TTCT - Thế giới đang đứng trong một giai đoạn kỳ lạ. Một mặt, đây là giai đoạn mà quốc gia nào cũng hưởng lợi từ toàn cầu hóa, khi mà toàn cầu hóa đã trở thành một điều hiển nhiên, không phải bàn cãi. Nhưng nó cũng là một giai đoạn mà chủ nghĩa cô lập đang thẩm thấu dần vào bức tranh toàn cầu hóa, giống như những vết mực đang loang dần. Nhà kinh tế học Paul M. Romer. Ảnh: meduza.io Tư tưởng bài ngoại, xu hướng rút lui khỏi các thỏa thuận quốc tế, phủ định các lợi ích của hợp tác đa phương, thậm chí phủ nhận sự tồn tại của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, đang hình thành ở nhiều nơi, thậm chí trở thành quan điểm chính thống của một số lãnh đạo quốc gia, bất kể các bằng chứng thực tế.Trong bối cảnh đó, giải Nobel kinh tế học năm 2018 trao cho Paul Romer và William Nordhaus giống như một tuyên ngôn của Ủy ban Nobel chống lại chủ nghĩa cô lập. Có lẽ cũng vì lý do này mà hai ông trở thành hai người đồng nhận giải, mặc dù các hướng nghiên cứu của họ tương đối khác nhau.Paul Romer (Đại học New York) và William Nordhaus (Đại học Yale, MIT) đều nghiên cứu về kinh tế phát triển. Các ông đều thực hiện các nghiên cứu riêng trên nền tảng về lý thuyết kinh tế phát triển do Robert Solow hình thành từ những thập niên trước với “mô hình tăng trưởng Solow” (Solow growth model) nổi tiếng và được giải Nobel từ năm 1987. Tuy nhiên, hai nhánh mà Romer và Nordhaus nghiên cứu chỉ có điểm chung ở chỗ đó.Lý thuyết tăng trưởng nội sinhRomer làm nên tên tuổi bằng các nghiên cứu về quan hệ giữa công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Để dễ hình dung, kinh tế học luôn nghiên cứu cách sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm sản xuất ra của cải, hàng hóa. Trước đây, theo mô hình của Solow, các nhà kinh tế học đều giả sử công nghệ là yếu tố bên ngoài hệ thống kinh tế (giống như thứ từ trên trời rơi xuống).Trong phạm vi một công nghệ có sẵn, các doanh nghiệp và các quốc gia tối đa hóa việc sử dụng nguồn lực để tạo ra nhiều của cải nhất có thể. Khổ một nỗi, với giả sử này, mô hình sẽ dẫn tới kết luận các nền kinh tế lúc đầu tăng trưởng nhanh nhưng rồi sẽ buộc phải tăng trưởng chậm dần, nước nghèo sẽ dần đuổi kịp nước giàu.Lý do là theo các mô hình này thì công nghệ không thay đổi vì tăng trưởng kinh tế, do đó có giàu lên thì cách tổ chức sản xuất vẫn vậy, và vì thế, lợi ích cộng thêm do gia tăng vốn trong quá trình sản xuất sẽ ít dần. Thí dụ, nếu công nghệ dệt vải vẫn là dệt bằng khung gỗ thì bỏ nhiều tiền hơn vào sản xuất cũng không làm tăng năng suất dệt vải nhiều được. Vì thế dần dần các nước sẽ đuổi kịp nhau về năng suất dệt vải.Paul Romer thực hiện một phân tích định lượng và ông nhận thấy ít nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, các nước khác nhau trên thế giới có tốc độ tăng trưởng rất khác nhau, và sự khác nhau này kéo dài hết thập kỷ này qua thập kỷ khác chứ không hội tụ hay chậm lại.Romer cho rằng điều này có thể được giải thích bằng sự thay đổi của công nghệ, và sự thay đổi này là “nội sinh”, có nghĩa là công nghệ mới cũng có thể được sản xuất ra giống như việc sản xuất các sản phẩm dịch vụ và hàng hóa bình thường khác, chứ không phải một thứ nằm ngoài hệ thống kinh tế như giả định của mô hình Solow trước đây.Trên cách nhìn này, Paul Romer đã xây dựng một lý thuyết mới, mang tên “endogenous growth theory” (lý thuyết tăng trưởng nội sinh). Theo lý thuyết này, các nền kinh tế có thể bỏ tiền ra để sản xuất ý tưởng, công nghệ. Và đến lượt nó, ý tưởng, công nghệ lại giúp thay đổi mô hình sản xuất, giúp các nền kinh tế thoát khỏi bẫy tăng trưởng chậm dần. Do đó, có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài.Nhưng Romer không chỉ dừng lại ở đó, các nghiên cứu của ông về lý thuyết này đi sâu hơn nhiều và giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của “hàng hóa tri thức”. Ngược với các hàng hóa thông thường, thí dụ một chiếc bánh người này ăn thì người kia khỏi ăn, hàng hóa tri thức/công nghệ là thứ có thể chia sẻ được, thí dụ một phần mềm máy tính thì bao nhiêu người dùng cũng không vấn đề gì.Vì thuộc tính này, việc sáng tạo ra hàng hóa tri thức thì tốn kém đối với người sáng tạo ra nó, nhưng một khi tồn tại rồi, việc copy lại để sản xuất thứ tương tự lại đơn giản hơn, với chi phí ít hơn rất nhiều và đem lại lợi ích cho cả xã hội. Thí dụ việc phổ biến rộng rãi một phát minh sẽ có lợi hơn cho nhân loại thay vì chỉ một số ít người biết.Vì đặc thù này, thị trường hàng hóa tri thức và công nghệ là thị trường cần phải được điều tiết. Có nghĩa là những ý tưởng công nghệ mới cần phải được bảo hộ bản quyền. Nếu không thị trường sẽ thiếu động lực để sản xuất ý tưởng mới vì ai cũng muốn ngồi chờ để copy chứ không muốn bỏ tiền ra tự nghiên cứu.Tuy nhiên, việc bảo hộ quá lâu cũng sẽ khiến lợi ích của hàng hóa ý tưởng - vốn là thứ có thuộc tính chia sẻ - bị giới hạn. Vì thế lý thuyết của Romer chỉ ra điểm cân bằng giữa việc bảo hộ bản quyền và việc khai thác tính chia sẻ của nó để đem lại lợi ích cho nhân loại thông qua cơ chế bảo hộ có thời hạn và không gian cụ thể.Dĩ nhiên, tính chia sẻ của hàng hóa tri thức không chỉ giới hạn trong biên giới một nước. Các công nghệ hoàn toàn có thể được chia sẻ giữa các nước và đem lại lợi ích cho cả nhân loại. Vì thế, các định chế giúp điều tiết hàng hóa tri thức nên được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Nói cách khác, nó là vấn đề mang tính toàn cầu, cần sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia.Nhà kinh tế học William D. Nordhaus. Ảnh: Đại học Yale Biến đổi khí hậu và mô hình đánh giá tích hợp (IAMs)Trong khi các nghiên cứu của Romer nghiên cứu về một vấn đề có tính toàn cầu là công nghệ, Nordhaus nghiên cứu một vấn đề khác cũng mang tính toàn cầu nhưng không liên quan đến công nghệ, đó là môi trường.Khởi điểm từ những năm 1970 khi còn là một giáo sư trẻ tại Đại học Yale, Nordhaus bắt đầu quan tâm đến chủ đề môi trường khi các vấn đề về biến đổi khí hậu (Trái đất nóng dần lên) trở thành một chủ đề nóng thời đó. Cũng dựa trên mô hình tăng trưởng của Solow, Nordhaus đưa thêm vào mô hình của Solow vấn đề Trái đất nóng lên do khí thải carbon và phát triển nó lên thành một hệ mô hình phức tạp mang tên “integrated assessment models” (IAMs, các mô hình đánh giá tích hợp).Hệ mô hình này mô phỏng 3 loại tương tác có liên quan đến nhau: thứ nhất là việc khí thải carbon tác động thế nào đến lượng CO2 có sẵn trên Trái đất (trong khí quyển, mặt biển và sinh quyển, và trong lòng đại dương).Thứ hai là lượng CO2 trên Trái đất có ảnh hưởng thế nào đến nhiệt độ của Trái đất. Thứ ba là hoạt động kinh tế của con người (sử dụng vốn, lao động, và năng lượng) sẽ tạo ra khí thải carbon như thế nào và các chính sách như thuế carbon hay quyền xả khí thải carbon ảnh hưởng tới nền kinh tế và lượng thải khí CO2 ra sao.Hệ thống mô hình IAMs của Nordhaus dĩ nhiên chỉ là một hệ thống mô hình toán học tương đối đơn giản so với tính phức tạp trên thực tế của các quan hệ mà ông muốn mô phỏng. Tuy nhiên, IAMs là hệ thống mô hình đầu tiên giúp chúng ta mô phỏng được ảnh hưởng của các chính sách vĩ mô liên quan đến khí thải lên các nền kinh tế và tình trạng biến đổi khí hậu. Nó cũng cho phép rút ra một số kết luận rất quan trọng về chính sách.Có lẽ kết luận quan trọng nhất mà IAMs của Nordhaus đưa ra là giải pháp tối ưu cho tình trạng nóng lên toàn cầu nằm trong việc áp dụng một chính sách thuế carbon đồng nhất lên tất cả các nền kinh tế trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển.Một công cụ có tác dụng tương tự là hình thành một hệ thống mua bán khí thải tập trung ở quy mô toàn cầu kèm theo việc các quốc gia đặt giới hạn xả CO2 ở mức đủ thấp để giá mua quyền xả CO2 ở mức đủ cao.IAMs không chỉ dừng ở mức định tính, mà nó còn giúp các chuyên gia tính được cụ thể với mỗi mức thuế carbon khác nhau thì mức độ xả CO2 ra môi trường sẽ diễn biến trong dài hạn như thế nào. Trên cơ sở đó, các nhà lập chính sách có thể có được tầm nhìn dài hạn khi ra các quyết định định lượng về mức thuế carbon hoặc định lượng xả CO2 hằng năm.■Các đóng góp của Paul Romer và William Nordhaus là những bước tiến bộ quan trọng của kinh tế học nói riêng và nhân loại nói chung trong việc giải quyết các câu hỏi trọng yếu về tương lai của nhân loại. Chúng ta chưa có được các câu trả lời thích đáng cho những câu hỏi này, nhưng rõ ràng các công trình của hai ông sẽ là những nền móng vững chắc cho các nghiên cứu tiếp theo trong mỗi lĩnh vực nhằm giúp con người giải mã con đường để đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở quy mô toàn cầu. Vì lý do đó, Paul Romer và William Nordhaus được vinh danh là các tân khôi nguyên của giải Nobel kinh tế năm nay. Tags: Biến đổi khí hậuGiải NobelNobel kinh tếPaul Romer và William Nordhaus
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...