TTCT - Điểm chung giữa đền Parthenon (thế kỷ 5 TCN) ở Hi Lạp hay tượng “Augustus of Prima Porta” (thế kỷ 1) khắc họa vị hoàng đế La Mã đầu tiên là cùng có màu trắng cẩm thạch? Một sai lầm kinh điển! Nghệ thuật, bao gồm kiến trúc và điêu khắc, của phương Tây cổ đại thật sự đầy sắc màu. Với họ, tô màu giúp các pho tượng đá cẩm thạch trông “người” hơn hoặc “thần” hơn. Họ tô điểm nơi ở và đường sá bằng các bức bích họa tinh xảo và những bức tượng màu sắc sống động.Nhưng vì sao khi nhắc đến thế giới cổ đại châu Âu, không ít người sẽ nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc nguy nga trắng toát, được trang trí bởi những bức tượng cũng toàn màu trắng?Theo trang Vox, nếu có lầm tưởng thì cũng đừng tự trách mình, bởi chúng ta không có lỗi. Sách giáo khoa, phim ảnh và bảo tàng quả thực đã đóng góp không nhỏ cho “lời nói dối trắng… trơn” này. Nhưng nguyên nhân lớn nhất bắt rễ từ thời kỳ Phục hưng tại châu Âu.Chối bỏ màu sắcSau sự sụp đổ của đế chế La Mã, những bức tượng, cũng như nền văn minh đã tạo ra chúng, hoặc ngủ yên trong lòng đất, hoặc bị bỏ lại dưới trời mưa trời gió hàng trăm năm liền. Vì thế, lớp sơn ban đầu phai nhạt theo năm tháng, thậm chí biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại màu trắng của đá.Khoảng thế kỷ 14, những nghệ sĩ Phục hưng đào chúng lên, nghiên cứu và học hỏi, chẳng hề biết các pho tượng từng đầy màu sắc đến dường nào. Khi bắt chước phong cách điêu khắc thời cổ đại, họ đã giữ màu trắng trơn cho tác phẩm của mình. Kiệt tác David của Michelangelo - biểu tượng tiêu biểu cho thời kỳ Phục hưng ở Ý - được cho là lấy cảm hứng từ tượng “Augustus of Prima Porta” với lầm tưởng tác phẩm gốc cũng không có màu.Tượng David của MichenlangeloVà đây là bức tượng Augustus of Prima Porta, phiên bản không màu:Tượng Augustus of Prima Porta phiên bản không màu.Phiên bản có màu của Augustus of Prima Porta:Augustus of Prima Porta phiên bản có màu tại Bảo tàng Vatican.Các nghệ sĩ Phục hưng tin rằng điêu khắc thế giới cổ đại trọng hình khối hơn màu sắc, vì thế màu trắng trở thành cảm hứng và chuẩn mực trong hàng thế kỷ. Khắp châu Âu hưởng ứng phương trình: màu trắng = cái đẹp.Tại Đức, Goethe tuyên bố “những quốc gia man rợ, người không được giáo dục và trẻ con rất thích những màu rực rỡ”. Nhà văn vĩ đại của nước Đức còn nói thêm: “Người tinh hoa tránh sự sặc sỡ trong trang phục và đồ vật xung quanh họ”.Nhưng sự “khinh thị” màu sắc sẽ không thể trở thành quan niệm thẩm mỹ nếu không có sự cố tình phớt lờ của một vài nhân vật lịch sử. Mặc dù đã có các bằng chứng cho thấy màu sơn trên các tác phẩm điêu khắc cổ đại, giới nghệ sĩ, sử gia và công chúng đã chọn cách “không nhìn thấy chúng”.Vào thế kỷ 18, Johann Joachim Winckelmann, đôi khi được biết đến với danh hiệu “cha đẻ của ngành lịch sử nghệ thuật”, lập luận trong một cuốn sách của mình rằng “cơ thể càng trắng thì càng đẹp” và “màu sắc góp phần làm đẹp nhưng nó không phải là cái đẹp”. Chính ông đã bỏ qua những bằng chứng màu sơn rõ ràng trên các bức tượng cẩm thạch.Khi khai quật thành phố cổ Pompeii của La Mã vào những năm 1700, người ta tìm thấy những bức bích họa mô tả các loại tượng nhiều màu sắc, thậm chí hình ảnh một nghệ nhân đang sơn tượng. Winckelmann đã phủ nhận nguồn gốc của chúng.Các bằng chứng không chỉ bị phớt lờ, một số có thể đã bị phá hủy. Những tác phẩm bị chôn vùi dưới đất có thể giữ lại được nhiều màu sắc hơn. Nhưng vì chúng bám đầy bụi và đất, tất cả thường được…lau cọ sạch sẽ. Nhiều thế kỷ qua, các nhà khảo cổ và người ở các bảo tàng đã làm sạch những dấu vết có màu trước khi trình bày các tác phẩm trước công chúng. Nhiều nhà phục chế và người buôn đồ cổ mặc định phải chà rửa “nhiệt tình” những thứ khai quật được, khiến chúng càng sáng bóng và vì thế càng thu hút nhiều nhà sưu tầm.Từ những năm 1990, Vinzenz Brinkmann và vợ đã bắt đầu tái tạo màu sắc các tác phẩm điêu khắc Hi Lạp và La Mã bằng thạch cao. Kết quả của nỗ lực này là triển lãm “Gods in color” lưu diễn vòng quanh thế giới từ năm 2003, giúp “đánh bay” định kiến của người xem bằng cách đặt phiên bản có màu cạnh bản gốc.Nhà Brinkmann cũng đầu tư lớn khi làm một vài bản sao bằng đá cẩm thạch, vốn “lên màu” tốt hơn các mẫu bằng thạch cao. Song cách làm này dễ khiến khách tham quan lúng túng, tưởng rằng đó là những bản sao giống thật 100%. Quay ngược thời gianKhi các nhà khảo cổ khai quật tượng “Augustus of Prima Porta” vào những năm 1860, họ nói rằng đã trông thấy chiếc áo của Augustus có màu đỏ thẫm, áo giáp thì màu vàng... Và giờ đây, tại Bảo tàng Vatican, những gì khách tham quan nhìn thấy là một pho tượng đơn sắc. Không rõ là Augustus bị mất màu do được vệ sinh quá mức hay bị cố tình “tẩy trắng” nữa.Nhà khảo cổ người Đức, Vinzenz Brinkmann, sau một lần tình cờ nhìn thấy những điểm màu còn sót lại đã vô cùng sững sờ. Sau đó, ông ngộ ra rằng: nếu bạn đến đủ gần và quan sát một tác phẩm điêu khắc Hi Lạp hoặc La Mã cổ đại, một số màu sắc có thể dễ dàng nhìn thấy, ngay cả bằng mắt thường. “Hóa ra những gì chúng ta nhìn thấy rất chủ quan” - Brinkmann nói trên tạp chí The New Yorker.Ngày nay, các nhà lịch sử nghệ thuật quan tâm đến sự thật hơn là cái đẹp. Các nhóm nghiên cứu đã và đang kết hợp nghệ thuật và khoa học để tái tạo các bức tượng cổ xưa, tìm kiếm màu sắc thực sự của chúng trong quá khứ. Người ta bắt đầu từ những miêu tả còn sót lại từ thời cổ đại, thường là về những tác phẩm nổi tiếng. Nhờ đó ta biết rằng đền Parthenon từng có một bức tượng nữ thần Athena bằng ngà voi và vàng, đeo một chiếc mũ trụ được tô điểm như nhân sư.Bên ngoài đền Parthenon ngày nay. Ảnh: athen.liebieghaus.deVà phiên bản ngôi đền này được phục dựng 3D:Bên ngoài đền Parthenon, phiên bản 3D tái hiện màu sắc của John GoodinsonNếu may mắn, các chuyên gia có thể nhìn thấy những dấu vết màu sắc rõ ràng bằng mắt thường. Hiện nay, các nhà khoa học có thể lấy một mẩu rất nhỏ và đem đi kiểm tra để xác định các màu sơn nào đã được sử dụng.Nhưng khi không còn bất kỳ dấu vết nào có thể nhìn thấy được, chúng ta có một công cụ khác: tia cực tím (UV). Một vài màu sắc sẽ phát sáng dưới ánh sáng UV, khi đó những dấu vết không còn vô hình. Nhóm nghiên cứu sẽ đối chiếu chúng với những gì quan sát được trên một bức tượng tương tự để có thể xác định màu sắc bị mất. Nhờ những công nghệ này, các viện bảo tàng đang ngắm nghía lại những vật thể tưởng như trắng trơn bấy lâu nay.Các nhà nghiên cứu không bao giờ thêm màu trực tiếp vào bản gốc, vì thế họ sử dụng máy quét 3D để tạo ra bản sao từ thạch cao. Kế đến, họ bắt tay vào sơn tượng tỉ mỉ. Những chuyên gia khác thì ưu ái phương pháp tái tạo kỹ thuật số vì chúng linh hoạt hơn những bức tượng thạch cao, và có thể dễ dàng cập nhật khi có thêm thông tin, hay cùng một lúc tung ra tất cả những “kịch bản sắc màu” mà một bức tượng trắng có thể từng khoác lên.Đẹp - xấu, đúng-saiNhiều ý kiến cho rằng tông màu trên các phiên bản làm lại quá lòe loẹt. Bản sao có màu của hoàng đế Augustus tại Bảo tàng Vatican từng bị Fabio Barry, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, phàn nàn là “trông như một người đàn ông mặc đồ phụ nữ và cố gắng gọi một chiếc taxi”. Barry bức xúc cho rằng chiếc “áo mới” của các pho tượng toàn màu sắc lố lăng như thể muốn “tô đậm” sự thật là chúng vốn không hề trắng trơn vậy.Bảo tàng Ny Carlsberg Glyptotek (Đan Mạch) đã hai lần tổ chức triển lãm phiên bản màu của các pho tượng, song nhiều người tham quan cho rằng các tác phẩm làm lại “trông như thiếu mắt thẩm mỹ”. “Nhưng đã quá muộn! Thách thức đặt ra là chúng ta cố gắng và thấu hiểu (cách nhìn của) người Hi Lạp và La Mã cổ đại, chứ không phải để nhận xét đúng hay sai” - Jan Stubbe Østergaard, cựu giám tuyển của bảo tàng, nói với The New Yorker.Tượng Phrasikleia Kore (Hy Lạp, thế kỷ 6 TCN). Ảnh: Liebieghaus SkulpturensammlungVà phiên bản phục dựng màu:Tượng Phrasikleia Kore, phiên bản màu, hoàn thành năm 2010. Ảnh: Liebieghaus SkulpturensammlungTheo Mark Abbe - giáo sư nghệ thuật cổ đại Đại học Georgia (Mỹ), những bức tượng được tô màu đã thiếu mất chiều sâu do thạch cao hấp thụ màu sơn khác với các loại đá cẩm thạch, vì vậy không tái hiện được chính xác vẻ đẹp của các pho tượng.Mặc dù những bức tượng làm lại của hậu duệ chẳng hoàn hảo, thậm chí còn bị nhận xét là “lố đến xấu” bởi những người cùng thời, nhưng những công trình này giúp chúng ta hình dung thế giới cổ đại có thể trông như thế nào.Bản gốc và bản màu của tượng “Cuirassed Torso” khai quật năm 1886. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật San FranciscoSự thật về những bức tượng cổ đại từng-có-màu cũng đòi hỏi các nhà khảo cổ học cần quan sát kỹ trước khi cọ sạch các cổ vật. Chúng ta vẫn còn nhiều di sản cổ đại chờ được khám phá.■Chuyện màu sắc của tượng cổ đại gần đây bất ngờ “gánh vác” thêm vấn đề phân biệt sắc tộc. Sarah Bond, giáo sư tại Đại học Iowa (Mỹ), cho rằng đã đến lúc chúng ta chấp nhận các bức tượng cổ đại vốn không phải toàn màu trắng và người cổ đại cũng vậy. Đế chế La Mã trải dài từ Bắc Phi đến Scotland đã rất đa dạng về mặt sắc tộc. Những mô tả về màu da sẫm hơn có thể được tìm thấy trên những chiếc bình cổ, những bức tượng nhỏ bằng đất nung và những bức vẽ chân dung Fayum, chứng tỏ sự đan xen phức tạp của người Hi Lạp, La Mã và Ai Cập… Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Cuộc chơi với màu sắc Tiếp theo Tags: Phân biệt chủng tộcMàu sắcPhục HưngTượng cổ đạiPhục dựng tượngTô màu tượngMàu sắc của tượng cổ đạiĐế chế La MãCẩm thạch
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".