Những trận đấu "kinh thiên động địa" của năm 2008

TUẤN VIỆT 09/11/2008 17:11 GMT+7

TTCT - Quần vợt mùa giải 2008 đang khép lại bằng giải đấu mang tính “tổng kết năm” là Masters Cup Thượng Hải. Đã đến lúc kết sổ. Bỏ qua các sự kiện (những cuộc soán ngôi và sự trỗi dậy của các tay vợt trẻ) và xét thuần túy về mặt chuyên môn thì điểm nhấn của năm 2008 là ba trận đấu xuất thần, cả ba trận đấu này đều diễn ra vào... ban đêm.

Phóng to

Baghdatis ra về trong nước mắt lúc đồng hồ chỉ 4g33 sáng

TTCT - Quần vợt mùa giải 2008 đang khép lại bằng giải đấu mang tính “tổng kết năm” là Masters Cup Thượng Hải. Đã đến lúc kết sổ. Bỏ qua các sự kiện (những cuộc soán ngôi và sự trỗi dậy của các tay vợt trẻ) và xét thuần túy về mặt chuyên môn thì điểm nhấn của năm 2008 là ba trận đấu xuất thần, cả ba trận đấu này đều diễn ra vào... ban đêm.

Lleyton Hewitt đánh bại Marcos Baghdatis (4-6, 7-5, 7-5, 6-7, 6-3)

Vòng 3 Giải Úc mở rộng

Sân Rod Lever ở Melbourne (Úc) ngập trong màu vàng xanh khi khán giả háo hức chờ đợi một chiến thắng vang dội của người con xứ sở kangaroo Lleyton Hewitt. Hewitt là tay vợt Úc duy nhất trong tốp 80 tay vợt hàng đầu thế giới (một con số đáng buồn đối với cường quốc quần vợt như Úc). Hôm đó anh phải tiếp Marcos Baghdatis, tay vợt người Cyprus từng lọt đến chung kết Giải Úc mở rộng năm 2006. Do các trận đấu trước kéo dài hơn dự kiến nên trận Hewitt - Baghdatis phải đợi đến 23g47 mới bắt đầu diễn ra. Khán giả Úc vẫn kiên nhẫn chờ.

Sự kiên nhẫn của họ đã không uổng phí. Hewitt khởi đầu chật vật, để thua set đầu tiên, nhưng anh đã kịp lấy lại tinh thần và thắng liên tiếp hai set kế tiếp và có vẻ như đã kiểm soát được thế trận. Những cố gắng của anh thể hiện rõ nhất trong set 3, khi anh bị Baghdatis dẫn trước 5-3. Hai lần đứng trước điểm kết thúc set đấu, cả hai lần Hewitt thoát hiểm. Cuối cùng, anh đã làm được cú lội ngược dòng ngoạn mục khi hai lần bẻ bàn giao bóng của Baghdatis để giành chiến thắng với tỉ số 7-5 trong set 3.

Set thứ tư mở đầu khá thuận lợi cho Hewitt. Anh thắng giòn giã, đạt đến tỉ số 5-1. Lúc này đã 3g sáng và Hewitt quyết định tung những đòn knock-out để nhanh chóng kết thúc trận đấu. Nhưng Baghdatis không phải là đối thủ dễ nuốt. Anh bẻ một bàn giao bóng của Hewitt rồi thắng tiếp bàn sau. Một lần nữa, Hewitt tìm cách tung đòn knock-out ở tỉ số 5-3. Nhưng vô ích, Baghdatis lại thắng và đưa trận đấu dần trở lại thế cân bằng. Cả hai bước vào loạt tie-break và Baghdatis đã thắng.

Trận đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt đến mức khán giả Úc quên cả buồn ngủ. Họ đứng dậy để ủng hộ Hewitt mỗi khi anh thắng điểm. Ở set thứ năm quyết định, nhiều người Úc tỏ ra bồn chồn sau cú lội ngược dòng quá ấn tượng của Baghdatis ở set 4. Nhưng Hewitt đã lấy lại được thể diện cho nước Úc bằng chiến thắng ở set cuối. Anh bẻ bàn giao bóng của Baghdatis ở set thứ 5 và thứ 9: 6-3!

Hewitt quỳ xuống sân, không tin nổi chiến thắng của chính mình. Baghdatis ra về trong nước mắt. Với người Úc, quần vợt chưa bao giờ đẹp như thế. Lúc này, đồng hồ chỉ 4g33 sáng. Trận đấu kéo dài gần năm giờ.

Phóng to
Nadal: “Ở bàn cuối cùng, tôi chăng còn thấy gì nữa!”
“Trận đấu thế kỷ”: Rafael Nadal hạ Roger Federer 6-4, 6-4, 6-7, 6-7, 9-7. Chính thức tranh chấp ngôi số 1

Chung kết Wimbledon

Mặc dù trận đấu kịch tính này diễn ra vào buổi chiều nhưng khi kết thúc thì trời gần như tối mịt. Người gây ra tình trạng “đấu đêm” này chính là... bà mẹ thiên nhiên. Những cơn mưa tầm tã đã làm gián đoạn trận đấu đến ba lần. Nhưng việc trận đấu bị cắt vụn không hề ảnh hưởng đến chất lượng tuyệt vời của nó.

Khán giả Anh trong khi đó vẫn dầm mưa chờ đợi. Họ biết đây là một trận đấu có ý nghĩa “tranh hùng xưng bá”.

Đó là trận đấu mà sau này rất nhiều chuyên gia đã hết lời ca ngợi, gọi là “trận đấu vĩ đại nhất của mọi thời đại”.

Trước trận đấu, Federer đã 65 lần liên tiếp giành chiến thắng trên mặt sân cỏ và năm lần liên tiếp đăng quang tại Wimbledon. Trong hai năm 2006 và 2007, Rafael Nadal đều “mon men” vào đến chung kết Wimbledon và đều chịu thất bại. Nhưng năm nay có vẻ khác: trước Wimbledon, Nadal đã đánh bại Federer những ba lần tại Monte Carlo, Hamburg và Roland Garros, trong đó chiến thắng tại Roland Garros là một trận thắng gây tủi nhục (6-1, 6-3, 6-0), hầu như kết liễu giấc mơ hoàn tất bộ Grand Slam với một chiếc cúp Roland Garros của Federer. Ai sẽ thắng? Chỉ có trận đấu mới trả lời được.

Với tâm lý không hoàn toàn thoải mái (phải bảo vệ ngôi vô địch trước một Nadal đang hừng hực đi lên), Federer để thua hai set đầu tiên, và mọi người đã bắt đầu nghĩ đến một chiến thắng chóng vánh của Nadal. Nhưng Federer đã chứng tỏ được bản lĩnh và quyết tâm của anh. Hai set kế tiếp đã thuộc về Federer mặc dù cả hai set này anh đều phải giành chiến thắng bằng loạt tie-break. Hai bên đã trao đổi với nhau những đường bóng “thần sầu quỷ khốc” mà một tờ báo sau đó đã viết “Đó là trận đấu của hai người ngoài hành tinh”.

Bước vào set cuối cùng, nhiều người trước đó từng nghĩ rằng Nadal sẽ thắng dễ dàng đã bắt đầu đổi ý. Mỗi pha bóng là một lần thót tim của hai phía cổ động viên. Những cảm xúc thay nhau hoán chuyển và lên xuống theo diễn biến của trận đấu hớp hồn này. Nó chỉ được giải quyết ở những ván phụ, sau khi cả hai hòa nhau 6-6. Sau khi tiếp tục hòa nhau 7-7 ở set thứ 5, Nadal bẻ được bàn giao bóng của Federer. Ở bàn kế tiếp, trong pha bóng cuối cùng Federer đã tự kết liễu bằng một cú thuận tay rúc lưới. Lúc này đã là 21g. Sau này, Federer thú nhận: “Dĩ nhiên là tôi rất đau lòng khi thua một giải đấu lớn nhất có thể chỉ vì thiếu một chút ánh sáng”. Còn Nadal thì nói: “Ở bàn cuối cùng, tôi chẳng còn thấy gì nữa”.

Phóng to
Hai chị em Williams
Cuộc “tỉ muội tương tàn” Serena Williams - Venus Williams: 7-6, 7-6

Tứ kết Giải Mỹ mở rộng

Trong khi các trận đấu đơn nam Giải Mỹ mở rộng thường kéo dài quá nửa đêm thì các trận đơn nữ (thường diễn ra trước các trận đơn nam) rất hiếm khi như thế. Nhưng năm nay trận đấu giữa hai chị em nhà Williams (Venus và Serena Williams) là một ngoại lệ. Từng gặp nhau 16 lần, hòa 8-8, hai chị em lại gặp nhau trong một trận đấu nảy lửa kéo dài đến tận 23g.

Đây được xem là trận chung kết sớm của Giải Mỹ mở rộng 2008 nên cả hai thể hiện quyết tâm chiến thắng rất cao. Trong cả hai set Serena đều phải sử dụng đến loạt tie-break mới giành được chiến thắng. Trong cả hai set này lẽ ra chính Venus mới là người chiến thắng, bởi cô đều dẫn trước 5-3 ở cả hai set và có đến 10 điểm kết thúc set đấu.

Không bị gò bó bởi bất kỳ vấn đề tâm lý nào, hai chị em đã thể hiện hết tài năng của mình. Trận đấu diễn ra với nhiều đường bóng tinh tế và hiểm hóc nhắm vào cuối sân, đồng thời với rất nhiều pha đôi công với trên chục lần đánh bóng qua lại. Khán giả ngẩn ngơ trước sự huyền ảo của quần vợt và đến gần phút cuối cùng vẫn không ai biết được trong hai chị em ai sẽ là người thắng cuộc.

Sau trận đấu Venus Williams nói: “Tôi chưa bao giờ trải qua một trận đấu như thế này trong cuộc đời”. Serena Williams thì tâm sự: “Thật không may là hai chị em chúng tôi phải gặp nhau ở tứ kết... Ý tôi là tôi cảm thấy lẽ ra tôi phải nhận chiếc cúp này ngay bây giờ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận