TTCT - Gió bấc đang về. Mai gió về đến nơi em nhớ nhé. Trước ngày trở lạnh, không khí bị áp cao lục địa nén xuống, bức bối hơn và Mặt trời rực rỡ hơn. Gió bấc đang về. Mai gió về đến nơi em nhớ nhé. Trước ngày trở lạnh, không khí bị áp cao lục địa nén xuống, bức bối hơn và Mặt trời rực rỡ hơn. Mọi sự đổi thay dù chỉ là thời tiết nhưng bao giờ cũng gây háo hức đợi chờ, nhất là các chị các em thích diện. Mai gánh cúc họa mi sẽ rung rinh khoe cánh hoa đời trinh trắng. Mai gió lành sẽ thổi dọc dài trên phố, áo màu khăn đẹp sẽ tung bay. Nhưng đó là chuyện của ngày mai. Còn hôm nay những ai chưa tắm sẽ phải đi tắm đã. Mặc lũ dơi đi tìm chỗ ngủ vùi, người Hà Nội vùng đứng lên nhất tề đi tắm. Tắm sạch để đón một ngày lạnh đang về theo hẹn.Minh họa: Đức TríNhớ những mùa đông cũ, mỗi khi đài báo gió mùa đông bắc, mẹ tôi đặt chiếc xoong nhôm đại lên bếp dầu đun nước nóng. Chiếc vung xoong kêu xoang xoảng như tiếng chuông báo hiệu một cuộc thanh lọc tẩy trần. Với một đứa trẻ hiếu động chuyên trèo me sấu thì tắm mùa đông như một cực hình. Mà không chỉ tôi phải tắm lúc ấy, từ trẻ con đến người lớn đều có thói quen đi tắm trước đợt gió mùa như một quy ước bất thành văn. Hàng phố láng giềng lao xao thùng chậu trong chiều tổng vệ sinh đoàn kết. Mùi khét xà phòng Liên Xô 72% quện lẫn mùi bồ kết nướng, mùi chanh sả của các chị các cô ngợp bay trên hàng phố bâng khuâng. Sắp tới sẽ là những ngày giá lạnh mà tem củi phiếu dầu sắp cạn tiêu chuẩn. Nhiên liệu đun nấu còn thiếu lại phải dành cho cái sự tắm thì quả là xa xỉ.Vậy nên người ta phải tận dụng lúc chiều còn vương nắng để tắm cho đời. Dấu tình sầu ca khúc cô Lệ Quyên hát hoàn toàn hoang phí vô bổ trong những chiều đổi gió ngày xưa ấy. Gió về thì tranh thủ lúc ấm tắm cái đã, chứ sầu thảm yêu đương cái sến sẩm gì? Trời ơi những đám ghét cần lao nó bở bùng bục, vội vã trôi đi trong sự tẩy rửa tập thể. Ghét bẩn cùng các biểu bì da người tràn ra như sáp nổi, như muốn lấp tắc cả đường cống thoát trong tiết khí Lập đông.Có phiên tắm trang nghiêm định kỳ cuối đông nữa, rất nhớ, là tắm tất niên. Cậu tôi lôi chiếc thùng tôn đại chỉ chuyên dùng luộc bánh chưng trong gầm cầu thang ra cọ rửa. Kê cái thùng chắc chắn trên ba ông đầu rau giữa sân, cậu đổ từng xô nước vào cho gần đầy rồi nổi lửa. Củi gộc mua theo phiếu mậu dịch ở đầu cầu sắt Hàng Cót bập bùng cháy đượm. Có năm lạnh quá, nhiệt độ ngoài trời xuống tới 6°C, phải lấy bao tải bọc cuốn quanh thùng nước, phủ trên vung để giữ nhiệt cho tiết kiệm củi, cho nước chóng sôi hơn.Nước nóng già được múc từng xô, xách vào nhà tắm pha với nước mùi già đã đun trong một nồi riêng. Trẻ con tắm trước, người lớn tắm sau, coi như nghi lễ rửa chiếc thùng thần thánh trước khi xếp bánh chưng vào luộc. Hương mùi già tẩy trần tất niên bay xa lắc dưới một trời mờ mờ mưa bụi, ám cả vào nỗi nhớ đến tận bây giờ.Sau này, đến những năm 1980, người Hà Nội đun nước tắm mùa đông bằng "tàu ngầm", là cái dây may-so quấn quanh cục đất nung khía rãnh treo trên cái đũa gác ngang thả trực tiếp vào trong xô nước. Hồi đó Nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa xây dựng xong. Hà Nội chỉ có mỗi Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ và Nhà máy thủy điện Thác Bà. Không biết ngành điện có hạch toán lỗ lãi không nhưng vẫn đo tiêu thụ bằng các đĩa công tơ mỏi mòn quay từ hồi Pháp trang bị. Công suất nguồn không đủ. Bếp điện và "tàu ngầm" bị cấm sử dụng. Cắm giắc cái "tàu ngầm" trong xô nước tắm là điện sụt áp, đèn đóm tối hẳn đi. Người hùng Đây A Nốp đẹp trai trong phim Trên từng cây số trên tivi giật giật lằng nhằng một lúc rồi cũng hy sinh theo nguồn điện. Có những nhà chưa muốn tắm thì dùng tàu ngầm đun cám lợn. Văn nghệ truyền hình chập chờn hấp hối theo hiệu điện thế. Nhà nhà í ới giục nhau cắt phụ tải. Điện lại sáng dần. Bôm Bốp với Đây A Nốp hồi tỉnh lên hình, lại chiến đấu chống phát xít rất anh hùng cho đến hết phim. Những tối thứ tư thứ bảy có phim tình báo chiến đấu, các nhà chạy "sút von tơ" đảo nguồn vào chuyển sang 110V. Cả phố sụt áp mờ ảo trong ánh đèn đường đỏ đòng đọc, vắng teo. Chỉ mỗi hàng ngô nướng đầu cột điện thơm phức là đông. Hết phim, điện sáng bừng. Lắm nhà chưa kịp đổi nguồn về 220V, chuông sút von tơ gào như cứu hỏa, cháy cả cầu chì tivi.Bâng khuâng chiều 30 Tết. Cả phố vừa cắm trộm bếp điện nấu ăn vừa nhúng tàu ngầm để tắm. Thể nào quãng gần bữa chiều tất niên là điện cũng sẽ tắt phụt. Công nhân trạm xuống cắt điện chứ ai. Tổ trưởng khu phố lại đi từng nhà vận động thu tiền đóng họ cho các ông trời con ấy. Không có họ giận, họ không đóng điện thì có mà tắm tất niên cái ăn mày.Tổ trưởng thu tiền xong vội chạy ra bốt điện. Một lúc trẻ con reo à à. Điện sáng bừng. Cứ trẻ con reo là biết có điện. Câu thành ngữ "không sợ điện giật, chỉ sợ nhất điện giận" có từ ngày đó. Điện nó mà giận là bỏ mẹ chứ chẳng chơi. Thế cho nên cái oai của ngành điện, cái ám ảnh sợ điện giận cứ dai dẳng mãi. Tôi cũng bị cái ám ảnh đó nên bây giờ mỗi khi viết chữ điện cứ phân vân xem có phải viết hoa như một số danh từ chung vô nghĩa khác không.Cái sự tắm nó nhiêu khê thế cho nên mùa đông cứ phải chọn ngày đại an hay tốc hỷ thì ông ngoại tôi mới tắm. Cái sự cần tắm trước khi gió lạnh về tôi cam đoan nó in vào đầu nhiều người lớp cũ chứ chẳng riêng ai, dù bây giờ lúc nào cũng sẵn nước nóng tắm trong bình đun. Thế mới biết ký ức nó ghê gớm thiệt tình, nó bám dính vào nếp nhăn não bộ con người như các tầng lớp ghét chẳng loại xà bông nào có thể tẩy rửa.Hôm nay là ngày lưu niên và mai gió mùa mới về cho trời đổ lạnh. Ca khúc làn gió đổi thay Wind of change của band rock Scorpions cả nửa thế giới từng hát trong hy vọng phập phồng. Tôi viết bài này xong nhưng chưa tắm vội. Thoát được ra khỏi cái thời khốn khó ấy bây giờ tắm lúc nào mà chẳng được. Cứ xem dân Argentina nhảy tango trên quảng trường mừng vô địch World Cup mùa đông đã. Rồi lát nữa tắm sau■ Tags: Phiên tắm mùa đôngWorld Cup mùa đôngTắm mùa đôngMùa đôngGió mùaTrở lạnhHà NộiThời bao cấp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".