TTCT - Khi nào thì buổi sáng trở thành khoảng thời gian đặc biệt đau khổ, nhắc đến đã thấy áp lực và lo sợ? Khi bạn đã là cha mẹ, và khi ngày lũ trẻ đến trường - lần đầu tiên hay trở lại sau mùa hè - đã đến. Mục tiêu của bạn không chỉ là đưa con đến trường, mà là hối thúc chúng đến đó đúng giờ, để bạn cũng có thể đi làm đúng giờ. Nhưng vấn đề là lũ trẻ thường không quan tâm bạn đến chỗ làm sớm hay muộn, và chuyện buổi sáng diễn ra trơn tru, cả nhà ra khỏi cửa vui vẻ vì dư dả thời gian được xem là "điều kỳ diệu", theo khảo sát 1.300 phụ huynh các em từ 6 - 16 tuổi ở Vương quốc Anh.Trước thềm năm học mới, 34% người tham gia khảo sát nói họ có được cái sung sướng ngủ thêm một chút vì không phải mất nhiều thời gian để con cái sẵn sàng đến trường, nhưng 26% đau khổ thừa nhận họ thường xuyên muộn giờ vì sáng nào cũng vật lộn cùng lũ trẻ.Vào buổi sáng của ngày đi học, phụ huynh Ăng-lê phải mất trung bình 43 phút để đánh thức con dậy, chuẩn bị sẵn sàng và ra khỏi nhà, bởi có quá nhiều thứ phải lo: bắt con ăn xong bữa sáng đúng giờ, vất vả cho con mặc đồng phục, kiểm tra cặp vở... 19% người được hỏi nói họ phải mất thì giờ tìm đồng phục hoặc đồ dùng học tập còn thiếu, 29% phải thuyết phục con mình đánh răng và 36% khốn khổ ngay từ khâu đầu tiên: lôi bọn trẻ ra khỏi giường.Nỗi ám ảnh về "nghi thức buổi sáng" hiển nhiên không phải của mỗi phụ huynh xứ sương mù. Theo khảo sát với 1.500 cha mẹ có con đang tuổi đi học ở Mỹ vào đầu tháng 7, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí 1/3 số người được hỏi khi thức dậy là "ôi lại thêm một ngày ngập thứ phải làm". Trong mùa tựu trường, phụ huynh Mỹ thường cảm thấy choáng ngợp vì phải thay đổi nhiều lịch trình khác nhau - từ sinh hoạt ở nhà lẫn chỗ làm, và không ngủ được nhiều như trong thời gian lũ trẻ nghỉ học. Khảo sát cho thấy phụ huynh Mỹ mất trung bình 64 phút để hoàn thành "nghi thức buổi sáng", tính từ lúc đánh thức các con đến khi chúng bước ra khỏi cửa, với một loạt đầu việc: vệ sinh cá nhân, làm bữa sáng, gọi con dậy, vệ sinh cho con, cho chúng ăn sáng, chuẩn bị bữa trưa cho con.Ở Úc không có khảo sát tương tự, nhưng báo The Age dẫn lời ai oán của nhiều phụ huynh về cái họ gọi là "hỗn loạn có tổ chức" trong nhà mỗi buổi sáng khi năm học mới bắt đầu từ cuối tháng 1. "Hỗn loạn kéo dài từ 8h sáng, và tới 9h tôi thấy như mình mới chạy marathon xong. Và chắc chắn tôi không phải là người duy nhất thấy thế", bà mẹ 2 con Jemma Watkins, người phải đo huyết áp ngay ngày đầu tiên đưa con đến trường xong xuôi, nói. Phil Cuthbert - 1 vợ 3 con (8, 14 và 16 tuổi) - nói sự hối hả của cả nhà mỗi buổi sáng là cơn ác mộng. "Chúng tôi cố gắng sắp xếp mọi thứ vào đêm hôm trước... nhưng luôn có điều gì đó không ổn", anh nói. Với vợ chồng Cuthbert, chính thức tạm biệt để các con đến trường là cảm giác nhẹ nhõm không gì sánh bằng, vì họ đã "vượt qua và chịu đựng được một buổi sáng nữa".Làm sao để con trẻ rời giường và đến trường nhanh chóng là dạng bài "đến hẹn lại lên" của các trang mạng chuyên nội dung về "nghề" làm cha mẹ. Các lời khuyên phổ biến là chuẩn bị sớm từ đêm trước, để tập làm quen, sửa soạn mọi thứ cho nhanh... Phụ huynh cũng có thể tổ chức thi thố kiểu như xem ai mặc quần áo nhanh nhất, ai bước ra khỏi cửa trước trước tiên, hay "thách" con chuẩn bị đâu đó sẵn sàng trong thời lượng của một bài nhạc cả nhà cùng thích."Tuyệt chiêu cuối cùng" - khi mọi cố gắng đều thất bại, lũ trẻ vẫn cứ trễ nải - là quý phụ huynh cứ mở cửa và bước ra ngoài, theo tác giả sách dạy làm cha mẹ Katherine Reynolds Lewis. "Đừng la hét, đừng cằn nhằn, đừng đe dọa. Đơn giản chỉ cần bước ra khỏi cửa, đứng bên ngoài và chờ đợi. Đứng đó 5 - 10 phút hoặc lâu hơn, tới khi con bạn chịu di chuyển. Nếu con bạn lớn hơn và bạn đã nói rõ ý của mình, cứ việc đi luôn, không cần chờ thêm", Lewis viết.Meghan Moravcik Walbert, thư ký tòa soạn trang mạng chuyên về mẹo vặt đời sống Lifehacker, đã thử áp dụng cách này với con trai mình, vào một buổi sáng cô bất lực nhận ra mình đã "lãng phí quá nhiều thời gian chờ thằng bé mang giày - mỗi lần đâu chừng bốn tiếng rưỡi". Walbert kể cô đã mở cửa, bấm sẵn chốt khóa trên nắm đấm, bước thẳng ra xe hơi, và gọi với lại bảo con: "Đóng cửa lại sau khi con sẵn sàng". Cậu bé lao ra gần như lập tức.Khi Walbert còn đương tự đắc vì ứng dụng "bí kíp cuộc sống" thành công, thì cậu con trai thỏ thẻ nói đã bỏ quên một quyển sách. "Tôi phải quay lại mở cửa, ờ mà chuyện này tôi cũng liệu trước rồi", cô viết. Thật là một tinh thần tự an ủi đáng nhân rộng. Tất cả cũng vì con em chúng ta. Tags: Vương quốc Anh.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.