Những trò đùa "truyền kiếp"

THS.BS LAN HẢI 03/11/2016 22:11 GMT+7

LTS: Hai nhà chuyên môn về giáo dục giới tính cho rằng những lời nói, hành động sai lầm của cha mẹ, thầy cô đối với trẻ ngay từ tuổi mầm non đã vô tình kích thích trí tò mò rồi dẫn đến hành vi sai của trẻ.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Các biệt danh liên quan đến ngoại hình, cố tật, giới tính, những lời gán ghép nam - nữ trong lớp, những trò đùa “nhất quỷ, nhì ma” nhiều khi vô tình gieo những hạt cỏ dại vào mảnh đất tâm hồn của học trò, trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng khi đứa trẻ lớn lên, có thể dẫn đến những mặc cảm, tự ti, lệch lạc về giới tính và tình dục sau này.

Lấy “chỗ ấy” đặt nickname

Vì nhiều lý do, hầu hết trường mầm non bố trí cho các cháu ăn, ngủ, học, sinh hoạt vui chơi ngay tại lớp học. Công bằng mà nói, điều đó giúp cô trò có tinh thần tự quản và ý thức tập thể “giờ nào việc nấy”, nhưng cũng lắm bất tiện.

Có cô tiết kiệm nước và thời giờ đã tranh thủ tắm rửa luôn cho vài cháu rồi lau người, thay đồ một thể, tụi nhỏ cứ việc hồn nhiên trần truồng, cháu nào e dè khép nép có khi còn bị giục giã hoặc phát nhẹ vào mông (chuyện chẳng có gì lạ, chính phụ huynh cũng có lúc thay đồ cho con ngay tại hàng quán hoặc khi cấp bách cũng cho con đi tè ngay ven đường, vỉa hè, xuống cống mà có che đậy gì đâu?).

Giờ trưa, các bé được trải chiếu ngủ trên sàn nhà không chia nam riêng nữ riêng, có người cho rằng làm vách ngăn sẽ chật chội thêm hoặc kéo tấm màn che lại có thể gây tò mò cho các cháu. Lâu nay các bé vẫn “xếp cá mòi” ngủ như thế có sao đâu!

Nhiều cô bảo mẫu sau vài lần chăm trẻ đã đặt “nickname” cho chúng: “Cu Múm”, “Út Lép”, rồi thì “đen”, “hô”, “híp”, “lùn”, “péo”... đi kèm tên riêng là những nét nổi bật của từng cháu. Các cô gọi thân mật và thỉnh thoảng mắng yêu trẻ chứ chẳng có ý gì.

Bị bình phẩm, chế giễu, đùa giỡn, chê bai “chỗ ấy” và những bộ phận khác trên cơ thể khiến trẻ khó chịu, ấm ức, bất lực, xấu hổ, tủi thân nhưng không thể nói ra. Mà càng tỏ thái độ thì các bạn càng hùa vào “lêu lêu” đến khi vùng vằng, phát khóc, nổi khùng.

Dần dà các em thấy chán ghét bản thân, giận dữ vô cớ, thu mình lại và có thể dẫn đến những ám ảnh, mặc cảm, tự ti, lệch lạc về tình dục sau này. Mặt khác, khen ngợi, chú ý đến “chỗ ấy” của trẻ có thể khiến bé nảy sinh ý muốn vênh váo khoe khoang, bộc lộ cơ thể mình. Người lớn vô tư đối xử với trẻ theo cách mà họ không bao giờ dùng trong giao tiếp với người khác dù quen hay lạ. Ơ hay! Thế trẻ con không phải là... người à?!

Từ cái tên vô thưởng vô phạt đến sự ác ý

Chính những biệt danh đã gieo vào đầu óc trẻ sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Các em nảy ra nhiều sáng kiến khi tìm những tên “độc, lạ” để miệt thị bạn. Một bạn ú ì bị gọi là “đồ tham ăn”, “con nhợn”, “bồ tượng”, một bạn ít ra ngoài sân chơi bị gọi là “tự kỷ”, một bạn bị gọi là “khùng”, “dốt nát” hoặc “ngu” vì học yếu môn nào đó, một bạn con của bà mẹ đơn thân bị gọi là “con hoang”...

Phần lớn thầy cô biết nhưng lờ đi, hoặc chỉ nhắc nhở vì coi đó là “chuyện con nít”, “có hại gì đâu”... khiến nạn nhân không còn đặt niềm tin vào sự bênh vực và lẽ công bằng.

Càng lên lớp trên, những nickname càng dễ gây tự ái: “màn hình phẳng”, “bức tường”, “hai lưng” để chỉ những bạn “siêu mỏng”; “cá rô đực”, “má hóp đít tóp”, “bộ xương di động”, “pê đê”, “bóng”, “lại cái”, “sít” để chỉ những bạn trai hơi “mềm”... Và khi kẻ bại trận đã bị “võ miệng” hạ gục thì việc bị bồi thêm “võ tay” là điều tất yếu và có xu hướng leo thang.

Nhiều trò đùa quá lố đáng ra bị khép vào tội “bạo lực học đường”, trong đó có liên quan đến giới tính, nhưng các giáo viên và nhà trường thường bỏ qua, không giải quyết dứt điểm vì nghĩ chỉ là trò “trẻ trâu”.

Một số học sinh đồng tính, chuyển giới là nạn nhân của những trò dè bỉu, nghịch ác của các bạn trong lớp, thậm chí liên lớp và của cả trường, lại chịu thêm sự dò xét, mỉa mai, công kích của chính giáo viên vì cái tội “không giống ai”, “trai cong”, “ẻo lả”, “đua đòi”, “có hành vi xấu”, “ăn mặc không phù hợp với giới tính”..., có khi còn bị hạ hạnh kiểm.

Yêu trẻ không đúng cách

Chẳng biết từ bao giờ, các cô nuôi dạy trẻ hay trêu các bé trai rằng: “Ôi, chim bay mất rồi!” làm các bé ngơ ngác, mếu máo, có cậu thì vạch ngay quần ra: “Đây, chim đây”... Trò đùa cứ thế tiếp diễn những lần khác và với những trẻ khác.

Việc nựng “quả ớt” của bé trai có khi thay cho một lời chào hỏi, dỗ dành, an ủi. Với các bé gái thì kịch bản có phần kín đáo hơn. Bởi chính cô thuở bé cũng từng khóc khi bị người lớn đùa dai hoặc đã “quen mắt” khi nhìn thấy mọi người trong nhà trêu chọc, vậy nên giờ tiếp tục diễn lại như một biểu hiện của lòng mến trẻ.

Người chăm sóc thường cưng nựng, vuốt ve, mân mê, xoa nắn “chỗ ấy” khiến trẻ ngỡ đụng chạm vào đó là một cách biểu lộ sự quan tâm, có quý mới làm thế. Các bé ngầm hiểu đấy là cử chỉ âu yếm, thân mật mà người lớn dành cho mình và chỉ những người thân mới làm như vậy.

Thế nên khi bị kẻ xấu sờ mó, các bé cứ tưởng đó là “chuyện nhỏ” nên không phản ứng gì. Sau này sẽ mất cảnh giác trước những đụng chạm có dụng ý xấu và không biết đề phòng nguy cơ bị xâm hại.

Những trò đùa do người lớn khởi xướng và chưa bao giờ bị nhắc nhở, ngăn chặn khiến trẻ em bắt chước rất nhanh. Các nam sinh chơi trò “bốc hốt” bạn học hoặc “búng chim”... hậu quả khôn lường. Một số nữ sinh ngổ ngáo còn thọc lét, vỗ mông, tốc váy đồng phục của bạn ngay hành lang hoặc giữa sân trường. Nếu nạn nhân có trình báo lên thầy cô thì vụ việc cũng chẳng bao giờ được “phá án” và mọi sự chìm xuồng.

Có oan không khi các nhà chuyên môn nhận định rằng: mầm mống lệch lạc giới tính và xâm hại tình dục trẻ em không chỉ do lối dạy dỗ sai lầm của gia đình, mà còn nằm trong chính môi trường giáo dục học đường ngay từ thuở ấu thơ?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận