Nông dân đang đuối sức

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 05/07/2009 05:07 GMT+7

TTCT - Viện Chính sách và Nghiên cứu Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - Bộ NN&PTNT đã có báo cáo nghiên cứu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến nông dân VN, theo đó trên 60% nông dân đã bị ảnh hưởng mạnh.

Phóng to
Một nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đi mót lúa trong mùa thu hoạch - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trao đổi với TTCT, TS Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - IPSARD, cho rằng nhà nước phải bảo vệ nông dân tốt hơn trước nhiều “mũi tấn công” của thị trường. Ông Bình nói:

- Khi khảo sát chúng tôi nhận thấy hầu hết các sản phẩm xuất khẩu ở nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm không thiết yếu như hạt điều, tiểu thủ công nghiệp, kể cả chế biến thủy sản đã suy giảm khá mạnh. Diện tích bị bỏ hoang, đặc biệt tình trạng giảm đầu tư tăng đến trên 20%.

* Qua khảo sát, số lao động thất nghiệp phải về quê khi khủng hoảng là bao nhiêu?

- Tính từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn bốn tỉnh khảo sát có 21,7% lao động di cư mất việc phải trở về địa phương. Khủng hoảng kinh tế cũng ảnh hưởng đến lao động xuất khẩu. Trong bốn tháng đầu năm 2009, có 17,2% lao động xuất khẩu phải về nước trước thời hạn.

Tính chung cho cả vùng khảo sát có 36,9% lao động mất việc trở về địa phương là công nhân làm việc cho các doanh nghiệp. Khi về quê tìm việc, chỉ khoảng 6% trong số họ tìm được việc làm tại khu vực dịch vụ, công nghiệp ở địa phương, 5,3% tìm được việc trong khu vực nông nghiệp, còn lại là không có việc làm.

* Vậy ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng đến đời sống bà con nông dân ra sao, thưa ông?

- Số xã có hộ đói tăng lên, đặc biệt là tại khu vực miền núi, chúng tôi ghi nhận 8,8% số xã có hộ đói tăng. Điển hình là Lạng Sơn, số xã có hộ đói đã tăng tới 8,9%. Suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm nông nghiệp. 71,6% số xã cho biết các sản phẩm nông nghiệp phải bán với giá thấp hơn so với năm 2008 với mức trung bình 14%. 14% xã báo cáo có sản phẩm nông nghiệp không bán được. Vụ đông xuân năm 2009, 4,9% diện tích đất canh tác cây hăng năm bị bỏ hoang. Tỉ lệ đất nuôi trồng thủy sản bỏ hoang năm 2009 cao hơn năm 2008 khoảng 0,7%.

Khủng hoảng kinh tế đã làm hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là các khoản chi không thường xuyên. Qua khảo sát, có đến 68,4% số xã/bốn tỉnh phải giảm chi tiêu mua thịt cá. Có 52,3% số xã được khảo sát cho kết quả chi tiêu của hộ gia đình cho xây dựng giảm, với mức giảm trung bình 25,9%. Bình Thuận và Nam Định vẫn là hai tỉnh có tỉ lệ cao nhất về giảm chi tiêu cho xây dựng và mức độ giảm lớn (34,8% ở Bình Thuận, 22,3% ở Nam Định).

* Với thực trạng trên, theo ông, nông dân cần được giúp gì?

- Trước tiên phải thấy là nông dân vẫn ở trong trạng thái rất dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ tốt hơn. Hiện nhiều người cổ xúy phát triển nông nghiệp nhưng không đưa ra mục tiêu rõ ràng việc phát triển đó phục vụ ai. Hiện chúng ta đang ở tình trạng rất nguy hiểm là cứ cổ vũ cho những dự án giúp thoát khỏi sản xuất nông nghiệp.

Các cụm công nghiệp thường mọc lên ở khu bờ xôi ruộng mật. Dịch vụ cũng thế, ở một số tỉnh người ta sẵn sàng di chuyển ngay cả trăm hộ dân đi chỗ khác để nhường đất cho một doanh nghiệp. Như thế là người dân bị ra rìa, phải đối mặt với những khó khăn về đất ở, đất sản xuất mà sân golf là một ví dụ.

* Theo ông, qua cuộc khủng hoảng này có cơ hội nào để tạo lập một nông thôn và nông nghiệp hiện đại?

- Khủng hoảng là lúc đưa ra những giải pháp tái cấu trúc. Đây là điều đáng được chờ đợi nhất vì nó mở đường cho tương lai. Ngay trong chính sách hỗ trợ vừa qua, theo tôi, nên đưa ngay việc tái cấu trúc vào. Chẳng hạn như Nhà nước có thể ưu tiên hỗ trợ hộ nông dân nào tuân thủ nghiêm túc việc quản lý chất lượng hàng hóa, ưu tiên cho người có khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật để xuất khẩu, có thể sản xuất theo quy trình hiện đại, sức cạnh tranh cao. Hay ít nhất là ưu tiên trang trại sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp không phá hợp đồng với nông dân, đóng bảo hiểm cho công nhân tử tế...

Như thế, khủng hoảng sẽ giúp loại bỏ những doanh nghiệp không theo xu thế phát triển. Hiện tại chúng ta làm theo kiểu hòa cả làng, không khuyến khích tái cấu trúc để hình thành những con đường mới, giá trị mới.

* Kinh nghiệm cho thấy bị thu hồi đất là mốc thay đổi cuộc đời, thường không lấy gì làm tốt cho nông dân. Làm gì để giúp những người nông dân sản xuất nhỏ trước làn sóng thu hồi đất hiện nay?

- Người dân bị thu hồi đất hầu như không có khả năng mua ruộng khác để làm nông. Các nước có quy hoạch lãnh thổ chỉ rõ vùng nào làm nông, vùng nào làm đô thị. Quy hoạch này ổn định trong 10-20 năm và không phải lãnh đạo tỉnh hay cấp chính quyền nào muốn thay đổi cũng được.

Muốn thay đổi phải có một bản quy hoạch khác chứng minh được tính ưu việt cho xã hội. Chúng ta phải kiểm soát và có chính sách để trang trại về tay những người muốn làm nông nghiệp thật sự, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, vừa đảm bảo việc làm cho nông dân mất đất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận