TTCT- LTS: Nói chuyện giới tính với trẻ không bao giờ là chuyện cũ và chưa từng hết khó khăn, bất chấp chúng ta ngày càng có nhiều kinh nghiệm và thông tin hơn. Ai sẽ nói, nói thế nào, xác định giới hạn của câu chuyện tùy thuộc độ tuổi của trẻ ra sao... là những điều hóa ra rất gây tranh cãi. TTCT mở diễn đàn mới để mang đến những góc tiếp cận khác nhau cho chủ đề hóc búa này. Minh họa: Ry Nguyễn Một bé gái hỏi: “Mẹ ơi, con được sinh ra ở đâu?”. Vốn là một người có tư tưởng cấp tiến về giáo dục giới tính, mẹ bé giảng giải khá gãy gọn về quá trình thụ tinh, mang thai rồi sinh nở. Bé ngoan ngoãn lắng nghe từ đầu đến cuối khiến mẹ càng hào hứng. Dứt lời, mẹ chốt lại một câu: “Bây giờ thì con đã hiểu chưa?”, bé thật thà đáp: “Dạ con hổng nhớ, con chỉ muốn biết mình được sinh ra ở đâu, Hà Nội hay Sài Gòn?”. Và câu chuyện tưởng như đùa về một vị bác sĩ hỏi một thiếu nữ rằng cô sinh ở đâu để điền vào mục “nơi sinh/quê quán” trong bệnh án. Cô gái đỏ mặt không chịu nói, mãi rồi đành chỉ tay xuống phía dưới đùi nói: “Em sinh ra ở... đây ạ!”. Những mẩu chuyện đó ta vẫn nghe thường, tựu trung cho thấy nói chuyện về giới tính không hề dễ dàng. Trước tiên là việc của cha mẹ Dù ở thời đại nào, gia đình vẫn có bổn phận dạy cho con cái, không thể khoán cho ai khác, những kiến thức về sự phát triển tính dục, các mối quan hệ, sự thay đổi thể chất, vai trò giới, tình bạn, tình yêu, tình dục - những điều liên quan đến nếp nhà, các giá trị, lòng tin, thái độ và nhất là hành vi, từ đó hình thành nên nhân cách của mỗi người. Thời nay, hình ảnh và thông tin về giới tính, tình dục xuất hiện khắp chốn, trong sách báo, trên truyền hình, phim ảnh, quảng cáo, Internet. Ấy vậy mà trong các cuộc chuyện trò giữa cha mẹ và con cái, đề tài này vẫn như là hàng cấm! Đến nỗi trẻ thắc mắc về giới tính không dám hỏi người nhà, vì sợ bị đánh giá là “tầm bậy, hư hỏng”. Tới tuổi dậy thì lại càng ngại đặt câu hỏi vì e rằng cha mẹ sẽ nghi ngờ hạnh kiểm của mình. Hầu hết các bậc cha mẹ có thái độ kém tự nhiên khi nói với con về chủ đề này là vì: • Cho rằng biết sớm sẽ làm hoen ố tâm hồn ngây thơ của con trẻ. • Thiếu chủ động, không có kế hoạch rõ ràng cũng như kiến thức - phương pháp - nội dung những điều cần dạy con về giới tính và tình dục. • Ngộ nhận giáo dục giới tính là dạy... quan hệ yêu đương nên ngượng ngùng, e ngại, dè chừng. Khi nào nên nói và nói làm sao? Rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn và thiếu tự tin trong chia sẻ vấn đề này với con trẻ. Vì thế, họ có thể cậy đến chuyên gia lĩnh vực này. Cần cân nhắc độ tuổi và mức độ khi nói với trẻ, không quá sớm khiến trẻ “chẳng hiểu gì” hoặc ngược lại gây tò mò ham muốn, cũng không quá muộn khi trẻ đã có những ấn tượng tiêu cực và sai lệch. Cha mẹ có thể nói về giới tính từ lúc trẻ biết nói chuyện (3-5 tuổi), lứa tuổi cho cha mẹ rất nhiều cơ hội để trả lời con những thắc mắc về đủ mọi thứ. Còn nói về tình dục với trẻ sau tuổi lên 8 hoặc muộn nhất ở tuổi 12 thì nên nhờ chuyên gia. Nói sao cho con trẻ không cảm thấy đề tài quá nặng nề hoặc xem là điều sai trái. Luôn giữ bầu không khí cởi mở để khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Không chế giễu, cợt nhả, mắng mỏ hoặc thờ ơ, ậm ừ cho qua. Không né tránh bất kỳ thắc mắc nào của con. Cần lắng nghe, tỏ thái độ quan tâm đến vấn đề trẻ đang nói để con thấy thoải mái, tin cậy khi được tâm sự với cha mẹ. Thường xuyên có những cuộc nói chuyện ngắn thay vì dồn lại nói một lần “thả phanh” làm con bị “ngộp”. Ta có thể nói đơn giản nhưng không được nói sai. Thăm dò trước khi nói, xem con đã biết gì rồi và muốn biết thêm không. Trả lời ngắn gọn và nhã nhặn tùy theo độ tuổi của trẻ. Không cần thiết nói nhiều hơn cái con hỏi, khi muốn biết thêm, trẻ sẽ hỏi tiếp. Đừng quên thỉnh thoảng “châm dầu” bằng một lời khen, vừa khích lệ con tìm hiểu vừa để câu chuyện giáo dục giới tính giữa hai bên đỡ “nghiêm trọng”, khô cứng. Giải thích, cung cấp thông tin rõ ràng. Đừng đợi đến khi con lớn Chờ con hỏi mới nói là đã trễ! Hãy tranh thủ những tình huống hằng ngày để gợi chuyện. Có thể nói khi đang tắm rửa thay đồ cho con, đi chơi, rửa chén đĩa hoặc khi cùng xem tivi. Đừng bắt con che mắt hay quay mặt đi khi có cảnh nam nữ hôn nhau trong phim, trẻ sẽ hiểu đó là chuyện hoàn toàn bình thường giữa hai người yêu nhau, cảm nhận đó là một phần đẹp đẽ của cuộc sống, không phải là chủ đề cấm kỵ, thần bí hay tội lỗi. Có quá nhiều thông tin về giới tính trên các phương tiện truyền thông, trong đó có cái không chính xác, lệch chuẩn. Cha mẹ cần đóng vai trò “bộ lọc” trước rừng thông tin ấy. Cho trẻ đọc hoặc đọc cùng trẻ những cuốn sách phù hợp, nhân cơ hội đó giải thích quá trình trưởng thành thể chất qua những bức hình minh họa về thay đổi cơ thể (sự phát triển của ngực, râu ria trên mặt, các bộ phận giới tính của hai phái...). Cư xử tôn trọng, bình đẳng (nhưng không ngang hàng) với trẻ như với một người lớn khác.■ Tags: Nói chuyện giới tínhChuyện giới tínhNói sao cho dễ nghe
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris, bắt đầu chuyến thăm Pháp DUY LINH 04/10/2024 Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã đến Pháp, bắt đầu các hoạt động từ ngày 4-10 với nhiều nội dung quan trọng.
Tin tức sáng 4-10: Giá USD ngân hàng bất ngờ bật tăng; 'Ém' loạt giao dịch, một công ty bị phạt nặng TUỔI TRẺ ONLINE 04/10/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm ở nhiều kỳ hạn; Xu hướng doanh nghiệp dùng AI tìm nhân sự, sàng lọc hồ sơ xin việc; Chủ tịch một doanh nghiệp nhà nước xin nghỉ sau chưa đầy nửa năm...
Mỹ bất lực, đau đầu với Trung Đông THANH BÌNH 04/10/2024 Những câu chuyện hậu trường được tiết lộ cho thấy: Sau một năm cố gắng, có lẽ Mỹ đang ngày càng bất lực và không thể ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông.
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về cây trồng tại Hà Nội còn bọc nguyên vỏ bao xi măng ở rễ PHẠM TUẤN 03/10/2024 Liên quan tới việc cây xanh tại Hà Nội không tháo bầu cây khi trồng bị bật gốc sau bão số 3, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ truy tìm chủ đầu tư.