Nobel văn học 2005 trao muộn

NGUYỆT CẦM 09/10/2005 17:10 GMT+7

TTCN - Thông thường, bao giờ giải Nobel văn học cũng được công bố gần cuối, sau những giải y học, vật lý, hóa học, kinh tế, và thường chỉ trước giải hòa bình. Năm nay, cành nguyệt quế văn chương cao quí nhất sẽ được trao muộn hơn nữa.

Phóng to
Mario Vargas Llosa
TTCN - Thông thường, bao giờ giải Nobel văn học cũng được công bố gần cuối, sau những giải y học, vật lý, hóa học, kinh tế, và thường chỉ trước giải hòa bình. Năm nay, cành nguyệt quế văn chương cao quí nhất sẽ được trao muộn hơn nữa.

Hoãn công bố vì bất đồng?

Theo truyền thống, tiểu ban gồm 18 thành viên bầu chọn giải Nobel văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển có 219 năm tuổi, sẽ thông báo vào ngày thứ ba rằng tên tuổi người đoạt giải sẽ chính thức được công bố vào ngày thứ năm kế đó.

Thứ ba tuân này đã không có động tĩnh gì, điều đó có nghĩa là giải Nobel văn học 2005 sẽ chỉ được biết rõ sớm nhất là vào thứ năm tuần tới, ngày 13-10.

Phóng to
Joyce Carol Oates
Và chính sự chậm trễ đó dẫn tới nhiều suy đoán, theo đó đã có những tranh cãi, bất đồng, thậm chí nghiêm trọng trong số các thành viên tuyển chọn về việc nhà văn hoặc nhà thơ nào xứng đáng với giải thưởng trị giá 1,3 triệu USD cùng một huy chương vàng và một bằng chứng nhận; chưa kể các tác phẩm của họ sẽ được đảm bảo trên thị trường về lâu dài.

Mặc cho những đồn đoán râm ran trên báo chí, Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn không đưa ra lời giải thích nào. Liệu có khả năng giải văn học sẽ không được trao năm nay, bởi không tìm được tác giả thật sự có uy tín văn chương trên phạm vi toàn thế giới?

Phóng to
Nuruddin Farah
Hoặc do các thành viên xét duyệt không thể đi đến sự nhất trí cao? Điều đó có lẽ khó xảy ra, dù trong lịch sử của giải, kể từ khi nhà thơ Pháp Sully Prudhomme được nhận vòng nguyệt quế đầu tiên năm 1901, đã có bảy lần giải Nobel văn học không được trao, đó là vào các năm 1914, 1918, 1935, và từ 1940-1943; nhưng lý do là hai cuộc thế chiến 1 và 2.

Những người có nhiều hi vọng

Sẽ không ai biết được cái danh sách rất bí mật những nhân vật được đề cử giải Nobel trong các lĩnh vực. Theo nguyên tắc của Viện Hàn lâm Thụy Điển, chỉ sau 50 năm khi giải được công bố mới biết ai có tên trong danh sách đề cử. Nên mãi sau này người ta mới biết hai tên trùm phát xít Hitler và Mussolini đều đã từng được đề cử giải Nobel hòa bình!

Trở lại với giải Nobel văn học năm nay, theo giới chuyên môn quan sát, và có cả tổ chức cá cược Ladbrokes có trụ sở tại London, danh sách các ứng viên nhiều triển vọng nhất không dài.

Phóng to
Philip Roth
Đứng đầu là nhà thơ người Syria Ali Amah Said (thường được biết với bút danh Adonis), nhà thơ Hàn Quốc Ko Un, nhà văn nữ người Mỹ Joyce Carol Oates và nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer.

Nhiều người khác cho rằng xứng đáng nhận giải năm nay còn có nhà văn Mỹ Philip Roth, nhà văn Mario Vargas Llosa của Peru, nhà thơ nữ Canada Margaret Atwood và nhà văn Nuruddin Farah của Somalia.

Cũng có người loại nhà thơ Tomas Transtromer khỏi danh sách vì cho rằng châu Âu đã có tới chín người đoạt giải Nobel văn học trong 10 năm trở lại đây; song thế mạnh của ứng viên này còn là cái quốc tịch Thụy Điển của ông.

Trong các ứng viên kể trên, có bốn đại diện của thế giới thứ ba:

- Mario Vargas Llosa (sinh năm 1936), một tên tuổi lẫy lừng với tác phẩm được dịch ở nhiều nước trên thế giới (trong đó có VN), một trong vài gương mặt văn học lớn nhất của châu Mỹ Latin hiện đại, từng là ứng viên tranh cử tổng thống Peru và giảng dạy nhiều trường đại học

- Nhà thơ Adonis (sinh 1930), tiến sĩ triết học, là thủ lĩnh của phong trào hiện đại hóa thơ ca Ả Rập từ giữa thế kỷ 20, đến thập niên 1960 đã góp phần tạo nên một hình thức mới trong thơ viết bằng ngôn ngữ Ả Rập

Phóng to
Ko Un
- Nhà thơ Ko Un (sinh 1933) có lẽ là một trong vài gương mặt thơ ca gây tranh cãi nhiều nhất và cũng là tác giả văn học nổi tiếng tại Hàn Quốc hôm nay, đã xuất bản hàng trăm tác phẩm thơ và nhiều thể loại văn học khác, từng được mời sang nhiều nước đọc thơ và tác phẩm được dịch ở một số nước, đồng thời ông cũng là người đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ độc tài của Chun Doo Hwan.

- Nhà văn Nuruddin Farah (sinh 1945) viết bằng tiếng Anh và tiếng Somalia, có nhiều người đọc ở các nước nhưng toàn bộ tác phẩm của ông từng bị chế độ độc tài Siyad Barre câm phổ biến và ông bị kêu án tử hình, đặc biệt là bộ tiểu thuyết ba tập quan trọng nhất của Farah - Những biến tấu trên chủ đề độc tài ở châu Phi tái hiện xứ sở Somalia từ thời thực dân tới những năm dưới ách các chế độ độc tài. Farah cũng được mời giảng dạy đại học ở nhiều nước.

Với các ứng viên phương Tây, hai nhà văn Mỹ Joyce Carol Oates (sinh 1938) và Philip Roth (sinh 1933) là các tên tuổi quen thuộc ở nhiều nước và đều giảng dạy văn chương tại đại học. Họ có nhiều tác phẩm best-seller, từng đoạt các giải thưởng văn chương quan trọng nhất tại Mỹ như National Book Award, giải Pulitzer, giải PEN/Faulkner…

Còn bà Margaret Atwood (sinh 1939) từng là chủ tịch Hội Nhà văn Canada, chủ tịch Văn bút quốc tế, dạy đại học ở nhiều nước, tác phẩm được xuất bản ở các nước nói tiếng Anh.

Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những dự đoán. Biết đâu cành nguyệt quế văn chương sẽ thuộc về một tác giả không hề có tên trong danh sách trên!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận