Nỗi niềm cây cảnh

VIỆT HÀ 06/01/2013 21:01 GMT+7

TTCT - Từ khi cây cảnh, cây thế lên ngôi, có những cây cảnh như si, sanh, lộc vừng... được các chủ nhân rao bán tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây trị giá cả bạc tỉ, ở không ít vùng quê trên cả nước bà con đổ xô trồng cây cảnh.

Nhưng trong thời buổi “gạo châu củi quế” hiện nay, cây cảnh ê hề mà chẳng ai buồn hỏi mua.

Phóng to
Một gốc sanh già từng được khách trả 90 triệu đồng năm năm trước - Ảnh: Việt Hà

Cả nước hiện nay có rất nhiều địa phương chơi bonsai, cây cảnh. Nhiều làng nổi lên là “làng đại cây cảnh”. Nhưng có lẽ cả huyện, cả tỉnh cùng đổ xô trồng, chơi và kinh doanh cây cảnh một cách máu mê như tỉnh Nam Định thì chỉ có một.

Cây chết đứng, chủ chết lặng

Đặt chân tới Thành Nam những ngày cuối năm, đi một vòng làng trên xã dưới, ở đâu cũng thấy bày la liệt bồn bonsai, ang chậu cây cảnh. Cây cảnh trưng bày dọc lề đường, xóm ngõ, bờ ao, bờ ruộng. Thậm chí ở các huyện ven biển như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy... thì bờ rào của các gia đình cũng là cây cảnh.

Sở dĩ người Nam Định máu mê cây cảnh là vì ở đây có một làng gọi là Điền Xá (thuộc huyện Nam Trực), từ cách đây 700 năm đã nức tiếng về trồng cây cảnh. Tuy vậy, theo cụ Nguyễn Văn Rỵ, 73 tuổi, thủ từ đình Vị Khê của làng Điền Xá, suốt nhiều thế kỷ người Điền Xá cũng chỉ trồng để chơi thôi. Từ khi xảy ra “cơn sốt”, cây cảnh Điền Xá mới bung ra bán khắp cả nước. Khách mua từ Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai, Sài Gòn... kéo về, cây cảnh tiền triệu nâng dần thành tiền tỉ rồi chục tỉ. Nhiều người sở hữu cả “sân triển lãm” trị giá cả trăm tỉ đồng. Có người nhảy ra buôn cây cảnh, thậm chí cho cây xuất ngoại.

Thế là mọi thứ cây đều bị chặt đi để nhường cho sanh cảnh. Hội Sinh vật cảnh tỉnh Nam Định thống kê cho biết toàn tỉnh có đến 4.583ha trồng cây sanh, trong đó vườn cây cảnh là 2.626ha, mô hình trang trại là 1.786ha... Trồng trong sân vườn không đủ, bà con đưa ra trồng ngoài ruộng lúa. Ở các xã Hải Đường (Hải Hậu), Điền Xá (Nam Trực), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng)... còn có những trang trại rộng 5-6ha, sanh mọc như rừng. Chủ vườn ngày ngày phải thuê hàng chục người chăm tỉa.

Nhưng bao năm nay, cái gì “bội thực”, dư thừa cũng hỏng. Ông Phạm Văn Thanh, một chủ chuyên thu gom sanh cổ thụ ở xã Hải Sơn (Hải Hậu), kể đầu những năm 2000 cả tỉnh Nam Định đổ xô săn, trồng vạn tuế, nhưng chỉ được 2-3 năm đã thành “đoản tuế”. Tới năm 2004 lại lên “cơn sốt” lộc vừng, dân Nam Định đua nhau trồng, nhưng cây chưa kịp thành cổ thụ để kiếm chút “lộc” thì chẳng còn ai chuộng nữa. Bà con não nề nhổ bỏ lộc vừng làm củi, lại chuyển sang trồng sanh cảnh để nuôi hi vọng như bây giờ.

Tới lượt sanh cũng chung số phận khi được trồng nhiều như khoai, lúa. Thậm chí thay vì thực hiện theo đúng phương châm “ông trồng cháu hưởng”, tức là phải sau một, hai thế hệ mới có thể thu hoạch thì nhiều người chỉ trồng khoảng dăm bảy năm là bán, sử dụng mọi kỹ thuật như chích thuốc, ghép cành, ghép gốc... để sanh mau thành đại thụ. Sanh, si trồng nhanh lại nhiều nên bán không kịp, chơi cũng không xuể. Rốt cuộc sanh ế đầy vườn đầy ruộng.

Hơn một năm trước, ông Vũ Minh Toàn ở xã Hải Phú (Hải Hậu) mừng như trúng số độc đắc khi có khách sộp từ tận Hải Phòng sang ôm cả vườn sanh cảnh do ông tự ươm vài năm trước với số tiền 1,2 tỉ đồng. Vợ chồng ông ham làm giàu, ôm lại hai vườn sanh khác trong làng. Nào ngờ hơn một năm nay vẫn không bán được. Ông rầu rĩ: “Hỏng hẳn. Sanh ươm đầy vườn mà chẳng ai hào hứng mua. Mỗi ngày vẫn phải thuê bà con vào chăm tưới”.

Còn ông Trần Văn Vinh ở xã Hải Triều, cùng huyện Hải Hậu, thì than thở: “Từ khi chuyển đổi hơn 2ha ruộng lúa sang trồng sanh cảnh, tới nay tôi mới bán được đúng một gốc trị giá 15 triệu đồng. Trong vườn vẫn còn hàng ngàn gốc lớn nhỏ nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng”.

Để đầu tư cho 5ha sanh cảnh (chủ yếu là thuê mướn ruộng, giá 27 triệu đồng/ha), anh Phạm Văn Nghị (xóm 21, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu) phải vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, rồi còn vay mượn anh em, họ hàng hơn 1 tỉ đồng. Hiện anh đang “ôm” gần 3.400 cây sanh đủ loại mà chưa biết khi nào mới bán được. Anh nói: “Nhiều chủ vườn vay ngân hàng, giờ cây lại không bán được nên đang thi nhau bán tháo làm giá cây cảnh đang rớt nhanh”.

Phóng to

Lao động làm thuê uốn tỉa sanh thế cho một chủ trang trại có hơn 3.000 gốc sanh cảnh ở xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) - Ảnh: Việt Hà

Vẫn “bài học” cũ

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, từ năm 2006 trở lại đây phong trào trồng cây cảnh ở Thành Nam góp phần mang lại nguồn thu khổng lồ cho địa phương. Giai đoạn 2006-2008, chỉ riêng doanh thu từ trồng sanh cảnh mỗi năm đã đạt 300-400 tỉ đồng, đến năm 2010 tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng. Các chậu sanh cảnh, sanh thế có giá từ 200 triệu đồng tới cả chục tỉ đồng được thương lái về mua để xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Thế nhưng từ giữa năm 2011 đến nay, hầu như bà con đều gặp khó khăn đầu ra, lượng sanh cảnh bán rất chậm. Theo ông Lê Quang Chức - chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Nam Định, lượng cây cảnh xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch chủ yếu là cây phôi (chưa uốn tỉa), nhưng hiện nay đã mất hẳn thị trường này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nghĩa, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Đồng Đăng, Lạng Sơn), cho biết sở dĩ trong thời gian qua nhu cầu nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát bên Trung Quốc tăng mạnh là nhờ hoạt động đầu tư xây dựng và mở rộng thành phố Nam Ninh, vì vậy các cơ quan, công sở và nhà dân đều có nhu cầu mua cây cảnh, cây thế để làm đẹp. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng đã hoàn thiện nên các thương nhân Trung Quốc không còn nhập cây cảnh nữa.

Chuyện các vùng quê đổ xô trồng cau vua cách đây 10 năm, hoặc mới đây là sưa đỏ, vẫn còn nóng hổi. Những năm 2001-2002 khi xuất hiện cơn sốt đất, các khu đô thị, du lịch, đại lộ mọc lên ầm ầm, vì thế cũng rộ lên mốt trồng cau vua để làm đẹp đại sảnh, vườn nhà, dải phân cách. Các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội... mọc lên hàng loạt làng chuyên cau vua. Nhưng chỉ được dăm ba năm cau vua “mất ngôi”, lần lượt rớt giá thảm hại xuống còn 3-4 triệu đồng một cây to cỡ hai đứa trẻ ôm, giờ thì mỗi cây chỉ còn bán được khoảng 200.000-500.000 đồng.

Ở các làng cau vua Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), Phúc Thọ (Sơn Tây, Hà Nội)... nơi nhiều người dân đua nhau đi mướn ruộng lập trang trại trồng cau vua, giờ các gốc cau đã to bằng cột đình mà không sao bán được, gọi khách đến cho không họ cũng chẳng nhận. Muốn tự chặt đi cũng đâu có dễ vì phải thuê người, thuê máy cẩu mới đủ sức “đánh vật” với cả ngàn gốc cau to đùng. Nhiều chủ ôm cả trang trại cau bạc tỉ trong tay mà không bán nổi cây nào, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng, trả tiền thuê ruộng.

Anh Bùi Huy Hưởng, 35 tuổi, ở thôn Đổng Viên, chủ vườn cau vua đã 5-10 năm tuổi trồng trên 1ha đất trang trại do thuê lại ruộng của bà con ở ven đê sông Đuống, cho biết: “Tôi đã chặt bỏ rất nhiều vì không nuôi nổi, giờ chỉ còn để lại gần 200 cây. Quanh đây còn hơn chục vườn như của tôi, cũng chẳng vườn nào bán được”. Cách đây 7-8 năm, mỗi cây cau như vậy có giá 30 triệu đồng, nhưng nay khách trả 200.000 đồng anh cũng bán.

Phóng to
Vườn cau vua đã 5-10 năm tuổi của anh Bùi Huy Hưởng đã bị chặt bớt còn lại gần 200 cây mà vẫn chưa bán được cây nào - Ảnh: Việt Hà

Trạm trưởng trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), bà Nguyễn Thị Hiền, nói rằng trước đây hoạt động xuất khẩu cây cảnh sang Trung Quốc rất sôi động, đặc biệt là giai đoạn cách đây khoảng 4-5 năm, nhưng hiện nay hầu như không còn lô hàng nào xuất qua nữa.

Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), một trong những cửa ngõ trọng điểm xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất cây cảnh sang Trung Quốc, ông Nguyễn Trung Hà, phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 kiêm trạm trưởng trạm kiểm dịch thực vật Móng Cái, cho biết: “Khoảng từ giữa năm 2012 đến nay, hoạt động xuất khẩu cây cảnh, cây thế và cây bóng mát của Việt Nam qua Trung Quốc đã gần như “đóng băng”.

Số lượng xe chở cây cảnh từ dưới xuôi lên Móng Cái giảm hẳn. Thời gian qua chỉ có một vài loại cây bóng mát làm cảnh như cây nhội, được tạm nhập tái xuất từ Lào về, là còn có thể xuất qua Trung Quốc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận