TTCT - "Không có quốc gia nào làm giống chúng ta, một người đi vay, một người phân bổ, một người trả nợ”. Các chuyên gia cho rằng nên xem nợ của doanh nghiệp nhà nước là nợ công vì Nhà nước sẽ đứng ra trả nợ khi những doanh nghiệp này “gặp nạn” như trường hợp Vinashin. Trong ảnh: nhà máy sản xuất bio-ethanol ở Dung Quất do Tập đoàn PetroVietnam góp phần lớn vốn đầu tư , bị "trùm mền" lâu nay-Trần MaiNợ công dưới cái nhìn của Thomas Piketty - giáo sư Trường đại học Kinh doanh Paris, tác giả cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 (Capital in the 21st century) - là vấn đề toàn cầu, và bản chất của nó là “phân phối lại tài sản xã hội”. Tất cả các quốc gia, không phân biệt phát triển hay không phát triển, đều là “con nợ”, thậm chí ông viết: “Chỉ có sao Hỏa mới là chủ nợ, còn tất cả Trái đất này đều là con nợ”.Tại sao nợ?Có hai cách chính để một chính phủ có tiền chi tiêu: thu thuế và vay nợ. Nói chung, thu thuế bao giờ cũng dễ hơn là vay nợ xét về pháp lý cũng như thực tế. Vay nợ thì đương nhiên phải trả nợ và những ai cho chính phủ vay thì đều kỳ vọng có lợi nhuận. Ví dụ: đầu tháng 2-2017, Kho bạc Nhà nước Việt Nam công bố sẽ bán 64.000 tỉ trái phiếu chính phủ, nghĩa là chính phủ vay nợ của tư nhân (bao hàm cá nhân và tổ chức, trong nước và nước ngoài)... để chi tiêu.Hiện nay, tức đầu thế kỷ 21, không chỉ những nước đang phát triển như Việt Nam mà các nước đã phát triển cũng đang lún sâu trong nợ nần. Nước Anh từng hai lần đối mặt với nợ công vượt gấp 4 lần GDP. Lần đầu là sau chiến tranh với Napoleon và lần thứ hai là sau Đệ nhị thế chiến. Các nước giàu gánh nợ công bình quân bằng 90% GDP.Đó là mức nợ công bình quân của các nước giàu chưa từng thấy sau năm 1945. Các nền kinh tế mới nổi dù nghèo hơn về vốn và thu nhập, nhưng nợ công bình quân chỉ chiếm 30% GDP. Việt Nam nằm trong nhóm các nước đang phát triển xét về vốn và thu nhập.Đến cuối năm 2016, ước tỉ lệ nợ công/GDP ở mức 63,7% GDP (theo số liệu Bộ Tài chính ngày 30-5-2017), vẫn cao hơn gấp đôi mức bình quân nợ công các nước đang phát triển.Trong báo cáo trước Quốc hội ngày 3-5-2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thì nợ công của Việt Nam vẫn “an toàn”. Theo giáo sư Piketty thì không ai có thể nói tỉ lệ nợ công đến mức nào là an toàn, nếu người ta không tính được tổng tài sản quốc gia và tỉ lệ lãng phí, tham nhũng của quốc gia đó.Thực ra, con số “ngưỡng” nợ công 60% GDP của các nước khu vực đồng euro là do các nước thành viên đồng thuận tại Hiệp ước Maastricht 1992. Trên thực tế, các nước thành viên đều vượt qua ngưỡng này. “Thế giới giàu rất giàu, nhưng chính phủ các nước giàu lại rất nghèo” - giáo sư Thomas Piketty nhận định. Châu Âu chẳng hạn: khối tài sản tư nhân lớn nhất thế giới, nhưng các chính phủ không thể nào giải quyết nợ công. Đó là một nghịch lý kỳ lạ của kinh tế thế giới vào đầu thế kỷ 21.Làm sao giảm nợ công?Câu hỏi cụ thể đặt ra làm thế nào để các chính phủ có thể giảm nợ? Theo giáo sư Piketty, có 3 giải pháp chính và 3 giải pháp này cũng có thể phối hợp nhau tùy theo mức độ. Đó là: 1) đánh thuế lũy tiến trên vốn; 2) áp dụng lạm phát và 3) chính sách khắc khổ hay thắt lưng buộc bụng.Đánh thuế vốn: giải pháp này do giáo sư Thomas Piketty và nhóm các nhà kinh tế chỉ dựa vào số liệu thống kê, đề nghị. Theo ông, chính sách đánh thuế lũy tiến trên vốn vẫn là giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất. Tuy vậy, giải pháp này chưa nước nào thực hiện vì nó chỉ hiệu quả khi được áp dụng trên phạm vi toàn cầu với một hệ thống thông tin minh bạch giữa tất cả các quốc gia. Giáo sư Piketty cho rằng đó là “giải pháp dễ chịu”.Ví dụ: mức thuế sàn chung là 15% trên tài sản tư nhân sẽ tạo ra một giá trị hằng năm tương đương một năm thu nhập quốc gia và như vậy cho phép trả ngay các món nợ công lớn đến kỳ đáo hạn. Nhà nước tiếp tục sở hữu các tài sản công, nhưng nợ sẽ giảm xuống bằng 0 sau 5 năm và do đó sẽ không phải trả lãi nữa.Lạm phát: nếu sự lựa chọn “thuế vốn” thất bại thì mới áp dụng lạm phát. Trong lịch sử, các khoản nợ công lớn đã được giải quyết bằng lạm phát (nói một cách dễ hiểu là phát hành tiền để trả nợ). Tuy vậy, lạm phát cũng là một lựa chọn khả dĩ để trả nợ chính phủ. Trong lịch sử, các nước châu Âu đã sử dụng liệu pháp lạm phát để giải quyết nợ công.Phần lớn các nước châu Âu đã giảm nợ công nhờ lạm phát suốt thế kỷ 20... Ví dụ Pháp và Đức đã cho lạm phát từ 13% đến 17% từ năm 1913 đến năm 1950. Nhờ lạm phát mà hai nước này đã xây dựng lại nền kinh tế vào thập niên 1950 với nợ công rất thấp.Trong lịch sử, Pháp đã từng đối mặt với tỉ lệ lạm phát trên 50% trong 4 năm từ 1945-1948. Điều này giúp giảm nợ công bằng 0 theo cách cực đoan, nhưng làm bần cùng hóa hàng triệu người dành dụm nhỏ và gia tăng nghèo đói vào thập niên 1950.Còn ở Đức từng xảy ra siêu lạm phát với tỉ lệ mất giá đồng tiền 322% mỗi tháng trong vòng 16 tháng từ cuối năm 1922 đến đầu năm 1923. Vụ siêu lạm phát này làm kinh hoàng nước Đức cho đến tận ngày nay. Việt Nam chắc chắn không chấp nhận giải pháp này.Khắc khổ: chính sách này từng áp dụng ở Anh trong thế kỷ 19. Phải mất một thế kỷ thặng dư thứ cấp tức 2-3 điểm GDP để đưa nước Anh thoát ra gánh nặng nợ khổng lồ từ cuộc chiến tranh với Pháp. Khi đó tỉ lệ nợ công của Anh trên GDP là 200%.Gần 20 năm đầu của thế kỷ 21, các nước châu Âu đang áp dụng liệu pháp khắc khổ để giảm nợ công và có thể kéo dài thời gian trả nợ từ 10 đến 20 năm, chứ không đến nỗi phải mất một thế kỷ. Vì là một nước nghèo, Việt Nam dễ thuyết phục khi đi theo hướng khắc khổ, nói nôm na là giảm chi.Tuy vậy, trong báo cáo vừa nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trong nhiều năm qua Việt Nam không giảm chi được, nên thực tế là nợ công cũng đã gần chạm trần. Ông nói: “Chúng ta không làm vẫn phải ăn”. Thực ra, chữ “ăn” ở đây bao hàm cả đầu tư công.Tại hội nghị ngày 6-1-2017 về tài khóa, khi các đại biểu nhắc đến một trong các giải pháp “khắc khổ” là giảm xe công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xe công chỉ là một phần trong khối tài sản khổng lồ hiện tại. Nguồn lực công lớn đang bị lãng phí nhiều nhất, theo Thủ tướng, là trụ sở, đất đai. Vậy tại sao không đem bán tài sản đó để giảm nợ? Giải pháp này chắc chắn bị phản đối.Thomas Piketty cũng không ủng hộ giải pháp này, bởi vì chính phủ phải bảo đảm các lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh nên phải sở hữu các tài sản liên quan chứ không bán cho tư nhân. Cổ phần hóa cũng là hình thức bán tài sản công, nhưng biện pháp này, tại Việt Nam, được thực hiện một cách không hiệu quả, nên không đóng góp đáng kể vào việc làm giảm nợ công.Một trong những giải pháp khắc khổ khác là giảm tăng trưởng hằng năm. Điều này cũng giúp kiềm chế lạm phát, nhưng đất nước sẽ không phát triển và bị mắc trong bẫy thu nhập trung bình. Hiện vẫn còn tranh cãi là tăng trưởng 2017 là 6,5% hay 6,7%, hay thậm chí dưới 6%, là nằm trong ý nghĩa đó.Cuối cùng, nợ là tài sản. Một đất nước đang phát triển phải vay nợ là bình thường. Vấn đề là phải chắt chiu từng đồng vốn vay sao cho hiệu quả để tương lai khỏi nguyền rủa quá khứ. Chính vì vậy mà giáo sư Piketty cho rằng không thể tính tỉ lệ nợ công là bao nhiêu thì an toàn, nếu không tính hết được tổng tài sản quốc gia và tỉ lệ lãng phí - tham nhũng.Nói cho cùng, giàu có hay nghèo khổ của một quốc gia cũng do sự chọn lựa của quốc gia đó mà thôi.■“Không có quốc gia nào làm giống chúng ta, một người đi vay, một người phân bổ, một người trả nợ” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận về quản lý nợ công hiện nay khi có tới ba cơ quan chức năng cùng quản, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Tags: Nợ côngTư bản trong thế kỷ 21Quản lý nợ côngGiáo sư Thomas PikettyTỉ lệ nợ công/GDP
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.