Iceland, vì làm việc chăm chỉ đã ăn vào máu của họ. "Tôi là lãnh đạo, nhưng cô sẽ thấy tôi thường ở phòng kỹ thuật, kiểm tra dây cáp hoặc giúp tháo dỡ thiết bị... Mô tả công việc không có nhiều ý nghĩa ở đây, vì tất cả chúng tôi đều làm việc chăm chỉ để hoàn thành những gì cần làm" - anh nói thêm.

Bên trong trung tâm dữ liệu Verne Global ở Iceland.

Bên trong trung tâm dữ liệu Verne Global ở Iceland.

Nơi đặt những cỗ máy vận hành đám mây, vốn phải phòng ngừa mọi sự cố kỹ thuật, có khi lại trở thành nơi ẩn tránh của cộng đồng địa phương khi xảy ra khủng hoảng trong đời thực, như một trận cuồng phong chẳng hạn.

Tháng 9-2017, bão Maria quét qua vùng Caribê, một trung tâm dữ liệu ở San Juan, Puerto Rico đã tham gia nỗ lực cứu trợ và phục hồi của chính phủ bằng cách mở cửa để người dân từ khắp hòn đảo này đến sơ tán. "Mặc dù gần như cả Puerto Rico bị mất điện, chúng tôi vẫn có máy phát điện và không bao giờ mất kết nối mạng. Chúng tôi cho người dân vào để họ sạc điện thoại hoặc dùng mạng để xác định vị trí của gia đình. Các quan chức chính phủ cũng đến đây để thành lập trung tâm điều phối cứu trợ và cứu hộ" - Ricardo, người "chăm mây" ở trung tâm, giải thích.

Gia đình Ricardo cũng phải đến trú ở đây gần một tháng. "Đây là nơi an toàn nhất lúc đó, sếp của tôi cho phép chúng tôi ở lại, vì đó là lúc khủng hoảng mà". "Trung tâm dữ liệu của chúng tôi như một giáo đoàn, và chúng tôi giống như linh mục vậy" - Ricardo dí dỏm.

Sau những chuyến thực tế từ vùng lạnh giá đến hòn đảo nhiệt đới, Monserrateis đúc kết rằng "chăm mây" hay quản lý, vận hành một trung tâm dữ liệu không chỉ là chồng các máy chủ lên nhau, tháo lắp dây cáp, xử lý máy cũ... Điều quan trọng nhất là các trung tâm dữ liệu "không được điều khiển bởi người làm việc như cái máy, hoặc những người ít vận động, chuyên ngồi trên những chiếc ghế xoay và bấm nút".

Những câu chuyện được kể từ bên trong các trung tâm dữ liệu cho thấy "đám mây" cũng có ý nghĩa về mặt nhân học như công nghệ, vừa logic nhưng cũng vừa cảm xúc, vừa ảo mà lại vừa thật. Những người chăm sóc vô hình cho thế giới trực tuyến của chúng ta cũng có khuyết điểm và là con người như chúng ta, nhưng họ cũng là người hùng: nhờ họ mà mọi thứ trên không gian số hoạt động.

"Lần tới khi bạn vào web, kiểm tra email hoặc nghe nhạc trực tuyến, hãy nghĩ về họ và những câu chuyện của họ - những người ở phía bên kia của đám mây" - Monserrateis kết luận.

"Cuộc đổ xô tìm vàng" trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng hai con số cho ngành trung tâm dữ liệu trong năm năm tới, theo báo cáo tháng 4 của từ JLL.

Nhà cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư bất động sản này dự báo một nửa số trung tâm dữ liệu sẽ được sử dụng để hỗ trợ các chương trình AI vào năm 2025. Nhu cầu về dung lượng dữ liệu khổng lồ và sức mạnh điện toán của các ứng dụng AI mới sẽ cần nhiều năng lượng hơn và không gian mở rộng hơn cho các dịch vụ trung tâm dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở cho thuê chỗ đặt máy chủ. Đây cũng là một khu vực tăng trưởng tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản thương mại.

Công suất của các trung tâm dữ liệu được đo bằng tiêu thụ điện năng, phản ánh số lượng máy chủ cơ sở đó có thể chứa. Tại Mỹ, nhu cầu trung tâm dữ liệu dự kiến đạt 35GW vào năm 2030, so với 17GW năm 2022, theo phân tích của McKinsey. Mỹ chiếm gần 40% nhu cầu trung tâm dữ liệu toàn cầu.

Trong khi đó, theo tạp chí Nikkei, Tokyo đang thách thức ngôi vị trung tâm đặt trung tâm dữ liệu châu Á của Bắc Kinh. Trước hết, trong tương lai gần, từ ba đến năm năm tới, Tokyo sẽ lấy ngôi vị thứ 2 hiện tại từ Singapore.

Công suất của các trung tâm dữ liệu ở vùng thủ đô Tokyo đạt tổng cộng 865MW vào cuối năm 2022, bằng một nửa so với Bắc Kinh, nhưng có thể đạt 1.970MW sau ba đến năm năm, trong khi Bắc Kinh được dự đoán sẽ tăng công suất lên 2.069MW, theo báo cáo của Cushman & Wakefield. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, tính đến 2022 có hơn 70 trung tâm dữ liệu đang hoạt động tại Singapore với tổng công suất khoảng 1.000MW.

Theo Nikkei, các nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ trung tâm dữ liệu ở Nhật là: làn sóng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước, sự gia tăng số nhân viên làm việc tại nhà và lo ngại của một số doanh nghiệp nước ngoài về việc sử dụng trung tâm dữ liệu Trung Quốc.

Tuy nhiên, thách thức với Tokyo trong cuộc đua trở thành số 1 là làm sao giữ chi phí thấp, khi giá điện ở thủ đô Nhật Bản đắt gấp hai đến ba lần so với ở Trung Quốc. Singapore từng thua Malaysia và Thái Lan trong một số cuộc đấu thầu cung cấp trung tâm dữ liệu do giá điện và đất cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận