Những video tỉ view và “khán giả mặc tã” của YouTube

PHAN BẢO 06/06/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Baby shark là hiện tượng toàn cầu với ngôi vị video được xem nhiều nhất YouTube (trên 8,6 tỉ), nhưng không khó để thấy những video bài hát thiếu nhi khác với số lượt xem lên đến hàng tỉ trên nền tảng này. Thành công của chúng không tự đến; các nhà sáng tạo nội dung video thiếu nhi biết rõ phải làm gì để thu hút khán giả của mình - những đứa bé thậm chí còn mới chập chững biết đi.

 
 Những nhân vật hoạt hình trên kênh YouTube Cocomelon - Nursery Rhymes. Ảnh: Glamour

Trong một bài trên tập san tâm lý xã hội trên không gian mạng Cyberpsychology năm 2017, các tác giả ở Đại học Ben-Gurion (Israel) đã dùng cụm từ “Những khán giả YouTube còn đóng bỉm” để gọi những đứa trẻ dưới 3 tuổi say mê việc xem video trực tuyến.

Thiên đường nội dung của chúng chính là YouTube hoặc YouTube Kids - phiên bản dành riêng cho trẻ em ra mắt năm 2015, hiện có hơn 35 triệu người xem thường xuyên mỗi tuần, sống tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuổi nhỏ và các con số to

Theo thăm dò trên 3.640 phụ huynh do trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Center công bố tháng 3-2020, 80% trong nhóm người được khảo sát có con từ 11 tuổi trở xuống cho biết con họ có xem video trên YouTube. Trong số này, 53% cho biết những đứa trẻ xem mỗi ngày và 35% cho biết chúng xem nhiều lần trong ngày.

Theo bài viết “Raised by YouTube” (Nuôi lớn bằng YouTube) trên tạp chí The Atlantic tháng 11-2018, những người trông trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới mở YouTube và phát những video của ChuChu TV - một trong những kênh thiếu nhi phổ biến nhất - khoảng 20 triệu lần mỗi ngày. Các con số cập nhật tính đến giữa tháng 5-2021 như sau: ChuChu TV có 48,5 triệu người đăng ký và video xem nhiều nhất là bài hát dạy bảng chữ cái alphabet với 3,8 tỉ lượt xem.

Như thế chưa là gì so với kênh Cocomelon - Nursery Rhymes, hiện có hơn 111 triệu người đăng ký và có đến 19 video đạt trên 1 tỉ view (cao nhất 4 tỉ, video xem nhiều thứ 20 đã có hơn 996 triệu lượt xem).

Có thể bạn đọc sẽ thấy những ca khúc sau quen thuộc vì con cháu ở nhà cũng đã nghe qua (thậm chí nghe đi nghe lại suốt ngày): Johny Johny Yes Papa (5,3 tỉ view, kênh LooLoo Kids) và Daddy Finger (1,2 tỉ view, được xem như quốc ca của YouTube Kids, thuộc kênh Videogyan 3D Rhymes).

Và không thể bỏ qua Baby shark, bài hát thiếu nhi gây ám ảnh với người lớn, nhưng lại là video được xem nhiều nhất mọi thời đại trên YouTube - đạt 7,04 tỉ view vào tháng 11-2020 (đến ngày 25-5-2021 số lượt xem đã là trên 8,6 tỉ). Baby shark được đưa lên YouTube ngày 18-6-2016, và việc nó sẽ đón “sinh nhật” lần thứ 5 với một cột mốc mới - 10 tỉ view - là hoàn toàn khả thi.

Ta biết rằng trẻ con thì là tỉ phú thời gian, nhưng điều gì đã khiến chúng miệt mài đóng góp hàng tỉ lượt xem cho các video, đa số là bài hát thiếu nhi trên YouTube?

Công thức hút hồn trẻ con

Rất dễ nắm bắt sở thích để gặt tỉ view từ các khán giả còn mặc tã. Nội dung các video trên những kênh YouTube dành cho trẻ em hàng đầu đều là những bài hát kiểu đồng dao đơn giản, dễ thuộc. Đa số chúng đều có 5 trụ cột quan trọng để khiến trẻ em nghe hoài nghe mãi không chán, theo tiến sĩ Eugene V. Beresin, chuyên gia tâm thần thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.

Trụ cột đầu tiên là sự lặp lại; ca từ đơn giản và lặp đi lặp lại, giúp trẻ em - vốn có lượng từ vựng còn hạn chế - dễ học theo, một bài viết trên The New York Times dẫn lại phân tích của Beresin.

Beresin cũng cho rằng âm nhạc dành cho trẻ em xoay quanh các chủ đề gần gũi với chúng và các khái niệm mà chúng có thể nắm bắt như các thành viên trong gia đình, chuyện ăn uống. Một yếu tố khác là giai điệu vui nhộn và bắt tai (dĩ nhiên rồi).

Kế tiếp, một bài hát thiếu nhi phải có chi tiết để các khán giả nhí có thể dễ dàng bắt chước, ví dụ tiếng con vật kêu. Cuối cùng, không thể không kể đến một chút “over” (làm quá) theo kiểu con nít: các bài hát dành cho trẻ em thường có một chút ngớ ngẩn, chút nét tinh nghịch, đáng ghét của con nít hoặc kết hợp cả ba.

Beatriz Ilari, phó giáo sư tại Trường âm nhạc Thornton của Đại học Nam California, chỉ ra một yếu tố dẫn đến thành công khác của Baby shark nói riêng và các bài hát thiếu nhi tỉ view khác: nó dựa theo “bản phối khí” phổ biến trong các bài hát dành cho trẻ em.

Baby Shark bắt đầu bằng việc giới thiệu các nhân vật chính của câu chuyện (cá mập con, cá mập mẹ, cá mập bố, cá mập bà và cá mập ông), tất cả là những khuôn mẫu quen thuộc đối với trẻ em. Việc mỗi thành viên trong gia đình lặp đi lặp lại trong cùng một giai điệu giúp bài hát khắc sâu thêm vào tâm trí trẻ, nuôi dưỡng tình yêu kể chuyện ở trẻ và tạo sự quen thuộc với các nhân vật.

Bên cạnh đó, theo Ilari, trẻ em cũng thích nhịp điệu nhanh dần của bài hát, nhất là đoạn “doo doo doo doo”. “Chúng ta biết rằng trẻ em thích nhìn những đứa trẻ khác trên màn hình và trong trường hợp này, bọn trẻ cũng có thể bắt chước cử chỉ của chúng” - Ilari nói với The Daily Beast.

Hãy thử nghe những video bài hát trẻ con đình đám nhất trên YouTube để kiểm chứng các công thức thành công nói trên. Chỉ có điều, đa số là nhạc tiếng Anh và nội dung thuần Việt còn rất ít ỏi. ■

Vai trò phụ huynh và thuật toán

Cũng theo khảo sát của Pew Research Center, 97% phụ huynh có con từ 11 tuổi trở xuống nhận xét rằng YouTube giúp con họ giải trí vào một khoảng thời gian nhất định. 88% cho biết YouTube giúp bọn trẻ học được những điều mới. 75% nói nền tảng video này giúp chúng tiếp cận những nền văn hóa khác nhau. Mặc dù vậy, 73% số cha mẹ được khảo sát chia sẻ rằng họ lo ngại con họ tiếp xúc với các nội dung không phù hợp trên YouTube.

Các video hiển thị trên YouTube đều do thuật toán của ứng dụng này đề xuất, dựa trên lịch sử tìm kiếm, xem và các dữ liệu khác của người dùng. Theo lý giải của Sandra Calvert - giám đốc Trung tâm truyền thông kỹ thuật số dành cho trẻ em tại Đại học Georgetown với The Atlantic, đằng sau các con số tỉ view trên YouTube Kids là vòng lặp bất tận: các nhà sản xuất video làm ra sản phẩm mới, bắt chước các nội dung phổ biến nhất, thuật toán của YouTube đề xuất các video đó cho lũ trẻ mỗi khi chúng nghe xong một bài hát, và cứ thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận