TTCT - Một trong những yếu tố quan trọng của điều trị bệnh nhân mắc ung thư là giúp họ hiểu về bệnh, giữ vững tâm lý, kiên cường chiến đấu với bệnh.

Bác sĩ khuyên nên chấp nhận thực tế bệnh tật để có một chương trình điều trị hiệu quả. Ảnh chụp tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Bác sĩ khuyên nên chấp nhận thực tế bệnh tật để có một chương trình điều trị hiệu quả. Ảnh chụp tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Rất nhiều bệnh nhân, thân nhân đã tìm đến chúng tôi với một câu hỏi không hề dễ trả lời: “Tôi phải làm sao đây?”. 

Chăm sóc giảm nhẹ là một phần công việc hằng ngày của bác sĩ. Sau đây là những gợi ý chúng tôi thường tâm sự với bệnh nhân và người nhà, đã giúp ích không ít người vượt qua thời khắc khó khăn...

1. Ung thư không phải dấu chấm hết

Ung thư cũng chỉ là một vấn đề về sức khỏe. Thông điệp này muốn truyền tải đến người bệnh rằng ung thư cũng như các căn bệnh mãn tính khác như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp...

Vậy, khi nhận được thông tin chẩn đoán xác định bệnh, tất nhiên ai cũng buồn, cũng sốc, nhưng không nên xem đó là “thảm họa”. Kể cả người thân trong gia đình hay các mối quan hệ gần gũi của người bệnh cần tỉnh táo, là chỗ dựa cho bệnh nhân.

Ung thư không phải là dấu chấm hết cuộc đời. Bệnh ung thư không chữa lành được, nhưng chất lượng cuộc sống vẫn có thể duy trì và đảm bảo nếu được chữa trị đúng hướng.

2. Ung thư là căn bệnh của người khỏe mạnh, của người có tuổi thọ và là bệnh của xã hội phát triển

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi các bệnh mãn tính khác được điều trị dự phòng tốt, chất lượng điều trị nâng cao thì tuổi thọ con người nâng cao. Điển hình là các bệnh tim mạch, chuyển hóa...

Chính vì lẽ đó, tỉ lệ mắc bệnh ung thư cũng sẽ tăng cao theo tuổi thọ, theo chất lượng cuộc sống. Điều này hoàn toàn có lý, nhất là đối với các nước phát triển và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.

3. Ung thư sẽ dẫn đến chết

Chấp nhận thực tế này có thể rất khó khăn, nhưng khi hiểu được tiến trình bệnh tật cũng như sự lão hóa của cơ thể sẽ làm người bệnh dễ dàng thích ứng với các diễn tiến tiếp theo của bệnh mà không có sự phản kháng về mặt cơ thể sinh lý.

Sự phản kháng về mặt tinh thần sẽ ảnh hưởng đến thể dịch, đến nội môi cơ thể. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị và hiệu quả việc điều trị. Sự lão hóa và bệnh tật là quy luật.

“Sinh - lão - bệnh - tử”, không người nào có thể đi ngược lại. Tất cả mọi người sẽ đi và rồi cũng sẽ đến. Vì vậy chúng ta không nên chối bỏ, không nên đi ngoài quy luật.

Tuy nhiên, công việc chăm sóc giảm nhẹ là một trong bốn yếu tố quan trọng của chương trình phòng chống ung thư quốc gia sẽ giúp bệnh nhân ung thư có cuộc sống chất lượng hơn, từ khi có chẩn đoán bệnh cho đến khi kết thúc cuộc sống.

Đồng thời chăm sóc giảm nhẹ có kế hoạch sẽ giúp bệnh nhân và gia đình có được sự chuẩn bị tốt về mọi mặt để ứng phó với bệnh tật.

4. Ung thư, dũng cảm đối mặt

Ung thư là định mệnh, người bệnh phải dũng cảm đối mặt với nó, chiến đấu với nó từng ngày từng giờ. Chấp nhận được điều này về mặt tâm lý sẽ giúp chính người bệnh dễ dàng giải tỏa được áp lực bệnh tật và sẵn sàng đối mặt với diễn tiến bệnh.

Sự tuân thủ điều trị và tương tác với nhân viên y tế là những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến sự tuân thủ điều trị, nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư.

Mỗi năm nước ta có khoảng 110.000 người mắc ung thư mới, khoảng 82.000 người tử vong do căn bệnh này. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 40-80% bệnh nhân ung thư có nguy cơ sụt cân và 30% chết vì suy kiệt, trước khi chết vì ung thư.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hơn 50% bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư đã đối mặt với chứng chán ăn, hay lo âu, buồn bã, cơ thể mệt mỏi nên không vượt qua được các liệu pháp điều trị.

Ngoài ra, khối u còn tiết các hóa chất trung gian gây viêm, ức chế cảm giác thèm ăn... Hậu quả 50-90% bệnh nhân ung thư bị sụt cân nhanh, hơn 90% bệnh nhân giai đoạn cuối bị suy kiệt, không đáp ứng miễn dịch, điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng với người bệnh ung thư, muốn có sức khỏe để chống chọi với bệnh tật thì phải luôn cố gắng giữ cho mình tâm lý lạc quan, chú trọng ăn uống và dinh dưỡng đúng cách.

Một bữa ăn dành cho bệnh nhân ung thư được coi là phương pháp điều trị dinh dưỡng đúng đắn phải đáp ứng năm yêu cầu: đầy đủ thành phần dinh dưỡng, giàu năng lượng, tăng cường chất đạm, tăng cường EPA (một loại axit béo omega-3), dễ chế biến và hợp khẩu vị. 

(Nguồn: Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận