Nói “chuyện gẫu” hay “chuyện sâu”?

TÙNG LÊ 11/02/2022 22:10 GMT+7

TTCT - Sau Tết, ngay cả những công sở còn chần chừ trong việc để các nhân viên quay lại văn phòng làm việc trực tiếp cũng tính tới lúc chấm dứt chuyện làm việc từ xa. Trở lại nghĩa là phải thay các cuộc trao đổi từ xa bằng chuyện trò mặt đối mặt. Với nhiều người, đấy có thể là “cú sốc”, khi chợt nhận ra kỹ năng giao tiếp của mình biến đi đâu mất.

 
 Ảnh: Shutterstock

Già hay trẻ, hướng nội hay hướng ngoại, ta đều dễ thấy cuộc trò chuyện mặt đối mặt trong văn phòng, dù là với khách hàng, đối tác hay đồng nghiệp vẫn họp trực tuyến trong suốt mấy tháng qua, đã lăn vào ngõ cụt từ lúc nào không hay; một câu bông đùa tung ra không có người hứng, hay sự im lặng chết chóc bao trùm các bữa ăn trưa từng rộn rã tiếng cười.

Theo Chris Segrin, nhà nghiên cứu hành vi thuộc Đại học Arizona (Mỹ), kỹ năng giao tiếp xã hội cũng không khác gì kỹ năng thể thao, nếu không tập luyện thường xuyên sẽ lụi tàn. Trong thời làm việc từ xa, những đồng nghiệp có thể trao đổi công việc với nhau suốt tám tiếng mà không nhìn mặt nhau lấy một lần, kỹ năng “nhìn mặt bắt hình dong” - quan sát phản ứng của đối phương để đoán ý, phản hồi và thay đổi đề tài cho phù hợp, còn gọi là giao tiếp phi ngôn từ - cũng vì thế mà xuống dốc.

Chuyện chọn đề tài cũng là một trở ngại. “Những ngày giãn cách sống sao” hẳn là chủ đề xuyên suốt trong các chuyện trò trong dịp Tết vừa qua. Trở lại văn phòng, chẳng lẽ lại nói tiếp chuyện ấy, nhất là khi nhiều người đã vượt qua đại dịch với nhiều vết sẹo sức khỏe tinh thần, thậm chí sang chấn tâm lý? Giải pháp bất đắc dĩ có lẽ là chuyển sang những đề tài vô thưởng vô phạt để không kích nổ “quả bom” tâm sự có sẵn trong mỗi người.

Tiếc rằng, đa số chúng ta không thích những câu chuyện tầm phào. Các nghiên cứu khoa học hành vi đã chỉ ra rằng càng nói chuyện phiếm thì ta lại càng cảm thấy trống rỗng. Biết vậy, nhưng chẳng phải chuyện trò tâm tình chỉ dành cho người thân và bạn tâm giao, chứ không phải người quen biết sơ hay lần đầu gặp mặt hay sao?

Thật ra, ta có thể làm khác đi. Theo một nghiên cứu do Nicolas Epley - giáo sư ngành khoa học hành vi tại Đại học Chicago - dẫn đầu, phần lớn chúng ta đang đánh giá thấp mức độ quan tâm của người xung quanh, đặc biệt là người lạ, đến những thông tin có ý nghĩa mà ta đưa ra. Chúng ta cũng có xu hướng thổi phồng cảm giác ngượng ngùng khi nói chuyện với người lạ, đến mức thu mình lại khi cuộc trò chuyện còn chưa bắt đầu.

Epley cho rằng ta luôn có khả năng kết nối sâu với người lạ khi được đưa vào đúng môi trường và trao đúng cơ hội. Ông và các cộng sự thực hiện khảo sát trên 1.800 người từ nhiều ngành nghề, độ tuổi và xuất thân. Những cá nhân không quen biết được chia thành cặp và được phát một tập câu hỏi với độ “sâu” tăng dần, từ “Bạn thấy thời tiết hôm nay thế nào?” đến “Lịch trình một ngày của bạn?” và cuối cùng “Hãy mô tả lại khoảnh khắc bạn khóc trước mặt người khác?”. Theo Epley, nhiều người bước vào thí nghiệm đầy chần chừ và nghi ngại nhưng bước ra với sự bất ngờ và mãn nguyện.

“Sau khi 10 phút trò chuyện kết thúc, chúng tôi phải dành thêm 5 phút nữa để yêu cầu các cặp dừng nói. Một người lau nước mắt bước ra. Một cặp khác ôm chầm lấy nhau. Những gương mặt lạnh ban đầu bây giờ đầu đã nở nụ cười” - nhóm nghiên cứu viết trên tờ The Washington Post. 

Trong cuộc khảo sát sau thí nghiệm, người tham gia cho thấy họ thích chuyện phiếm, nhưng sự thỏa mãn đem lại sẽ không thể sánh bằng một cuộc trò chuyện sâu - nơi cả hai người cùng dụng công lắng nghe và chịu mở lòng chia sẻ.

Trên thực tế, những cú “chạm” như vậy ít khi xảy ra bởi những lo âu và định kiến. Hầu hết mọi người đều quan tâm và tò mò về những người xung quanh, nhưng theo Epley, họ đều nghĩ người khác không muốn nói chuyện và cho rằng mình sẽ bị coi thường nếu chia sẻ chuyện đời tư.

Muốn những mối quan hệ có chiều sâu nảy nở, không còn cách nào khác ngoài việc tự thân cố gắng. Bước đầu tiên, theo Epley, là vượt qua rào cản tưởng tượng để học cách chia sẻ thật lòng. Một suy nghĩ chân thành gần như chắc chắn sẽ nhận được một phản hồi thật lòng tương tự.

Một quy tắc khác: Nếu đang phân vân không biết có nên nói chuyện “sâu” hay “nông”, luôn chọn phương án thứ nhất. Hãy nhớ lại những lần ai đó trong văn phòng đang gặp khó, nhưng bạn quá lo lắng không biết làm gì, nên đã tự cho rằng người kia đang muốn ở một mình.

Theo Epley, “giao tiếp có một khả năng gần như lực hút, giúp con người tiến lại gần nhau” ngay cả khi người tham gia có ý kiến hoàn toàn trái ngược. Những cuộc trò chuyện chất lượng không được định nghĩa bằng lời lẽ mà là khả năng lắng nghe: ta chấp nhận sự tồn tại của một thế giới khác mình, để rồi nhận ra những điểm tương đồng thay vì so đo những khác biệt.

Khi mới quay lại thời chuyện trò trực tiếp thay vì từ xa, ta có thể dựa vào chuyện phiếm như một công cụ tạm thời, nhưng cũng không được quên rằng nối kết giữa người với người phải được xây nên từ nỗ lực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận