Nói với con về giới tính

TTCT - Ngày nay, với phương tiện thông tin đại chúng, cha mẹ ít nhiều được trang bị kiến thức về tình yêu, tình dục và an toàn tình dục. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết giáo dục giới tính cho con như thế nào cho đúng, bắt đầu từ đâu và bắt đầu từ độ tuổi nào là thích hợp.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Khi nào nên nói với trẻ?

Giáo dục giới tính đòi hỏi đúng thời điểm. Không quá sớm để trẻ có thể lĩnh hội được. Đồng thời cũng không quá muộn vì trẻ hiểu sai có thể có hành vi sai. Chuyên gia giáo dục Mỹ, tiến sĩ Laura Berman khuyên các bậc phụ huynh nên nói với con về giới tính tùy theo độ tuổi. Nói bằng cách không dùng ẩn từ mà phải gọi đúng tên những bộ phận kín của cơ thể. Ví dụ: bộ phận sinh dục nam gọi là dương vật, bộ phận sinh dục nữ gọi là âm hộ. Khi chúng ta dùng các thuật ngữ đúng sẽ giúp trẻ hiểu và nhìn nhận các bộ phận cơ thể của chúng một cách không xấu hổ. Đây là bước khởi đầu tốt để về sau các bậc phụ huynh dễ dàng giáo dục giới tính cho trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả.

Có thể chia ra các độ tuổi để giáo dục giới tính cho trẻ như sau:

- Từ 2-5 tuổi: Ở tuổi này trẻ thường thích thú với việc sờ mó bộ phận sinh dục khi chúng trần truồng, đi vệ sinh, đi tắm, nhất là bé trai. Còn bé gái thì hay thắc mắc tại sao sinh ra được em bé. Khi ở độ tuổi lên 3, trẻ có rất nhiều câu hỏi về cơ thể mình và người khác như: “Tại sao con lại ngồi tè mà anh lại đứng?”, “Con sinh ra từ đâu?”, “Con trai khác con gái chỗ nào?”, “Tại sao mẹ có vú to mà con không có?”... Trẻ thích thú tìm hiểu cơ thể mình là hoàn toàn tự nhiên, vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng và nên xem đó là chuyện bình thường. Đây là thời điểm thuận lợi để cha mẹ trò chuyện với con. Cha mẹ nên dùng tranh ảnh minh họa khi giáo dục giới tính cho trẻ.

Ở lứa tuổi lên 5, trẻ thường tìm hiểu cơ thể để phân biệt giữa nam và nữ. Trẻ thường chơi trò đóng giả làm cha mẹ, thích trò chơi làm bác sĩ cho phép trẻ khám phá thân thể của nhau. Cha mẹ dạy trẻ các từ ngữ về cơ thể, những sờ chạm “được phép” và “không được phép”. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa việc trẻ bị lạm dụng. Mẹ có thể nói với bé gái rằng: “Chỗ này (bộ phận sinh dục, môi, ngực...) chỉ có mẹ và con là được chạm vào thôi nhé”, với bé trai thì: “Con có thể sờ vào nó (dương vật) lúc ở nhà thôi”.

Cha mẹ cần trả lời thắc mắc của con một cách tự nhiên, đơn giản và trung thực. Trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể hiểu một cách đơn giản việc em bé từ đâu mà ra, em bé lớn lên trong bụng mẹ thế nào. Cha mẹ không nên nói với con như: cha mẹ hôn nhau nên có con, con là do cha mẹ nhặt được... Cha mẹ có thể trả lời rằng: “Con là do kết quả tình yêu của cha mẹ mà thành, con có một chỗ để sinh ra”.

- Từ 6-11 tuổi: Giai đoạn cơ thể trẻ chuẩn bị phát triển, cha mẹ cần có những kiến thức về phát triển cơ thể người. Một số bé gái dậy thì sớm, cha mẹ cần cho trẻ biết về kinh nguyệt, sự phát triển tuyến vú, hướng dẫn trẻ cách vệ sinh thân thể. Cha mẹ cần nói cho bé trai biết về việc đôi khi ngủ dậy quần bị ướt. Cha mẹ cần cho trẻ biết cảm giác trẻ sẽ trải qua ở giai đoạn này để trẻ chuẩn bị tâm lý chứ không đợi đến khi dậy thì rồi mới nói. Cha mẹ cần chú ý tình bạn khác giới của trẻ trong giai đoạn này rất khó hiểu, thất thường và mất ổn định. Trẻ đi học sẽ bị ghép đôi, trẻ thường sợ bị hiểu lầm. Vì thế, cha mẹ giúp trẻ phân biệt giữa rung cảm về giới tính và tình cảm yêu thương.

- Từ 12-17 tuổi: Bé gái có kinh nguyệt, ngực phát triển. Bé trai bắt đầu vỡ tiếng, lún phún râu và mặt có mụn trứng cá. Lông mu, lông nách xuất hiện. Xuất hiện hiện tượng dậy thì trẻ sẽ dễ cáu gắt, vui buồn thất thường, thích khẳng định mình, thích khám phá... Các em bắt đầu giai đoạn dò dẫm và bước vào chuyện tình cảm. Từ “yêu” đơn phương (lớp 6), tiến đến chủ động chinh phục (lớp 8, 9), rung động đầu đời (10, 11, 12).

Cha mẹ cần phải trò chuyện nghiêm túc các vấn đề như cảm giác rung động đầu đời với người khác phái, việc quan hệ vợ chồng, các phương pháp tránh thai, khả năng mang thai và sinh nở. Cha mẹ nhất thiết phải giúp con biết giữ gìn và bảo vệ cơ thể, tránh những thử nghiệm nguy hiểm.

Cha mẹ phải chủ động hỏi để biết trẻ đang nghĩ gì về vấn đề giới tính để kịp thời uốn nắn và cung cấp những thông tin đúng, cần thiết.

Nên nói với con như thế nào?

Bắt đầu giáo dục từ khi con còn nhỏ thì cha mẹ sẽ ít bối rối. Ta trả lời các câu hỏi một cách đơn giản và nhã nhặn tùy theo độ tuổi của trẻ. Cha mẹ không cần thiết nói cho trẻ nhiều hơn cái trẻ hỏi. Khi muốn biết thêm, trẻ sẽ hỏi tiếp. Tốt nhất là cha mẹ sử dụng những tình huống mỗi ngày để bắt đầu trò chuyện. Cha mẹ có thể nói với con khi đang vui chơi hay cùng con rửa chén bát, dọn dẹp phòng, hoặc khi đang cùng chúng xem những chương trình thích hợp trên tivi. Điều này khiến trẻ cảm thấy việc này là một phần bình thường của cuộc sống và không phải là một chủ đề đặc biệt.

Cha mẹ cũng có thể cho trẻ đọc hoặc đọc cùng trẻ những cuốn sách thích hợp. Đối với những câu hỏi khó, cha mẹ có thể kéo dài thời gian để suy nghĩ bằng cách như: “Đó là một câu hỏi hay. Chúng ta sẽ nói về điều này vào tối mai nhé!”, hay “Chúng ta cùng tìm hiểu nhé”. Cũng có khi ta cần hỏi xem trẻ nghĩ gì về vấn đề này.

Trẻ thường để ý giọng nói và những gì cha mẹ nói, cần giữ bình tĩnh và bình thản để trẻ không cảm thấy đề tài quá nặng nề, hay nói về giới tính là sai trái.

_____________

Phóng to

Ngôi sao Jamie Lynn Spears là bà mẹ đơn thân tuổi teen thường được nhắc đến trong những đề tài giáo dục giới tính ở Mỹ - Ảnh: examiner.com

Vai trò của truyền thông

Các bậc phụ huynh thường có định kiến rằng truyền thông đang chống lại họ trong việc giáo dục giới tính cho con cái. Thật ra, thay vì chống lại những tin tức về tình dục trên báo chí, truyền hình, các bậc cha mẹ nên biết tận dụng lợi thế bằng cách tạo ra những tình huống giáo dục. Ví dụ khi xảy ra những chuyện như của Jamie Lynn Spears (*) hay Bristol Palin (**), hãy nhân vụ việc đó mà đặt câu hỏi cho đứa con tuổi teen của bạn: Con nghĩ gì về vụ này? Các bạn con nghĩ gì? Con có biết những bạn gái nào trong tình cảnh tương tự không? Các bạn phản ứng thế nào với bạn ấy?

Một cách khác để khởi sự những “khoảnh khắc giáo dục” là tranh thủ những lúc coi tivi cùng nhau. Nếu một cảnh yêu đương diễn ra, đừng tỏ ra ngần ngại hoặc đổi kênh. Hãy xem đó như một khởi đầu để nói với con bạn (có thể ngay lúc đó hoặc sau đó) như: Con có nhớ bộ phim hôm qua mình coi và họ nói về tình dục không? Trong trường con có bạn nào nói về chuyện đó không?...

Vai trò của lòng tự trọng

Đây cũng chính là lúc bạn truyền đạt cho con mình sự tự trọng bản thân. Có thể các bậc cha mẹ đã làm vậy rồi liên quan đến thành tích học tập, thể thao, âm nhạc, nhưng bạn cũng cần truyền đạt cho con mình ý tưởng rằng tình dục cũng là một điều cần trân trọng. Đó là một món quà, một niềm vui, không phải là thứ chúng phải gạt qua một bên hay để người khác lạm dụng.

Hãy dạy chúng rằng tình dục có thể tuyệt vời nhưng chỉ khi nào đúng hoàn cảnh, đúng lúc, đúng người. Còn nếu không như thế, nó có thể gây tổn thương, đau khổ hơn là thăng hoa và hạnh phúc. Hãy dạy con bạn rằng làm sao để không chỉ lần đầu tiên, mà cả những lần khác, thể xác của con được tôn trọng và trân quý, chứ không phải bị sử dụng và chà đạp.

_____________

(*): Jamie Lynn Spears, nữ diễn viên và ca sĩ, em gái của ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Britney Spears. Tháng 12-2007, khi mới 16 tuổi, Jamie Lynn Spears tuyên bố có thai với bạn trai Casey Aldridge và sinh con năm 2008. Vụ việc đã gây tranh cãi một thời gian dài về trường hợp có thai tuổi vị thành niên.
(**): Bristol Palin - con gái nữ TNS Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống Mỹ - từng tham gia chương trình truyền hình thực tế “Nhảy với ngôi sao”. Tương tự Jamie Lynn Spears, Bristol Palin có thai năm 18 tuổi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận