TTCT - “Đây không phải là giải thưởng của tôi, mà là của tờ báo”, một trong những phát biểu đầu tiên hôm 8-10 của người được trao giải Nobel hòa bình 2021 - tổng biên tập tờ báo Nga Novaya Gazeta (Báo Mới) Dmitry Muratov, hoàn toàn không phải là khuôn sáo. Một trong những dụng ý của Nobel hòa bình 2021 hẳn là yếu tố thời điểm. Giải thưởng được trao cho ông Muratov nhân kỷ niệm 15 năm ngày nữ nhà báo của Báo Mới, bà Anna Politkovskaya, bị ám sát (7-10-2006). Trả lời kênh Telegram của Readovkanews, ông Muratov nói: “Tôi tin rằng đây là giải thưởng dành cho Anna Politkovskaya, Yuri Shchekochikhin, Igor Domnikov..., những người bạn, đồng nghiệp yêu quý đã khuất của tôi”. Ông cho biết sẽ tham vấn ban biên tập để xử lý một phần tài chính của giải thưởng theo hướng nêu trên. Bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov. Ảnh: Getty Images Tờ báo đối lập 28 tuổiVậy Báo Mới viết gì, và vì sao cái chết của các nhà báo đã nêu có nhiều uẩn khúc? Vào trang blog của báo (https://novayagazeta.livejournal.com), thấy hé lộ phần nào “bếp núc” về những đề tài đang được theo đuổi, có thể ít nhiều giúp giải thích câu hỏi nêu trên. Ngay trước ngày tổng biên tập Báo Mới nhận tin Nobel hòa bình, tờ báo có những mối quan tâm chính như sau:“Vedette” là tin nóng ngày 7-10: Cái chết của lập trình viên người Belarus Andrei Zeltser hôm 6-10 ở Minsk (Belarus). (Zeltser là người ủng hộ các cuộc biểu tình chống Tổng thống Alexander Lukashenko, nhiều lần kêu gọi người dân xuống đường). Theo đó, Zeltser chết vì bị các tay súng của đội đặc nhiệm Alfa bắn trả do “chống người thi hành công vụ, bắn chết một thành viên Alfa khi họ khám xét nhà lập trình viên này”, và “136 người đã bị bỏ tù vì bình luận trên mạng xã hội về cái chết Andrei Zeltser”.Tiếp theo là hai bài liên quan đến cái chết của nữ nhà báo Politkovskaya. Bài “Cứ hai vụ giết người ở Chechnya thì có một vụ “treo lơ lửng”” cho biết: “Hơn 13.000 vụ giết người diễn ra ở Nga mỗi năm. Theo thống kê chính thức của Văn phòng Tổng công tố, khoảng 90% được phá án". "Tuy nhiên, một số khu vực nổi bật so với bức tranh tổng thể. Ví dụ, ở Chechnya, tỉ lệ các vụ giết người chưa được giải quyết cao hơn 5 lần so với tỉ lệ trung bình toàn quốc. Vào ngày 7-10 (2021), đã hết thời hiệu đưa ra công lý những kẻ có trách nhiệm trong vụ án Anna Politkovskaya, người bị giết cách đây 15 năm"."Chúng tôi quyết định điều tra tại sao các vụ giết người - đặc biệt là những vụ ở Chechnya - cứ mãi “treo lơ lửng””.Tiếp đó, trang blog đưa tin về những nắp cống mang hình vỏ đạn của nghệ sĩ đường phố Nga Slava PTRK thiết kế, lắp đặt để tưởng niệm các nhà báo đã khuất.Sau tất các tin này, mới tới tin cập nhật về giải Nobel hòa bình 2021 mà tổng biên tập của họ được trao.Có thể thấy, tôn chỉ của Báo Mới là một tờ chính trị xã hội có khuynh hướng tự do - dân chủ, nhân quyền đối lập, nhấn mạnh báo chí điều tra. Cũng có thể hiểu vì sao thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov trong lời chúc mừng đã nhận định ông Muratov là “một nhà báo tài năng, can đảm và trung thành với những lý tưởng của mình”.Vụ án Anna PolitkovskayaAnna Politkovskaya (1958 - 2006) là nhà báo đứng mục ở Báo Mới, với nhiều bài viết chiến trường về cuộc chiến của Matxcơva ở Chechnya. Bà thường chỉ trích những vi phạm nhân quyền của cả hai bên. Một trong những cuốn sách của bà đã được dịch sang tiếng Anh ngay cùng năm xuất bản 2001 có tựa đề A Dirty War: A Russian Reporter in Chechnya (Cuộc chiến tranh bẩn thỉu: Một phóng viên Nga ở Chechnya). Politkovskaya bị bắn chết ngày 7-10-2006 trong thang máy của tòa nhà mình sống tại trung tâm Matxcơva. Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy một khẩu súng lục Makarov giảm thanh và bốn vỏ đạn. Các báo cáo chỉ ra một vụ giết người theo hợp đồng, với bốn phát súng, bao gồm một “phát kiểm tra” vào đầu.Chín cá nhân đã bị buộc tội. Tháng 5-2008, Ủy ban điều tra thông báo tên nghi can thực hiện hợp đồng giết người là Rustam Makhmudov. Đến đầu tháng 6, 4/9 nghi can được trả tự do, bao gồm cả người bị cáo buộc tổ chức vụ giết người. Tháng 2-2009, bồi thẩm đoàn nhất trí tuyên trắng án cho hai anh em Ibragim và Dzhabrail Makhmudov vì “điều tra không chứng minh được họ dính líu đến tội ác”. Cuối cùng, tất cả các nghi can được thả.Trong bài điều tra đăng một ngày trước kỷ niệm 15 năm ngày mất của Politkovskaya, Báo Mới cho rằng Matxcơva biết rõ ai là kẻ đặt hàng, nhưng đã khoan hồng. “Cuộc điều tra kéo dài cho đến tận ngày này, bằng mọi cách có thể, vì kẻ đặt hàng là nền chính trị. Và như đã thấy, là nền chính trị lớn”, tờ báo không ngần ngại buộc tội.Nghịch lý của Nobel hòa bìnhTrao Nobel hòa bình cho Muratov, hẳn Ủy ban Nobel không chỉ vinh danh người đấu tranh cho tự do tư tưởng và ngôn luận, nhất là nếu nhớ lại hai giải Nobel hòa bình trước từng được trao cho Nga: nhà vật lý và nhà hoạt động nhân quyền Andrey Sakharov và tổng thống đầu tiên của Liên Xô Mikhail Gorbachev, từng bị không ít người Nga chỉ trích vì “tội” làm tan rã Liên Xô.Alexander Bashkin, thành viên Ủy ban Bảo vệ chủ quyền nhà nước, nhấn mạnh trên RIA Novosti: Ủy ban Nobel thường sử dụng giải thưởng hòa bình như một công cụ chính trị. Trong góc nhìn này, nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov nói Ủy ban Nobel muốn nhắc nhở về một nước Nga với “những vụ ám sát có tổ chức, nhấn mạnh trách nhiệm của ban lãnh đạo Nga trước các vụ sát hại chính trị những nhà đối lập”. Nghịch lý ở đây là: “Báo Mới với xu hướng đối lập mạnh mẽ như thế đã tồn tại gần 30 năm qua, chưa từng bị đình bản hay đóng cửa. Vậy có thực sự là ở Nga không có tự do ngôn luận và tư tưởng?”, Markov đặt câu hỏi.Đa số truyền thông Nga trước tin tức về giải Nobel hòa bình 2021 đều khẳng định công lao của Muratov trong việc bảo vệ đường lối đối lập nhất quán của tờ báo suốt thời ông lãnh đạo. Bản thân ông được đánh giá cao ở tính chuyên nghiệp và những phẩm hạnh cá nhân. Nhiều ý kiến còn nhắc về hoạt động từ thiện của ông (một phần của giải thưởng gần 1,14 triệu USD sẽ được trích tặng quỹ “Vòng quay lòng thiện” hỗ trợ trẻ em mắc những bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp).Chủ tịch hội đồng quản trị tờ báo mà Muratov từng làm việc, Sự thật Komsomol, V. Mamontov, nhận định: “Báo Mới thường viết chống chính phủ, không gần gũi với nhiều người, nhưng tôi cho rằng những việc mà Báo Mới và Dmitry Muratov đang làm là chân thành, được quyết định không chỉ bởi thứ ngày nay người ta hay gọi là “động cơ”, mà còn là một xác tín thực sự, nội tại, chân chính của con người. Dima thực sự là một người rất ôn hòa”.Chủ tịch Liên đoàn nhà báo Nga Vladimir Solovyov thì nói: “Tôi tin rằng đây là chỉ dấu cho thấy chúng tôi có tự do ngôn luận và tự do phổ biến thông tin..." "Anh ấy không gia nhập Liên đoàn nhà báo, nhưng chúng tôi đã quá quen với anh ấy. Không nghi ngờ gì, Muratov là một người tài năng, lôi cuốn, can đảm, trong nhiều năm tòa soạn anh ấy đã xuất bản những tài liệu khá phản biện về các đề tài khác nhau, và một số thành viên đã hy sinh khi thi hành nhiệm vụ. Muratov có thần kinh thép”.Novaya Gazeta được thành lập năm 1993 bởi một nhóm các nhà báo rời khỏi tờ Sự thật Komsomol. Cựu tổng thống Mikhail Gorbachev, vào năm 1993, đã sử dụng một phần tiền từ giải Nobel của mình để mua 8 máy tính cho nhóm 30 nhà báo đầu tiên này. Dmitry Muratov năm nay 60 tuổi, là một trong những nhà báo sáng lập đó.Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Nga, ông từng phục vụ quân đội, rồi xuất ngũ làm việc cho một tờ báo thanh niên địa phương trước khi về làm cho tờ báo Matxcơva Sự thật Komsomol. Những năm 1994 - 1995 ông là đặc phái viên của Báo Mới tại vùng chiến sự Chechnya trước khi trở thành tổng biên tập ấn bản này vào năm 1995 tới nay.Tòa soạn Báo Mới đặt tại Matxcơva. Tính đến tháng 10-2021, họ có 138 nhân viên. Tổng biên tập và các nhân viên của báo nhiều lần đoạt các giải thưởng chuyên nghiệp, công ích và nhà nước. Ít nhất 5 nhà báo đã chết liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của họ.Ngoài ông Muratov, giải Nobel hòa bình năm nay còn được trao cho nhà báo người Philippines Maria Ressa, đồng sáng lập trang tin tức của Philippines Rappler (thành lập năm 2011). Khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines vào năm 2016, Rappler đã đưa tin cả về cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực của ông và việc chính quyền sử dụng Facebook để gieo rắc thông tin sai lạc. Ông Duterte sau đó đã lên mạng đe dọa bà Ressa và năm 2020, bà bị tuyên có tội “mạ lỵ trên mạng”, nhưng sau đó một tòa cấp cao Philippines đã bác vụ kiện. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mùa nobel 2021 Tiếp theo Tags: PhilippinesHồ sơNobel hòa bìnhNhà báo NgaMuratovMaria Ressa
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Quyết định truy thu Thảo cầm viên Sài Gòn gần 800 tỉ được thanh tra kiến nghị từ năm 2022 ÁNH HỒNG 10/12/2024 Quyết định truy thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên Sài Gòn là một câu chuyện dài, được Thanh tra TP.HCM kiến nghị từ năm 2022.
Trao thỏa thuận cấp chính phủ hợp tác với Trung Quốc xây 3 tuyến đường sắt DUY LINH 10/12/2024 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10-12.
Người đàn ông đánh cô gái ở quận 4: 'Các bạn trẻ đừng nóng nảy rồi phải trả giá như tôi' MINH HÒA 10/12/2024 Tại cơ quan công an, Bùi Thanh Khoa có lời hối tiếc 'các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ'.
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.