Những người thích ghẹo kẻ lừa đảo

HOÀNG THI 18/11/2022 06:56 GMT+7

TTCT - Lừa đảo kiểu gọi điện đe dọa "có biên lai giao thông" rồi bắt nạn nhân chuyển tiền nộp phạt, hay nhắn tin lừa đầu tư đang là vấn nạn khắp thế giới. Nhưng cũng đã có những "hiệp sĩ", họ giả vờ bị mắc lừa để trêu ghẹo kẻ lừa đảo, với mục tiêu khiến chúng không còn thời giờ đi gạt người khác.

Những người thích ghẹo kẻ lừa đảo - Ảnh 1.

Rosie Okumura đang "ghẹo" một kẻ lừa đảo bằng cách xưng tên bịa đồng âm với từ "tiêu chảy" trong tiếng Anh. Ảnh chụp màn hình

Những người chọc ghẹo kẻ lừa đảo (tiếng Anh gọi là scambaiter) chia sẻ bản ghi âm hay video quay lại những cuộc gọi trêu đùa đó lên mạng, vừa mua vui vừa làm bài học cảnh tỉnh cho cộng đồng.

"Thánh lừa" gặp "siêu ghẹo"

Cơ quan chức năng Việt Nam gần đây đã liên tục cảnh báo người dân về các cuộc gọi lừa đảo, mạo danh công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế, ngân hàng... Ở Mỹ cũng có những cuộc gọi như thế, và những kẻ lừa đảo có lẽ sẽ ước đầu dây bên kia không phải là Rosie Okumura, scambaiter 35 tuổi, ở Los Angeles.

Từng là diễn viên lồng tiếng, Rosie Okumura sở hữu biệt tài nhái giọng, nhờ vậy gạt được những "thánh lừa" bằng những màn biến hóa khôn lường, khi thì sắm vai một bà lão già cả dễ tin người, khi là một đứa trẻ còn non nớt khờ khạo, thậm chí có khi cô nói bằng giọng ca sĩ Britney Spears khiến kẻ lừa đảo tin sái cổ.

Tất nhiên sau vài chục phút đến cả tiếng đồng hồ vờn nhau, Okumura dễ dàng cúp máy, để lại một đối thủ đã hao tâm tổn sức nhưng chẳng thu lại được gì. Okumura và những scambaiter khác tin rằng nếu không "bận" trò chuyện với họ, chừng ấy thời gian đã đủ để chúng tiếp cận một vài nạn nhân khác và có thể sẽ thành công.

Tất cả những màn "lột mặt nạ" kẻ lừa đảo trực tuyến đều được Okumura ghi lại và chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân, hiện đã có hơn 1,5 triệu người theo dõi. Các video của Okumura đều nhẹ nhàng, pha sự hài hước, giúp người xem vừa nhận ra những mánh khóe lọc lừa, vừa được giải trí.

Năm 2019, Okumura chứng kiến chính người mẹ 60 tuổi của mình bị lừa. Khi đó, máy tính của bà bỗng hiện thông báo, có logo Windows hẳn hoi, rằng máy đã bị nhiễm virus, kèm theo số điện thoại tổng đài trợ giúp khẩn cấp. "Mẹ tôi đã gọi điện vô số đó và mở luôn cho kẻ lừa đảo quyền truy cập từ xa cho họ vào máy tính của mình. Họ đã đánh cắp thông tin cá nhân, bao gồm cả số an sinh xã hội của bà" - Okumura kể với The Guardian.

Sau khi bảo mật lại dữ liệu, Okumura gọi lại số hotline đó, đóng vai nạn nhân ngây thơ, nài nỉ hãy cứu gấp chiếc máy tính của mình. Okumura quay cuộc gọi dây dưa 45 phút ấy rồi đăng tải lên mạng xã hội, tức thì nhận được hàng ngàn lượt thích và chia sẻ. Từ "chiến tích" đầu tay này, cô bước vào con đường trở thành vlogger khắc tinh của những "thánh lừa", đăng tải trên trang cá nhân hơn 200 video về chủ đề này cho tới nay.

Thời gian qua, mạng xã hội Việt Nam lan truyền một vài đoạn video ghi lại những màn đối đáp "tung hứng" của các cá nhân với những tên lừa đảo qua điện thoại một cách hài hước. "Mình nhây với tụi lừa đảo, tụi nó cũng tốn tiền điện thoại nữa" - P.N., chủ tài khoản một Facebook từng đăng tải đoạn video ứng xử hài hước với một nhóm lừa đảo tiền phạt nguội, chia sẻ.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Suốt 7 năm qua, YouTuber người Bắc Ireland Jim Browning đều đặn đăng video vạch trần những tay lừa đảo trực tuyến lên kênh có gần 4 triệu người đăng ký của mình. Vốn có năng lực công nghệ thượng thừa, Browning đã truy cập vào máy tính của những kẻ lừa đảo hoặc xâm nhập vào camera đặt trong "hang ổ" của nhóm tội phạm. Các video thu thập được trước hết sẽ chuyển sang cơ quan chức năng, sau đó mới đăng tải rộng rãi cho cộng đồng.

Mới đây, Jim Browning phối hợp cùng chương trình Panorama của BBC để điều tra một trung tâm điện thoại di động của Ấn Độ có dấu hiệu lừa đảo qua mạng. Cuối cùng, cảnh sát đã đột kích vào lục soát và tạm giữ chủ trung tâm.

Một trong các video ấn tượng nhất của Browning, với trên 40 triệu lượt xem, ghi lại cảnh anh gọi thẳng tên thật của tên lừa đảo đang ở đầu dây bên kia. Bị phát giác, hắn tái mặt, cúp máy ngay lập tức.

Browning muốn những video của mình sẽ tiếp cận những người lớn tuổi nhiều hơn - đối tượng ít được cập nhật công nghệ và có nguy cơ cao bị lừa gạt trên môi trường số. Anh đang cộng tác với Hiệp hội người nghỉ hưu Mỹ để tổ chức những hoạt động, chương trình nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến cho nhóm đối tượng này.

Những người thích ghẹo kẻ lừa đảo - Ảnh 3.

Ảnh cắt từ chương trình của Jim Browning với BBC.

Có thể phản tác dụng

Khi chiêu trò lừa đảo ngày càng quen thuộc và dễ nhận ra, không ít người có tâm lý muốn đùa giỡn với chúng. Hành động này, theo các chuyên gia, tiềm ẩn một số rủi ro.

Jack Whittaker - một chuyên gia truyền thông từ Đại học Surrey (Anh) - lấy ví dụ rằng nếu không có kinh nghiệm về bảo mật, bạn có thể đánh mất nhiều thông tin cá nhân quan trọng trong lúc chat đùa với kẻ lừa đảo. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tạo điều kiện giúp đối thủ trở nên thông minh hơn. Nếu biết bị "bắt bài", họ chắc chắn sẽ liên tục nghĩ ra những chiến thuật lừa đảo mới mẻ. Cuộc đấu trí sẽ tiếp diễn.

Giáo sư J. Michael Skiba tại Đại học bang Colorado (Mỹ) cảnh báo ngay cả khi bạn chỉ lịch sự nhắn lại "lộn số rồi" với các tin nhắn rõ là có ý lừa đảo, bạn cũng đã mắc bẫy vì điều đó xác nhận với bọn tội phạm rằng số điện thoại của bạn có tồn tại.

Nhóm lừa đảo sẽ chuyển những thông tin ban đầu về bạn cho một bên khác, vì thế bạn chắc chắn sẽ được "ưu ái" nhận thêm nhiều tin nhắn rác hơn. Dần dần thông tin của bạn từng bước được thu thập.■

Becky Holmes (43 tuổi, người Anh) là chuyên gia trêu đùa những kẻ dùng chiêu "lừa đảo lãng mạn" (đóng vai soái ca bí ẩn và đưa các quý cô vào tròng với những lời hứa hẹn ngọt ngào, kết thúc bằng một cú lừa tiền).

"Nạn nhân" mới nhất của cô là một tay tên Zeltinis, tự xưng là kỹ sư trên một giàn khoan ngoài khơi nhưng đã rung động và yêu say đắm Holmes. Chàng thỏ thẻ muốn bay tới thăm nàng nhưng hiện chưa có đủ 3.000 bảng lo vé máy bay và thủ tục nghỉ phép để rời giàn khoan vài bữa. Nên chi nàng hãy ứng trước số tiền trên, ta hứa sẽ trả lại vào ngày tương ngộ.

becky-holmes-online-conversation-scammer

Becky Holmes trêu kẻ muốn lừa tình lừa tiền.

Đáp lại, Holmes nói mình sẽ đích thân ra giàn khoan tới thăm chàng. Holmes dùng những ảnh du lịch cũ, nào là cảnh lên thuyền ra khơi, cảnh lên trực thăng, gửi qua tin nhắn riêng trên Twitter để cập nhật hành trình cho chàng.

Cô còn bịa ra luôn chuyện trực thăng gặp nạn, phải khổ sở đi trên băng tuyết, tất nhiên là có luôn ảnh để làm bằng.

Xót xa, Zeltinis liên tục khuyên nhủ cô quay về, chỉ cần "bắn" 3.000 bảng là anh sẽ tới tận nhà. Cuối cùng, Holmes "xin" ngược lại chàng trai một số tiền nhỏ để đi… xe buýt về. Từ đó, chàng trai cũng biệt tăm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận