TTCT - Không hề quá lời “những phiên tòa” được mở hằng ngày trên mạng xã hội ngày nay không khác gì những cuộc săn phù thủy trong quá khứ! Matt Taylor và cái áo sơmi khiến anh trở thành mục tiêu “ném đá” - Ảnh: guardian.co.uk Tiểu thuyết gia của thế kỷ 19 Nathaniel Hawthorne hẳn không thể ngờ rằng 150 năm sau khi ông xuất bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Scarlet Letter (Chữ A màu đỏ) về sự trừng phạt của những định kiến xã hội với một phụ nữ ngoại tình, đám đông vẫn sẽ phán xét những hành vi bị coi là “không phù hợp với đạo đức chung” còn tàn bạo hơn cả thời ông sống!Những kẻ bị phán xét giờ thậm chí còn phải trải qua những hình phạt khắc nghiệt hơn cả việc bị khắc chữ lên người: họ bị “ném đá tập thể” từ một công chúng đông đảo, không ít người không có chân dung cụ thể vì sử dụng nickname hoặc nặc danh.Càng ngạc nhiên hơn khi nó diễn ra ngay trong những xã hội từ lâu đã đặt chân lên những bậc thang được coi là cao nhất trong nền văn minh hiện đại!Những phiên tòa không nhân chứngKhông hề quá lời “những phiên tòa” được mở hằng ngày trên mạng xã hội ngày nay không khác gì những cuộc săn phù thủy trong quá khứ. Những hành vi có thể trái với lẽ thường, vi phạm một chút thuần phong mỹ tục có thể trở thành “tội ác” trong thời đại mạng xã hội này.Tháng trước, một ví dụ kinh điển xảy ra. Tàu du hành Rosetta của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống một sao chổi cách Trái đất 482 triệu km, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vào ngày 13-11. Nhưng chẳng ai quan tâm.Vì cũng trong hôm đó nhà vật lý học Matt Taylor, tham gia dự án Rosetta, xuất hiện trong một đoạn video thông báo về việc robot Philae hạ cánh thành công, mặc một chiếc áo bị cho là xúc phạm phụ nữ. Do một người bạn nữ của Taylor thiết kế, chiếc áo kiểu Hawaii đầy màu sắc với hình ảnh nhiều phụ nữ bán khỏa thân có thân hình bốc lửa. Bất hạnh thay cho Taylor vì đây là thời của Twitter và Facebook. Những kẻ nhân danh nữ quyền ngay lập tức “ném đá”: “Một cái áo sơmi với hình phụ nữ mặc đồ lót không thích hợp để lên truyền hình nếu bạn quan tâm tới vai trò của phụ nữ trong khoa học” - nhà vật lý thiên văn nữ Katie Mack lên tiếng, khởi đầu cho cả một trận chiến trên mạng với Taylor sau đó.Hai hôm sau, nhà khoa học người Anh phải xin lỗi công khai. Anh đã bật khóc trên truyền hình và nói như năn nỉ: “Tôi đã phạm sai lầm lớn và khiến nhiều người khó chịu. Tôi rất hối tiếc về điều đó”.Nhưng một khi cuộc “săn phù thủy” đã bắt đầu, nó không thể dừng lại. “Cá nhân tôi hi vọng một ngày nào đó (khi anh ấy đỡ bận rộn hơn), Taylor sẽ trao đổi lại về vấn đề này để thấy rằng hành vi của anh ấy là không đúng đắn” - Rachel Feltman, nhà báo nữ chuyên viết về khoa học của báo Washington Post, viết trên blog cá nhân.Phong trào đám đông nhắm vào Taylor đó đã vấp phải nhiều chỉ trích. Glenn Harlan Reynolds, giáo sư luật học ở Đại học Tennessee, phản pháo trên USA Today trong một bài báo tựa đề “Một chiếc áo sơmi nhỏ của một người đàn ông, một bước lùi lớn cho phụ nữ”: “Với tôi, nếu phụ nữ thật sự mạnh mẽ, họ sẽ không dễ vỡ tới mức không thể chấp nhận những bức hình vẽ về phụ nữ”.Ông cũng bênh vực Taylor trên Twitter, cho rằng anh là nạn nhân của “một cuộc loạn đả đám đông trên mạng từ những phụ nữ xấu tính”.Taylor không phải nạn nhân đầu tiên và sẽ không phải là cuối cùng. Mới hai tuần trước, Mario Balotelli, cầu thủ bóng đá đang khoác áo đội Liverpool chơi ở Giải Ngoại hạng Anh, cũng đã trở thành nạn nhân của trào lưu “ném đá” trên mạng xã hội.Phải nói trước hành vi của Balotelli, nổi tiếng là một kẻ ngổ ngáo, là sai, nhưng cách anh bị trừng phạt là quá khắc nghiệt. Trên Instagram, tiền đạo người Ý đăng một bức hình nhân vật “Super Mario” (trong trò chơi điện tử với tên tiếng Việt là “Cứu công chúa”, cũng là biệt danh của Balotelli).Trên bức hình là dòng chữ: “Đừng là kẻ phân biệt chủng tộc! Hãy như Mario. Anh ấy là một thợ sửa ống nước người Ý, do người Nhật Bản tạo ra, nói tiếng Anh, có vẻ ngoài như người Mexico..., nhảy cao như một người da đen và chộp lấy các đồng tiền như một người Do Thái”.Đó là một thông điệp mang tính phân biệt đối xử với người da đen và người Do Thái, nhưng trong đầu óc của Balotelli, anh thấy đó là một bức ảnh vui, một trò đùa vô hại, sự tự trào với chính anh (Balotelli là người da đen và có mẹ nuôi là người Do Thái), và thậm chí là một thông điệp chống phân biệt chủng tộc.Gần như ngay lập tức sau khi bức ảnh xuất hiện, Balotelli đã nhận những chỉ trích tới tấp khiến anh phải gỡ nó khỏi trang Instagram của mình và nói lời xin lỗi. Những chỉ trích từ đám đông cay độc tới mức anh phải phân trần: “Xin hãy dừng lại, tôi xin lỗi. Tôi cũng là người da đen, tôi có mẹ nuôi là người Do Thái”.Một điều chắc chắn Balotelli không đăng bức hình đó với bất cứ ác ý nào, nhưng khả năng khuếch đại khủng khiếp của mạng xã hội, nhất là trong những cuộc “ném đá tập thể”, đã khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ.Bức hình Mario Balotelli đăng đã làm sôi sục Instagram - Ảnh: joyreactor.comCuộc chiến ảo, hậu quả thựcNhững trang mạng như Twitter (500 triệu người dùng) và Facebook (1,3 tỉ người dùng) thu hút đủ thể loại người mà bạn có thể nghĩ ra. Hầu hết tin nhắn trên đó là vô hại, không khởi đầu cho một cuộc săn phù thủy, nhưng với lượng người dùng lớn như thế, chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng đủ thiêu cháy một cánh đồng.Trong thực tế không ai là hoàn hảo, và một người mặc một cái áo không hợp lúc hay đăng một bức ảnh thiếu cân nhắc không có nghĩa người đó là kẻ thù của cả xã hội hay tượng trưng cho điều xấu xa độc ác. Một cuộc săn phù thủy thật sự, đúng theo nghĩa đen, trên mạng xã hội, sẽ để lại những hậu quả kinh hoàng. Một ví dụ nữa là với ca sĩ nhạc pop nổi tiếng người Nam Phi Kelly Khumalo. Khumalo là bạn gái ngoài hôn nhân của thủ thành đội tuyển bóng đá quốc gia Nam Phi Senzo Meyiwa.Meyiwa đã bị bắn chết trong một vụ cướp thảm khốc khi đến nhà bạn gái của anh. Là một người hùng quốc gia, cái chết của anh gây thương tiếc lớn ở Nam Phi, nhưng những gì diễn ra sau đó cũng đáng tiếc không kém.Kelly bị tô vẽ là “mụ phù thủy lẳng lơ” đã lôi kéo Meyiwa khỏi vòng tay gia đình, dẫn tới cái chết của anh. Cuộc săn lùng bắt đầu trên mạng xã hội. Những tin nhắn kiểu như: “@Kelly_Khumalo. Cô thấy việc phá hoại hôn nhân người khác dẫn tới gì chưa?Cô lẽ ra nên bị ném đá đến chết, đồ phù thủy lẳng lơ” tràn ngập trên mạng sau khi Meyiwa bị bắn chết hồi cuối tháng 10. Kết quả là suốt hai tháng qua, Kelly không dám bước chân ra khỏi nhà, và chỉ mới bắt đầu xuất hiện trở lại vào đầu tháng 12 dù bản thân cô cũng là người của công chúng.Những kẻ độc mồm độc miệng như thế, ngay cả chỉ là tham gia đám đông trên mạng xã hội, sẽ phải coi chừng lời lẽ hơn trong tương lai. Tòa án tối cao Mỹ mới đây đã thụ lý vụ đầu tiên trong lịch sử tòa về quyền tự do ngôn luận đối đầu với việc đe dọa người khác trên mạng xã hội.Anthony Elonis đã bị tuyên gần 4 năm tù giam vì đăng trên mạng một đoạn rap với lời lẽ đe dọa về việc sẽ giết vợ mình, bắn các con và tấn công một đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Một tòa án cấp thấp đã tuyên Elonis có tội đe dọa người khác và tòa phúc thẩm bác bỏ lập luận của bên bị về quyền tự do ngôn luận được tu chính án số một của hiến pháp Mỹ bảo vệ.Elonis nói trước tòa anh ta chỉ giận dữ vì cuộc hôn nhân tan vỡ và không định đe dọa ai, nhưng những người làm chứng trước tòa, bao gồm vợ anh, nói họ cảm thấy thật sự bị đe dọa. Các công tố viên nói động cơ của Elonis do đó không còn ý nghĩa bào chữa khi mà những người bình thường, duy lý, cảm thấy bị đe dọa.Trong quá khứ, tòa tối cao ở Mỹ từng khẳng định “những đe dọa thực tế” với người khác không được tu chính án số một bảo đảm. Tuy nhiên, những người bảo vệ tự do ngôn luận nói các bình luận trên mạng xã hội là rất khó đánh giá mức độ đe dọa, dễ bị tách ra khỏi bối cảnh và dễ bị hiểu sai. Trong tin nhắn đăng trên Facebook về vợ mình dưới tên giả “Tone Dougie”, Elonis viết: “Chỉ có một cách để yêu thương cô, nhưng có hàng nghìn cách để giết cô. Tôi sẽ chưa dừng lại tới khi thi thể cô là một đống bầy nhầy, đẫm máu và chết vì từng nhát cắt”.Elonis nói anh ta là một ca sĩ nhạc rap nghiệp dư lấy cảm hứng từ Eminem và những gì anh ta viết chỉ là lời nhạc rap chứ không có ý định gì nghiêm túc. Mùa hè này, tòa tối cao Mỹ sẽ ra phán quyết cuối cùng.Ranh giới mong manhChuyên gia luật học Mark Pearson của Đại học Griffith (Úc) tin rằng những bình luận trên mạng xã hội phải được các nhà thực thi pháp luật đối xử tương đương với các hình thức xuất bản khác như sách vở, báo chí, truyền hình... và chịu sự giám sát tương ứng của các luật chống phỉ báng và lăng mạ người khác.Giáo sư Pearson định nghĩa phỉ báng người khác là “đăng tải bất cứ điều gì có tính chất hủy hoại uy tín của một cá nhân một cách ác ý”. Ông nói ranh giới giữa những chỉ trích mang tính quan điểm và sự cố tình hủy hoại uy tín cá nhân là rất mong manh. “Bạn có thể nêu ra vấn đề, nhưng không được công kích con người cụ thể” - ông nói với báo New York Daily News.Giáo sư Pearson cũng là một trong những người tiên phong ở Úc tiến hành cuộc chiến pháp lý chống lại những cuộc “ném đá tập thể” trên mạng xã hội. Ông cho rằng không chỉ những người dùng, chính các nhà điều hành mạng, tức hãng Facebook hay Twitter, cũng có thể đối mặt với trách nhiệm pháp lý nếu dung túng tình trạng lăng mạ người khác.“Cần có quy định rõ ràng về việc các bình luận ác ý phải được gỡ bỏ trong một thời gian cụ thể” - giáo sư Pearson nói. Mạng xã hội, với sức mạnh đám đông, có thể rất vô tình trở thành những phiên tòa mở của xã hội. Điều nguy hiểm là các phán quyết được đưa ra ở phiên tòa đó thường không đủ thông tin, thiếu chứng cứ và chủ yếu dựa trên cảm xúc cá nhân.Với đám đông, không kẻ nào phải chịu trách nhiệm. Nhưng với những nạn nhân của cuộc “ném đá”, họ bị tổn thương rất nhiều, lắm khi cuộc sống thay đổi vĩnh viễn do bị chụp lên đầu những tội lỗi (đạo đức) mà họ rất nhiều khi không hề phạm phải. Vì thế, khi tham gia một cuộc chỉ trích ai trên mạng xã hội, bạn đừng quên cân nhắc kỹ! Tags: Mạng xã hộiPhụ nữTruyền thông xã hộiỨng xửPhiên tòaNgoại tìnhTiểu thuyết giaNathaniel HawthorneScarlet Letter
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 THANH HIỀN 13/12/2024 Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế, thu hút sự quan tâm của các phái đoàn thường trực và quan sát viên tại LHQ.
Người đàn ông kể lại giây phút 'thót tim' cứu em nhỏ khỏi điểm mù xe tải HỒNG QUANG 13/12/2024 Dù nhiều người gọi là "người hùng", anh Tiến Anh chỉ cho rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy, bởi "đơn giản là dành sự quan tâm đặc biệt với trẻ em".
Xúc phạm chồng, một phụ nữ tại Quảng Bình bị phạt 7,5 triệu đồng QUỐC NAM 13/12/2024 Vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng, bà T.T.M.H. tại TP Đồng Hới, Quảng Bình bị xử phạt hành chính mức 7,5 triệu đồng.
Khởi tố, bắt tạm giam bị can đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở quận 4 MINH HÒA 13/12/2024 Ngày 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa về tội cố ý gây thương tích vì đánh cô gái sau va quẹt giao thông ở quận 4.