​Nông dân thành phố

PHI TÂN (HUẾ) 20/10/2014 23:10 GMT+7

TTCT - Buổi chiều tha thẩn quanh xóm thấy lão “nông dân thành phố” đang ngồi trà lá trước hiên nhà, tay cầm tờ báo có vẻ rất chăm chú, tôi ghé vô chơi.

Minh họa: Salem
Minh họa: Salem

Lão nói ngay đến chuyện thời sự: “Này cái vụ máy bay của Mã Lai càng tìm càng mù mịt hí. Thằng mô tìm được mới là tài...”. Tôi thầm cười vì cái kiểu so sánh không giống ai của lão. 

Xóm có tên là xóm Ruộng vì ngay trước mặt nhà đã là cánh đồng Bàu Vá, ruộng đồng còn cận kề hơn nhà ở làng quê. Đã là xóm Ruộng nên trong xóm có mấy người làm nghề nông mà làm nông chuyên nghiệp nhất là ông Chu, tôi hay gọi vui là “lão nông dân thành phố”.

Vườn nhà lão rộng mênh mông lại thêm cả mấy thửa ruộng trước mặt nhà. Mùa nào thức nấy, vườn lão có đủ thứ cây từ mít, xoài, đào, ổi, khế ngọt khế chua, trần bì, chay rồi vả, rồi gấc, bầu, bí, mướp, rau các loại, cây chìa thơm, rồi hoa cúc, hoa thọ...

Đã sát thất thập nhưng lão vô cùng khỏe, đứng làm vườn cả ngày thấy rất thong dong. Lão nói: “Cả thành phố ni ai cũng thể dục thể thao. Tau thì không, thể dục thể thao bằng cuốc bằng cào hằng ngày ri là không thấy đau lưng mỏi xương chi cả...”. 

Là nông dân thành phố nên khác nông dân ở làng, ví như sáng mô lão cũng có một cữ cà phê, chiều lai rai vài lon và ngày mô cũng có một vài tờ báo để đọc cho biết tin tức thời sự. Hay chuyện hồi trước vợ chồng tôi mua đất của nhà lão, gom góp vay mượn chỉ trả được 2/3.

Giáp tết năm đó bí quá xin khất nợ sang năm trả lần lần. Lão cười hề hề: “Tau thông cảm cho vợ chồng bây nhưng tết ni phải đem qua tau thùng bia hí!”. Rồi chuyện giá đất ở mô lão cũng biết, chuyện quy hoạch rất rành rẽ... 

Nói chuyện thời sự máy bay một hồi lão quay sang chuyện quy hoạch thành phố, rồi cả chuyện kinh doanh. Tới đây nhà lão nằm trong vùng giải tỏa. Khu vườn sum sê cây trái của lão sẽ trở thành một tiểu công viên trong tương lai.

Tôi hỏi: “Chú có tiếc khu vườn của chú không?”. Lão cười hề hề: “Tiếc thì có tiếc nhưng tau cũng già rồi, nghỉ làm nghề nông thôi. Mai mốt nhà ra mặt tiền làm người thành phố thứ thiệt cũng sướng hơn chơ!”.

Buổi sáng đi làm, thấy mấy gánh bánh canh bên đường thỉnh thoảng tôi vẫn hay tạt vô ăn. Món bánh canh bột không biết từ bao giờ đã trở thành món ăn bình dân bậc nhất của xứ Huế vừa rẻ, vừa ngon. Cũng chẳng có bàn ghế chi, cứ chò hỏ hoặc lót dép mà ngồi ăn một cách tự nhiên.

Hỏi chuyện o bán bánh canh biết nhà o ở gần khu An Cựu City nhưng lại là người lao động nghèo thành thị. Trước đây, gia đình o vốn làm nông nhưng cơn lốc đô thị hóa đã cuốn đi hết những mảnh ruộng của gia đình o, thay thế là những khu đô thị mới sầm uất mọc lên. Không còn đất canh tác, o chuyển sang nghề bán cháo bánh canh.

Sớm tinh mơ o phải dậy nấu một nồi bánh canh rồi cho vào quang gánh cái nồi đang nóng, có khi cả mấy cục than hồng đang cháy đỏ chạy từ nhà rong ruổi từ đường Bà Triệu - Hùng Vương qua cầu Trường Tiền rồi mấy đường Trần Hưng Đạo - Phan Đăng Lưu đến 9-10 giờ mới bán xong một gánh.

Tôi hỏi: “Một ngày lời lãi được bao nhiêu tiền rứa o?”. O thong thả: “Bữa đắt được khoảng trăm bạc, bữa ế năm, bảy chục...”.

Hỏi: “Răng o không kiếm chỗ mô ngồi ổn định để bán cho khỏe?”. “Có chơ, mấy năm trước o bán phía đường bên tê cầu Trường Tiền nhưng họ mắc nợ nhiều quá, có người ăn xong không chịu trả, lâu ngày họ lờ luôn mà bán bánh canh như o có sổ sách chi mô mà ghi nợ. Thôi bán rong ri cho khỏe...”.

Lạ hè, ăn bánh canh tô có mấy ngàn đồng mà cũng có người xù không chịu trả tiền. O nói thêm: “Đi ri vất vả mà không ổn định, những ngày mưa gió lớn phải nghỉ bán. Hồi trước làm ruộng, làm vườn mà ổn định hơn. Nghề nông dân ngó rứa chơ cũng sướng!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận