Những trăn trở của một thủ tướng

DANH ĐỨC 24/05/2018 14:05 GMT+7

Hôm 16-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tâm sự rất nhiều với các đại biểu quốc hội về những trăn trở rất thời sự của ông.

Những trăn trở của ông Lý Hiển Long gắn liền với quốc kế dân sinh và tương lai quốc gia - dân tộc. Ảnh: NUS
Những trăn trở của ông Lý Hiển Long gắn liền với quốc kế dân sinh và tương lai quốc gia - dân tộc. Ảnh: NUS

 

Bài diễn văn của ông Lý trên danh nghĩa là để làm rõ bài diễn văn định hướng của tân tổng thống Singapore, bà Halimah Jacob, đọc hôm 7-5 nhân khai mạc phiên họp thứ nhì, khóa 13 của quốc hội. Trong thực tế, nội các của ông Lý là tác giả của bài diễn văn định hướng này. 

Ông Lý giải thích: “Chúng ta đang ở trong một cuộc chuyển giao chính trị, khi các bộ trưởng thuộc thế hệ thứ tư (mà ông gọi là bộ trưởng 4G) chuẩn bị nắm quyền chỉ trong vài năm nữa. Thành ra, thật đúng lúc để chính phủ đưa ra tầm nhìn rộng hơn, một chương trình hành động dài hạn hơn, thể hiện qua diễn văn của tổng thống... Tôi đã đóng góp ý kiến của mình, và tôi ủng hộ những gì họ đề ra, dù gì đi nữa, với tư cách thủ tướng, tôi vẫn chịu trách nhiệm cuối cùng về chương trình hành động của chính phủ. Vai trò chính của tôi là hỗ trợ, giúp các bộ trưởng 4G trình bày và thực hiện chương trình hành động, và để mắt tới nhiều nhất có thể được khi tôi vẫn còn là thủ tướng”. Có thể thấy thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore không những đã được tìm thấy, đào tạo, bồi dưỡng, mà hiện đang được giao nhiệm vụ từ khâu hoạch định đường lối đến khâu thực hiện.

Thời thế - thế thời phải thế

Nhân nghe ông Lý Hiển Long nói đến thế hệ thứ tư, tôi không thể không nhớ lại cuộc gặp cách đây 14 năm một số những người trẻ ấy tại Cơ quan PS-21 (Công vụ thế kỷ 21 - cơ quan cải cách bộ máy nhà nước Singapore) vào tháng 9-2004.

Lần đó, phó giám đốc PS-21 Tan Chee Seng đã giải thích thế giới quan của thế hệ thứ tư của Singapore: “Công vụ thế kỷ 21 là đúng hẹn với tương lai, nhằm đón nhận, dự kiến các đổi thay và thực hiện các đổi thay đó, nhằm tạo điều kiện cho Singapore đáp ứng một cách thành công nhất với các thay đổi đó. Chúng tôi ý thức rằng thế kỷ 21 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa, của những thay đổi khoa học kỹ thuật. Từ đó đòi hỏi tốc độ, tri thức và tài năng trong hành động. Chúng tôi đón nhận trong tinh thần những thay đổi bắt buộc đó là vận hội nhiều hơn là đe dọa. Từ đó đặt ra vấn đề: năng lực của chính quyền và bộ máy công vụ phải đáp ứng mong đợi của dân chúng. Chúng tôi có theo kịp mong mỏi của dân chúng hay không, đó mới chính là thách thức đối với chúng tôi, chứ không phải là toàn cầu hóa vũ bão nuốt chửng, hay khoa học kỹ thuật tiến quá nhanh”.

Phát biểu đấy thể hiện một thái độ rõ rệt trước thời gian. Thường thì, đứng trước thời gian (chronos) vốn chuyển biến, có người chọn đổi thay một cách “đương-đồng thời” (in synchrony with) với thời đại, người khác chọn rúc trong quá khứ, để rồi trở thành phi-thời gian (anachronism), sống đầu thế kỷ 21 mà cứ như đầu thế kỷ 20.

Có thể thấy tính “đương-đồng thời” của thế hệ lãnh đạo 4G ở Singapore khi họ khẳng định rằng họ “đón nhận những thay đổi như vận hội nhiều hơn là đe dọa”. Sự tự tin xuất phát từ việc họ hội đủ ba điều kiện: “tốc độ, tri thức và tài năng trong hành động”. Vấn đề đối với họ không phải là toàn cầu hóa hay bất cứ con ngáo ộp nào khác, mà là có “theo kịp những mong đợi của dân chúng hay không”.

Với tâm thức “đương-đồng thời”, ông Lý nhìn và thấy tình hình thế giới hiện nay đang thách thức như thế nào: “Quốc hội mở cửa lại vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử. Tình hình thế giới rất bấp bênh. Trật tự toàn cầu, vốn dựa trên sự mở cửa, toàn cầu hóa cùng tự do thương mại, nay đang chịu sức ép nặng nề. Quan hệ giữa các đại cường, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và Nga, đang căng thẳng”.

Đánh giá tình hình chung xong, ông Lý mời gọi suy nghĩ đến tác động đối với đất nước ông: “Không rõ liệu các định chế và các quy tắc quốc tế vốn đã củng cố nền hòa bình và an ninh thế giới trong vài thập kỷ qua có thay đổi không. Song, nếu chúng thay đổi, sẽ có những tác động dài hạn đáng kể đối với Singapore”.

Ông không giấu giếm những băn khoăn về Mỹ: “Đến nay, Mỹ đã là người bảo trợ và tài trợ cho hệ thống quốc tế hậu chiến. Họ tin rằng tất cả những điều này là vì “lợi ích bản thân sáng suốt” của họ. Nhưng bây giờ, nhiều người Mỹ không còn tin điều này, trong đó có chính quyền Trump. Họ cảm thấy các quốc gia khác đang hưởng lợi nhiều hơn từ hệ thống toàn cầu, và hưởng lợi trên lưng Hoa Kỳ... Vì vậy, Hoa Kỳ đã biến thương mại, nhất là với Trung Quốc, thành một vấn đề hàng đầu. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây hại cho việc kinh doanh..., đe dọa sự thịnh vượng toàn cầu, đặc biệt cho những nước nhỏ hơn như Singapore”.

Ông Lý phân tích kỹ thế trận Mỹ - Trung: “Tranh chấp thương mại có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể giữa các cường quốc. Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh giành vị trí và lợi thế. Hoa Kỳ vẫn còn mạnh mẽ hơn, đặc biệt là quân sự, nhưng Trung Quốc đang gia tăng quyền lực, ảnh hưởng và sự tự tin... Còn lâu Hoa Kỳ và Trung Quốc mới đi đến chiến tranh, nhưng quan hệ của họ sẽ nghiêng theo chiều hướng nào thì không rõ. Nếu họ nghiêng về phía xung đột nhiều hơn sẽ không chỉ là xấu cho hai cường quốc, mà còn cho cả thế giới. Nhưng nếu nghiêng sang thái cực kia, và hai cường quốc thỏa thuận “chia chác” thế giới với nhau và thiết lập các quy tắc chỉ mang lại lợi ích cho họ, điều đó cũng sẽ gây bất lợi, đặc biệt là với các quốc gia nhỏ”.

Rồi ông kêu gọi: “Chúng ta phải nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, và chuẩn bị cho những thay đổi và bất ngờ”.

Gắn kết xã hội

Chỉ với một tâm thế “đương-đồng thời” mới có thể nhận chân xã hội của mình đã, đang và sẽ như thế nào, như ông Lý đối với xã hội của ông: “Bất cứ xã hội nào sau một thời gian dài ổn định cũng có xu hướng phân tầng, phân lớp, và trở nên bớt tính liên thông giữa các tầng lớp. Singapore vẫn còn là một đất nước son trẻ mới 50 năm tuổi, nên các khái niệm giai cấp và thứ bậc xã hội còn chưa hóa thạch. Các chỉ dấu cùng tiêu chuẩn giai cấp vẫn còn đang hình thành. Chúng ta không muốn chúng phát triển sai hướng rồi góp phần vào sự phân chia giai cấp cứng nhắc”.

Làm sao cho xã hội ít phân tầng? Ông Lý đề ra đường lối: “...Trước hết, mọi trẻ em đều phải có một khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống, bất kể trẻ đó sinh ra trong gia đình nào...”. Nhưng làm sao để “nghị quyết” đó được hiện thực hóa? Ông Lý chỉ ra biện pháp luôn: “Các trường ở Singapore cần chú trọng vào việc dạy học sinh nói giỏi tiếng Anh. Nếu không, chỉ những trẻ em có cha mẹ nói tiếng Anh ở nhà và nói giỏi sẽ nói giỏi, còn những trẻ khác sẽ lớn lên trong một mối bất lợi thường trực. Singlish (tiếng Anh của người Singapore) sẽ trở thành một dấu hằn giai cấp... Nếu không thể nói tiếng Anh đúng chuẩn, coi như “xuống đáy”. Còn nếu có thể nói chuẩn tiếng Anh, các cánh cửa sẽ rộng mở. Cánh cửa sập vào mặt nhiều người xuất thân từ các gia đình kém điều kiện”. Thành ra, nếu có đầu tư cho các dự án “tăng cường tiếng Anh” thì cho số đông (chớ không chỉ ở vài trường điểm như tại Việt Nam hiện nay!).

Trong tâm thế “đương-đồng thời”, ông Lý chỉ ra những mối đe dọa với xã hội Singapore: “Mọi xã hội đều có cách để thể hiện ai thành đạt, ai không: ăn gì, mặc thế nào, đi đâu chơi ngày lễ, giải trí cái gì, thuộc về những câu lạc bộ nào... Trong xã hội Singapore cũng có những dị biệt, nhưng nói chung người Singapore vẫn còn tự kiềm chế. Nếu đeo một chiếc đồng hồ vàng ròng và ăn mặc lộng lẫy, thay vì bị ấn tượng, mọi người có thể nghĩ rằng đó là một con cá mập cho vay lấy lãi! Chúng ta phải ngăn sự phô trương lợi thế xã hội như thế. Chúng ta nên cau mày trước những người phô trương sự giàu có, hoặc tệ hơn nữa, xem thường người khác ít của nả và đặc quyền. Chúng ta nên nhấn mạnh sự tương đồng của chúng ta, chớ không nhấn mạnh dị biệt”.

Ông Lý kết thúc “bài giảng đạo đức xã hội” này bằng một nhận xét tự hào: “Chính vì vậy, nếu nhìn quanh tòa nhà quốc hội này, tất cả mọi người đều mặc quần áo ngày thường song lại thảo luận về các vấn đề trọng yếu của nhà nước. Trong bất kỳ tòa nhà quốc hội nào khác, người ta sẽ diện bộ cánh oách nhất, để tỏ ra rằng họ là ai đó trong xã hội. Nhưng đấy không phải cách của Singapore”. Thật thế, ông Lý hôm đó chỉ mặc một áo sơmi giản dị. Bài trí trong tòa nhà quốc hội cũng “tối giản”, không một nhánh hoa trang trí: tiền mua hoa chưng ngập các cuộc họp, biết đâu cũng đủ để tăng lương giáo viên thêm chút ít!

“Đương-đồng thời” để không xa rời thực tế, để đừng phi-thời gian như loài đà điểu vục đầu trong cát, hay tệ hơn, trong đam mê kim tiền, rồi dung túng một sự phân tầng xã hội là mệnh lệnh sống còn với Singapore, nhưng rõ ràng là không chỉ với Singapore.■

Tại sao ông Lý nhấn mạnh đến sự bình đẳng và phân tầng ở thời điểm này? Đó là do ông ý thức khả năng chia rẽ ngày càng lớn trong lòng xã hội ông: “Xây dựng quốc gia luôn là một công việc đang diễn ra, bởi vì các lực lôi kéo người Singapore theo những hướng khác nhau không bao giờ biến mất. Chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo là những đường đứt gãy. Ngay từ đầu, chúng ta biết rằng những điều đó có thể chia rẽ và tiêu diệt chúng ta. Ngày nay, sự gắn kết xã hội của chúng ta đã phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng những lực kéo này cũng đã phát triển mạnh theo. Lấy ví dụ, ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ với các nhóm sắc tộc người Singapore gốc Hoa và gốc Ấn… Tương tự như vậy với người Malay…, lời hiệu triệu cho một ummah toàn cầu (cộng đồng Hồi giáo toàn thế giới) là rất hấp dẫn. Thêm vào đó, trong thời đại Internet, chúng ta phải trân mình trước những rao giảng cực đoan và loại trừ. Những điều này có thể khiến một số người lạc lối, và nếu có một cuộc tấn công khủng bố sẽ gây ra nỗi sợ hãi và sự ngờ vực lớn giữa người Hồi giáo và những người Singapore khác”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận