TTCT - Để mô tả thế hệ cử nhân đại học thất nghiệp hoặc có mức lương không đủ sống, mạng xã hội Trung Quốc dùng khái niệm "thế hệ đuôi chuột". Tấm bằng đại học, mang kỳ vọng và suất đầu tư quá lớn của mỗi gia đình, là cái đầu voi. Đường xu hướng thể hiện nghịch lý: ngân sách càng thấp, chi trả trên mỗi mét vuông càng cao. Nguồn: World Bank Cuộc sắm sửa đầu voi của các gia đình Việt Nam cũng rầm rộ không kém nền khoa cử Á Đông nào. Nó có thể kéo dài từ 6 - 8 năm, từ lúc một học sinh bắt đầu bước chân vào cổng trường cấp III đến khi tốt nghiệp đại học.Suất đầu tư đang có xu hướng tăng. Báo cáo của World Bank khẳng định tỉ lệ chi tiêu cho giáo dục đại học của một hộ gia đình Việt Nam, trung bình từ năm 2010 đến 2018, đã tăng gần gấp rưỡi, từ 8% lên 11,5%.Công cuộc đi tìm một căn nhà trọ có lẽ phản ánh rõ nét nhất tình hình của suất đầu tư và suất sinh lợi nơi tấm bằng đại học.Nhìn từ căn phòng trọTháng 8, trước mùa khai giảng, phụ huynh và con cái bắt đầu lên các thành phố lớn để chuẩn bị hạ tầng đón đầu voi. Trong những ngõ nhỏ quanh các đại học lớn, trước những "chung cư mini", người ta thấy họ đứng cạnh người môi giới bất động sản, với dáng điệu dễ nhận diện. Họ tần ngần nhìn lên cửa sổ căn phòng trọ vừa xem, mải mê suy tính; người môi giới bên cạnh nói liên tục, luôn có dáng vẻ đang phân trần.Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã thực hiện cuộc khảo sát mini với 85 khu trọ tại Hà Nội và TP.HCM, thông qua tin rao cho thuê nhà trên các hội nhóm, với phòng cho thuê giá từ 1 - 5,5 triệu đồng, tập trung tại các quận ngoại vi, nơi có nhiều trường đại học và khu trọ sinh viên, như Gò Vấp, Tân Bình (TP.HCM) hay Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm (Hà Nội).Giá thuê trung bình mỗi mét vuông theo tháng, ở 43 khu được khảo sát của Hà Nội, là 241.000 đồng/mét vuông. Tại TP.HCM, con số này là 360.000 đồng. Diện tích càng nhỏ thì chi phí để có một mét vuông sống càng cao.Bất chấp các chính sách lý tưởng, thị trường nhà trọ tại 2 đô thị lớn nhất nước vẫn đang cung ứng nhiều căn buồng chỉ kê vừa một chiếc nệm, không có nhà vệ sinh riêng và thường xuyên không có cửa sổ. Tại Hà Nội, những căn buồng có diện tích dưới 10 mét vuông sẽ có giá trung bình 400.000 đồng/mét vuông; tại TP HCM, nếu chọn kiểu "chỗ ngả lưng" này, giá là 500.000 đồng.Nói đơn giản, người thuê trả hơn 1 triệu đồng thì chỉ được một căn "buồng" kê vừa đúng tấm nệm đơn và một lối đi. Ngược lại, với 4,5 triệu, căn phòng sẽ có diện tích 28 mét vuông, tức giá theo mét vuông bằng 1/3. Giá cũng rẻ hơn với phòng không có nhà vệ sinh riêng hoặc cửa sổ trời. Tất nhiên, phòng với giá thuê trên 5 triệu đồng, ngoài diện tích, sẽ còn kèm nhiều tiện ích, bao gồm cả tủ lạnh, máy giặt và bình nước nóng.Chất lượng sống không dừng lại ở diện tích và tiện ích nơi trọ. Trong 85 khu được khảo sát, chỉ 5 khu khẳng định "đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy" và duy nhất một khu ở Nam Từ Liêm cẩn thận thông báo "có lối thoát hiểm".Mức thu nhập trung bình của hộ gia đình nông thôn Việt Nam không đồng thuận với giá phòng trọ hơn 5 triệu mỗi tháng ở đô thị lớn. Trung bình, mỗi người dân khu vực nông thôn có thu nhập chỉ 3,86 triệu đồng/tháng.Nếu lấy mức giá một "chỗ ngủ" trên dưới 3 mét vuông, là 1,5 triệu đồng, cộng với mức sống tối thiểu (1,68 triệu đồng/tháng), cộng thêm mức học phí đại học tối thiểu (10 triệu đồng/năm), con số đã lên tới gần 4 triệu đồng/tháng, tức một người đi làm ở nông thôn không nuôi nổi một người học đại học. Và đó là giả định tối thiểu, vốn đừng mơ đáp ứng nổi thực tiễn.Nỗ lực tạo "đuôi voi"Khảo sát mức thu nhập của các nhóm lao động Việt Nam theo học vấn chỉ ra: nhóm có bằng đại học đang tụt lại về tương quan so với các lao động có trình độ thấp hơn. Nếu lấy người chưa tốt nghiệp tiểu học làm mức cơ sở thì thu nhập của nhóm có bằng đại học tại Việt Nam đã giảm 30% trong 10 năm qua.Điều này không có nghĩa là thu nhập trung bình của người học đại học giảm, mà là nó không tăng nhanh bằng mức tăng của phần còn lại, những người chỉ tốt nghiệp tiểu học hoặc phổ thông, vốn đa phần tham gia thị trường lao động giản đơn. Suất sinh lời sụt giảm, trong khi suất đầu tư tăng lên, nêu ra nhiều câu hỏi với tấm bằng đại học.Ngành giáo dục nhận thức được vấn đề. Văn kiện Đại hội Đảng XIII khẳng định: "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội". Thống kê về tỉ lệ thất nghiệp, các khảo sát thể hiện sự không hài lòng của nhà tuyển dụng, và cả kiểm điểm của chính ngành giáo dục, cho thấy quá nhiều cải cách cần được thực thi.Chiến lược mới nhất của cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đều khẳng định tôn chỉ "lấy người học làm trung tâm" và thậm chí đi xa hơn, với tầm nhìn "cá nhân hóa" quá trình học thông qua phân tích dữ liệu.Tuy nhiên, khó khăn đến ngay từ khâu thu thập dữ liệu. "Các trường thành viên của hai Đại học quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) và Đại học vùng (Đại học Đà Nẵng) sử dụng nhiều phần mềm thương mại/hoặc tự xây dựng phần mềm riêng biệt để quản lý lượng lớn dữ liệu và thông tin. Nhiều hệ thống này đã lỗi thời và đặc tính dữ liệu không được chuẩn hóa đầy đủ. Việc thiếu hệ thống thông tin quản lý tích hợp, toàn diện sẽ ngăn cản việc tổng hợp dữ liệu cần thiết để có thể dễ dàng tiến hành phân tích nhằm cung cấp thông tin làm cơ sở ra ra quyết định cho các đại học", Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER), do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ và 3 đại học lớn tại Việt Nam thực hiện, khẳng định trong một đánh giá năm 2021.Việc thiếu liên thông dữ liệu ngay từ các trường, khoa và trung tâm thành viên trong một đại học được các trường nhìn nhận từ nhiều năm qua. Trong bài viết năm 2022 trên Vietnamnet, PGS.TS Vũ Hải Quân, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, thừa nhận hệ thống dữ liệu của trường còn "rời rạc".Một nguyên nhân dễ nhận thấy là ngân sách đầu tư thấp và nhỏ giọt, dẫn tới việc các đơn vị phải mua "phần mềm riêng biệt" thay vì đầu tư toàn hệ thống.Nguồn: World BankCả hai Đại học Quốc gia đều đang phải xây dựng lại kiến trúc quản lý thông tin. Nhờ hỗ trợ của Dự án PHER, Đại học Đà Nẵng cũng đang tham gia quá trình này. Họ tin rằng thành công trong xây dựng một kiến trúc quản lý thông tin, liên thông dữ liệu sẽ trở thành hình mẫu cho các trường trong cả nước.Nhưng liên thông dữ liệu và hiểu người học chỉ là một bước nhỏ. Theo Dự án PHER, nỗ lực đổi mới tập trung vào 4 trụ cột. Đầu tiên là "quản trị", trong đó hoạt động chính bao gồm xây dựng hệ thống thông tin quản lý, bộ chỉ số đo lường hiệu quả chính (KPI), và hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ cho các trường. Thứ hai là "dạy và học", chủ yếu là mở rộng cơ hội nâng cao chuyên môn cho giảng viên. Thứ ba là "đổi mới", tập trung vào nâng cao năng lực nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Và thứ tư là kết nối đại học với doanh nghiệp.Con đường duy nhấtNhững căn buồng hơn 2 mét vuông không ngăn được giấc mơ gửi gắm niềm tin cho giáo dục đại học. Ngay cả những thống kê chấn động, như 200.000 cử nhân thất nghiệp hoặc không có công việc đúng chuyên môn (2020) cũng không làm chùn bước các gia đình muốn đầu tư cho con cái theo đường đại học. Lượng xét tuyển đại học trong lần thống kê gần nhất, mùa tuyển sinh 2023 so với 2022, vẫn đang tăng. Mùa tuyển sinh mới nhất, theo thống kê của Bộ GD-ĐT tới 30-7-2024, cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 11% so với năm ngoái.Một nguyên nhân khiến khoảng cách thu nhập giữa người có bằng đại học và người chỉ học phổ thông tại Việt Nam thu hẹp, theo World Bank, là do cơ cấu của nền kinh tế trong 20 năm qua. Cùng với việc thu hút vốn FDI mạnh mẽ ở các ngành gia công, chế biến, hàng triệu việc làm không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao đã được tạo ra, cải thiện mặt bằng thu nhập của đội ngũ lao động phổ thông. Tương lai này có thể còn tiếp diễn trong thời gian trước mắt, khi Việt Nam, cùng đội ngũ lao động giá rẻ, hưởng lợi từ các hiệp định FTA.Nhưng nếu nhìn vào mục tiêu của Chính phủ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ thấy rằng đó không hề là một tương lai được hoạch định.Đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu có tới 45% giá trị các ngành chế biến, chế tạo thuộc về "sản phẩm công nghiệp công nghệ cao". World Bank thậm chí còn khẳng định hệ thống đào tạo sau phổ thông tại Việt Nam hiện cần bổ sung thêm cả triệu chỉ tiêu tuyển sinh cho đến năm 2030.Nếu xác định "nền kinh tế theo hướng hiện đại" là mục tiêu thì giáo dục đại học trở thành con đường được lựa chọn - với cả quốc gia, và với ước mơ của nhiều gia đình. Bất chấp các thực tại của hạ tầng đô thị, chất lượng sống và suất đầu tư. Và như thế, việc cải thiện chất lượng nội tại của hệ thống giáo dục đại học trở thành nhiệm vụ bắt buộc.■ Tags: Mạng xã hộiTốt nghiệp đại họcTrung QuốcGiáo dục đại họcĐầu voi đuôi chuột
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ “lăn bánh” chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".