Nông dân học thích ứng với biến đổi khí hậu

MẠNH HOÀI NAM 21/08/2010 15:08 GMT+7

TTCT - Mỗi tuần một buổi các học viên ra ruộng lội sình, chọn và lai tạo giống lúa thuần thích ứng biến đổi khí hậu. Nhìn thửa ruộng nhiễm mặn với hàng ngàn lá lúa non đang vươn dài, lòng mọi người dâng lên niềm vui.

Phóng to
Học viên thực hành tại ruộng lúa chọn ra dòng phân ly - Ảnh: M.H.N.

Tranh thủ thời gian ba tháng hè của Trường mẫu giáo thôn 2 (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên), 20 học viên là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã cùng nông dân vào đây để nghe giảng viên thuyết trình, ghi chép kỹ thuật chăm sóc, tạo chọn các giống lúa chịu mặn, chịu phèn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và kiểm tra kết quả trên đồng ruộng sau vụ mùa ba tháng sắp kết thúc.

Ông Đặng Văn Mạnh, phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, cho biết đây là lớp học do SEARICE, tổ chức nâng cao năng lực cộng đồng vùng châu Á có trụ sở đóng tại Philippines, hỗ trợ tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên, và là lớp thứ ba được tổ chức đồng thời tại Thái Lan và Philippines.

“Cái hay của việc tham gia lớp học này là thường xuyên phân tích hệ sinh thái của cây lúa từng giai đoạn, từ đó tìm ra đặc tính các giống lúa, lai tạo chọn ra các giống lúa thích ứng” - chị Lê Thị Đẹp (40 tuổi) nói. Lâu quá không cầm bút nên khi viết, chữ trên trang giấy cứ nguệch ngoạc, nhưng trong đầu chị Nguyễn Thị Ngọc đã biết cách làm cho các giống bị thoái hóa khỏe hơn, chọn tạo ra các giống mới.

Chị giãi bày: “Lâu nay làm ruộng chịu áp lực sâu bệnh nhiều, nay tôi nắm bắt được quy trình canh tác lúa, dùng giống xác nhận, sạ thưa hợp lý, bón phân cân đối, quản lý sâu bệnh...”.

Lớp học được thực nghiệm trên diện tích 1.000m2 ruộng, với các giống lúa khác nhau nhằm phát triển nguồn gen cây lúa, chọn ra những dòng phân ly phù hợp chất đất. Cánh đồng xã An Ninh Tây vốn bị nhiễm mặn, có những vụ lúa trong giai đoạn đẻ nhánh phát triển tươi tốt thì bị ngã rạp do nước biển xâm thực.

Bên cạnh đó có những đám ruộng ngập úng, sau khi nước rút cây lúa còn sống sót thưa thớt chưa kịp ra lá non thì lớp phèn từ dưới đất phụt lên, xóa sổ cả cánh đồng, hàng trăm nông dân nhìn vụ lúa mất trắng mà chỉ biết than trời.

Từ khi tham gia lớp huấn luyện, các học viên nắm được kỹ thuật chọn tạo giống chịu mặn, chịu phèn, sử dụng cơ cấu giống, bố trí thời vụ thích hợp và đặc biệt là biết được các đặc tính giống lúa thích ứng với vùng đất này. Điều đáng nói là lớp học giúp thay đổi thói quen của người nông dân phục vụ cho lợi ích cộng đồng.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, tỉ lệ nông dân quen để giống bấy lâu nay chiếm đến 90%. Qua lớp học này, họ ý thức việc trao đổi giống với nhau, góp phần cải thiện chất lượng giống trong cộng đồng. “Từ nay về sau làm ruộng không còn nơm nớp lo sợ mất mùa do nhiễm mặn, nhiễm phèn nữa. Mạnh dạn mà nói, lớp học này trang bị kiến thức cho nông dân chúng tôi có đủ bản lĩnh chống lại biến đổi khí hậu” - một học viên nói.

Không những giúp nông dân mà lãnh đạo địa phương tham gia lớp học cũng “thấm thía” để đặt mình vào vị trí chống lại những tác động của biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Hoàng Phố, chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp An Ninh Tây, thừa nhận: “Thông qua lớp học này, với cương vị là người đứng đầu hợp tác xã nông nghiệp, tôi đã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từng chất đất chứ không bám trụ một loại cây trồng như lâu nay”.

“Lớp huấn luyện hướng dẫn nông dân chọn tạo các giống lúa chịu phèn mặn, chịu hạn, chịu ngập úng. Nghiên cứu này đặc biệt quan tâm để biết các vùng điều tra và cách thức mà biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học nông nghiệp và hệ thống cung ứng giống tại cộng đồng” - ông Đặng Văn Mạnh, phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận