Những quyết sách cho Hà Nội "thay da đổi thịt"

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 10/10/2010 17:10 GMT+7

TTCT - “Hà Nội vừa là địa phương vừa là trung ương, vừa luôn phải gương mẫu đi đầu, song nếu hăng hái phá rào thì lại dễ bị chú ý” - tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những quyết sách để lại dấu ấn trên chặng đường phát triển của thủ đô.

Phóng to
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Ảnh: V.V.T.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói:

- Nói đến những quyết định đã làm nên lịch sử Hà Nội, phải nói đến quyết sách khởi đầu là “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010, và mới nhất là nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, với việc sáp nhập nguyên tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Như vậy, Hà Nội được mở rộng hơn ba lần về diện tích, hơn hai lần về dân số và là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới. Sự mở rộng và quá trình sáp nhập này chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cả thuận và nghịch, nhưng rõ ràng đây là quyết sách đã tạo nên một “Hà Nội mới”.

* Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, theo ông, đâu là những quyết sách đã tạo dấu ấn trên chặng đường phát triển của thủ đô từ năm 1975 đến nay?

- Sau năm 1975, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Hà Nội đã phải vật lộn trong thời kỳ bao cấp. Trên 80% chi tiêu của các hộ gia đình là dành cho ăn uống, chuyện làm sao có được từng ký thịt, từng cân gạo, từng mét vải phin trở thành nỗi lo thường trực của người dân và chính quyền thành phố...

Từ năm 1986, với tinh thần “tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Đại hội X Đảng bộ thành phố, Hà Nội xác định rõ hơn con đường và quyết tâm đổi mới.

Trong những năm 1991-1995, thành phố có sự phát triển sáng tạo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) khi khẳng định kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân, đồng thời ban hành một số chính sách tạo môi trường cần thiết để những tư nhân và gia đình có vốn, có tài kinh doanh hăng hái đầu tư vào sản xuất, xây dựng các cơ sở sản xuất nhỏ có công nghệ tiên tiến; kết hợp sản xuất với kinh doanh thương nghiệp; thu hút mạnh hơn vốn và công nghệ mới từ các nhà đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế thủ đô.

Giai đoạn 1996-2000, Hà Nội đã chủ động nghiên cứu và triển khai chủ trương mới về thí điểm và mở rộng dần việc Nhà nước góp vốn đầu tư cùng tư nhân trên cơ sở thỏa thuận nhằm tạo thế kinh doanh, tạo lực phát triển; khuyến khích các chủ doanh nghiệp tư nhân bán cổ phần cho người lao động tại doanh nghiệp.

Năm 2000 và 2001, có hai dấu ấn quan trọng là nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô trong thời kỳ 2001-2010 (Bộ Chính trị) và pháp lệnh thủ đô được thông qua. Trong năm năm qua, Hà Nội lần đầu tiên khẳng định thực hiện sự chuyển hướng chiến lược từ phát triển kinh tế ưu tiên công nghiệp sang ưu tiên khu vực dịch vụ, nhất là các dịch vụ chất lượng cao.

Phóng to
Toàn cảnh Hà Nội

* Dừng xây khách sạn trong công viên Thống Nhất; làm đường thay vì xây cao ốc tại chợ 19-12 (còn gọi là chợ Âm Phủ); xử lý các sai phạm trong việc cho thuê đất tại Vườn thú Thủ Lệ... Những quyết sách ấy của Hà Nội đã được dư luận đặc biệt hoan nghênh thời gian qua. Theo ông, bài học ở đây là gì?

- Theo tôi được biết thì đằng sau một số quyết định đều có rất nhiều sức ép, vì một “rừng” quan hệ, một “rừng” lý do, nhưng Hà Nội đã làm được và làm có hiệu quả. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của những người đứng đầu. Đây cũng là bài học quan trọng, quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng với sự ủng hộ của dư luận, sự vào cuộc kịp thời của báo chí sẽ thắng được những lực cản khác.

Cải cách hành chính - một trong hai khâu đột phá mà thành phố Hà Nội đã chọn trong những năm qua cùng công tác cán bộ - đã có tiến bộ đáng ghi nhận. Với tư cách người dân bình thường, giờ đây đến nhiều cơ quan công quyền trên địa bàn Hà Nội sẽ thấy cơ chế một cửa hiện đại, tiện lợi. Quy trình xin giấy phép đầu tư cũng được rút gọn cả thời gian và thủ tục, việc “gom” các cơ quan thuế, công an, đầu tư ngồi chung “một cửa” đã đỡ cho nhà đầu tư rất nhiều... Tiếc là công tác cán bộ tuy có một số bước chuyển nhưng theo tôi chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Dù đã có nhiều quyết sách tạo dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhưng vì sao Hà Nội chưa có một công trình hạ tầng hoặc một công trình kiến trúc đủ tạo dấu ấn?

- Ai cũng thấy so với các thủ đô và thành phố lớn trên thế giới thì Hà Nội hầu như không có nhiều công trình kiến trúc quy mô hoành tráng... Nhưng sức hấp dẫn của bề dày văn hóa Thăng Long - Hà Nội không vì thế mà giảm bớt qua các công trình kiến trúc như chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành (mới được phát hiện). Đừng quên là những công trình khiêm tốn về kích thước không gian lại chứa đựng một chiều sâu tinh thần của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa Việt Nam.

Trên thực tế, Hà Nội đã, đang và sẽ xây dựng được nhiều công trình hạ tầng, công trình kiến trúc hiện đại. Trong dịp này, nhiều công trình lớn như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, đại lộ Thăng Long đã được khánh thành, được thông xe... Hà Nội cũng vừa khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên. Hiện nay Hà Nội đang chờ Chính phủ thông qua quy hoạch tổng thể chung, do vậy nhiều dự án buộc phải chờ đợi, khi nào quy hoạch này được thông qua chắc sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng Hà Nội hiện đại hơn.

* Hà Nội vừa là địa phương vừa là trung ương. Theo ông, đặc điểm này tạo nên những thuận lợi và thách thức nào?

- Với đặc điểm này, Hà Nội nhận được sự quan tâm thường xuyên và thu hút được nhiều nguồn lực vô giá của trung ương và của cả nước cho sự phát triển của mình. Hà Nội cũng là nơi tổ chức các sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước, vì cả nước...

Bên cạnh đó, là thủ đô nên Hà Nội phải ưu tiên số một về bảo đảm an ninh trật tự, góp phần vào sự ổn định chính trị, đảm bảo tính đồng thuận với trung ương, mọi công việc ở Hà Nội đều phải gương mẫu đi đầu, song nếu hăng hái “phá rào” thì dễ bị chú ý.

Chính vì vậy, từ năm 2000, ở viện chúng tôi đã đề xuất nhiều cơ chế tài chính nhằm đẩy mạnh sự phát triển của Hà Nội, nhưng khi trình lên trên thì tuy được khen về ý tưởng nhưng lại có sự chần chừ trong áp dụng. Cuối cùng một số cơ chế tương tự được áp dụng ở nhiều tỉnh thành khác và cho thấy sự thành công nhất định.

Có người nói với chúng tôi rằng các cơ chế thí điểm thì tốt nhất làm ở các tỉnh, địa phương ở xa, chứ thí điểm ngay Hà Nội thì hơi nhạy cảm...! Vẫn có nhiều cán bộ ở Hà Nội ngại có sự thay đổi và xông xáo, thích “tĩnh” cho “lành”...

* Theo ông, Hà Nội cần những quyết sách nào để tạo động lực phát triển hơn nữa?

- Hà Nội còn nhiều bề bộn và bức xúc của một thành phố đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Trong quá trình đó, Hà Nội cần có một cơ chế phát triển riêng, không nên cào bằng về chính sách.

Luật thủ đô đang được đệ trình sẽ là cơ sở cho sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Nhưng Hà Nội cũng cần chủ động xây dựng và thực hiện những cơ chế, chính sách mới, có tính đặc thù cao, tạo đột phá, nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận